Hát Rõ Lời Ca  


(Phần lớn những ý tưởng bên dưới được đúc kết qua lớp Thánh Nhạc của cha Kim-Long  tại Houston, 12/2000)

Một trong những mục đích của Thánh Ca trong phụng vụ là để thánh hoá các tín hữu bằng việc giúp các tín hữu cầu nguyện qua lời ca tâm tình và qua tiếng nhạc thánh thót.

Để giúp người nghe cầu nguyện, thì người nghe phải nghe được lời ca, phải hiểu lời ca. Đây cũng là một lý do mà Công Đồng Vaticanô II đã cho phép dùng âm nhạc địa phương (ngôn ngữ riêng của mỗi quốc gia) trong phụng vụ, thay vì dùng độc nhất tiếng Latin ngày xưa.

Nhạc bình ca Gregorian có đơn vị nốt nhỏ nhất tương đương bằng một nốt móc của âm nhạc tiêu chuẩn bây giờ, nên lời ca của nhạc bình ca luôn rõ ràng, bởi thế đó cũng là một lý do mà Giáo Hội đề cao nhạc bình ca trong phụng vụ.

Nhạc đa âm (nhiều bè đuổi nhau) làm tăng vẻ huy hoàng trang trọng của bài hát, nhưng cũng có thể làm cho câu hát khó nghe (nói giỡn chơi là "các bè chửi nhau"), bởi vậy, trong lịch sử thánh nhạc (theo sự trình bày của cha Kim-Long), đã có thời gian (thế kỷ XVI) Giáo Hội rất nghiêm khắc với nhạc đa âm trong phụng vụ, vì có bài hát cả 53 bè, khi hát lên thì... Chúa hiểu thôi! Thời gian này, nhờ có một nhạc sĩ tài ba, là ông Palestina, đã sáng tác những bản nhạc đa âm mà luôn luôn có một bè chính trổi vượt lời ca để người nghe có thể nghe rõ lời, nên nhạc đa âm mới được Đức Thánh Cha PIÔ IV cho xử dụng.

Khi chọn bài hát hoặc khi hát, chúng ta nên chú ý mấy điểm sau đây:

  • Nếu bài hát có lời ca ở đơn vị nhỏ nhất là những nốt móc 2, móc 3, thì nên hát chậm, kẻo hát nhanh líu cả lưỡi lại, khi đó, chính mình cũng không biết mình hát lời gì!
  • Khi hát nhạc đa âm thì bè chính luôn luôn phải rõ ràng và trổi vượt hơn các bè khác.
  • Phải phân biệt một bản hát viết cho dị giọng hay đồng giọng. Nếu ca đoàn là đồng giọng (nữ) mà hát một bài 4 bè dị giọng, thì chắc chắn sẽ bị dòng nhạc của Tenore lấn át bè chính.
  • Tập kép âm cho đúng. Thí dụ như "ngày vinh thắng" mà hát "ngày vinh thá...." hoặc "tìm" thì hát ra "tiềm", "tình" thì hát "tìn".... gây chia trí cho người nghe.
  • Những chữ có hơn một nguyên âm đi với nhau, như chữ "chúa",  nên khép âm làm 2 lần ( U - A). Khép âm nhanh hay chậm tùy theo chữ đó được hát nhanh hay chậm, ở giữa câu hay ngân dài... Nếu chữ "chúa" mà không kép âm làm 2 lần, thì nghe như chữ "chóa", và chữ "người" thì nghe không khác chữ "ngoài" là mấy.  
  • Nếu tập kỹ thuật hát "to-nhỏ", thì nên hiểu tiết tấu và tập cho đúng. Không nên hát một câu cho thật to, rồi câu sau hát thật nhỏ đến nỗi người nghe không nghe được. Tiết tấu của các câu nhạc thường được biểu thị qua một đồ hình như "ngọn núi", lên cao và hạ thấp phải theo một đường cong, chứ  ít khi mà lên cái rụp hoặc ngược lại. hì hì :-)
  • Đệm đàn cho ca đoàn hát cũng nên ý tứ. Thường thì chúng ta hay nghe thiên hạ than là "lấn át tiếng hát"! (có trống vô nữa thì không biết sao) Chung chung thì khi đệm những câu phiên khúc nhỏ lại, nhất là khi có solo. Khi Ca đoàn ngân dài, thì có thể vươn tiếng nhạc lên cho đến khi Ca đoàn hát.  Các chữ đầu trường canh (ô nhạc) là những chữ cần đệm nhẹ nhàng.
  • Khi đệm nhạc bình ca thì nên giữ hợp âm hơn là chạy nốt, bởi vậy đàn organ thích hợp cho loại nhạc bình ca. Khi chuyển hợp âm trong nhạc bình ca, thì nên chuyển  ở những chỗ mang "ictus".
  • Khi đệm đàn cho loại nhạc ngũ cung Việt Nam hay nhạc bình ca, cũng phải ý tứ và hiểu biết về thang âm của nhạc ngũ cung và nhạc bình ca. Không thể bấm hợp âm như nhạc tiêu chuẩn Tây Phương được. Thí dụ, bộ lễ Seraphim của ĐGM Nguyễn Văn Hòa, được kết ở nốt RÊ, nhưng nếu trước khi kết mà dùng hợp âm LA Trưởng hay LA 7, thì hỏng to! :-)