Chia Sẻ  


Ca trưởng chuẩn bị cho một buổi tập hát như thế nào?

Muốn cho ca đoàn hát hay, việc đầu tiên người Ca Trưởng phải để ý là việc tập hát. Ca đoàn nên tập hát ít là một tuần một lần. Hát trong ca đoàn không giống như các ca sĩ hát văn nghệ, mọi sự phải ăn khớp với nhau thì mới hay được. Phải có sự hòa hợp và ăn khớp giữa ca trưởng với ca viên, giữa người đệm đàn và người hát..., nói chung là mọi thành phần trong Ca Đoàn đều quan trọng và phải "ăn rơ" với nhau. Muốn được như vậy thì phải tập dợt, dợt càng nhiều càng tốt... Cổ nhân có câu "Trăm hay không bằng tay quen" đó mà. Áp dụng vào trong Ca Đoàn nó cũng giống giống như vậy, một Ca Đoàn có nhiều người có giọng hát tốt, nhưng mạnh ai nấy hát, hồn ai người đó giữ, thì làm sao bằng một ca đoàn với những giọng hát bình thường mà khi hát biết nghe nhau, biết tập dợt để phân chia lúc mạnh lúc yếu?

Nên chọn một ngày nào thích hợp và tiện lợi cho mọi người. Việc chọn ngày tập dợt phải theo ý kiến đa số chứ không theo ý kiến riêng của Ca Trưởng hay ai đó được. Theo kinh nghiệm, tránh tập hát vào những buổi chiều Thứ Bảy, vì ở bên Mỹ này hầu như tiệc tùng hay lễ bái gì cũng tổ chức ăn uống vào chiều Thứ Bảy. 

Sau đây là một vài đề nghị cho người Ca Trưởng trong một buổi tập hát:

1. Nên hoạch định một chương trình tập hát. Mỗi ca đoàn nên có một chương trình tập hát, nghĩa là có những hoạt động nối tiếp nhau một cách rõ ràng. Chương trình tập hát chung chung như sau:

a) Đọc kinh khai mạc. Nên bắt đầu chương trình tập hát bằng một ít giây phút cầu nguyện và dâng giờ tập hát cho Chúa, xin Chúa thánh hóa và chúc lành. Việc Tông Đồ không thể thiếu Cầu Nguyện được. Nên đọc kinh khai mạc đúng giờ đã quy định, không nên trễ giờ kẻo ca đoàn trở thành thói quen khó sửa, rất nguy hiểm, có thể làm nản chí những người đi đúng giờ.

b) Nếu tập hát vào buổi sáng, nên cho ca đoàn tập những bài xướng âm để thông giọng. 

c) Nếu có thời giờ, bỏ ra chừng 10 phút cho ca đoàn học nhạc lý và xướng âm căn bản.

d) Nên ôn những bài hát quen và dễ trước (không cao qúa hoặc thấp qúa, hoặc không có nhiều bè) những bài hát nhiều bè ôn sau để có đầy đủ người hơn. Con người ta không phải là cái đàn, muốn hát nốt nào là được nốt đó. Đang không mà hát cao qúa hoặc thấp qúa sẽ dễ bị đau cổ, phải "warm up" từ từ. Cái nạn đi muộn là cái nạn không tránh được. Nên "take it easy" và khoan dung cho những người lâu lâu đi muộn một lần; nhưng Ca Trưởng phải nhắc nhở luôn luôn!

e) Khi tập một bài hát mới, nếu không có người giúp tập các bè, cũng nên tập các bè dễ trước.

f) Nên có những phút (khoảng 10 phút) giải lao cho mọi người đi restroom, trò chuyện, vv...

g.) Sau lúc giải lao, thường là lúc mọi người còn lo ra, nói chuyện chưa chán... Nếu có thông báo gì thì nói ở lúc này để kéo Ca Đoàn vào trật tự dần.

h) Trước khi ra về nên dặn dò những điều quan trọng (nếu có) và đọc kinh cám ơn Chúa và Đức Mẹ.

2. Trước khi tập hát, ca trưởng cần nắm vững bài hát bằng cách tập cho mình trước:

a) Để biết được bài hát thuộc loại dị giọng hay đồng giọng. Để phân chia các bè hát sao cho hợp giọng với các bè. Nói về giọng hát, một ca đoàn phải luôn luôn có 4 giọng, 2  giọng cao (soprano và tenore) và 2 giọng trầm (alto và basso), đừng cứ nốt cao thì bắt con gái hát, còn nốt trầm thì bắt con trai hát, như vậy thì tội nghiệp cho những người có giọng Alto và Tenore lắm. Nên nghiên cứu âm vực của các giọng cẩn thận.

b) Để biết được tiết tấu và tâm tình của bài hát. Mỗi dòng nhạc có một nét diễn tả riêng, mỗi lời hát có một ý nghĩa khác nhau. 

c) Để biết được các chỗ cần hát nhẹ hay mạnh. Dựa vào cường độ nốt của tác gỉa đã ghi sẵn, hoặc tiết tấu lên xuống của câu nhạc, hoạc ý nghĩa của câu văn mà định.

d) Để biết những chỗ cần tập cho ca đoàn khép âm cho đều và đúng. Cần mở miệng cho đúng các chữ A, O, U, hay kép âm cho đều các chữ M, N hoặc chÚA, ƠI, vân vân..

e) Để phân chia các câu solo, hoặc phiên khúc cho các bè, các giọng. Phân tích âm sắc của bản nhạc, cao độ nốt, hoặc lời ca, để phân chia solo, các bè, các giọng cho đúng. Thí dụ, những câu nhạc nhẹ nhàng thanh thót thì cho soprano; khúc nhạc trầm buồn, u tối thì cho alto; mạnh mẽ cường tráng thì cho tenore; và ấm áp đầy tràn thì cho basso, vv...

f) Để phối khí cho bản nhạc. Biết được những chỗ ngân dài, những câu lập lại, những chỗ chuyển bè vv... để dạo nhạc, phân khối nhạc cụ, chuyển điệu cho đúng và cho hay.

3. Ca trưởng cần phải chuẩn bị xa, để xem có những lễ quan trọng nào sắp đến, rồi tính xem buổi lễ đó cần phải chuẩn bị bao nhiêu lâu. Không nên để sát ngày mới tập, như vậy sẽ làm cho ca trưởng dễ nổi nóng, mất bình tĩnh khi không chuẩn bị kịp.

4. Ca trưởng cần liệt kê những bài hát và thứ tự của các bài hát sẽ tập ra một tờ giấy. Đừng để đến lúc tập hát rồi mới giở sách tìm bài hát để tập, như vậy sẽ làm mất thời giờ của mọi người và làm cớ cho ca viên nói chuyện.

5. Cũng không quên liệt kê những thông báo hoặc những điều cần nhắc nhở ra một tờ giấy, kẻo quên mất đi. 

6. Khi đã có các bài hát để tập, ca trưởng cần báo cho người lo Tài Liệu để chuẩn bị các bài hát sẵn sàng. Đừng để đến lúc tập mới đi kiếm tài liệu.

7. Ca trưởng nên đến phòng tập hát sớm ít là 15 phút để chuẩn bị: ghế ngồi, setup đàn, gía nhạc, sách hát, vân vân... Đừng để đến giờ mới tới.

8. Nên có một cây đàn (organ) để tiện việc bắt âm cho ca đoàn và để ca đoàn nghe quen khúc dạo, để giúp ca trưởng khi phải tập những nốt qúa cao hay qúa trầm, ngoài tầm cữ tiếng của ca trưởng. Không quên nhắc cho các nhạc công biết: Khi tập cho một bè hoặc một bài hát lần đầu tiên thì đàn chỉ đánh các cao độ nốt thôi, chứ chưa cần đệm các hợp âm hoặc nhạc điệu vào. Người đệm đàn lúc tập hát rất quan trọng, nếu đánh ấm a ấm ớ, sai nốt, làm cho ca viên "confuse", tập lâu hơn là không có đàn.

9. Trước khi tập một bài hát, ca trưởng cần "hát mẫu" cho ca viên. Nên nhớ rằng mình hát sao thì ca viên sẽ hát như vậy, nên để ý các tiết tấu, nhanh chậm, mạnh nhẹ, khép âm, ngay từ những phút đầu tiên. Khi ca đoàn hát, không quên dặn dò và giải thích lý do tại sao phải hát mạnh nhẹ, nhanh chậm vv... Muốn ca đoàn nhớ lâu và hát đúng, đôi khi ca trưởng cũng cần phải nói ra những bối cảnh, tâm tình của tác giả (nếu biết). 

10. Điểm quan trọng người ca trưởng phải nhớ khi tập một bài hát mới: Phải tôn trọng các cao độ và trường độ nốt của tác giả viết nhạc. Nếu không hát thì thôi, không nên sửa chữa thêm bớt. Nếu không, mỗi ca đoàn sẽ hát một kiểu.

11. Khi ca viên đã hát được rồi thì ghép toàn bài từ đầu đến cuối. Lúc này ca trưởng sẽ đề nghị các khúc dạo để ca viên có dịp làm quen.

12. Thời gian một buổi tập hát không nên lâu qúa, trung bình khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tập ít giờ qúa thì không bõ, riết hồi ca viên cảm thấy biếng nhác hơn. Tập lâu qúa cũng khiến ca viên mệt mã, mất tiếng, ngại đi tập hát. Trước những ngày lễ lớn không nên tập hát lâu giờ, nên để thời giờ "relax" trước khi hát, kẻo đến lúc hát thì qúa mệt hoặc khan tiếng... thì cũng như không!