Ca Khúc Trái Ðệm
LM Anrê Đỗ Xuân Quế


VietCatholic News (Thứ Hai 3/3/2003)

Nhân đọc bài “ĐI TÌM NHỮNG CA KHÚC TRÁI ĐỆM”

Cuối cuốn sách “bốn mươi năm sau Vatican hai nhìn lại”, tài liệu họi thảo mùa vọng, lưu hành nội bộ, với những dòng chữ ở đầu bìa : hội đồng giám mục việt nam, ủy ban giám mục về văn hoá, sách dày 345 trang, có bài “Đi tìm những ca khúc trái đệm giữa nhà thờ và chợ đời”, ca khúc ý lực của Y Vũ. Cuốn sách này in đẹp, rõ ràng, giấy tốt.

Thoạt nhìn cuốn sách, người ta thấy có điều lạ đập ngay vào mắt : đó là các chữ đều viết thường và năm không viết bằng số mà lại viết bằng chữ, không giống ai có thể là độc đáo mà cũng có thể là lập dị. Ở đây cái khác thuộc loại nào, xin dành quyền xét đoán cho độc giả.

Trở lại bài báo, tôi rất băn khoăn với hai chữ ý lực. Tôi đã tìm trong mấy tự điển Việt Nam, nhưng không thấy hai chữ đó. Cúôi cùng, tôi nghĩ ai dùng chữ đó có khi lấy tiếng Pháp rồi dịch ra. Tiếng Pháp lá idée-force. Idée là ý, force là lực. Dịc như vậy là gọn và sát. Tự điển Larousse định nghĩa idée-force là : n.f (pl.idée-force) idée principale, pivot d'un raisonnement et germe d'action nghĩa là ý tưởng chính, mấu chốt của lý luận, mầm mống hành động. Tự điển Le Petit Robert định nghĩa idée-force là : idée capable d'influencér l'évolution d'un individee, d'une époque nghĩa là ý tưởng có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của một cá nhân hay một thời đại. Tựu trung, các định nghĩa về idée-force trong tiếng Pháp đều nói lên những khía cạnh tốt của hai chữ ý lực.

Cách đây mười mấy năm, ở Nha Trang thấy xuất hiện những tập sách hát nhỏ đề là Bài ca ý lực. Những bài ca này vắn dễ hát, lấy ý tưởng từ các bài sách thánh, đặc biệt Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên. Tác giả những bài ca này muốn đưa đạo về các gia đình cho ngừơi ta hát, khi làm việc nhà cũng như khi vui chơi giải trí, để họ thấm nhuần Lời Chúa và các tâm tình đạo đức.

Mục đích của các bài ca ý lực cũng giống như các bài ca của cha Duval Dòng Tên, Cha Cocagnac Dòng Đa Minh và Soeur Sourire Dòng Nữ Đa Minh Bỉ mấy chục năm về trước ở bên Pháp và Nhóm Alleluia Vào Đời của các sinh viên học viện Dòng Chúa Cứu Thế thập niên 60 ở Đà Lạt. Theo tôi, những bài ca này đích thực thuộc loại nhạc vào đời mà tác giả Y Vũ nói một cách tượng hình là “những ca khúc trái đệm giữa nhà thờ và chợ đời”. Cha Duval, Soeur Sourire đã hát như thế cho người ta nghe. Các vị đó quả thực đã đưa nhạc vào đời. Đây là loại hình truyền giáo ở thời đại chúng ta. Người ta không đến nhà thờ thì mình tìm cách đưa “nhà thờ” đến cho người ta bằng âm nhạc thích hợp. Loại âm nhạc này không phảii là âm nhạc trong phụng vụ nên không giống và không phải là nhạc hát trong nhà thờ. Vì thế nó chính là trái đệm. Vì là trái đệm, nên chúng ta hãy giữ vị trí trái đệm này. Đó mới chính là nhạc trẻ, nhạc vào đời. Bởi vậy, đừng biến nó thành nhạc phụng vụ và đừng dùng nó để hát trong nhà thờ. Nhà thờ có loại nhạc khác xứng hợp với việc thờ phượng, để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Những loại nhạc “thời trang” như tác giả nói, hãy dành cho phòng trà; những bài hát trái đệm có thể hát ở tụ điểm ca nhạc. Các nhạc sĩ công giáo có năng khiếu về loại nhạc này nên sáng tác theo hướng đó và vận động cách nào để những bài đó được hát ở quán cà-phê hay tụ điểm ca nhạc thì thật là nhất rồi, và đó là một hình thức tông đồ, một hoạt động truyền giáo mới mẻ.

Tiện đây tôi xin góp ý với tác giả về những điều tác giả nêu lên những câu hỏi ở trang 333. Tác giả hỏi : “Có nên giữ lấy cho mình phong cách riêng giữa dòng ca khúc thời trang của tuổi trẻ đâu như rất trần tục, rất xa lạ trong khung cảnh tôn giáo ?”

Tôi nghĩ là nên lắm vì dù sao các nhạc sĩ sáng tác những bài hát trái đệm cũng là ngừơi công giáo và có chủ trương làm thành những bài ca “ý lực” như nghĩa của từ này trong hai tự điển tiếng Pháp.

Theo tác giả, “dòng ca khúc thời trang của tuổi trẻ đâu như rất trần tục, rất xa lạ trong khung cảnh tôn giáo”. Chính vì vậy mà tác giả ca khúc công giáo không nên teho và phải giữ cho mình phong cách riêng. Ngừơi viết ca khúc phải đem lại cho người nghe những gì hay và đẹp. Cái hay và đẹp này phải tồn tại lâu dài chứ không mau qua như thời trang hay mốt. Mốt là cái nhất thời đáp ứng một nhu cầu tạm bợ. Hơn nữa, vì dòng ca khúc ấy xa lạ với tôn giáo nên càng không nên chạy theo và vào cuộc với tuổi trẻ để lôi cuốn giới trẻ, dù như nguyên tắc của thánh Phao-lô : “Miễn là Chúa Giê-su được rao giảng.” (Pl 1, 18). Khi đọc tới đây, tự nhiên tôi hồ nghi và mở sách Kinh Thánh để xem câu trích dẫn và tìm xem có đúng thật là nguyên tắc của thánh Phao-lô không. Tôi nghĩ đây không phải là nguyên tắc và chúng ta không nên nghĩ là nguyên tắc, vì quả thực, nếu nguyên tắc là như thế thì quá nguy hiểm. Nó nguy hiểm ở chỗ người ta cứ dựa vào đó mà nghĩ, mà nói mà làm “miễn là Chúa Giê-su được rao giảng”. Ở đây, có một nguyên tắc luân lý phải theo. Đó là “không được làm điều bất chính để đạt điều chân chính, nghĩa là không được làm điều tội để đạt tới điều phúc. Miễn là Chúa Giê-su được rao giảng, nhưng không phải rao giảng bất cứ cách nào và làm bất cứ điều gì để Danh Ngừơi được loan báo. Vì vậy, khi nại vào câu “Miễn là Chúa Giê-su được rao giảng”, chúng ta cần thận trọng và phân tích hoàn cảnh cho kỹ.

Trở lại mạch văn của câu được trích dẫn, tôi thấy như sau. Nguyên câu trích dẫn ấy chưa đủ để chúng ta dựa vào và lấy làm nguyên tắc và phải ngược lên trên, đọc lại mấy câu trước mới hiểu được , từ câu 15-19.

“15 Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đ1o vì ý ngay lành. 16 Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. 17 Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. 18 Nhưng không sao đâu ! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ.” (Pl 1, 15-19)

Điều chính yếu ở đây là Đức Giê-su Ki-tô được rao giảng, nhưng không phải rao giảng bất cứ cách nào, mà phải rao giảng để mang ơn cứu độ đến cho người ta như thánh Phao-lô đã đạt được ơn cứu độ nhờ lời cầu nguyện (của tín hữu Phi-líp-phê) và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ”.

Còn một điều nữa, tác giả đề cập đến trong bài báo là lời trong bài hát mà tác giả gọi là ngôn từ của một thời. Đồng ý là thời nào dùng ngôn ngữ của thời đó. Chúng ta không sống ở thời này mà lại dùng ngôn ngữ hay lối viết của thời tạp chí Nam Phong hay Đông Dương tạp chí. Lời trong bài hát hay ca khúc tôn giáo, dù là những bài hát đệm, cũng phải chuẩn xác về văn phạm, văn chương và ý nghĩa. Nhạc sĩ Nguyễn Bách, giảng viên tại Nhạc viện Thành phố đã có những nhận xét và phê bình chí lý về lời ca trong một số các bài hát hiện nay, trong tập giáo trình ông giảng ở trường nhưng chưa xuất bản. Đại khái ông nói có một số nhạc sĩ bây giờ xem nhẹ lời ca và dùng những lời rất xoàng xĩnh, sai văn phạm, thiếu văn chương, nông cạn, sáo mòn”..

Cuối cùng một ý tưởng khác của tác giả cũng làm tôi lưu ý không ít, đó là : “Và nếu thuở trước không ai bị Thày khước từ, không lắng nghe, kể cả các cô buôn hương bán phấn, cả các tên cướp, những người tội lỗi, hôm nay cũng không ai có thể bị át tiếng, bị xóa bỏ hay khước từ, kỳ thị.”

Đúng, Thày là Chúa Giê-su không khước từ, không loại ai, không kỳ thị. Thày chơi với người thu thuế, ăn uống với hạng tội lỗi, cảm hoá và đưa người kỹ nữ về đường lành, nhân hậu với người phụ nữ ngoại tình. Nhưng Thày đã có những lời lẽ gay gắt, những thái độ quyết liệt với các ông Pha-ri-sêu và nhóm Kinh sư. Như vậy có nghĩa là Thày thẳng tay với loại người giả hình, ngoan cố. Thày khoan dung với người xấu, nhưng không dung tha cái xấu. Trong câu trưng dẫn trên có vế “hôm nay cũng không ai có thể bị ai át tiếng”. Tôi xin nói ngay là có những ngừơi bị át tiếng, vì họ nói bậy, làm bậy. Nhóm mấy người phụ nữ ở Ao mới đây tự động kêu người phong chức linh mục cho mình đã bị phạt vạ tuyệt thông. Nhóm ngừơi đồng tình luyến ái đòi lấy nhau làm vợ làm chồng bên Âu Mỹ cũng đã bị át tiếng, nghĩa là bị phê bình nhận xét và không được chấp thuận.

Trở về phạm vi âm nhạc trong phụng vụ, Hội Thánh không chấp nhận cho loại nhạc Jazz,nhạc chiến đấu và nhạc đi săn được dùng trong nhà thờ. Vì vậy, ý kiến trên của tác giả cần được phân tích và xét lại cho chính xác.

Đọc bài của Y Vũ, tôi thấy tác giả có lưu tâm đến những bài hát đạo, nhưng mới là đạo ở ngoài nhà thờ. Nhưng bài hát và loại nhạc này được giới trẻ và nhiều người ưa thích. Xin nhạc sĩ Y Vũ và các nhạc sĩ khác cứ làm những bài hát như thế này, nhưng hãy để chúng làm “những trái đệm giữa chợ đời và nhà thờ”, chứ đừng đưa chúng vào nhà thờ. Nhà thờ đã có loại nhạc khác, thích hợp và xứng đáng dùng trong nơi thờ phượng hơn. Bảo rằng dùng nhạc nhà thờ buồn lắm, giới trẻ không đến đâu ! Nói như thế, một là chưa biết một trong những điều kiện căn bản của nhạc nhà thờ là phải có nghệ thuật, nghĩa là đàn hay hát giỏi, hai là biết nhưng chưa đạt tới nghệ thuật đó, nên làm cho người nghe thấy chán. Còn nếu biết mà lại làm hay nữa thì chắc người ta không chán đâu, như Ban Hợp Xướng PioX đã làm thử và có kinh nghiệm.

Nhiều nhà thờ muốn dùng trống phách và lối hát rộn rã như phòng trà, sân khấu hay tụ điểm ca nhạc để thu hút giới trẻ. Y muốn này thiết tưởng cần phải được xét lại. Lôi kéo giới trẻ đến nhà thờ bằng lối này xem ra khả nghi, vì đến nhà thờ như thế là để nghe cho vui. Mà nhà thờ sao vui cho bằng ngoài đời được, nếu những cái vui đó chỉ thuộc giác quan. Đúng ra, người ta đến nhà thờ là để được giáo dục về đức tin cho có ý nghĩa sâu sắc hơn và được yểm trợ bằng lời ca tiếng hát để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn mình.

Vì vậy, ca hát trong nhà thờ là một vấn đề thuộc đức tin và lòng đạo đức theo đúng nghĩa. Chỉ những người nào có đức tin mạnh và lòng đạo đức thật mới chịu hát và làm bài hát theo giáo huấn của Hội Thánh về khoa âm nhạc trong Phụng Vụ.

LM Anrê Đỗ Xuân Quế