chicomotchua.jpg (24145 bytes)

Hôm Chủ nhật mồng 9 tháng Giêng năm 2000 , Đức Cha Tod David Brown, Giám mục Giáo phận Quận Cam (California) đã cử hành thánh lễ tôn vinh Tuần lễ Di dân Toàn quốc . Tham dự là hàng ngàn giáo dân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau đang sống ở Quận Cam : người Phi luật tân, người Đại hàn, người Balan, Hung gia lợi, Ru ma ni, người đảo Samoa, v.v….. nhưng đông nhất là người Mễ và Việt nam.

Lúc tôi đến nơi thì trong nhà thờ đã đầy người. Họ mặc Âu phục hoặc y phục cổ truyền của mỗi nước. Tôi len lỏi một cách khó khăn, mãi mới chen vào được bên trong . Các hàng ghế không còn một chỗ trống; tôi cùng với nhiều người phải đứng ở chỗ lối đi sát tường, dọc theo hai dãy ghế hoặc phía cuối nhà thờ .

Thánh lễ bắt đầu. Tất cả mọi người trong nhà thờ đều đứng dậy. Tôi tình cờ nhìn sang phía đối diện tức là phía tường bên phải, bất chợt tôi trông thấy một người đàn ông dáng dấp Việt nam, có vẻ quen quen. Ông ta đứng õgiữa một thanh niên da trắêng và một người có vẻ là Nam Mỹ. Tôi cảm thấy như đã gặp ông ta rồi, nhưng không nhớ gặp ở đâu và tên ông ta là gì. Dẫu vậy, tôi cũng không chú ý đến ông ta nhiều , vì - tôi tự nhủ- lát nữa ra thì sẽ gặp thiếu gì người quen . . . .

Đức Giám mục chủ tế đã tiến vào giữa bàn thờ. Sau lời chào cộng đoàn theo nghi thức phụng vụ, Ngài nói sơ qua về ý nghĩa của Thánh lễ cho " di dân " hôm đó, đại ý là : chúng ta thuộc về nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng chúng ta có chung một Thiên Chúa, chúng ta cùng thờ một Chúa, vì chỉ có một Thiên Chúa là Đấng . . . .

Vừa nghe tới đó, tôi bỗng giật mình . Tôi liếc nhanh về phía người đàn ông ban nãy:

-   Thôi, đúng rồi, tôi nghĩ thầm, đúng là bàc Tư, còn có biệt danh là " ông Tư một Chúa " . Cái khuôn mặt xương xương ngày xưa nay tuy có mập lên một chút nhưng vẫn là cái khuôn mặt đó, khuôn mặt chữ điền, gân guốc và cương nghị y như lúc tôi gặp bác trước đây. Lại cái miệng rộng nữa , vẫn như thế, với cặp môi lúc nào cũng như sắp cười. Tôi tin chắc không thể lầm được. Đúng là bác Tư 100% rồi.

Từ lúc này tôi không thể nào cầm trí được nữa: Cái kỷ niệm giữa bác và tôi từ mười mấy năm qua hầu như tôi đã quên hẳn, nay bỗng sống lại trong tôi, rõ ràng, từng chi tiết nhỏ.

Một bữa Chủ nhật vào khoảng giữa thập niên 80, tôi vào thăm anh Hùng, bạn tôi , đang làm rẫy trong T.N. cách nhà tôi hơn một tiếng đi xe đạp. Chiều hôm đó, trong lúc chúng tôi đang mải mê vừa nói chuyện vừa quan sát những luống dưa leo rất sai trái của Hùng thì bỗng nhiên có tiếng sáo dìu dặt, văng vẳng đâu đây. Tôi lắng tai nghe, chưa kịp hỏi , thí Hùng đã nói ngay:

-   Tiếng sáo của bác Tư đó . Bao giờ bác cũng bắt đầu bằng bài " Chỉ có một Chúa " của Thành Tâm.. . . Số anh hên. Tối nay mình đi nghe hát.

Tôi ngơ ngác, nhìn Hùng, tỏ ý chưa hiểu . Anh nói tiếp:

-   Dân làm rẫy ở vùng T.N. này là những người đến từ khắp tứ phương thiên hạ . Họ thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tôn giáo, đủ mọi trình độ văn hóa, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm là ... nghèo. Ngoài một căn lều tranh, vách lá, và vài cái cuốc, cái xẻng ra thì món đồ duy nhất có giá trị của mỗi nhà là cái bình để xịt thuốc sâu. Nhung riêng đối với bác Tư thì có lẽ cây ghi ta và cái sáo trúc của bác mới là vật quý giá nhất.. . . . .

Hùng ngưng nói và hát nho nhỏ theo tiếng sáo đang réo rắt trên không: " Ngàn ngàn đời con xin tin, con xin tin, con xin ti. . .i. . .i. . .in. . . . ! "

Tiếng sáo ngân dài mấy giây rồi im bặt. Tôi hỏi:

-   Rồi sao nữa ?... Anh làm tôi sốt ruột quá !

-   Ờ, ờ... Cái ống sáo và cây ghi ta là phương tiện để bác giải trí….. , tiêu sầu. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đến lều của bác để nghe bác đờn, ca hay thổi sáo. Bác hát nhiều bài hay lắm , đa số là nha.c tiền chiến và nhạc miền Nam trước 75. Đôi khi bác cũng hát mấy bài ngoại quốc quen thuộc hồi thập niên 50, 60 như : Vaya con Dios, , Bambino, Dans le soleil et dans le vent v.v….., và cũng co’ khi, anh Sáu, một người hàng xóm của bác, yêu cầu bác đệm ghi ta để anh ta hát bài Tôi đua em sang sông .Anh hát cũng hay nhưng anh chỉ thích trình bày một bài đó thôi.

-   Còn bác Tư, hát gì thì hát, cuối cùng bao giờ cũng vẫn là bài " Chỉ có một Chúa " của Thành Tâm. Thế làø bài hát đó mặc nhiên trở thành bài ca kết thúc của bất cứ buổi họp mặt nào tại nhà bác . Thét rồi người nghe ai cũng thuộc lòng câu điệp khúc và hát theo mà có lẽ chẳng hề bận tâm đến ý nghĩa của nó. Cũng chẳng có ai muốn tìm hiểu xem tại sao bác lại chỉ thổi sáo bài đó để mời và chỉ hát bài đó để kết thúc. Ai cũng nghĩ là không nên hỏi vì có bao giờ bác hỏi anh từ đâu tới, trước kia anh làm gì hoặc anh theo đạo nào đâu . Dường như bác chỉ cần biết " anh cũng tha phương cầu thực như tôi, thế là đủ rồi………" .Tôi còn quên chưa nói với anh là người ta gọi bác là "ông Tư một Chúa" để phân biệt với " ông Tư cán cuốc " : ông Tư này sống ở đây không phải để làm rẫy, nhưng chỉ để vào rừng chặt cây làm cán cuốc đem bán.

Tôi ngắt lời Hùng:

-   Bộ những người đến nghe đều là Công giáo hết cả sao ?

-   Đâu có ! Tất cả vùng T.N. này chỉ có 19 người C.G. thôi. Nhưng trong số mười mấy người thường đến nghe bác Tư hát thì chỉ có ba hay bốn người là C.G.; còn những người C.G.khác cũng thích nghe nhưng vì ở xa nên ngại tới.

-   Cứ tối Chủ nhật là hát hả ? – Tôi thắc mắc.

-   Không phải vậy. – Hùng vội nói - . Bác Tư ở đây cùng với vợ con. Ngày Chủ nhật nào gia đình bác thấy thuận tiện thì bác mới báo tin bằng cách thổi sáo như anh mới vừa nghe đó……..

-   Tôi hiểu ra rồi. Tức là tối nay mình có thể đến nghe bác hát !

-   Chứ còn gì nữa ?. . . .

Khi Hùng và tôi đến thì trong nhà đã có khoảng mươi người đang ngồi nói chuyện và 2 người đang hút thuốc lào ở ngoài sân . Chúng tôi chào mọi người rồi Hùng chỉ vào tôi: " Đây là anh Vinh, bạn tôi. Ảnh ở ngoài phố nghe nhạc chết trong radio hoài, bữa nay ảnh muốn thưởng thức nhạc sống một bữa để . . . đổi món. " Mọi người cười vui vẻ.

Vài phút sau, bác Tư cầm lấy cây ghi ta. Trong nhà bỗng im bặt. Tôi nghĩ là bác chuẩn bị "So dần dây vũ, dây văn". Nhưng không phải vậy. Bác đờn vài hợp âm, rồi không một lời giới thiệu, bác cất tiếng hát ngay:

" Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ……. . . ."

Không ai có thể ngờ bác đã lớn tuổi mà giọng còn tốt và khỏe như thế. Sau bài "Trương Chi", bác còn hát gần chục bài nữa. Bác hát bài Việt hay bài tiếng Anh, tiếng Pháp cũng đều hay cả. Sau mỗi bài, ai nấy đều vỗ tay một cách nhiệt tình.

Thực ra tôi thích nghe bác hát những bài ngoại quốc hơn vì đã lâu rồi chưa có dịp nghe lại, còn bài Việt thì hầu như tôi được nghe hàng ngày.

Cuối cùng thì cũng phải kết thúc. Bác vừa cất tiếng :

-   Chỉ có một Chúa . . . . (Bài Hát   -   Midi)

thì có nhiều người hát theo ngay:

. . . một đức tin, một phép rửa; Chỉ có một Chúa , người là Cha mọi người hết thảy, Đấng trên hết mọi người, Đấng ở giữa mọi người và trong mọi người .

Ngàn ngàn đời con xin tin, con xin tin, con xin tin. . . . .!

Họ có tin không ? Tôi không biết, nhưng tôi thấy họ hát một cách tự nhiên , vui vẻ. Và hễ bác Tư hát solo xong một câu Tiểu khúc là họ lại bắt vào Điệp khúc một cách dễ dàng và rất đúng nhịp.

Giả như người đờn không đệm xập xình theo Slow Rock , giả như người hát có thêm một chút say sưa và một chút tôn nghiêm nữa, thì ta sẽ tưởng đó là những giáo dân ngoan đạo. . . .

Mọi người ra về, riêng Hùng và tôi ở lại . Bác Tư tiếp chúng tôi như là bạn bè, tự nhiên và thân tình. Tôi đã có chủ đích sẵn, nên tìm cách vào đề ngay:

-   Hình như bác có vẻ thích bài "Chỉ có một Chúa" , phải không ạ ?

-   Đúng, đúng !

-   Vậy mà ban nãy, lúc hát " Summertime ", xem ra bác còn có vẻ say sưa hơn là khi hát " Chỉ có một Chúa " nữa đó !

Bác quay nhìn tôi, cười rất tự nhiên:

-   Kể ra thì anh cũng tinh ý thật. . . Mà anh có công nhận bài Summertime là hay không nào ?

-   Dạ, hay quá đi chứ, bác ?

-   Ờ !. . . Nhưng gỉa như anh chưa biết gì về hai bài đó thì khi nghe nha.c , anh có thể nói bài nào là bài đạo, bài nào là đời không ?

Tôi còn đang ngần ngừ thì bác liền nói ngay:

-   Khó! . . . phải không nào ? Tôi còn nhớ ngày xưa, lần đầu tiên nghe người ta thổi Saxo bài Summertime, tôi cứ ngỡ nó là bài nhạc đạo vì nó khơi dậy trong tôi cái âm hưởng của câu mở đầu bài Libera me, Domine của Perosi (?), còn khi nghe hát " Chỉ có một Chúa " lần đầu tiên, tôi rất ngỡ ngàng, vừa thích thú, vừa khó chịu vì cảm thấy như là người ta đang tục hóa thánh ca vậy.. . .

-   Bác có thể kể lại cho chu’ng tôi nghe cái kinh nghiệm lần đó được không ạ ?

-   Có gì mà không được ? Đầu đuôi thế này. Đơn giản thôi. Tôi đã nghe hát bài đó ở Hội trường Nhà thờ Tân định và ở Hội trường Nhà thờ Chánh tòa Đàlạt, nhưng nghe ở đâu trước thì tôi không nhớ. Hồi đó hình như vào khoảng một, hai năm trước hay sau năm 1970, có một buổi trình diễn " Nhạc vào đời " tại Hội trường. Chiều hôm đó tôi bận công chuyện nên khi đến nơi thì đã khai mạc được hơn nửa tiếng rồi. Hội trường đầy người. Sáng trưng. Một tiết mu.c nào đó vừa chấm dứt, tiếng vỗ tay rào rào . Tôi loay hoay tìm một chỗ đứng ở phía cuối, không biết người ta đang giới thiệu đến bài nào . Bỗng đèn phía khán giả mờ đi và cả hội trường im bặt. Tiếng trống , tiếng đàn bỗng ồn ào, sôi động , rồi bất chợt vang lên câu hát :

" Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa…. . "

Tiếng hát bay lên một cách thình lình, xoáy nhanh vào đầu tôi trong lúc tôi chưa kịp chuẩn bị để đón nhận hay từ chối, khiến cho tôi giật mình: "Ủa ? Cái gì vậy ? ! " Ngay từ bốn chữ đầu tiên, bài hát đã lôi cuốn tôi rồi. Không biết có phải là vì cái quãng sáu thứ vững chãi và mê hoặc kia không ? Hay là vì chữ "Chúa" vút lên nhanh quá, y như một tia chớp ? Hay là tại vì mấy chữ đó đã quen thuộc đối với tôi, nay mới được hát lên lần đầu tiên ? Hay là vì tất cả ? Tôi chẳng biết tại sao, nhưng tôi chỉ cảm thấy là tôi chưa hề nghe bài nào thuộc loại như thế bao giờ. Bài gì mà kỳ cục, lời thì đúng là lời đạo vì lấy từ Kinh Thánh, mà nhạc thì đúng là nhạc đời vì nghe xập xình cứ như là ở phòng trà. . .

"Rằng hay thì thực là hay",

nhưng đời hay ? Hay là đạo hay ?

Nghe tới đó, Hùng và tôi đều cười . Vì thấy vui vui thôi, nhưng bác nói:

-   Có lẽ các anh thấy tôi " cổ lỗ sĩ " quá phải không?

Không đợi trả lời, bác nói tiếp ngay:

-   Hồi đó thỉnh thoảng tôi cũng có nghe nói về "Nhạc vào đời", nhưng tôi không thể nào nghĩ được nó là loại nhạc như bài "Chỉ có một Chúa" mà tôi đang nghe. Tôi chăm chú nhìn lên sân khấu . Bài ca đang còn tiếp tục. Và khi tiếng hát ngân dài ở chữ "tin" cuối cùng của Điệp khúc thì cả hội trường vỗ tay vang dội, làm cho tôi cảm thấy tim đập mạnh.. . . Hình như tôi đang đi biểu tình ở ngoài phố. Mà sao người ta không hoan hô, không đả đảo, nhưng chỉ hô to " Chỉ có một Chúa ! Con xin tin: Chỉ có một Chúa! Con xin tin....Con xin tin.....

-   Kế đó là bài Trên đường Emmau . Bài này nghe dịu dàng hơn nên tôi không bi. sốc như bài trước. Lời ca tuy không phải là lời Kinh thánh nhưng rất thâm thúy. Khi nghe những câu Tiểu khúc, tôi có cảm tưởng như đang nghe một vị tu hành đạo đức nào đó chia sẻ Lời Chúa vậy. Hay lắm ! Các bài khác cũng được hoan nghênh nhiệt liệt.

Còn tôi, dần dần cũng lấy lại được bình tĩnh . Tôi nghĩ thầm: co’ lẽ "nhạc vào đời" tức là loại nhạc đạo được làm để hát ở ngòai đời, tức là bên ngòai nhà thờ, chứ không phải để hát trong giờ phụng vụ, chẳng hạn như trong Thánh lễ. Và tôi bỗng nhiên cảm thấy mình chậm hiểu, ngu dốt quá , thua xa đám trẻ, vì chúng thưởng thức một cách khoái trá, bài nào chúng cũng vỗ tay rần rần.....

Chỉ trong khoảng thời gian một tuần lễ sau buổi trình diễn đó, tôi đã thuộc khá nhiều bài của Ban Alleluia, nhưng tôi thích nhất 3 bài của Thành Tâm là: Trên đường Emmau, Vào đời và Chỉ có một Chúa. Mỗi bài đều có cái hay riêng, nhưng đối với tôi, bài hay nhất là bài Trên đường Emmau.

-   Vậy mà bác la.i dùng bài Chỉ có một Chúa để kết thúc mỗi buổi ca hát ?

-   Phải rồi !.....Vì bài đó để lại trong tôi một ấn tượng khó quên, như tôi vừa kể. Mặt khác, trước khi mọi người ra về tôi muốn họ đem theo một cái gì đó để suy tư và tôi thấy bài Chỉ có một Chúa là thích hợp nhất với mục đích của tôi.....Dẫu vậy, trước khi hát bài đó lần đầu tiên, tôi cũng đã nói như sau: " Bây giờ tôi muốn kết thúc bằng một bài hát đạo, bà con ta có đồng ý không? " Tất cả đều vui vẻ hô to : "Đồng ý !" Thế là từ đó về sau, bài Chỉ có một Chúa đương nhiên trở thành bài ca kết thúc, y như trước đây, trong một thời gian khá dài ta.i Miền Nam, bài Ce n’est qu’un au-revoir được dùng để chấm dứt mỗi chương trình văn nghệ vậy.

Bác Tư nói chuyện rất mạch lạc, hăng say và có duyên. Tôi ngồi nghe không biết chán, và càng nghe càng cảm thấy phục và quý bác, nhưng vì trời đã khuya và buổi nói chuyện cũng khá dài nên chu’ng tôi xin cáo từ .

Khi chia tay, tôi đã ngỏ lời hẹn găp lại bác, nhưng không bao giờ tôi còn có dịp may như hôm nay nữa, vì mấy tháng sau, Hùng cho biết , khi thu hoa.ch hoa mầu xong , gia đình bác đã dọn đi miền Tây rồi.

Hơn mười năm trôi qua !... . .Tôi không hề được tin gì về bác, cho đến hôm nay, thật tình cờ. . . .

Tôi cứ lan man suy nghĩ về bác Tư nên không còn theo dõi được thánh lễ nữa. Đến khi Đức Giám mục ban phép lành xong thì tôi vội vàng chen ra trước, đến chờ sẵn ở cửa nhà thờ gần chỗ bác Tư đứng. Vừa trông thấy bác, tôi vội chạy đến chào, nhưng bác chỉ nhìn tôi ngờ ngợ . Tôi phải nhắc lại sơ qua buổi gặp mặt mười mấy năm về trước, bấy giờ bác mới "ồ" lên một tiếng lớn và mặt bác rạng rỡ hẳn lên trong sự vui mừng của những kẻ "tha hương ngộ cố tri" :

-   Thì ra anh là anh Long đấy ? Mới gặp có một lần, làm sao tôi nhớ được ? mà lại vào lúc buổi tối nữa ? Hình như anh chỉ hơi già đi chút đỉnh, nhưng mập ra nhiều . Anh sang đây lâu chưa ?

-   Thưa tôi sang cuối năm 90.

-   Thế thì gia đình, con cái đâu vào đó cả rồi chứ ?

-   Thưa bác cũng tạm ổn vậy thôi.

-   Cám ơn Chúa ! Tạm ổn là tốt rồi . Còn tôi thì lận đận hơn anh. Tôi sống ở Vĩnh long gần mười năm. Tôi nộp đơn đi Mỹ theo diện H.O., nhưng vì gia đình tôi di chuyển hoài nên giấy tờ bi. trục trặc, mãi đến năm 96 mới đi được. Chúng tôi chỉ sang đây đựơc 5 người : bố mẹ với 3 đứa con, còn 2 đứa lớn đã có gia đình nên phải ở lại. Tôi và nhà tôi đều trên 65 tuổi nên được trợ cấp tuổi già, vả sức khỏe cũng kém lắm rồi , không làm việc nặng được. Tôi cũng không lái xe. Đi đâu xa thì có mấy đúa con lái, hoặc tôi đì xe Bus. Hai đứa lớn nhà tôi, một trai , một gái, thì vừa đi học vừa đi làm, chỉ còn thằng Út là còn đi học, hè sang năm mới ra Cử nhân Điện toán.. . .

-   Xin chúc mừng bác !

-   Cám ơn anh. À....., ban nãy anh tới đây bằng gì vậy ?

-   Tôi lái xe tới .

-   Vậy thì thế này nhá: Nếu anh không có công chuyện gì gấp thì anh làm ơn đưa tôi về nhà,..... gần đây thôi, mình ngồi chơi, uống cafe’, nói chuyện gẫu......., lại để cho biết nhà luôn....

Chừng bảy, tám phút sau chúng tôi đã về tới chỗ bác ở. Đó là một căn hộ nằm trong một chung cư khá lớn. Bác Tư gái ra mở cửa cho chúng tôi. Bác rất vui vẻ và hiếu khách.

Đồ dùng trong nhà tuy đơn sơ, bình dân, nhưng sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng.Tôi quan sát phòng khách, phòng ăn và khen đẹp. Bác Tư gái nói:

-   Tôi thuê cái apartment nay được hơn hai năm nay, chỉ có 800 đô la một tháng: hai phòng ngủ, hai phòng tắm, có chỗ để được hai xe. Bây giờ mà đi mướn thì phải 900. Chắc anh cũng biết đấy, giá nhà đang lên vùn vụt......

Thấy tôi để ý đến chiếc ghi ta dựng ở góc phòng, bác Tư liền nói:

-   Cái ghi ta ngày xưa đó. Đi đâu tôi cũng đem nó theo, cả cái sáo trúc nữa.

-   Cả bài "Chỉ có một Chúa " nữa , chứ bác ? - Tôi nói đùa .

-   Bác phá lên cười :

-   Đúng, đúng ! Tôi vẫn thích bài đó chứ . Nhưng từ ngày về Vĩnh long và cả khi sang đây, tôi không có di.p để hát cho ai nghe cả, tôi chỉ hát bài đó một mình. Cũng từ hồi đó cho đến nay, tôi cũng không thấy hát bài đó trong nhà thờ lần nào, trong khi người ta vẫn hát những bài ca "vào đời" khác và những bài ca sinh hoa.t của Sơ Sourire , của Cha Duval trong thánh lễ.

-   Thưa bác, vậy thì mình có thể hát " nhạc vào đời " trong thánh lễ sao ?

-   Ta đừng quên là: bài hái Phụng vụ khác với bài hát sinh hoạt tôn giáo ngay từ trong ý hướng sáng tác của nó, nhưng có một số bài hát sinh hoạt, thường được gọi là "nhạc vào đời", tôi nghĩ có thể hát trong nhà thờ được nếu nó hội đủ được các tiêu chuẩn của bài ca phụng vụ mà Giáo hội đã quy định : tức là bài đó phải mang tính chất " thánh thiện và có nghệ thuật ", nó phải nhắm vào việc "làm sáng danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu" . Muốn được như vậy thì lời ca "phải thích hợp với giáo lý Công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Kinh thánh và các nguồn mạch phụng vụ ". La.i nữa khi hát trong thánh lễ hay trong các giờ Phụng vụ khác như chầu Mình thánh Chúa..... thì phải giữ được vẻ tôn nghiêm, kính cẩn, xứng hợp với việc cầu nguyện, nhất là không được đệm theo tiết điệu của nhạc đời.

Bác nói liền một hơi với thái độ xác tín cứ y như một ông thầy đang dậy thánh nhạc vậy. Tôi hỏi:

-   Xem ra nghiêm ngặt quá, phải không bác ?

-   Tôi nghĩ có nghiêm ngặt thật, nhưng không phải là quá đâu. Anh thấy không : trong khi giao tiếp với nhau, mình còn phải học cho biết phép lịch sự. Cách chào hỏi, mời mo.c, xin lỗi, chia buồn, cách xưng hô, giới thiệu, cách viết thư, cách kêu điện thoại vân vân,.... nhất nhất cái gì cũng có quy luật cả, mà ai cũng phải học để biết mà thực hành. Thậm chí trong địa hạt nhà nước với nhau có khi người ta còn thiết lập cả một bộ gọi là Bộ Nghi lễ, hay Bộ Lễ tân để chỉ lo về chuyện giao tế sao cho đúng phép . Đó là chuyện loài người với nhau mà còn như thế, huống chi cầu nguyện là chuyện giao tiếp giữa con người là loài thụ tạo với Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa thì thiết tưởng càng phải có luật lệ nghiêm minh đến mức nào !

Còn một điều kiện nữa mà bài ca phụng vụ phải có , đó là phải được sự chuẩn nhận của Giáo quyền trong Địa phận, tức là phải được kiểm duyệt trước rồi mới được hát trong nhà thờ. Điều này có lẽ ai cũng biết, nhưng có nhiều người hay quên hoặc cố tình không để ý tới. Riêng trong thời gian gần đây, viện cớ việc xin "Imprimatur’ có phần bị giới hạn vì nhiều lý do nên người ta hay quên xin kiểm duyệt mà cứ tha hồ "tự biên, tự diễn", nhất là khi tác giả bài hát lại chính là ca trưởng hay vị linh mục trong xứ, tức là những người có quyền quyết định việc chọn bài hát cho ca đoàn và cộng đoàn. Đó là những việc làm không đúng, gây ảnh hưởng xấu cho việc thờ phượng Chúa và góp phần không nhỏ vào sự thiếu trật tự trong việc phát hành, suy thoát về nội dung và lạm phát về số lượng thánh ca như hiện nay tại Việt nam . . . .

Nói riêng về bài " Chỉ có một Chúa", tuy là nhạc sinh hoạt, nhưng lời ca của Điệp khúc là lời Kinh thánh, còn trong Tiểu khúc thì lời ca cũng cảm hứng từ Kinh thánh, tôi nghĩ có thể xin hát trong phụng vụ được miễn là khi hát không được tạo ra cái phong cách của nhạc đời .

Tại Quận Cam (Orange County) này có tất cả 12 Cộng đoàn Công giáo Việt nam. Mỗi cộng đoàn có từ một đến năm Thánh lễ Chủ nhật, kể cả Thánh lễ tối thứ bẩy. Tôi đã đi lễ tại 9 trong số 12 nhà thờ có lễ Việt nam và tôi nhận thấy rằng chỉ có vài ba nơi tỏ ra cố gắng đàn hát theo đường hướng của Giáo hội, còn phần đông thì vẫn đệm đàn xập xình theo tiết điệu có sẵn trong organ điện tử; lại xem ra không cần chọn bài hát cho thích hợp với ý lễ và hợp với mỗi phần của thánh lễ. Có nơi thay vì đọc hay hát Thánh vịnh Đáp ca thì lại hát một bài không thích hợp gì cả. Trong dịp Lễ Giáng sinh, nhiều nhà thờ vẫn hát " Chuông vang vang " và " Chú bé đánh trống", thậm chí vào đêm Giáng sinh năm 97, tại một nhà thờ gần đây, vị Linh mục chủ tế, sau khi giảng xong, đã hát : " Mùa Giáng sinh đó còn nhớ không em ......" và giáo dân đã vỗ tay rào rào ......

-   Như vậy thì anh nghĩ là nên cười hay nên khóc ?....

Còn trong thánh lễ cử hành bằng tiếng Anh , thường ta không gặp những sự kiện như trên.

-   Trong các cuốn thánh ca của người Mỹ, tôi thấy có một bài cũng thuộc lọai ca khúc như bài của Thành Tâm, đó là bài " There is one Lord " – Chỉ có một Chúa " – của Owen Alstott , chắc anh có nghe ?

-   Ồ, bài đó tôi biết . Điệp khúc thì dễ nhớ nhưng tôi thuộc cả 2 câu Tiểu khúc nữa kia .

Bác đi lấy sách và ghi ta rồi mời tôi cùng hát :

-   There is one Lord, There is one faith, There is one fountain flowing with the waters of rebirth.

(Chỉ có một Chúa, Chỉ có một đức tin, Chỉ có một nguồn mạch tuôn tràn dòng nước tái sinh ).

Bác ngưng hát và hỏi tôi : " Anh thấy thế nào ? "

-   Dạ, có vẻ trang nghiêm lắm ! Tôi cảm thấy rõ ràng có âm hưởng Bình ca.

-   Đúng thế đó. Nhưng được như vậy là vì dòng nhạc chỉ chuyển động bằng quãng 2 và quãng 3 không thôi . Âm vực cũng nhỏ, chỉ gồm 8 nốt, nằm ở mức trung bình : từ Re thấp tới Re cao. Tiết điệu rất giản dị với các nốt đen và trắng; không có đảo phách, cũng không có một loại nốt hoa mỹ nào. Lời ca cũng lấy từ Kinh thánh. Nhạc và lời khăng khít với nhau: mở đầu một cách thanh thản, bình an, rồi vươn lên khoan thai, vững chãi cho đến giữa câu, rồi lại từ từ đi xuống, trang nghiêm . Nét nhạc từ ô nhịp 9 đến ô nhịp 12 rõ ràng muốn diễn tả một dòng nước đang từ trên cao tuôn xuống, và từ ô nhịp 13 trở đi , nét nhạc vẽ ra trong ta cái hình ảnh của hồ "nước tái sinh " đang chập chờn gợn sóng.

-   Anh thử hát lại xem có đúng không ? Còn tôi, khi nghe bài này lần đầu tiên tôi cảm thấy không có gì hấp dẫn, nhưng về sau, hát nhiều lần, tôi mới thấy hay và thấm thía . Nó bắt ta phải thầm lặng suy tư , phải cúi đầu tôn kính......

Có thể nói: nếu bài này là một bài kinh nguyện, là những lời tỉ tê tâm sự với Chúa thì bài "Chỉ có một Chúa" là một bài hát tuyên truyền, bài hát sinh hoạt trong hội trường, nặng về cảm xúc. Nó lôi cuốn ta ngay từ mấy nốt nhạc đầu tiên. Nó tung ta lên cao vút tới Mib, rồi lại ném ta xuống tận Sol thấp, trải qua một quãng thật lớn là 13 nốt, sau đó lại kéo ta lên cao, khiến ta dễ bị quay cuồng tựa như trong trò chơi nhào lộn vậy .

Ta hô lớn tiếng : Con xin tin, con xin tin ! Thật đáng hoan nghênh. Đó là lời tuyên xưng của mọi người Công giáo chúng ta, nhưng lời tuyên xưng đó phải thực sự phát xuất từ cõi lòng và được nói lên một cách thành kính, trang nghiêm, phải là lời cầu nguyện, miệng nói mà lòng tin và sẽ sống niềm tin đó, chứ không phải như lời hoan hô trong cuộc biểu tình nào đó ngoài đường phố, vang động, ồn ào rồi theo gió bay đi. Bài " Chỉ có một Chúa" rất dễ tạo ra cái vang động ồn ào như thế, nên ta phải thận trọng khi trình bày.

-   Cám ơn bác. Nghe bác nói tôi thích quá chừng. Khi hát 2 bài đó tôi chỉ thấy hay mà không biết diễn tả nó hay như thế nào. Mà xin bác đừng cười nhá, tôi thấy bài " Chỉ có một Chúa" hấp dẫn hơn bài tiếng Anh kia.

-   Thì tôi cũng đã nói với anh như vậy đấy, nhất là khi ta chỉ nói về phần Điệp khúc như từ nãy đến giờ .. Nhưng để cầu nguyện thì ta nên chọn bài kia vì dễ sốt sắng hơn.

Còn một bài "There is one Lord" khác của Jacques Berthier, trong cuốn RitualSong, tôi có đây.

Bác mở sách , trao cho tôi và nói :

-   Anh thấy đó, bài chỉ gồm có một câu nhạc chia thành hai vế nằm trên hai dòng, soạn cho 4 bè dị giọng . Nhưng anh và tôi thử bỏ qua 3 bè dưới và chỉ hát bè trên cùng thôi xem thế nào :

There is one Lord, one faith, one baptism,
there is one God who is Father of all .

(Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người .)

Hát xong, tôi tỏ ý thắc mắc :

-   Mình hát có chậm quá không , bác ?

-   Tôi cũng thấy như thế . Nhưng tác giả đã ghi rõ chuyển động ở đầu bài là : dấu đen bằng 63, có lẽ để tạo nên vẻ bệ vệ, uy nghiêm chăng ? Nhưng thôi, bây giờ mình không theo tác giả nữa, mà thử hát nhanh hơn , xem có hay hơn lần trước không. Người trình diễn là tác giả thứ hai mà !

Chúng tôi hát nhanh hơn một chút và giữ liền giọng hơn thì nghe vẫn thanh thản mà giai điệu lại có vẻ khởi sắc hơn. Bác tư hỏi tôi :

-   Trong hai bài There is one Lord vừa kể, anh thích bài nào hơn ?

-   Tôi thích bài trước. Của Owen Alstott.

-   Tôi thì lại thích bài của Jacques Berthier hơn. Có lẽ vì bài trên anh đã thuộc sẵn rồi, nên thích hơn. Anh cứ thử hát bài sau cho thật nhuyễn rồi anh sẽ cảm thấy vẻ đẹp của nó. Rồi khi hát trong nhà thờ cùng với cộng đoàn, anh sẽ thấy tâm hồn lắng xuống, và bình thản trình bầy cảm nghĩ, tâm tư của mình với Thiên Chúa là Cha của anh và của tôi, của tất cả mọi người chúng ta.

Còn về hình thức, anh thấy không, dòng nhạc lên xuống chỉ giới hạn trong 5 nốt, từ Re đến La, và hầu hết là dùng quãng hai ,vậy mà đã làm nên một giai điệu đơn sơ nhưng có sức cuốn hút ta chạy một mạch từ đầu đến cuối một cách thích thú, không biết mệt.

Bài trên nhấn mạnh ở chữ "one" – một - : " one " (Lord), "one" (faith), "one" (fountain), dường như tác giả mưốn nhấn mạnh đến sự "hiệp nhất" của mọi người trong một đức tin, một thân thể là Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Bài dưới tuy có nhấn ở chữ "Lord" –Chúa-, chữ " faith" –đức tin -, chữ "baptism" –phép rửa-, nhưng câu nhạc đi liền một hơi từ đầu đến cuối thành một lời tuyên xưng đầy đủ, trọn vẹn.

Ý hướng sáng tác của hai tác giả tuy có khác nhau ở tiểu tiết, nhưng cả hai đã làm nổ bật được ý tưởng của Tha’nh Phaolô về dức tin của người Kitô hữu chúng ta . Mặt khác, cả hai tác giả xem ra đã có ý soạn cho toàn thể cộng đồng chứ không phải riêng cho ca đoàn.

Tôi thấy bài của Jacques Berthier ngắn quá, liền hỏi:

-   Bài này không có Tiểu khúc nào hay sao ?

-   Bài này thuộc hình thể Ostinato , tiếng Anh gọi là Ostinato Refrain hoặc Ostinato Response. Nó là một câu hát ngắn được lặp đi lặp lại nhiều lần và có thể đi kèm với một hay nhiều Tiểu khúc, mỗi câu dài, ngắn khác nhau và nhạc cũng khác nhau. Riêng bài này thì có 3 Tiểu khúc, nhưng chỉ cần hát nguyên một phần Ostinato cũng được. Vì thế cuốn RitualSong chỉ in có phần Ostinato thôi.

Trong nguyên bản, thì phần Ostinato được soạn cho 4 bè dị giọng ( nam và nữ , như ở đây) và còn thêm phần cho 3 bè đồng giọng (nam hoặc nữ) nữa.

Tôi thấy Jacques Berthier , nhạc sĩ sáng tác của Cộng đồng Taizé, xem ra rất thích làm những bài hát thụôc hình thể này, với nhiều bè – đồng và dị giọng như bài này - và nhiều bài không có Tiểu khúc nào .

-   Bác có vẻ khen thánh ca tiếng Anh hơi nhiều đấy nhá !

Bác tư cười rất tự nhiên :

Không phải tôi có ý thiên vị, hoặc coi " Bụt nhà không thiêng đâu", mà chỉ nói một cách thành thật theo như nhận xét rất là "chủ quan" của tôi thôi. Vì thế có thể khác với ý nghĩ của anh hay của người khác.

Anh cứ nghĩ kỹ mà coi, nói chung thì các bài thánh ca bằng tiếng Anh tại đây xem ra hội được các tiêu chuẩn mà Giáo hội quy định hơn là rất nhiều bài thánh ca của ta hiện đang được hát trong nhà thờ . Có những cuốn như Today’s Missal cha*ng hạn, thì hầu như ở khắp nước Mỹ, nhà thờ nào cũng dùng cả . Mà năm nào họ cũng in lại một lần với sự thay đổi một số bài trong đó .

Được như thế có lẽ là do sự quan tâm của tất cả mọi giới, từ Giáo quyền đến giáo dân, nhất là hàng Giám mục. Ngay từ năm 1967, Hội đồng Giám mục Mỹ đã ban hành những quy định về thánh nhạc. Và một văn kiện chính thức có lẽ là cuốn "Music in Catholic worship" –âm nhạc trong phụng vụ Công giáo – do Hội đồng Giám mục cho phổ biến lần đầu tiên năm 1972 và nếu tôi nhớ không lầm thì cho đến nay đã được tái bản nhiều lần rồi.

Ngoài ra, còn những cuốn do các tu sĩ hay giáo dân viết nữa, như cuốn: Music in Ritual –Âm nhạc trong Nghi lễ của Edward Foley, cuốn Preparing Music for Celebration – Chuẩn bị Âm nhạc để Cử hành (phụng vụ) – của Heather Reid v.v...

-   Chắc bác đã nghiên cứu nhiều về thánh ca hay sao mà thấy bác có vẻ rành quá, giỏi quá. Chắc tôi còn phải xin phép bác cho đến thụ giáo nhiều lần nữa mới được .

-   Cám ơn anh đã khen . Nhưng tôi không phải là nhà phê bình, cũng không phải là nhạc sĩ, mà tôi chỉ là người thích nhạc, thích đờn ca, lại yêu thánh nhạc, nhất là trong lúc này , hai đứa con tôi đang ở trong ca đoàn, hay hỏi tôi đủ thứ chuyện về việc đàn hát trong nhà thờ, trong thánh lễ, nên tôi phải cố gắng để giúp chúng nó. Chính vì thế mà tôi đã thu thập được một mớ kiến thức vụn vặt và rời rạc đem ra nói chuyện , khiến anh cứ tưởng tôi tài giỏi lắm !....

Thế là chỉ vì anh nhắc đến bài "Chỉ có một Chúa" mà tôi đã tán hươu tán vượn, tầm bậy tầm bạ, suốt từ nãy đến giờ, mà còn được khen nữa chứ !

-   Tôi khen thật tình mà. Ít nhất bác cũng dã bồi dưỡng cho khiếu thẩm mỹ của tôi kha khá đấy. Về thánh nhạc thì tôi như là người mù, còn bác rõ ràng là sáng hơn tôi, nên tôi đã được hưởng lợi hơn bác.

-   Tôi xin cám ơn bác nhiều và khi nào thuận tiện sẽ phone cho bác để xin đến cùng hát " Chỉ có một Chúa" và There is one Lord, dài dài....

-   Anh đừng bận tâm. Anh đến, tôi còn vui nữa. Bá nha với Tử kỳ, xưa nay có nhiều đâu ! Mà có lẽ bây giờ mình nên hát một lần nữa rồi hãy chia tay......

Tôi lái xe ra về mà miệng tôi không ngừng hát, hết There is one Lord, lại đến " Chỉ có một Chúa ", rồi lại There is one Lord ...., rồi lại nghĩ đến bác Tư, nghĩ đến cái sáo trúc và cái ghi ta thùng cũ kỹ của ông Tư một Chúa, nghĩ về chuyện thánh nhạc , ở Mỹ và ở Việt nam.....

Nếu ai cũng quan tâm đến thánh nhạc một chút, chỉ cần được như bác Tư thôi, thì......

Tôi bỗng cảm thấy vui nhè nhẹ, lâng lâng ..... Chẳng hiểu tại sao ?

 

California, cuối Xuân 2000

Khổng Thành

(Báo CANTATE số 91 ngày 13 / 9 và số 92 ngày 13/10/00)