Quan Điểm về "Nghệ Thuật Đánh Nhịp"
và "Nhạc Hợp Ca Việt-Nam"


Theo nguyên tắc chung, khi đánh nhịp, Ca trưởng vẽ trong không gian những đường nét diễn tả từng loại nhịp. Mỗi loại nhịp có những đường nét riêng biệt, những đường nét này lại diễn biến liên tục cho thích ứng với ý nghĩa của lời ca, nhạc điệu.

Sau khi đã luyện tập bền bỉ, nắm vững được kỹ thuật đánh nhịp của từng loại, mỗi vẻ nhịp có một lối đánh khác biệt, những đường nét này cần phải chính xác, rõ ràng và hiệu qủa cao.

Các đường nét đặc trưng cho mỗi vẻ nhạc dần dần đi vào sự phối hợp chung của toàn bài, tạo được sự hài hòa đẹp mắt.

Đồng thời, khi nghiên cứu về tiết tấu, Ca trưởng sẽ nhận thấy lối phác họa tiết tấu rất hợp lý, đi sát với mức độ cao thấp của nét nhạc, phân phát sức mạnh yếu cho câu nhạc, bài nhạc hữu hiệu, sắc bén và hợp lý.

Ca trưởng biết pha trộn kỹ thuật đánh nhịp với lối phác họa tiết tấu để làm thành một ngôn ngữ đặc biệt nói bằng những cử chỉ, bằng thân hình, bằng bộ mặt, đó chính là một lối "điều khiển lý tưởng".  pdh1.jpg (13036 bytes) 

Lối điều khiển lý tưởng này là một lối trình diễn sống động (với ba yếu tố : sắc bén, hiệu quả và ngoạn mục) nếu đi song song với lối viết 'thoáng mỏng' của nhạc đa điệu và ngôn ngữ Việt Nam đòi hỏi.

Thật vậy, trên bước đường đi tìm nhạc ngữ cho nhạc đa điệu Việt Nam, chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ độc vần, với năm dấu tạo ra sáu giọng, mỗi lần đổi dấu là đổi nghĩa.

Một ngôn ngữ độc đáo như trên, mà viết nhạc Hợp ca theo lối Đa âm, nghĩa là bốn bè luôn đi song song với nhau từ đầu tới cuối, thì sao tránh khỏi tình trạng đổi dấu đổi nghĩa của những bè dưới, trước sự đòi hỏi chuyển động khác nhau của các bè hòa âm khi liên kết với nhau. Với ngôn ngữ tây Phương có vần nặng vần nhẹ, thì lối viết này rất thích hợp và trông đồ sộ.

Với ngôn ngữ Việt Nam, phải tìm một lối viết đầy sáng tạo, phải coi trọng tất cả các bè, mỗi bè phải là một nhạc điệu lưu loát hấp dẫn, để rồi các bè đi vào một tổng hợp tuyệt diệu.

Một bản hợp ca, lúc thì nghe du dương thánh thót của bè Soprano, lúc thì trầm hùng của bè Basso, lúc thì mạnh mẽ của bè Tenore, lúc thì nhẹ nhàng của bè Alto, các bè đối đáp nhau, nâng đỡ nhau. Tới một lúc nào đó cả bốn bè cùng vang rền, hòa quyện vào nhau dữ dội như vũ bão. Lối viết này, bè nào cũng được đề cao, đó mới là thực tài của một người nhạc sĩ sàng tác, với nhiều kỹ năng sáng tạo về nhạc điệu, sáng tác và hòa âm.

Đó là nhạc Đa điệu Việt Nam, nhạc hợp ca được viết ra cho người Việt Nam hát và người Việt Nam nghe; đó là lối Việt-Hòa-Đối âm, lối viết này dẫn đến một lối điều khiển rất sống động. Ca trưởng săn sóc cả bốn bè. Tay Ca trưởng đi sát với nét kịch trường của lời ca, ý nhạc. Ca trưởng 'sống thực' với tác phẩm để rồi toàn thân con người Ca trưởng toát ra chất nhạc trước Ban hợp ca.

Để từ kỹ thuật đánh nhịp tiến lên nghệ thuật điều khiển, Ca trưởng phải đi qua một qúa trình đầy gian khổ, phải kiên tâm bền chí rèn luyện, gọt dũa và gạn lọc, vì nghệ thuật không chấp nhận những gì dưới trung bình và lệch lạc.

Ca trưởng phải loại bỏ những gì bay bướm vô hiệu qủa để đạt được tay nhịp sắc bén.

Ca tưởng phải loại bỏ những gì thô kệch, gò bó, để đạt được tay nhịp ngoạn mục.

Hiện trạng còn là học hỏi, rèn luyện và gạn lọc.

Thành công còn chờ ý chí sắt đá và kiên nhẫn lâu dài.

[Back]