Buổi nói chuyện về Thánh Nhạc
của cha Kim-Long


Ngày 6 tháng 12 năm 2000

Nhân dịp linh mục nhạc sư Kim-Long ghé thăm Dallas, anh Trần Đức đã mời cha gặp gỡ anh chị em Liên Ca Đoàn trong vùng sau thánh lễ buổi chiều 7 giờ tại hội trường của nhà thờ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington.

Trong thánh lễ, Ca đoàn Vinh Sơn Liêm cùng với một số các anh chị em khác, do Ca trưởng Trần Đại Phước điều khiển, đã hát những bản Thánh Ca của cha. Cha đã chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ và kết thúc bài giảng bằng bài hát "Ở Lại Với Con". Giọng hát của cha thật là tâm tình, đến nỗi sau khi hát xong, cha xứ (Lý) đã vỗ tay, gật gù thán phục, và tuyên bố: "bài hát vừa rồi thay thế cho phần Lời nguyện giáo dân, thật qúa tâm tình."

Sau thánh lễ, linh mục nhạc sư Kim-Long đã gặp gỡ anh chị em tại hội trường của giáo xứ. Ngoài Ca đoàn Vinh Sơn Liêm ra, chúng tôi còn thấy sự diện diện của anh Đỗ Vy Hạ, đại diện Ca đoàn Phục Sinh-Carrollton; Anh Hà Huy Quang, đại diện Ca đoàn Dũng Lạc-Grand Prairie; chị Hồng Anh và anh Đức Lập, đại diện ca đoàn Hồng Ân-Fort Worth; anh Lê Hùng, Trần Quốc Việt và tôi (HVH), đại diện Ca đoàn Thánh Linh-Garland; cùng với một số đông giáo hữu của Giáo xứ CTTĐVN.

Sau đây là tóm tắt các điều trong buổi gặp mặt với linh mục nhạc sư Kim-Long, nhớ được bao nhiêu thì nói bấy nhiêu thôi nghen :-).

Mở đầu chương trình, anh Trần Đức, trưởng nhóm Thăng Ca, giới thiệu cha Kim-Long với mọi người.

Câu chuyện mở đầu, cha cho biết cha đến Mỹ được khoảng 2 tháng, thăm người chị tại California, và đã "bị" các môn sinh và bạn bè "bắt cóc" đi các nơi. Cha hiện là phó trưởng ban Thánh Nhạc tại Việt Nam (Đức Cha Nguyễn Văn Hòa là trưởng ban). Công việc của cha hiện là giảng dậy tại 3 Đại chủng viện, và huấn uyện các khoá về Phụng Vụ Thánh Nhạc khắp nơi ở Việt Nam.

Vì thời giờ eo hẹp, nên cha chỉ chia sẻ 2 điều, một cách vắn tắt:

  1. Thánh nhạc rất cần thiết trong Phụng Vụ, nhưng Thánh Nhạc trong phụng vụ chỉ là "phương tiện" chứ không phải là mục đích. Khi người ta tới nhà thờ dự lễ, thì thánh lễ (phụng vụ) là chính, chứ không phải Ca Đoàn hát là chính. Thánh nhạc trong phụng vụ có 2 mục đích:
  • Tôn Vinh Thiên Chúa.
  • Thánh hóa các tín hữu.

Bởi vậy, bài hát trong phụng vụ phải có 2 đặc tính:

  • Phải là thánh (bản chất của bài thánh ca phải thánh thiện, người trình tấu, cách trình tấu, vv... cũng phải thánh thiện)
  • Phải là nghệ thuật đích thực (lời ca, câu văn, nét nhạc phải có nghệ thuật, hay nói cách khác; phải đúng và hay).

2. Thánh Nhạc là để cầu nguyện, hoặc để giúp cầu nguyện. Khi hát Thánh Ca thì Lời Ca rất quan trọng. Phải hát rõ lời. Nhạc cụ chỉ là phụ họa cho lời ca mà thôi. Thánh nhạc không phải là để "thay đổi bầu không khí", hoặc thấy nó "hay hay" thì hát mà không có tâm tình cầu nguyện. Người nhạc sĩ sáng tác bài hát phải xuất phát từ "cầu nguyện", rồi người hát phải hát bằng "lòng cầu nguyện" trước, thì mới giúp người ta cầu nguyện được, vì "không ai có thể cho người khác cái mình không có."

  • Ca Đoàn dùng lời ca tiếng hát để "thánh hóa" các tín hữu, nên Ca đoàn được xem là việc Tông Đồ, và xứng đáng được hưởng những ân huệ của một người Tông đồ (cha nói câu này là của ai đó, nhưng hổng có nhớ được! hì hì! :-).
  • Trong Phụng Vụ thì "bản văn" chi phối "dòng nhạc", tức là "nhạc chỉ là phương tiện của lời ca". Và khi hát, thì ca đoàn phải hát cho "rõ" lời ca (bản văn).
  • Có một thời kỳ,  Giáo Hội đã định cấm hát nhạc đa âm (nhiều bè) trong phụng vụ, vì nhiều bài hát nhiều bè qúa (có bộ lễ 53 bè) nghe không rõ lời ca.
  • Giáo Hội đề cao nhạc "bình ca" (Gregorian), vì nhạc bình ca hát nghe rõ lời (nốt nhỏ nhất tương đương với nốt móc đơn) và nhạc được dệt theo bản văn, bất kể bản văn dài hay ngắn.
  • Trong nhạc cổ điển tây phương (tiêu chuẩn), nhạc sĩ thường sáng tác theo lối "cân phương", nên bản văn bị lệ thuộc vào dòng nhạc.
  • Thánh Augustinô, một người cứng lòng và ăn chơi khét tiếng. Một ngày kia lân la tới gần thánh đường nghe được một bản hát du dương thánh thót, ngài lắng nghe và nhận ra đó là câu kinh mà ngày xưa lúc còn bé ngài hay nghe mẹ đọc nay được ai đó hát lên. Và chính nó đã cảm hóa ngài... trở lại. Bởi vậy, "hát hay là cầu nguyện hai lần".

*****************************

Sau nửa tiếng chia sẻ của cha là phần "giải đáp théc méc". Có nhiều câu hỏi, nhưng viết lại thì nó dài "thoòng loòng", nên tại hạ chỉ viết gọn lại thui nhé:

1.   Anh Trần Đức hỏi về vấn đề Imprimatur.

Cha đáp lời với những ý sau:

  • Những bài hát "muốn dùng trong Phụng Vụ" thì phải được Imprimatur (được phép in ấn để hát trong phụng vụ) trước khi hát. (Chú ý: có nhiều bản nhạc "đạo vào đời" hoặc những bản hát sinh hoạt rất hay, rất tốt, được hát trong tape, CD... những bản nhạc này nếu chưa được Imprimatur thì chỉ hát "từ cửa nhà thờ trở ra thôi")
  • Ở Việt Nam sau năm 75, xin phép xuất bản khó khăn, nên các nhạc sĩ thường "tự biên tự diễn", có nhiều sự "sai trái", sau này Ban Thánh Nhạc đã gởi ra 3 thông cáo, trong đó có đề cập tới việc xin các nhạc sĩ gởi nhạc để Imprimatur, kể cả những bài hát đang xử dụng mà chưa được Imprimatur.
  • Giáo quyền địa phương (Đức Giám Mục) có quyền Imprimatur. Nhưng Đức Giám Mục thường trao quyền đó cho một vị nào đó có thẩm quyền; thí dụ như ở Địa phận Houston, TX, thì cha Đào Quang Chính, OP, có quyền imprimatur những bài hát Thánh Ca Việt Nam trong giáo phận Houston. Ở bên Mỹ khác với ở Việt Nam, nên ngài không có thẩm quyền gì cả...

2.   Một vị lớn tuổi (trong giáo xứ CTTĐVN), phàn nàn là trong nhà thờ nhiều khi Ca đoàn hát không nghe được tiếng, vì đàn đệm to qúa, lấy lý do là Ca đoàn hát không chắc thì dùng đàn để "vớt", hì hì :-)!!!!

Cha đáp lời với ý sau:

  • Trước thời Đức Giáo Hoàng PIO XII, thì trong nhà thờ chỉ được xử dụng cây đàn phong cầm (Organ). Thời Đức PIO XII thì được xử dụng đàn violin, vì tiếng violin cũng thánh thót và nâng đỡ tiếng hát.
  • Sau công đồng Vaticanô II, Giáo hội cho phép xử dụng các nhạc cụ khác trong nhà thờ (song song với việc xử dụng ngôn ngữ địa phương trong Phụng Vụ). Vì mỗi dân tộc có một giọng hát riêng, hợp với nhạc cụ của họ, nên việc cho phép nhạc cụ nào, hoặc cấm nhạc cụ nào, là do quyền xét đoán của Đức Giám Mục địa phương ở đó. Ở Việt Nam vì có nhiều dân tộc thiểu số, nên việc chọn lựa nhạc cụ dùng trong phụng vụ còn chưa quyết định, nhưng cấm các nhạc điệu liên quan tới nhạc "JAZZ" và khuyên không nên dùng các nút điệu trong đàn Electric Organ.
  • Ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, nhạc cụ có thể được dùng để độc tấu ở 4 chỗ trong Thánh Lễ: Lúc linh mục tiến lên bàn thờ; lúc sửa soạn bánh rượu; lúc người ta lên rước lễ; lúc kết lễ, linh mục đi xuống.
  • Ngoài ra, nhạc cụ là để nâng đỡ tiếng hát, một Đức Giám Mục đã nói (nhớ đại khái thôi, tên của ngài cũng quên luôn) rằng... nhạc cụ là để nâng đỡ Ca đoàn, mà nếu nhạc cụ nào không đạt được mục đích ấy, thì "cấm" nó đi!
  • Trong phụng vụ, không được "mở máy hát" thay cho ca đoàn, tức là thay vì ca đoàn hát, thì mở tape hoặc CD. Ngoài ra, cũng không được hát "Karaoke", tức là thâu nhạc đệm trước rồi ca đoàn cứ đó hát theo máy....

3.   Anh Trần Đại Phước hỏi về lời ca của Bộ-Lễ phải theo sát, mà sát đến mức độ nào mới được.

Cha đáp lời với ý sau:

  • Bản văn trong Phụng Vụ được chia làm 2 loại: loại cố định và loại được thích nghi hay được thay đổi.
  • Bản văn cố định có tính cách "nghi thức", mà đã là nghi thức thì không được thay đổi. Thí dụ có ai mà dám đổi lời của bài Quốc Ca rồi hát đâu, lộn xộn là vô tù! Bởi vậy khi sáng tác những bản văn cố định này thì phải giữ đúng từng chữ. Bản văn cố định trong Thánh Lễ gồm:
  • Bộ Lễ (Kinh Thương Xót, Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Thánh, Chiên Thiên Chúa)
  • Các câu đối đáp giữa linh mục và giáo dân (Chúa ở cùng anh chị em – và ở cùng cha)
  • Các lời Tung Hô (Tung hô sau truyền phép; Amen; Vì Chúa là vua uy quyền...)
  • Kinh Lậy Cha.

Kinh Tin Kính của cha Hoài Đức được coi là "cổ truyền và không nghịch với tín lý", nên tùy theo xét đoán của giáo quyền địa phương có thể được xử dụng, tuy nhiên cũng có những thiếu xót, thí dụ "tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, vững bền...", phải là "... Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền."

Ở Việt Nam, 90% đã không còn hát những bộ lễ "Vào Đời" và câu tung hô "Con tuyên xưng..." mà bản văn không đúng phụng vụ nữa, nhưng ở Mỹ này thì ngài thấy 90% còn đang hát!

Những bài hát được thích nghi (thay đổi từ ngữ hoặc sắp xếp lại), gồm: Ca Nhập Lễ, Đáp Ca, Câu xướng trước Tin Mừng, ca Dâng lễ và Hiệp Lễ.

4.   Anh Trần Đại Phước nêu ra một số bài hát xưa, mà nay đã được đổi lời "cho đúng", nhưng bài Tháng Hoa (giáo nhân bao xiết mừng) của nhạc sư Hải-Linh có câu "lượm lên tiến dâng Đức Bà", có bài báo đã phê bình là câu này không "nhã nhặn", nên nhiều sách đã đổi "cầm lên tiến dâng Đức Bà", chỉ vì họ hiểu lầm chữ "lượm", lượm đây có nghĩa như "lượm lúa", tức là "bó lại từng bó"....

Cha đáùp lời với những ý sau:

  • Người nhạc sĩ sáng tác Thánh Ca phải để ý về lời ca. Chính cha cũng phải sửa lại một vài bài hát cho hợp, như có bài hát có câu "lậy Mẹ cực thánh", thì chữ "cực thánh" thì chỉ có Chúa mới là cưcï thánh thôi, nên cha đã đổi là "lậy Mẹ từ ái." Khi nhạc sĩ sáng tác thì họ có cảm hứng lúc đó, sau này nhìn lại thì thấy đôi khi phải sửa chữa.
  • Khi Ca Trưởng chọn bài hát phải ý tứ. Không những phải chọn cho hợp với phụng vụ Thánh lễ (tức là ý lễ), mà còn phải dùng đúng nơi đúng lúc nữa, cha thí dụ vài câu chuyện vui, như lễ quan thầy Các Bà Mẹ Công Giáo, tay bế tay bồng, mà hát "Lậy Mẹ Đồng Trinh, xin gìn giữ con đồng trinh..." thì nó không đúng! bài này cho các ma cô, ý lộn! cho các ma sơ thì hợp hơn.

Hì hì... dài quá rùi...., stop nhe!? OK!

À quên! trước khi kết thúc thì anh Đỗ Vy Hạ đã "bị đại diện" Liên Ca Đoàn cám ơn cha và tặng cha tấm thiệp Giáng Sinh. Hì hì, anh Đỗ Vy Hạ có tài ăn nói, nên có gì thì cứ đẩy anh ấy ra lãnh đạn, hơn nữa, anh ấy tế nhị và có lòng, nên ít khi từ chối ai!  Sau đó, cha đã đáp lời cám ơn cha xứ (người cùng Bùi Chu) và chúc mọi người săng say trong việc tông đồ.....