Thánh Lễ, Thánh Thể
và Niềm Cảm Xúc Nơi Giới Trẻ

Lm. Anthony Đào Quang Chính, OP


I. Dẫn nhập

Ngày 11 tháng 7 năm 20....

"Chúa yêu dấu,

Hôm nay con "upset" lắm Chúa ạ. Con đã chuẩn bị bài nói chuyện thật công phu, lời giải thích thật rõ ràng. Con cũng đã nghĩ ra những câu mà người nghe có thể hỏi, vậy mà cuối cùng lại không thành công. Hình như đám đông không lãnh hội được điều con muốn truyền đạt. Có người còn nói rằng điều con nói không thuộc về sở trường của con. Bậy thật. Con biết rõ đề tài như những đường chỉ trên lòng bàn tay của con, mà họ lại cho rằng con không hoàn toàn làm chủ đề tài. Có người sau cùng cho biết là họ không hiểu con muốn nói gì? Lậy Chúa, dù con hết sức khiêm nhượng để nhìn nhận lỗi của mình, con cũng không hiểu lỗi của con ở đâu? Tại sao con đã nói rõ như vậy mà họ còn không hiểu? Con còn vẽ cả lên bảng nữa mà họ không thấy ư? Có thuyết trình viên nào chuẩn bị kỹ như con không Chúa? Lỗi tại con hay lỗi tại họ vậy Chúa? What should I do? What else should I do? I don’t want to see them again. Con chán quá Chúa ơi!

 

Ngày 12 tháng 7 năm 20...

Chúa yêu dấu,

Lạ quá Chúa ạ! Hôm nay con nói chuyện thì được người người đồng ýù. Tại sao? Con cũng không hiểu tại sao nữa. Cũng cùng những người nghe, nhưng hình như họ trở nên rất dễ thương với con. Hình như những gì con nói họ lãnh hội được hết. Cùng một kiểu trình bầy, cùng một kiểu diễn tả, cách nói mà sao mọi người vui vẻ, đồng ý, đóng góp xây dựng dễ dàng.

Sáng nay, trước khi nói chuyện, thay vì đi vòng chung quanh giảng đường, trò chuyện với người này, trò chuyện với người kia để làm quen, thì con đã vào trong nhà nguyện nhỏ thì thầm với Chúa, nói cho Chúa nghe những khó chịu, bực mình. Vậy mà kết quả lại tốt đẹp khác hoàn toàn với hôm qua. Con kể cho Chúa nghe những cố gắng của con. Con tâm sự với Chúa tất cả vui buồn, giận dữ, buồn phiền trong cuộc sống. Con thấy Chúa rất gần với con như con vẫn thỉnh thoảng tâm sự với bố con. Con với bố con gần gũi nhau lắm. Nhiều khi về nhà thăm ông cụ, hai bố con chẳng nói chuyện với nhau nhiều, có khi chỉ yên lặng. Nhưng con rất hiểu bố và biết rằng bố cũng rất hiểu con. Trong sự thinh lặng của nhà nguyện, con cũng yên lặng. Chúa cũng yên lặng. Nhưng con biết Chúa đang nghe nhịp đập của tim con và Chúa hiểu con.

Con cảm ơn Chúa đã cho con một ngày tuyệt đẹp. Chúa đã cho người nghe hiểu con, thông cảm với con và con cũng hiểu những ưu tư của họ.

(trích trong nhật ký của một linh mục)

 

Đã từ 2000 năm qua, bí tích thánh thể vẫn là trung tâm, là nguồn sống của đạo công giáo. Qua bí tích thánh thể, Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Thế nhưng, theo thời gian và dưới ảnh hưởng của các trào lưu thế tục hoá, bí tích tuyệt vời nhất này đã bị lãng quên. Người ta lười đi nhà thờ, dự thánh lễ. Tại các nước Âu Châu, cách đây hơn 100 năm, người ta đã phải xây dựng những nhà thờ thật nguy nga, đồ sộ mới đủ chỗ cho giáo dân đi dự lễ vào những ngày cuối tuần. Nay gần như hoang lạnh. Mỗi Chúa nhật có được vài chục cụ già đi nhà thờ là đã mừng rỡ lắm rồi. Khi lười đi nhà thờ thì các hình thức phụng vụ liên quan đến thánh thể cũng bị ảnh hưởng theo. Những phiên chầu thánh thể, đền tạ thánh tâm trước thánh thể, những học hỏi về thánh thể ngày càng thưa thớt người tham dự. Tại một số nơi, người ta chuyển hình thức phụng vụ thánh thể thành việc học hỏi thánh kinh hay làm việc tông đồ, bác ái. Dĩ nhiên, những hình thức biểu lộ tình yêu thương này rất tốt và được đánh giá cao, thế nhưng, không hình thức nào có thể thay thế cho bí tích thánh thể. Việc "hạ giá" bí tích thánh thể cũng nhằm mục đích gián tiếp hạ giá thiên chức linh mục vì các linh mục là những vị cử hành bí tích thánh thể.

 

II. Bí tích Thánh thể trong cách giải thích cũ.

Có lẽ người Việt nam chúng ta quen thuộc nhiều với những hình thức trình bầy bí tích thánh thể như biểu chứng tình yêu của Thiên Chúa với loài người. Chúng ta nghe đến những chủ đề như "Đức Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người"; "Đức Giêsu yêu thương chúng ta nên ngự trong hình bánh và rượu, trong bí tích thánh thể"; "Thánh thể là dấu hiệu của tình yêu"; "Đức Giêsu hiến mình thành bánh nuôi sống chúng ta"... Những chủ đề này đa số nói lên mối liên hệ giữa TẬP THỂ VÀ THIÊN CHÚA. Cá nhân là một phần tử của tập thể và tập thể đại diện cho cá nhân.

Tuy nhiên, theo thời gian, ngày nay, người ta chú trọng nhiều đến các tương quan giữa cá nhân và cá nhân, hơn là giữa cá nhân và tập thể. Cũng không phải là vô lý khi lý luận rằng, dù cả thế giới này được cứu độ nhưng tôi không được, thì sự cứu độ có ích lợi gì cho tôi? Do đó, những từ ngữ như tình yêu Thiên Chúa bao la, ơn cứu độ muôn đời cho muôn người, Chúa là đấng chí nhân, chí ái, chí thiện... đôi khi trở nên ... xa lạ. Người thời nay sẽ chia sẻ rằng: có thể Chúa là đấng chí ái, chí thiện, chí nhân, nhưng tôi không cảm thấy sự chân, thiện, mỹ đó thì làm sao tôi có thể nói được tự con tim rằng tôi nhận ra như vậy? Không nói đâu xa, những tiền đề được chấp nhận trong những thập niên trước như "cha mẹ thương con bao la như trời như biển" hoặc "một giọt máu đào hơn ao nước lã" đã chỉ là những lời khích lệ hơn là giá trị chứng minh thực tại. Bằng chứng hiển nhiên là đã có nhiều cha mẹ đem quăng bỏ con vào sọt rác lúc mới sinh con; nhiều cha mẹ lạm dụng đánh đập con không khác kẻ thù; nhiều anh chị em giết chết hoặc kiện nhau ra toà vì chia gia sản không đồng đều. Dĩ nhiên, sẽ có người biện luận rằng đó chỉ là thiểu số và bị các cơ quan truyền thông thổi phồng lên quá đáng. Đúng vậy, có lẽ các tin tức tiêu cực này bị thổi phồng lên quá đáng, nhưng cũng không sai để nói rằng nhiều người cảm thấy hoang mang khi phải đối diện với thực tại không đẹp này. Do đó, để nói rằng tiền đề "đương nhiên làm cha mẹ đồng nghĩa với thương con" hoặc "anh chị em phải thương nhau như tay chân" không còn là tiền đề tự nhiên nữa mà cần được thử nghiệm.

Từ những vấn đề mới đó, cảm nghiệm trong tương quan cá nhân và cá nhân trở nên quan trọng hơn. Các bạn trẻ thời nay một phần thấy xa lạ với tôn giáo, một phần với Thiên Chúa, cũng bởi vì chưa CẢM NGHIỆM được tình thân và tình thương Chúa dành cho họ. Họ thấy chưa dung hoà được những tư tưởng hoặc những tiền đề khác biệt như "tại sao Thiên Chúa là đấng chí nhân lại có thể phạt người ta xuống hoả ngục?"; "tại sao Thiên Chúa là đấng toàn năng lại để cho những kẻ làm ác, làm xấu lấn lướt người lành"? "Tại sao Thiên Chúa không can thiệp vào những chuyện đau đớn tự nhiên như để các thiên tai động đất, núi phun lửa, bệnh ung thư, bệnh cùi... xẩy ra"? "Tại sao Chúa không ngăn chặn hay không cho phép chúng xẩy ra"? Cuối cùng, người trẻ lại nhận ra một điều đau lòng khác nữa là danh hiệu Kitô giáo hoặc Kitô hữu không có nghĩa là sống cuộc đời tốt lành, vì nhiều người mang tên công giáo, đi nhà thờ, đọc kinh nguyện rất sốt sắng và thường xuyên, lại là người sống đời bê bối hơn những người mang tiếng "vô thần" rất nhiều.

Từ đó, nơi một khía cạnh khác, hình ảnh trầm lặng của Maria nơi thành Betania đã không gây ra ấn tượng sâu đậm nơi người trẻ như hoạt động của Martha. Các bạn trẻ ngưỡng mộ một hình ảnh của Mẹ Teresa thành Calcutta, dấn thân làm việc tông đồ giữa những người nghèo hèn, hơn là hình ảnh của một ẩn sĩ, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa trong rừng xanh như Antôn tu rừng thuở xưa. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ sự thương tiếc mà thế giới dành cho công nương Diana khi cô qua đời. Chưa hẳn những người thương tiếc đều đồng ý với lối sống của cô, nhưng họ cảm phục sự dấn thân của cô làm việc phục vụ người nghèo khó, bệnh nhân. Quan trọng hơn hết, bức tường "công chúa, hoàng tử; cành vàng, lá ngọc; con nhà quyền quý..." bị phá vỡ bởi cô công chúa Diana này. Cô gần như bất chấp truyền thống, thói quen, luật lệ hàng ngàn năm của triều đình Anh quốc và sống bình dị như một con người, có trái tim bình thường như bao con người khác, khi cô đi thăm các bệnh nhân Aids, bồng bế trẻ em tật nguyền trên tay hay không ngần ngại bắt tay những chàng lính chiến ngoài biên thuỳ.

 

III.  Đâu là bản chất?

Tôn giáo, đạo lý, niềm tin cũng không thoát khỏi ảnh hưởng này. Khi người ta nghĩ rằng việc tông đồ "có lý" hơn chiêm niệm; khi những cảm nghiệm riêng tư quan trọng hơn cảm nghiệm chung; khi những lời dậy dỗ của giáo hội sẽ chỉ mang giá trị nội tại nếu tôi cảm nhận được, thì đương nhiên bí tích thánh thể, chầu thánh thể và cảm nghiệm tình yêu thánh thể cũng bị ảnh hưởng theo. Hiểu được điều đó, nhiều giáo phận và nhiều nhà thờ đã có thánh lễ dành riêng cho giới trẻ. Trong thánh lễ này, ngoài việc các bạn trẻ lo phụ trách mọi phần việc phụng vụ chung như đọc sách, dâng lễ vật, cho rước lễ, các bạn còn đóng góp tích cực trong âm nhạc, trong việc dẫn lễ và ngay cả phần chia sẻ lời Chúa. Kết quả tốt đẹp. Các bạn trẻ hăng hái tham gia tích cực chứ không còn nghĩ rằng thánh thể là mầu nhiệm "dành riêng" cho các tu sĩ hoặc cho những người lớn tuổi mà thôi.

Tuy nhiên, một vài vấn đề khác xẩy ra. Có khi bạn trẻ lo lắng nhiều đến âm nhạc, trang trí nhà thờ, mời bạn bè di dự lễ... mà quên mất bản chất của thánh thể?

Mầu nhiệm thánh thể được định nghĩa như sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hình bánh và hình rượu. Điều này có nghĩa rằng bánh và rượu là hình ảnh bề ngoài, còn bản chất bên trong là Chúa Giêsu. Hình bánh và hình rượu nghĩa là những dấu hiệu bên ngoài, những dấu hiệu mang hình ảnh bánh và rượu. Với thời gian thiên về thực tại, mong muốn trông, cảm, nghe và sờ thấy được như thế giới hiện nay, thì việc tin vào bản chất của Chúa nơi hình bánh và hình rượu quả là một mầu nhiệm. Chính vì vậy mà vị linh mục, sau lời thánh hiến, long trọng tuyên xưng "đây là mầu nhiệm đức tin". Mầu nhiệm đức tin này, cũng như bất cứ mầu nhiệm nào khác mang hai chiều: cho đi và nhận lãnh, hoặc sự xuất hiện và sự cảm nhận. Nếu ngay từ đầu đã không có cảm nhận hoặc mong muốn cảm nhận hoặc được mời gọi cảm nhận thì sự xuất hiện sẽ không đạt kết quả như lòng mong muốn. Cũng nên nhớ, các môn đệ của Gioan tiền hô khi gặp Chúa Giêsu thì Ngài nói rằng "hãy đến mà xem". Đúng vậy! Chúa vẫn hiện diện nhưng nếu các môn đệ của Gioan không đến mà xem thì lợi ích gì cho các môn đệ này?

Chính vì những dữ kiện trên, việc tham dự và sùng kính mầu nhiệm thánh thể nơi các bạn trẻ không nên giống như khuôn mẫu của các vị cao niên. Nói cách khác đi, theo định nghĩa của thánh Thomas thì bản chất của bí tích vẫn còn đó, nhưng những phụ thuộc giúp cho bạn trẻ đến gần với Chúa hơn nên mặc lấy hình thức khác.

       

IV.  Những hình thức phụ thuộc.

Có nhiều hình thức tuy phụ thuộc nhưng rất quan trọng. Tại một đại nhạc hội kia, người ca sĩ có giọng hát rất hay nhưng thường không chú ý đến cách phục sức, trang điểm; vì vậy số người ái mộ của cô không nhiều cho lắm. Ngược lại, một ca sĩ khác, giọng hát không gợi cảm cho bằng, nhưng bù vào đó, cô biết cách ăn mặc và trong khi trình diễn, cùng với âm thanh, cô biết kết hợp với các người phụ trách ánh sáng và biết diễn tả tâm tình qua cử chỉ. Người theo cô rất đông. Tương tự như vậy nơi tôn giáo. Không người công giáo nào phủ nhận giá trị siêu vượt của mầu nhiệm thánh thể, nhưng nếu chỉ nhắm tới ý nghĩa nội tại của Thiên Chúa hiện diện giữa con người, thì sợ rằng không thu hút được nhiều bạn trẻ. Do đó, các việc phụ thuộc khác như: âm thanh, ánh sáng, ban nhạc, ca đoàn, cách trang trí phụng vụ, giờ lễ, người mời gọi, trật tự... đóng một phần quan trọng lớn trong việc phụng tự. Dĩ nhiên, không ai có thể phủ nhận vai trò của cha chủ tế và bài giảng của Ngài. Nếu cha chủ tế với giọng ru ngủ và một bài giảng có giá trị "gây mê" thì dù cả nhà thờ và ban phụng vụ có cố gắng đến mấy đi chăng nữa, người nghe rất dễ ru hồn vào mộng. Phương cách phổ thông tránh việc "đê mê" là sau khi chia sẻ một vài ý tưởng chính trong phúc âm hoặc thánh thư như gợi ý, vị chủ tế hoặc giảng thuyết sẽ chú trọng nhiều đến hình thức đối thoại hoặc chia sẻ đức tin. Đối thoại nghĩa là vị giảng thuyết đặt ra câu hỏi và mong người đi lễ trả lời. Chia sẻ đức tin là phương cách cho giáo dân lên tâm sự cảm nghĩ của mình về ý nghĩa các bài đọc, hoặc về những ý tưởng chính. Nhờ đó, người tham dự thấy có thể chia sẻ tâm tình và cảm nhận được ý nghĩa của bài phúc âm hoặc sách thánh rõ ràng hơn.

       

V.  Những lạm dụng

Đã có không ít những lạm dụng nơi các thánh lễ hoặc chầu thánh thể dành riêng cho giới trẻ. Những vấn đề hiển nhiên nhất là âm nhạc và chia sẻ đức tin. Lấy lý do là "thánh lễ của giới trẻ", các ca đoàn hát nhạc loạn cả lên, chẳng cần theo một nghi thức chỉ dẫn phụng vụ nào. Có khi bài cần hát nhập lễ thì cho vào rước lễ, dâng lễ thì cho lên nhập lễ...Bên cạnh việc lựa chọn bài hát một cách dễ dãi như vậy là việc đệm đàn và trống. Đã có rất nhiều cảnh thay vì đem nhạc đạo vào phòng trà thì đem nhạc phòng trà vào đạo. Các anh "lead guitar", đánh trống hoặc dùng đàn thay trống cứ tự nhiên trổ tài biểu diễn cho toàn dân thiên hạ ngưỡng phục. Bài hát ca tụng Chúa vừa chấm dứt thì tiếng đàn "tưng tứng từng... " hoặc tiếng trống "bùng bùng bùng" làm mọi người chẳng còn nhớ chút gì về Chúa cả. Tai hại một nỗi là sau đó vài người bạn lên tiếng khen ngợi người đánh đàn hoặc đánh trống "có hồn" làm cho người nhạc sĩ tưởng rằng cả thế giới đang ái mộ mình. Ở đây, có lẽ chúng ta nên ghi nhận lời nhận xét của một nhạc sĩ đã thành danh không phải công giáo nói rằng "trong những thập niên qua, âm nhạc đạo công giáo đã mất đi phần nào bản chất của mình khi biến thành nhạc đời. Từ trước đến nay, người ta vẫn thấy có hai giòng nhạc tại Việt nam: nhạc đời và nhạc đạo. Nhưng trong những năm tháng vừa qua, chỉ còn lại có giòng nhạc đời và giòng nhạc đời mang lời đạo mà thôi!"

Lạm dụng thứ nhì là lạm dụng bài giảng. Có vị nghĩ rằng soạn bài giảng cho giới trẻ cần mang nét "trẻ", nghĩa là vui tươi, dí dỏm và tếu. Đúng vậy, cần vui tươi, dí dỏm và tếu không chỉ với giới trẻ, mà còn với mọi giới, để bài giảng khỏi buồn ngủ và khỏi chỉ là hoàn toàn lập lại những lời vừa đọc. Thế nhưng vui tươi, dí dỏm và tếu không có nghĩa là làm trò cười cho người đi dự lễ. Có vị chia sẻ lời Chúa đưa ra nhiều câu truyện chẳng ăn nhập gì tới bài phúc âm, có vị lại chẳng may đưa cả những chuyện không nên kể trên toà giảng ra cho mọi người cười, rồi bỗng dưng kết thúc rất đột ngột dựa theo phúc âm. Người nghe dễ dãi chấp nhận thì cũng xong, nhưng rõ ràng thấy rằng sự chuyển mạch từ đoạn này sang đoạn khác không có và đương nhiên, sự lý luận cũng chẳng mạch lạc gì.

Song song với việc lạm dụng bài giảng là lạm dụng phần chia sẻ đức tin. Có người lên nói hươu nói vượn, chẳng liên quan gì đến đề tài, nhưng vì nể tình, cha chủ tế cũng không nỡ cắt lưng chừng. Có khi người chia sẻ một đằng, người nghe hiểu một nẻo, và sau đó ra đồn đại lung tung, gây nên gương mù cho người khác.

Bên cạnh những lạm dụng rõ ràng nhất này, còn cần kể đến những lạm dụng khác như vị chủ tế hoặc ban chuẩn bị phụng vụ nhiều khi bất chấp lễ nghi và luật lệ phụng vụ, cứ tổ chức theo cảm hứng, đến nỗi sau cùng, nhiều thánh lễ trông giống như một màn trình diễn chứ không còn là sự cử hành mầu nhiệm đức tin nữa. Để bào chữa người ta cho rằng: "với giới trẻ thì phải thế...". Nhiều lúc những thay đổi này lạ mắt đến độ giới trẻ cũng chẳng biết nó là gì!

       

VI.  Giải quyết.

Đối diện với những vấn đề này, cha chủ tế nên có một ban phụng vụ riêng cho thánh lễ hoặc cho chầu thánh thể dành riêng cho giới trẻ. Nếu được, Ngài nên họp với bạn phụng vụ một giờ một tuần để cùng chuẩn bị. Chúng tôi đề nghị sau đây một mẫu phụng vụ mà để giúp cho cha chủ tế bớt mất giờ, Ngài có thể dễ kiểm soát bằng cách phê chuẩn đồng ý hay không và góp ý ra sao.

 

Chủ đề của thánh lễ:.........................

Đón tiếp: Ai là (ushers)? Ban nghi lễ:....................................

Trang trí trên cung thánh. Mầu sắc gì:......... có để các vật dùng thêm gì không?................. ai phụ trách:............................. Có định làm hình gì không?.............................

Bài ca nhập lễ: bài ....................... trang..........

Bộ lễ:...................................... trang.............

Kinh thương xót: hát ( ) đọc ( )

Bài đọc 1:...................... thừa tác viên............................

Đáp ca:.................. (phải chọn bài đáp ca theo phụng vụ)

Bài đọc 2:...................... thừa tác viên

Alleluia: bài..................................

Phúc âm:...................... người đọc...............................

Bài giảng. ................ hoặc chia sẻ lời Chúa: Có ( ) không ( )

Ý tưởng chính trong bài giảng:

1.

2.

Câu truyện nào có thể đi kèm:

1.

Bài ca dâng lễ:............................. trang......

Thánh. Thánh. Thánh. Hát ( ) đọc ( )

Kinh chiên Thiên Chúa. Hát ( ) đọc ( )

Kinh Amen. Hát ( ) đọc ( )

Bài ca rước lễ: .............................

Bao nhiêu thừa tác viên: ? Ai:..............

Thông cáo có ( ) không ( )

Bài ca kết lễ: ...............................

Word document

Hy vọng rằng với mẫu phụng vụ này, cha chủ tế và ban phụng vụ có thể vừa theo đúng nghi thức vừa dễ dàng mời gọi các bạn trẻ chia sẻ, tham dự và thông phần vào với thánh thể.

 

VI. Kết luận:

Bí tích thánh thể cho đến hôm nay vẫn là nguồn sinh lực của giáo hội công giáo. Chính nơi bí tích cực thánh này mà giáo hội, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, giáo dân tìm thêm nguồn sinh lực cho sứ vụ truyền giáo của mình. Sách giáo lý chung đã dậy rằng bổn phận truyền giáo là nhiệm vụ chung của mọi người công giáo và người công giáo phải múc lấy ân sủng từ trong mầu nhiệm thánh thể làm lương thực và làm sức nuôi nấng cho đời sống truyền giáo của mình. Mọi người công giáo chắc hẳn ý thức được tầm quan trọng đó.

Ngày nay, người ta vẫn thấy hàng hàng lớp lớp đông đảo người đến dự thánh lễ, dự các giờ chầu, suy tụng và chiêm niệm mầu nhiệm thánh này. Tuy nhiên, số những người lãng quên bí tích này cũng không phải là nhỏ. Giáo hội cần có những hình thức thích hợp hơn trong việc mời gọi mọi người tín hữu, nhất là những người đã lìa xa giáo hội trở về nhà cha.

Với các bạn trẻ, không chỉ nội dung nhưng hình thức mời gọi đóng một vai trò quan trọng. Ngược lại, không chỉ hình thức nhưng nội dung luôn luôn được coi là cần thiết. Tuy nhiên, với giới trẻ, hình thức dễ kêu mời nội dung hơn là nội dung kêu mời hình thức. Chớ gì các bạn trẻ tìm lại nguồn sinh lực dồi dào trong nhiệm tích thánh này. Chớ gì các bạn trẻ sẽ có thể TÂM TÌNH với Chúa cách dễ dàng trong khi cùng nhau suy niệm, cử hành và cảm nghiệm mầu nhiệm thánh.