Ca Đoàn Thiếu Nhi


Ở hải ngoại, hình như ca đoàn nào cũng thiếu hụt ca viên, vì những người lớn hát được tiếng Việt sành sõi thì lại bận bịu chuyện gia đình và công ăn việc làm, còn các em nhỏ phần vì nói tiếng Việt không rành, phần vì hình như không mấy thích sinh hoạt trong ca đoàn cho lắm.

Cứ để ý chúng ta thấy, có rất ít các em thiếu nhi lớn lên tham gia vào ca đoàn. Hầu hết những người tham gia ca đoàn là những người mới từ Việt Nam sang hoặc những anh chị từ ở những tiểu bang khác chuyển đến. Điều này cũng khiến chúng ta cần lưu tâm...

Một số những anh chị giúp ca đoàn Thiếu nhi gặp khá nhiều trở ngại, thí dụ như việc chuyên chở để các em đi tập hát, ngôn ngữ tiếng Việt không rành, làm sao để huấn luyện cho các em để các em vừa thích tham gia và vừa đạt được kết qủa.

Sau đây là một số ý mọn xin được chia sẻ với các anh chị về ca đoàn Thiếu Nhi.

1. Ban Điều Hành

Một Ban Điều Hành Thiếu Nhi gồm có 1 Ca trưởng và một số người phụ tá. Những người phụ tá này có thể là các Huynh Trưởng hoặc các phụ huynh của các em.

  • Người Ca trưởng: điều hành tổng quát và phụ trách phần luyện tập trong Ca đoàn. Vì là ca đoàn thiếu nhi, nên không đòi hỏi người Ca trưởng phải có tài năng về âm nhạc như những Ca trưởng của các ca đoàn lớn. Tuy nhiên, một Ca trưởng của ca đoàn thiếu nhi đòi hỏi phải có nhiều đức tính: vui vẻ và hoà đồng với các em; kiên nhẫn và dịu dàng khi gặp những khó khăn hay gặp phải những em "khó nói". Ngoài ra, người Ca trưởng của các em thiếu nhi ở ngoại quốc cũng cần biết một chút tiếng bản xứ (tiếng Anh, Pháp, vv..) để dễ nói chuyện và giải thích cho các em hiểu...

Những người phụ tá là những người giúp đỡ Ca trưởng trong những lãnh vực sau đây:

  • Lo việc chuyên chở các em đi tập hát, nếu cần.

  • Tổ chức các buổi vui chơi, sinh hoạt cho các em.

  • Lo đồng phục cho ca đoàn.

  • Chuẩn bị phòng ốc cho các em tập hát; chuẩn bị chỗ và âm thanh mỗi khi các em trình diễn hoặc hát lễ.

  • Giúp Ca trưởng trong việc đóng sách và bảo trì sách hát.

2. Chia Làm Hai Ca Đoàn:

Ở những xứ đạo có đông người Việt và có các lớp Giáo Lý - Việt Ngữ, các em Thiếu Nhi thường có đến cả trăm em. Việc tổ chức ca đoàn Thiếu Nhi không có gì khó khăn. Để việc huấn luyện được kết qủa, chúng ta có thể chia các em thành 2 nhóm (ca đoàn) tùy theo trình độ và khả năng của các em:

- Ca đoàn chính
- Ca đoàn phụ hay ca đoàn thực tập (training choir)

3. Tuổi Tác:

- Ca đoàn chính: con gái và con trai từ 9 tuổi trở lên (con trai phải là những em đã vỡ tiếng - broken voice).

- Ca đoàn thực tập: con trai và con gái từ 8 tuổi trở lên.

4. Thâu Nhận Ca Viên

Có 2 điều kiện để gia nhập ca đoàn: sự nhiệt tình và khả năng.

Nếu các em không thích hát mà bắt chúng vào ca đoàn thì thật... tội nghiệp, cho nên điều kiện đầu tiên là các em phải thích hát. Theo luật chung chung, thì sau 3 lần tập hát, nếu các em còn thích tham gia thì mới cho tên các em vào ca đoàn.

Khi thâu nhận ca viên, chúng ta cũng nên thử (test)  các em để biết trình độ trước khi sắp xếp cho các em vào trong một ca đoàn. Sau đây là một số phương pháp người Mỹ hay làm:

a). Thử cao độ nốt: Dùng đàn hay hát trước cho các em nghe một nốt (âm vực khoảng 1 octave: RE - RE). Sau đó nói các em lập lại (hát chữ A hay LA) nốt đó.

b). Thử trường độ và cao độ: Dùng 3 nốt một của một âm giai trưởng (a major key), thí dụ: Mi-Fa-Sol hay Mi-Sol-Do, rồi nói các em lập lại.

c). Phân Biệt Cao Độ (cao thấp)ä: dùng đàn đánh một nốt cho các em nghe trước. Sau đó đánh cho các em nghe nốt thứ 2 và hỏi các em nốt thứ 2 cao hơn hay thấp hơn nốt thứ nhất.

d). Phân Biệt Cường Độ (mạnh nhẹ): cũng như trên, nhưng đánh mạnh hơn hay nhẹ hơn, rồi hỏi các em.

e). Nói các em hát cho mình nghe một bài hát đơn giản mà các em đã biết.

f). Đệm đàn cho các em hát DO RE... một octave đi lên rồi đi xuống.

g). Nói các em làm theo mình một vài kỹ thuật, thí dụ: mở miệng chữ A, E, I, O, U,vv... hay hít hơi thật sâu mà không bị so vai lên...

5. Nội Qui (Choir Rules):

Đề nghị một số điều luật cho các em:

- Đi tập hát thường xuyên.
- Đi tập hát đúng giờ.
- Không ăn uống và nhai kẹo (schewing gum) trong lúc tập hát và hát lễ.
- Không chạy ra chạy vào trong lúc tập hát và hát lễ (trừ khi đi restroom).

6. Sinh Hoạt Ca Đoàn

a). Ca đoàn thực tập (training choir):

- Mỗi tuần tập hát 1 lần, chừng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.
- Có giờ giải lao (có nước ngọt, bánh trái cho các em.)
- Tập cho các em hát đúng tông (in tune).
- Tập cho các em hát rõ tiếng Việt.
- Tập nhạc lý căn bản
- Tập xướng âm căn bản
- Chọn những bài hát 1 bè, âm vực giới hạn (Đô thấp tới Đô cao của khóa Sol).
- Cho các em trình diễn trong các giờ sinh hoạt hay các dịp đặc biệt (văn nghệ) hơn là hát trong Thánh Lễ.

b). Ca đoàn chính:

- Tiếp tục huấn luyện cho các em về những năng khiếu và kỹ thuật như đã nói ở phần trên.
- Có thể chọn những bài hát 2 bè trở lên (tùy theo số người và khả năng). Âm vực có thể rộng hơn một chút (từ LÀ cho tới RE hay MI).
- Mỗi tháng có thể hát lễ 1 lần để các em có giờ tập kỹ các bài hát và học nhạc thêm.

7. Chọn Bài Hát Cho Thiếu Nhi

Chọn lựa nhạc cho Thiếu nhi khó hơn chọn lựa nhạc cho người lớn. Khi các anh chị chọn nhạc cho thiếu nhi thì nên nhớ 5 điều sau đây:

a). Bài hát không cao qúa hoặc trầm qúa, bằng không thì tăng lên hay hạ xuống cho vừa tầm cữ tiếng của các em.

b). Câu hát không dài qúa. Vì hơi của các em rất ngắn, nên mỗi câu hát nên vừa cho các em hát một hơi.

c). Các quãng giữa các nốt nhạc không xa qúa. Chuyển hành cách bậc càng xa bao nhiêu thì càng khó hát bấy nhiêu. Những bản nhạc có tính cách kịch trường (opera) thường chuyển hành cách bậc rất xa.

d). Ý tưởng của lời ca phải đơn sơ và thích hợp cho các em. Không nên chọn những bài có những ý tưởng cao siêu, lời ca bóng bẩy hay không hợp với tuổi trẻ (thí dụ: "đời con chất chứa bao u sầu...", "vì đời con lắm phen đã không tròn lời giao ước..", vv...)

e). Nên chọn những bài có tiết điệu đơn giản (những tiết điệu mà các em có thể vỗ tay được) để các em dễ nhớ và dễ tập.

Hoàng Hùng
với sự góp ý của các anh chị em trong nhóm Ca trưởng