Những bài hát xập xình

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế


Mới đây, nhạc trưởng Thiên Quang có gửi điện thư về hỏi ý kiến tôi về một vấn đề đang làm cho ông bức xúc. Ông yêu cầu trả tôi lời trên mạng Vietcatholic cho rộng đường dư luận. Bài trả lời ở đây không phải là ý kiến của riêng tôi, nhưng là lời dạy của Hội Thánh liên quan đến vấn đề. Vậy tôi xin dựa trên lời đó mà trả lời như sau :

Nỗi băn khoăn của nhạc sư Thiên Quang là có phải bây giờ Hội thánh rông rãi cho phép các thứ nhạc xập xình được dùng trong nhà thờ và có phải các thứ điệu phát xuất từ nhạc Jazz như Boléro, Twist, Rumba, Gogo, Surf  v.v… được tha hồ vùng vẫy trong nhà thờ hay không. Tôi xin nói ngay là không và dựa vào đâu mà nói như vậy. Thưa dựa vào những văn kiện và tài liệu của Tòa thánh. Nhưng Văn kiện là văn kiện, tài kiệu là tài liệu, còn người ta có nghe và tuân hành hay không lại là chuyện khác. Nhưng dù nghe hay không, thiết tưởng vẫn nên nhắc lại cho nhiều người biết (nếu chưa biết), và nhớ (nếu đã quên).

Thực ra, không nguyên gì nhạc sư Thiên Quang mà còn một số người khác nữa cũng chung một nỗi lòng như ông. Những người nàý tỏ ý lo ngại về khuynh hướng của nhiều người trẻ công giáo hiện nay yêu thích và cổ võ cho những bài hát xập xình trong nhà thờ. Có người như bạn Phi Hùng, phát biểu trên một tuần báo nọ như sau : “Việc sử dụng các bài thánh ca có tiết tấu hiện đại là hoàn toàn phù hợp và bình thường.”

 Không hiểu bạn Phi Hùng dựa vào đâu mà bảo những bài thánh ca có tiết tấu hiện đại là “hoàn toàn phù hợp và bình thường.”  Nếu cá nhân bạn Phi Hùng nghĩ thế thì khỏi nói, vì đó là địa hạt riêng tư  ;  phải hay trái, đúng hay sai, dư luận ngay thẳng sẽ phê phán. Còn nếu nói theo giáo huấn của Hộäi thánh về việc ca hát trong nhà thờ thì lại khác. Vấn đề ở đây không phải là ngặt nghèo hay buông thả như nhiều người trẻ thường nghĩ, mà là đàn hát như vậy có đúng với chức năng của Thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu hay không. Người ta hay nghĩ đến “cung cách vui tươi trẻ trung” như bạn Phi Hùng nói, mà ít nghĩ đến cung cách tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn người tham dự.

Những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến cộng đồng dại kết Taizé (Pháp) để gặp gỡ nhau và chung lời cầu nguyện. Họ hát thánh ca rất sôi nổi. Nhạc họ hát ở đây cũng vui tươi trẻ trung hiện đại, nhưng tiết tấu không phải là nhạc Jazz với các điệu Fox-strot, Surf, Twist, Gogo, Rumba, Rock v.v... như rất đông bạn trẻ V.N. ưa thích và muốn đưa vào nhà thờ. Nếu có các băng nhạc của Taizé như Jubilate, Cantate Domino và Come and worship, các bạn mang ra thử nghe coi. Trong đó có vỗ tay, có ca hát say sưa nồng nhiệt, nhưng người nghe không bị “chia trí” và kích động bởi tiết tấu của các bài ca như ở phòng trà hay các tụ điểm ca nhạc.

Về điểm này, đây là lập trường và giáo huấn của Hội thánh biểu hiện qua các tài liệu Thánh nhạc như :

Văn thư  Noviciis đề ngày 25.1.1967 của Đ.H.Y Lercaro, Chủ tịch Hội Đồng  thực thi Hiến chế Phụng vụ. Đ.H.Y viết :”Những gì thế tục như là điệu Jazz, nhạc kích động phải loại ra khỏi thánh đường, vì chúng không hợp với  bầu khí cầu nguyện nghiêm trang của thánh đường.”

Văn thư gửi Đại Hội Thánh nhạc Ý (đăng trên Osservatore Romano số 39). Trong văn thư này, Đ.H.Y. Jean Villot, Quốc vụ khanh Tòa thánh có viết : “Hãy cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí có tính thế tục, đặc biệt các bài hát kích động, gay cấn, rùm beng làm náo động khung cảnh thanh tĩnh của nghi thức phụng vụ. Những thứ nhạc đó không thể nào xứng hợp với mục đích cao cả của Phụng vụ là thánh hóa con người.”

Đức Thánh Cha Phao-lô VI phát biểu trước Đại hội Thánh nhạc của các nữ tu ở Roma năm 1972 đã nói : “Đối với những gì thuộc Thánh nhạc, không nên cảm hứng từ thể nhạc thời trang, vì nhạc thời trang thì hay thay đổi và đôi khi  mất giá  trị, không những về mặt thiêng liêng mà còn về mặt nghệ thuật nữa.”

Giáo luật mới khoản 1210 viết ; “Chỉ được chấp nhận cho sử dụng trong nơi thánh tất cả những gì phục vụ hoặc cổ võ cho việc phụng tự, lòng đạo đức hay sự sốt sắng, đồng thời cấm sử dụng tất cả những gì không phù hợp với sự thánh thiện của nơi chốn.”

Cuối cùng, văn kiện Hòa nhạc trong thánh đường (Concerts dans les églises) của Thánh Bộ Phụng tự đề ngày 5.11.1987 số 8 cũng viết : “Thật bất hợp pháp, nếu cho phép tổ chức trình diễn trong thánh đường một thứ âm nhạc không lấy nguồn cảm hứng từ tôn giáo, nhưng đã được sáng tác với mục đích biểu diễn trong bối cảnh phàm tục rõ rệt, cho dù đó là nhạc cổ điển hay tân thời, bình dân hay trí thức ; vì làm như thế là không tôn trọng đặc tính linh thánh của giáo đường, cũng không tôn trọng ngay chính tác phẩm âm nhạc, vì lúc đó nó không được trình diễn trong bối cảnh tự nhiên của nó.”

Như vậy, đã rõ là không được dùng các thể loại nhạc Jazz trong nhà thờ. Tuy thế, giới trẻ vẫn thích loại nhạc này. Nhiều linh mục cũng thích như thế và cho đó mới hợp thời và lôi cuốn đựoc giới trẻ. Có lẽ chỉ ở Việt Nam và một phần khá đông người trẻ Việt Nam nghĩ như thế, còn ở Âu Mỹ người ta nghĩ khác, tuy các loại nhạc mà giới trẻ chúng ta ưa thích phát xuất từ nơi ho. Họ vẫn tôn trọng kỷ luật thánh nhạc.

Đã bao giờ chúng ta nghe phản ứng và dư luận của người Âu Mỹ về lối đàn hát cũng như cách trang trí trong các nhà thờ của ta chưa nhỉ ? Nếu đã nghe rồi thì chắc chúng ta sẽ chẳng lấy gì làm vẻ vang cho lắm.

Thánh Phao-lô có nói một câu rất chí lý trong thư gửi tín hữu Ga-lát. Câu này có thể giúp cho các bậc hữu trách trong vấn đề đàn hát suy nghĩ mà thận trọng hơn, trong việc chiều theo thị hiếu không mấy thích đáng của những người trẻ : “Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Ki-tô”. (Gl 1, 10).

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế