Chia Sẻ 


Ca Trưởng nên chuẩn bị một lịch trình hát lễ cho cả năm.

Khi bạn là Ca Trưởng, vai trò của bạn rất quan trọng trong Phụng Vụ của cộng đoàn. Bạn có thể là người nâng tâm hồn các tín hữu đến cùng Chúa, bạn cũng có thể là người gây chia trí cho người ta... Thay vì đi vào tâm tình của Phụng Vụ, bạn cũng có thể là người làm xáo trộn, đi ngược lại phụng vụ. Không phải hễ cứ là một bài hát đạo thì lễ nào cũng hát được, hoặc thấy hay hay thì tập cho ca đoàn hát, bất kể đến ý lễ trong ngày..., cha giảng một đường, ca đoàn hát một nẻo...

Là một Ca Trưởng, bạn phải chọn bài hát sao cho phù hợp với ý lễ trong ngày, và tốt hơn nữa là hợp với bài giảng của linh mục trong thánh lễ hôm đó. Việc này không phải dễ dàng, đòi hỏi bạn phải luôn tìm tòi và chuẩn bị, có khi phải chuẩn bị vài năm mới có đủ.

Là một Ca Trưởng, bạn nên có:

  1. Sổ tay hoặc planner: Dùng để ghi chép các ngày lễ, rồi chọn bài hát cho phù hợp để tập cho ca đoàn. Biết được bài nào hợp cho ngày lễ hôm đó thì ghi ngay vào kẻo quên. Càng những lễ trọng thì phải chuẩn bị càng lâu. Chi chép và rút kinh nghiệm cho năm sau.
  2. Lịch Công Giáo (hoặc lịch Phụng Vụ Công giáo thì càng tốt): Để biết được những ngày lễ sắp đến mà chuẩn bị.
  3. Sách Lễ (giáo dân): Đọc qua các bài đọc, các Thánh Vịnh và Câu Xướng của Thánh Lễ để biết chủ đề của Thánh Lễ (ý lễ) mà chọn bài hát cho hợp với Thánh Vịnh, ý Phúc Âm.
  4. Tài liệu nhạc thánh ca: dĩ nhiên, đây là bửu bối của người Ca Trưởng, có càng nhiều càng tốt...; không bao giờ đủ.

Biết được Ý lễ để chọn lựa bài hát rất ư quan trọng. Bài hát phải đi sát tâm tình "Phụng Vụ" đòi hỏi; thí dụ: Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa rơi vào ngày đầu năm Dương lịch (New Year), nhưng không được hát những bài về Xuân, Ngày Đầu Năm mới...

Để biết được ý lễ trong ngày, người Ca Trưởng có thể:

  • Xin ý kiến Linh Mục
  • Xem lịch Phụng Vụ và các bài đọc trong ngày.

Sau đây là một vài điều cơ bản người Ca Trưởng cần biết:

  1. Chu kỳ Phụng Vụ là 3 năm (A, B & C); Ý lễ và các bài đọc cứ 3 năm thì trở lại giống nhau. Năm 2000 là năm B, năm 2001 là năm C, năm 2002 làA, đến năm 2003 trở lại năm B...
  2. Một năm Phụng Vụ có 5 mùa, mỗi mùa có một "ý" riêng:
  • Mùa Vọng: 4 tuần, thường bắt đầu vào tháng 12 cho đến lễ Giáng Sinh (25/12), Mùa trông đợi, hy vọng và đón chờ Chúa Cứu Thế. Bài hát tiêu biểu cho mùa Vọng: Hướng Về Chúa
  • Mùa Giáng Sinh: Từ lễ Giáng Sinh (25/12) cho đến lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Mùa kỷ niệm mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người. Bài hát tiêu biểu cho mùa Giáng sinh: Emanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
  • Mùa Thường Niên (Bắt đầu bằng lễ Chúa Chịu Phép Rửa). Mùa thường niên diễn lại cuộc đời rao giảng của Chúa Kitô.
  • Mùa Chay: 40 ngày( trừ 5 ngày Chúa Nhật) , từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Tuần Thánh. Mùa sám hối và canh tân. Bài hát tiêu biểu: Con Nay Trở Về
  • Mùa Phục Sinh: Từ lễ Phục Sinh đến lễ Chúa Thánh Thần hiện Xuống, 6 đến 7 Chúa Nhật. Mùa vui mừng, tưởng niệm Chúa Phục Sinh huy hoàng. Bài hát tiêu biểu: Alleluia
  1. Ngoài những lễ Chúa Nhật, người Ca Trưởng nên chuẩn bị cho các lễ trọng hoặc những ngày đặc biệt trong năm, như :
  • Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1)
  • Lễ Thánh Gia (CN sau lễ GS)
  • Lễ Chúa Hiển Linh (CN kế lễ Thánh Gia)
  • Chúa Chịu Phép Rửa (CN sau lễ Ba Vua)
  • Xuân
  • Lễ Tro
  • Lễ Thánh Giuse (19/03) - thường vào mùa Chay
  • Lễ Đức Mẹ Truyền Tin (25/03) - thường vào mùa Chay
  • Tuần Thánh và Phục Sinh
  • *Ngày cầu cho quê hương Việt Nam (30/4)
  • *Ngày cầu cho mẹ (mother's day - CN thứ 2 của tháng 5)
  • Lễ Chúa Lên Trời (sau 40 ngày PS, thursday)
  • Lễ Chúa TT Hiện Xuống (sau lễ Chúa Lên Trời 10 ngày)
  • Lễ Chúa Ba Ngôi (CN sau lễ Hiện Xuống)
  • Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Thứ Năm hay CN kế tiếp)
  • Lễ Thánh Tâm Chúa (vào Thứ Sáu kế tiếp)
  • *Ngày cầu cho cha (Father's Day - CN thứ 3 của Tháng 6)
  • Lễ thánh Gioan Tẩy Gỉa (24/06)
  • Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ (29/6)
  • Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15/8)
  • Lễ Các Thánh (1/11)
  • Lễ Các Linh Hồn (2/11)
  • Lễ Các Thánh Tử Đạo VN (24/11)
  • Ngày Tạ Ơn (Thursday cuối tháng 11)
  • Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8/12)
  • Lễ Giáng Sinh (25/12)

*Những ngày này không phải là ngày Phụng Vụ. Nên hát một bài ở "cuối lễ" thì được hơn.

  1. Biết về các ý chỉ trong năm và từng tháng. Có thể chọn những bài hát "Kết Lễ" để cầu nguyện theo ý của tháng.
  • Thứ Năm ĐT: Kính Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
  • Thứ Sáu ĐT: Kính Thánh Tâm Chúa
  • Thứ Bảy ĐT: Kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ
  • Tháng 3: Kính Thánh Giuse
  • Tháng 5: Tháng hoa Đức Mẹ
  • Tháng 6: Kính Thánh Tâm Chúa
  • Tháng 10: Tháng Mân Côi Đức Mẹ.
  • Tháng 11: Tháng Cầu cho các linh hồn.
  1. Biết về các ý chỉ trong tuần
  • Thứ Tư: kính Thánh Giuse
  • Thứ Năm: kính Thánh Thể và Cầu cho ơn gọi Truyền Giáo.
  • Thứ Sáu: kính Thánh Tâm Chúa
  • Thứ Bảy: kính Khiết Tâm Mẹ
  1. Biết các lễ theo nhu cầu. Những lễ này có thể xẩy ra quanh năm, nhưng Mùa nào thì có qui định của Mùa đó. Người Ca Trưởng cần tìm hiểu rõ những qui luật của Giáo Hội
  • Lễ Cưới
  • Lễ Đám Tang
  • Lễ Giỗ
  • Lễ Truyền Chức Linh Mục và Khấn Dòng, Lễ Ngân Khánh và Mở Tay
  • Lễ Quan Thầy...

Để biết thêm, xin xem những luật lệ của Giáo Hội trong lịch Phụng Vuï.