Đệâm Đàn Cho Ban Hợp Ca


Ca trưởng cần phải biết chơi một nhạc cụ như dương cầm hoặc quản cầm... để khi đàn lên mới nghe được âm thanh thực của bản nhạc. Vì khi xem một bản nhạc khó mường tượng hết được âm thanh tổng quát của bản nhạc.

Trước khi tập một bản nhạc mới, đàn cho Ban hợp ca nghe toàn bộ bản nhạc để Ban hợp ca có ý niệm tổng quát, sẽ thâu đạt nhanh chóng khi tập dượt, đỡ mất nhiều thì giờ.

Ý thức được lợi ích việc biết xử dụng đàn dương cầm hoặc quản cầm, Ca trưởng còn cần phải lưu tâm đến cách đệm đàn cho Ban hợp ca . Đây là một vấn đề quan trọng, có tính cách quyết định trong sự thành công hay thất bại trong một cuộc trình tấu.

Nếu tiếng đàn đệm lấn át tiếng hát làm cho thích giả nghe câu được câu không thì mục đích thông đạt đã mất.

Vì thế, khi đứng trên bục điều khiển, Ca trưởng phải coi cây đàn là Ban hợp ca thu gọn. Phải đặt cây đàn ở vị trí thuận lợi, để người đệm đàn có thể nhìn rõ tay nhịp Ca trưởng.

Tiếng đàn phải:

  1. Luôn đi sát với tiếng hát, nâng đỡ tiếng hát, lúc to lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm hòa quyện với Ban hợp ca.
  2. Tô điểm cho Ban hợp ca trình tấu thêm nhiều mầu sắc.
  3. Bổ sung cho những chỗ thiếu sót của bản nhạc về phương diện hòa âm. Đôi khi tác gỉa phải giữ đúng các dấu giọng của ngôn ngữ Việt Nam, mà phải hy sinh phần nào các luật lệ của khoa hòa âm.
  4. Tăng cường cho Ban hợp ca ở những chỗ ngân dài và những bè yếu (có thể vì thiếu người), nhất là bè Basso, hầu giữ được sự hòa hài và cân bằng hòa âm giữa các bè hợp ca.
  5. Giữ vai trò dẫn dắt Ban hợp ca ở những chỗ chuyển đoạn.
  6. Giúp Ban hợp ca không bị xuống giọng.

Sau hết, Ca trưởng nên có bản đệm đàn riêng cho mỗi bài hát, và người đệm đàn cần phải đệm đúng theo bản đệm đàn đó, không nên thêm bớt tùy hứng làm cho việc trình tấu thêm lộn xộn.