Kỹ Thuật Tập Hát


Tiến trình "dựng" một bản hợp ca
Những điều cần lư ý khi tập hát

Thật là một nỗi bất hạnh lớn đối với Ban hợp ca, khi có người Ca trưởng chỉ biết đánh nhịp mà không biết tập hát cho ra hồn. Vì thế, trong chương trình hướng dẫn các lớp Ca trưởng, chúng ta cần nêu ra những điều thiết yếu trong kỹ thuật tập hát.

I. Tiến Trình "Dựng" Một Bản Hợp Ca

Ca trưởng cần biết "dựng" một bản hợp ca theo các tiến trình sau:

  1. Tập cho Ban hợp ca hát đúng cao độ, cường độ, nhịp độ và các vẻ nhạc như: staccato, marcato, vv...
  2. Tập cho Ban hợp ca hát như rót vào tai người nghe bằng kỹ thuật phát âm, biết vận dụng lưỡi, môi, miệng, hơi thở đồng loạt, rõ ràng lời ca, thì mới đạt được mục đích thông đạt.
  3. Tập cho Ban hợp ca hát sống động theo nguyên tắc của tiết tấu, biết diễn tả tiếng hát, từng bè liên kết chặt chẽ với nhau, biết phân phát sức mạnh một cách hợp lý, lúc êm ái nhẹ nhàng thanh thoát, lúc mạnh mẻ dồn dập như vũ bão.
  4. Sau khi đã nhuần nhuyễn, Ban hợp ca sẽ diễn tả bằng nét mặt, dáng điệu, theo ý nghĩa của lời ca và nhạc điệu, với tất cả tâm tình. Ban hợp ca muốn cho thính giả rung động, thì chính mình phải rung động trước. [TOP]

II. Những Điều Cần Lưu Ý Khi Tập Hát

  1. Không có luật nào bắt buộc phải xếp các bè của Ban hợp ca thế nào cho đúng. Tuy nhiên, cách sắp xếp sau đây thường được các Ban hợp ca dị giọng áp dụng: các bè được xếp vòng cung để nhìn rõ Ca trưởng. Khi trình tấu chung với các Ban nhạc hòa đại tấu, Ban hợp ca thường được xếp sau Ban nhạc.

  1. Nếu có thể, nên xếp Ban hợp ca đứng hoặc ngồi sát tường để tiếng hát dội ra cho vang.
  2. Trong lúc tập hát, Ca trưởng nên cho Ban hợp ca thay đổi tư thế đứng, ngồi, xen kẽ cho đỡ mỏi mệt.
  3. Tư thế đứng: thẳng người, không nghiêng đầu, lệch vai. Hai chân thẳng và hai tay buông xuôi.
  4. Tư thế ngồi: lưng thẳng, không khom người gò bó. Đầu thẳng và vai cân.
  5. Nên thống nhất cách cầm bản nhạc để tập thói quen, khi trình tấu sẽ đẹp mắt.
  6. Tay trái cầm đỡ dưới bản nhạc.
  7. Tay phải cầm phụ bên cạnh để mở trang khi cần.
  8. Khi tập hát, không nên mở quạt máy nhiều, vì tiếng hát sẽ bay đi, ca viên dễ bị khan cổ, mất tiếng và mệt sức, vì không nghe được bè mình và các bè khác.
  9. Đứng trước Ban hợp ca, Ca trưởng nên thuộc bài, phân tách kỹ lưỡng bài hát trước. Nên ghi chú những điểm cần lưu ý vào bản dẫn nhạc, để khi cần, Ca trưởng chỉ đảo mắt qua theo dõi diễn tiến bài.
  10. Ban hợp ca hát sai chỗ nào, Ca trưởng nên dừng lại và tập kỹ chỗ đó, chứ không nên tập lại từ đầu, mất thời giờ.
  11. Ca trưởng không nên kéo dài thời gian tập qúa hai tiếng đồng hồ, nên có giờ giải lao xen kẽ.
  12. Ca trưởng phải tập dùng thanh cữ để tìm ra giọng cho mau lẹ và chính xác.

Cách dùng thanh cữ: Gõ một cạnh xuống bàn, xuống ghế, hoặc dùng ngón tay cái bật nhẹ vào thanh cữ.

Thanh cữ thông dụng sẽ cho âm thanh LA(3).

Từ nốt LA(3) này, Ca trưởng chuyển lên hoặc dịch xuống cho hợp với từng bài hát để bắt giọng cho Ban hợp ca.

Thanh cữ thông dụng có 440 chấn động kép. [TOP]