Phần Vụ Của Ca Trưởng


Các loại công việc
Đặc tính của phần vuï
Kết luận

 

Ca trưởng phải đảm nhận rất nhiều công việc.

I. Các Loại Công Việc

Cũng như tất cả những người lãnh đạo các tổ chức khác, Ca trưởng phải đảm nhiệm hai loại phần vụ: Phần vụ chuyên môn, vàPhần vụ quản trị tổng quát.

A. Phần vụ chuyên môn

Để có thể đứng trên bục điều khiển Ban hợp ca, Ca trưởng phải biết nhiều khía cạnh chuyên môn cũng như kiến thức tổng quát âm nhạc. Phải qua nhiều năm huấn luyện để nắm vững mọi vấn đề liên quan đến kỹ thuật điều khiển, kỹ thuật tập hát và kỹ thuật huấn luyện Ban hợp ca.

Vấn đề này, chúng ta sẽ đề cập tỉ mỉ trong phần sau.

B. Phần vụ quản trị tổng quát

Phần vụ quản trị tổng quát của Ca trưởng gồm ba lãnh vực:

  • Quản trị nhân viên.
  • Quản trị tài vật.
  • Quản trị tổ chức.

1.) Quản trị nhân viên

Ca trưởng nên lưu ý đến một số việc sau:

(a.) Tuyển chọn các thành viên theo dự tính của mình, tổ chức Ban hợp ca nhỏ, Ban hợp ca trung bình hay Ban hợp ca lớn. Tuyển chọn và sắp xếp ca viên vào các bè căn cứ vào hai yếu tố:

  • Âm vực: lên cao hay xuống thấp.
  • Âm sắc: giọng ca sáng hay ấm.

(b.) Thường khi xếp giọng, Ca trưởng nên áp dụng một số phương cách sau:

  • Nghe ca viên hát một đoạn nhạc tự chọn.
  • Đọc hợp âm trải, cao dần, thấp dần.
  • Bắt chước một câu hát hay mấy nốt nhạc dạo trên đàn để biết khả năng thẩm âm có bén nhậy không.

(c.) Qua một vài cách trắc nghiệm ở trên, Ca trưởng có thể quyết định xếp giọng ca:

  • Giọng nữ cao, sáng: xếp vào bè Soprano.
  • Giọng nữ thấp, ấm: xếp vào bè Alto.
  • Giọng nam cao, nhẹ: xếp vào bè Tenore.
  • Giọng nam trầm, nặng: xếp vào bè Basso.

(d.) Sau khi ổn định được các thành phần Ban hợp ca, Ca trưởng cần đặt định và điều hòa các mối tương quan sao cho tốt đẹp.

2.) Trong lãnh vực quản trị tài vật

Ca trưởng cần phải:

(a.) Thâu góp tài liệu, bài bản, nhạc cụ để xử dụng.

(b.) Dùng đến tất cả kiến thức chuyên môn của mình chọn lựa bài hát sao cho hợp với khả năng của Ban hợp ca.

(c.) Phân phối tài liệu, bài bản, để huấn luyện tập dợt và trình diễn.

(d.) Bảo toàn, thay thế hay thải bỏ những gì không thích hợp với Ban hợp ca. Một Ban hợp ca mới được thành lập, chưa được huấn luyện mà hát ngay những bài hợp ca lớn, với kỹ thuật phức tạp, thì thật là mạo hiểm qúa!

3.) Trong lãnh vực quản trị tổ chức

Ca trưởng cần quan tâm:

(a.) Xây dựng các cơ cấu và phân công khi tập dợt, khi trình diễn, lúc chuẩn bị các buổi nhạc hội, thâu hình, thâu thanh vv...

(b.) Điều hành và lãnh đạo tổng quát Ban hợp ca.

(c.) Hoạch định kế hoạch huấn luyện, tập dợt và phát triển Ban hợp ca. [TOP]

II. Đặc Tính Của Phần Vụ

Trước các công việc bề bộn như vậy, Ca trưởng cần phải biết đặc tính tổng quát của phần vụ để khỏi bị lúng túng khi hành xử công việc.

1.) Đặc tính hội nhập

Các công việc chuyên môn cũng như quản trị tổng quát mà Ca trưởng đảm nhận đều bắt nguồn từ nhu cầu hội nhập và mong đạt đến mục tiêu hội nhập.

Về điểm này, theo tiếng chuyên môn trong âm nhạc là "ăn khớp" (en jeux) với nhau. Ban hợp ca gồm nhiều giọng, Ca trưởng làm sao cho các giọng hòa hợp với nhau ở mức độ chính xác nhất và đẹp đẽ nhất về âm độ, âm lượng, trường độ, và âm sắc. Nếu không thì Ban hợp ca chỉ ở mức độ tầm thường, ô hợp, mạnh ai nấy hát, mạnh bè nào bè đó hát thì làm sao thuận thảo với nhau được!

2.) Đặc tính huấn luyện

Ngoài ra, phần vụ của Ca trưởng còn có tính cách điều chỉnh, uốn nắn.

(a.) Ca trưởng phải tập dượt, mài dũa từng giọng ca, từng bè, để móc nối chặt chẽ giọng ca này với giọng ca khác, bè này với bè khác, theo nguyên tắc của tiết tấu là sự sống của bản nhạc.

(b.) Ca trưởng phải rèn luyện, uốn nắn, để Ban hợp ca có tiếng hát thuần nhất, không có giọng ca qúa nổi.

(c.) Ca trưởng phải rèn luyện, uốn nắn, để các bè hòa hợp với nhau. Mỗi bè mang một sắc thái riêng rẽ, nhưng phải có sự tương nhượng, tham bán, lúc bè này mạnh thì bè kia yếu đi; lúc bè này nổi lên thì bè kia ẩn chìm bớt. Từng bè "sống" với tác phẩm, để hòa đồng với nhau, tạo sắc thái toàn mỹ cho cả Ban hợp ca.

3.) Đặc tính khích động

Nếu phần vụ của Ca trưởng chỉ có tính cách hội nhập và huấn luyện, nghĩa là làm cho Ban hợp ca ăn khớp với nhau và được uốn nắn thôi, thì Ban hợp ca mới ở trong tình trạng sẵn sàng, chưa làm việc tích cực và hiệu qủa. Thế nên, phần vụ của Ca trưởng còn có tính cách khích động.

(a.) Ca trưởng cần quan tâm khích lệ từng cá nhân để họ hăng say, tích cực tập dợt.

(b.) Ca trưởng phải khích động từng bè để họ cố gắng giữ vững bè của mình, lo lắng cho bè của mình không bị sai lệch, lạc lõng.

(c.) Ca trưởng phải luôn khích lệ toàn Ban hợp ca để họ vững tin, cố gắng và vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh, hầu Ban hợp ca có thể sinh tồn, phát triển mạnh mẽ, cùng nhau tiến tới lý tưởng mà Ban hợp ca đang theo đuổi. [TOP]

III. Kết Luận

Tổng kết lại những điều đã được trình bày, chúng ta đã phác họa những nét căn bản của Ban hợp ca.

Trên bức chân dung đó, chúng ta đã thấy rõ được vị thế then chốt của Ca trưởng:

Ban hợp ca có sinh tồn được hay không là do Ca trưởng.

Ban hợp ca có được huấn luyện, phát triển cũng do Ca trưởng.

Ban hợp ca có tiến tới trình độ nghệ thuật cao được không, cũng do Ca trưởng.

Trước sứ mạng nặng nề như vậy, Ca trưởng chỉ còn cách là phải học hỏi, trau dồi kiến thức về âm nhạc một cách sâu rộng, nắm vững kỹ thuật tập hát, để biết cách huấn luyện Ban hợp ca, đồng thời gọt giũa cho mình có một tay nhịp 'sống động' gồm ba yếu tố: sắc bén, hiệu qủa và ngoạn mục. [TOP]