Vấn đề Thánh nhạc :

Góp ý về một câu "HỎI ĐÁP "

Khổng Thành

Ở phần "HỎI ĐÁP" trong CANTATE số 80 ngày 13-10-99, Hà Loan và các bạn trong ca đoàn Thánh mẫu, Gp. Xuân lộc có thắc mắc là "sao giáo quyền không quy định . . .hôm nay ca nhập lễ hát gì. . ., ngày mai hát gì, hát ra sao . . . " Người trả lời là Diệu Trúc, tỏ ý mong cho Việt nam cũng làm được như tại Âu Mỹ, "các nhà thờ trong địa bàn Giáo phận, hát giống nhau những bài hát đã được các nhà chuyên môn …. chọn lựa kỹ về mọi mặt." Nhưng Diệu Trúc lại nói thêm: có người cho rằng: "Hát như vậy rập khuôn, không khởi sắc và buồn tẻ ! . . "

Diệu Trúc đã không trả lời câu phê bình trên, có lẽ vì khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo chăng. Tuy nhiên, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu đôi nét về chuyện Thánh ca của người nước ngoài để ta rút kinh nghiệm hoặc ít ra cũng giải đáp được phần nào thắc mắc trên đây: " Hát như vậy rập khuôn……."

Thoạt nghe nói : hát "rập khuôn", ta tự nhiên thấy không thích vì ta nghĩ ngay đến sự bắt chước: người ta hát sao, mình hát vậy, không cần gì phải cố gắng tìm tòi thêm, nghĩa là không cần gì đến sáng tạo nữa. Nhưng có đúng là Âu-Mỹ , trong cùng một Thánh Lễ, tất cả các nhà thờ đều hát cùng một bài như nhau không ?

Không biết ở các nước khác thế nào, riêng ở Hoa kỳ thì không có chuyện đó, vì người ta có nhiều bài khác nhau để chọn cho mỗi Thánh Lễ. Các tuyển tập Thánh ca thông dụng tại Hoa kỳ có thể sắp vào 3 loại chính sau đây:

Loại 1- Sách gồm 1 phần là các bài đọc của một số ngày Chủ nhật & Lễ trọng, 1 phần là Thánh ca, như cuốn Today's Missal : mỗi năm ra 4 cuốn theo Mùa Phụng vụ.

Loại 2- Tuyển tập thánh ca và các bài đọc của tất cả các Chủ nhật & Lễ trọng dùng cho các năm A-B-C, như cuốn RitualSong.

Loại 3-Tuyển tập thánh ca thuấn túy: gồm toàn những bài hát , như cuốn Today’s Missal – Music Issue (gọi tắt là Music Issue).

Những sách đó có thể dùng trong tất cả các nhà thờ tại nước Mỹ, nhưng dùng cuốn nào thì tùy mỗi nhà thờ. Tại Quận Cam (Orange County, California) chẳng hạn, nhà thờ Thánh linh (Holy Spirit) dùng cuốn Today’s Missal, nhà thờ Thánh Columban1 dùng cả 2 cuốn Today’s Missal và Music Issue; còn nhà thờ Thánh Barbara 2 thì lại dùng cuốn Music Issue và cuốn RitualSong. Mỗi cuốn có rất nhiều bài hát , như cuốn Today’s Missal chẳng hạn, có 6,7 chục bài; cuốn Music Issue có khoảng 700 bài ; cuốn RitualSong có gần 1000 bài.

Vì có nhiều bài như vậy nên cũng dễ chọn , ví dụ khi cần hát Thánh vịnh 34 chẳng hạn 3, người ta có thể chọn trong hơn mười bản phổ nhạc khác nhau, nên ít khi có 2 nhà thờ cùng hát một bài giống nhau trong cùng một ngày Lễ. Hay nói cách khác, rất hiếm xảy ra chuyện hát rập khuôn. Mà giả như có hát "rập khuôn" chăng nữa cũng không hẳn đã là xấu, là không khởi sắc. Vả lại thường mỗi người mỗi ngày (Chủ nhật hay Lễ trọng) chỉ đi một Lễ nên chỉ hát mỗi bài một lần, chứ có mấy ai mỗi ngày đi hai, ba lễ ở hai ba nhà thờ khác nhau đâu? Đàng khác, nếu bài hay thì cho dù hát hoặc nghe hát nhiều lần cũng vẫn thấy hay như thường.

Như thế, cái nguyên nhân chính của sự "không khởi sắc và buồn tẻ" nằm ở trong chính bài hát và cả do nơi người hát nữa, hơn là do việc hát giống nhau. Và chúng ta cũng nên coi chừng là mỗi khi nói "khởi sắc" thì người ta lại hay nghĩ đến sự vui vẻ, sôi động, kèn trống rộn ràng , là những đặc tính thiên về cảm xúc, thường có trong những bài hát ngoài nhà thờ, ngoài Phụng vụ, nhưng không phải là tính chất chủ yếu của Thánh ca trong Thánh lễ,( ta còn gọi là Phụng ca ), những bài ca dùng để cầu nguyện.

Vậy, khi tìm bài hát cho Thánh lễ , ta không cần phải sợ chuyện " rập khuôn, không khởi sắc " nhưng cần xét xem bài đó có đúng là Thánh ca không ? Nghĩa là bài đó, từ mục đich sáng tác, cho đến nội dung của nó có " làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các giáo hữu " 4 không ? Nói một cách cụ thể : nhạc và lời của bài Phụng ca phải có " tính thánh thiện và nghệ thuật " 5. Nhất là lời ca: "phải thích hợp với giáo lý Công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Kinh thánh và các nguồn mạch phụng vụ"6. Tắt một lời là Thánh ca phải theo đúng những quy định trong các văn kiện mà Giáo hội đã ban hành. Về điểm này thì ta có thể an tâm khi dùng những cuốn Thánh ca trên đây. Trong đó ta không tìm thấy những bài như Jingle Bell hoặc bài Chú bé đánh trống. . .., và ta cũng không gặp Cha Duval , Sơ Sourire hay Thi hào R. Tagore . . . .Ta có thể tìm thấy bài Silent night, nhưng người hát và người đàn không hề tạo nên cái âm hưởng của nhạc khiêu vũ như ta có thể đã hơn một lần nhận thấy khi nghe " Đêm thánh vô cùng" trong một hai nhà thờ Việt nam , nơi mà có khi còn xử dụng phần đệm tự động điệu Valse trong organ điện nữa; dường như người ta không cần biết là mình đang cầu nguyện trong nhà thờ với bài Thánh ca nhịp hai kép, trang nghiêm, chứ không phải là đang chơi đàn cho thiên hạ nhảy nhịp ba lả lướt trong vũ trường .

Đó là vài nhận xét sơ lược về một số sách Thánh ca tại Hoa kỳ. Còn ở Việt nam thì sao ?

Ta thử lật xem qua mấy cuốn có thể tìm thấy ở miền Nam hôm nay:

- Tuyển tập Thánh ca 2 : có 135 bài .

- Bộ sưu tập bài hát về các Thánh Tử đạo VN gồm 152 bài.

  • Bộ sưu tập về Thập giá và Tình thương cứu độ : 147 bài .
  • Bộ về Chúa, Đức Mẹ và mấy chủ đề khác : khoảng 200 bài.
  • Tuyển tập Mùa Chay và Phục sinh: 404 bài .
  • Mùa vọng và Giáng sinh : 232 bài.
  • Thường niên năm A : 281 bài ; năm B : 264 bài ; năm C : 291 bài .
  • Phụng ca quanh năm : 253 bài.
  • Hương nguyện cầu: gần 200 bài .
  • Thánh ca tuyệt vời : 234 bài.

Lại còn Tuyển tập Thánh ca 1 và những cuốn khác nữa. Nhưng chỉ bấy nhiêu cuốn thôi cũng đã có tới gần 3000 bài rồi . Chắc chắn là có nhiều bài trùng nhau, vậy ta cứ trừ quá đi gần 2 phần 3 thì cũng vẫn còn cả ngàn bài.

1000 bài để chọn lấy 4, 5 bài cho một Thánh Lễ, mà vẫn phải đắn đo, cân nhắc, có khi còn lưỡng lự, phân vân…như các bạn trong ca đoàn nói trên! Có phải là khó tính quá không ? Chẳng lẽ cái thiếu lại nằm sẵn ngay trong cái thừa hay sao ? Nếu không phải thế thì tại sao ? – Ta có thể trả lời không sợ sai lắm : " Vì những bài gọi là Thánh ca thì nhiều, nhưng những bài đích thực là Thánh ca thì ít và những bài có giá trị cao lại càng ít hơn nữa " . Nói như vậy không phaiû là quá bi quan đâu. Theo bản tin VietCatholic (7-9-99), vào ngày 19-8, tại Giáo xứ Tân định, ban Thánh nhạc thuộc Ủy ban Giám mục về Phụng vụ đã tổ chức cuộc hội thảo về Thánh nhạc lần thứ 12 kể từ năm 1996, và là cuộc hội thảo lần thứ hai trong năm nay. Hôm đó, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa , chủ tịch ban Thánh nhạc đã phát biểu như sau : " những năm gần đây dường như việc sáng tác các bài hát dùng trong Thánh lễ và các buổi cử hành Phụng vụ khác đã không đúng với những quy định chính thức của Giáo hội ."

Thì ra Hà Loan và các bạn trong ca đoàn Thánh mẫu (Xuân Lộc) không hề khó tính tí nào mà chỉ vì có nhiều bài trong sách Thánh ca " dường như . . .không đúng với những quy định chính thức của Giáo hội " nên cứ phân vân, không biết " hôm nay ca nhập lễ, hát gì. . . . , ngày mai hát gì. . . .? " Dường như " có nghĩa là không chắc 100%. Thế mới khó quyết định.

Đôi khi đã tìm được những bài đúng tiêu chuẩn nhưng lại không thích hợp với cộng đoàn, như Đức Cha Hòa đã nhận xét: ". . . quá nhiều bài thánh ca phù hợp cho ca đoàn trình diễn hơn là cho cộng đoàn quy tụ để tôn vinh Chúa." ( Tin VietCatholic).

Nơi thánh ca VN, ta lại còn phải để ý đến dấu giọng nữa. Bởi vậy, những bài có những chữ mà dấu giọng không phù hợp với nốt nhạc thì cũng khiến ta phải phân vân, không biết có nên hát không .

Người tạo ra nhữngï khó khăn đó , trước tiên là chính tác giả, rồi đến người làm tuyển tập , người in và phổ biến, mặc dù có nói rõ là "Bộ sưu tầm", hàm ý rằng : tôi chỉ mới lượm lặt và gom lại thôi đấy, chưa tuyển lựa kỹ càng, nên có dùng dược hay không, tôi chưa biết! Bên ca.nh những người này, những ai có liên quan đến Thánh nhạc như Cha sở, ca đoàn v.v. cũng phải chịu trách nhiệm nữa. Ngay cả giáo dân cũng vậy. Tôi thấy nhà thờ hát không đúng mà vẫn im lặng, không chịu góp ý với Cha sở hay ca đoàn, tức là tôi thiếu sót bổn phận. Tôi vỗ tay vào lúc cuối Lễ để tán thưởng ca đoàn vừa hát một bài rất vui nhộn , đàn trống xập xình, náo nhiệt không kém gì ở phòng trà, thì tôi càng đáng trách hơn nữa vì tôi đã góp phần vào việc tục-hóa Thánh ca. Nghĩa là tất cả mọi người đều phải quan tâm đến Thánh ca, Thánh nhạc, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều, ít hoặc trực tiếp hay gián tiếp mà thôi.

Cho nên, cũng theo VietCatholic, trong buổi hội thảo ngày 19-8-99, Cha Kim Long, phó chủ tịch Ban TN mới phát biểu: "Vì các Cha xứ sẽ quyết định bài nào đựơc hát trong Phụng vụ, nên các ngài cần được huấn luỵên về Thánh nhạc ." Cha Minh Kông, giáo phận Kontum nói : "Tiểu ban TN nên đưa ra các hướng dẫn rõ ràng, và các ca đoàn giáo xứ phải biết chọn lựa hơn khi sử dụng các bài TC phụng vụ.’’ Chị Lê thị Tuyết, ca trưởng thưộc giáo phận Nhatrang , nói :"Tôi muốn các cuộc hội thảo như thế này được tổ chức ở cấp giáo xứ, vì các đại biểu trong cuộc hội thảo này chỉ đại diện cho cấp giáo phận."

Còn Cha Đỗ xuân Quế, sau khi đi dự buổi hội thảo về, đã viết trên " Hát lên mừng Chúa " như sau:

-Bao lâu các Đức Cha trong các giáo phận, các Cha sở trong các họ đạo không nói năng giảng giải, không đôn đốc thì tình trạng hát xướng trong các nhà thờ vẫn cứ như thế này mãi, nghĩa là chẳng tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn gì cả . 7

Bao lâu nữa thì tình trạng đó mới hết ?

Chúng ta cũng khó trả lời. Nhưng trong tình hình TN hiện nay, đang lúc chờ đợi một Tập Thánh ca được tuyển lựa kỹ càng về mọi mặt và được giáo quyền chấp nhận, xin các ca đoàn thử tìm đọc mỗi tháng :

1- Tài liệu Thánh nhạc và Phụng vụ HÁT LÊN MỪNG CHÚA (HLMC)

2- Tài liệu chuyên đề Thánh nhạc CANTATE .

Hai tài liệu này sẽ cho ta biết nhiều điều liên quan đến TN, như:

  • những quy định và những hướng dẫn của Giáo hội về TN, nhờ đó ta biết được những bài nào đúng tiêu chuẩn, bài nào gần đúng, bài nào không,
  • một số bài có thể chọn để hát trong những CN và Lễ trọng sắp tới,
  • những chủ đề của những CN và Lễ trọng trong tháng,
  • một số bài hát mới,
  • nhạc lý tổng quát, -sáng tác,-hòa âm, - đệm đàn (Cantate),
  • ý nghĩa các bài đọc của Thánh Lễ CN, Lễ trọng trong tháng (HLMC),
  • tin tức về sinh hoạt TN
  • vân vân……

Ngoài ra, HLMC còn giúp ta học hỏi được nhiều điều về giáo lý và phụng vụ nữa.

Mong sao các nhạc sĩ khi sáng tác TN xin tìm hiểu kỹ lưỡng và giữ đúng những quy định của Giáo hội ; xin đừng quên mục đích của phụng ca là Phụng vụ thánh , giúp cho các giáo hữu có thể "cầu nguyện hai lần " 8, chứ không phải là để giải trí hay buôn bán.

Đối với những vị có thẩm quyền, tôi xin được phép trình lên ý kiến của Lm. Đỗ xuân Quế sau đây:

  • Vấn đề không phải là biết hát hay giỏi nhạc mà là ý thức về trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục đức tin qua lời ca tiếng hát, để làm cho việc thờ phượng có chất lượng về đạo đức và có giá trị về nghệ thuật.9

Xin Chúa Thánh thần soi sáng cho chúng ta, tất cả mọi người chúng ta.

K.T.

E-mail: [email protected]

------------------------------------------------------------------

Chú thích:

  1. Nhà thờ này khá đẹp và có nhiều tiện nghi. Mùa hè vừa qua, trong khi thăm Hoa kỳ, Đức Tổng Giám Mục Phạm minh Mẫn cũng đã đến cử hành Thánh Lễ ta.i đây.
  2. Một đài Đức Mẹ Lavang ngay bên hông nhà thờ này cũng sắp được khánh thành.

  3. Nhà thờ Th. Barbara nằm ngay trong vùng go.i là Tiểu Sàigòn (Little Saigon). Một tượng đài Các Thánh Tử đạo VN vừa mới đựơc thiết lập trong ngôi nhà thờ Mỹ này, ở một phòng nhỏ phía cuối nhà thờ.
  4. Giáo xứ Thánh Barbara và Giáo xứ Thánh Columban nói trên có lẽ là 2 trong mấy Giáo xứ có số giáo dân VN đông nhất Quận Cam.

  5. Tv này , ở Mỹ gọi là Tv 34, (một số nhạc sĩ còn đặt tên là Taste and see), nhưng ở VN, cuốn " Thánh vịnh & Thánh ca " gọi là Tv 33 (34). Nhạc sĩ Ngọc Kôn khi soạn nhạc cho Tv này, ghi là Tv 33 và đặt tên là "Hãy nếm thử" ( đăng trên Cantate số 49, ngày 13-3-97.)
  6. Hiến chế về Phụng vụ Thánh, ch. VI, số 112.
  7. Huấn thị về " Âm nhạc trong PV ", số 4a .
  8. Hiến chế về PV thánh, ch. VI, số 121 .
  9. Lm. Đỗ xuân Quế: Đi dự hội thảo về Thánh nhạc – HLMC số 44 .
  10. "Bis orat qui bene cantat". ( -Thánh Augustino -?)
  11. Coi Chú thích số 7-