VỀ BÀI TRƯỜNG CA AVE MARIA 
(Hải Linh phổ nhạc) 

Lm. Đỗ Xuân Quế, o.p.

Nhạc sư Thiên Quang lại mới gửi thư điện tử cho tôi yêu cầu giải đáp hai câu hỏi của ca trưởng Hải Vân.

25 năm về trước, ai đã từng đi lễ tại nhà thờ Đắc lộ của các cha Dòng Tên ở đường Yên Đổ cũ, chắc phải được nghe nói về người ca trưởng này. Hồi ấy anh nổi tiếng vì tập hát hay, điều khiển giỏi ca đoàn trẻ Thái Hòa. Ca đoàn này cùng chung một thời với Y Nhã và Cung Chiều. Hiện nay anh vẫn còn nổi tiếng ở Paris nhờ một ca đoàn do anh sáng lập và điều khiển mà tôi đã có dịp nghe hồi tháng Năm, năm 1993. Anh hỏi nhạc sư Thiên Quang về Hàn Mặc Tử, vì anh hồ nghi không biết nhà thơ thiên tài này có phải là người công giáo hay không. Bên cạnh câu hỏi này là một câu hỏi khác : liệu có được hát trong thánh lễ, bài thơ đã được nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc này hay không. Nhạc sư Thiên Quang đã trả lời đúng hai câu hỏi này, nhưng lại muốn tôi góp ý thêm. Vậy thể theo ý của nhạc sư Thiên Quang, tôi xin góp ý như sau: 

Hàn Mặc Tử là người Công Giáo, có bằng chứng rửa tội và thêm sức đàng hoàng. Gần đây, ông Phạm xuân Tuyển, tác giả cuốn Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử có viết một bài báo, nhưng chưa được phổ biến, nói về vấn đề này. Còn bài thơ phổ nhạc thành trường ca Ave Maria này có được hát trong thánh lễ hay không. Tôi xin trả lời là được và không được. 

Được là khi hát ở ngoài khung cảnh thánh lễ, như trước và sau chẳng hạn. 

không được là không hát ở trong thánh lễ, tuy nhiều nơi đã hát. 
Được hát trong nhà thờ, vì đó là một bài hát đạo, hiểu theo nghĩa có những tâm tình đạo được chuẩn nhận, còn không được hát trong thánh lễ là vì bài hát đó không thuộc thể loại những bài ca đuợc dùng trong phụng vụ như đối ca nhập lễ, đáp ca, thánh thi, ca khúc bình dân tôn giáo. 

Các bài hát trong thánh lễ phải theo phần đoạn của thánh lễ; lời ca thường phải là lời kinh thánh hay phụng vụ và dòng nhạc phải dơn sơ thánh thiện, chuyển hành liền bậc, càng giống bình ca bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, lại không mang tính kịch trường. 

Bài Ave Maria không thuộc loại nào trong những loại này để được hát trong thánh lễ. Nhưng xin nói lại : được hát trong nhà thờ trước hay sau thánh lễ hoặc trong những buổi hát cầu nguyện để tôn vinh Đức Mẹ hay biểu diễn nghệ thuật, nhằm cho thấy cái hay cái đẹp của thi ca và âm nhạc công giáo.

Về điểm này, ông Võ Long Tê trong bài Kinh nghiệm thi ca và hành trình tôn giáo của Hàn Mặc Tử, đã viết : “Được các nhà phê bình văn học theo nhiều trường phái tôn giáo và linh đạo coi là một kiệt tác, bài thơ Ave Maria đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hành trình tôn giáo của tác giả. Ở đây ông đã biểu lộ khuynh hướng tư tưởng thần cảm và nghệ thuật tượng trưng phong phú. Thi phẩm dài hơi này chứng tỏ thi hứng dồi dào của ông. Khởi đầu bằng nhìn về ân điển theo thánh kinh, bài thơ dắt chúng ta trên bước đường tôn vinh ĐứcTrinh Nữ, và kết thúc bằng một lời tuyên tín và tỏ bày lòng cậy trông.” (CGDT Xuân Mậu Thìn 1988 trang 17)

Còn về nhạc thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng phát biểu : “Chúng tôi còn được thấy bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria của Hàn Mặc Tử, trở thành một giáo trường ca do bàn tay sáng tạo của Hải Linh, để thấy được giá trị tột đỉnh của thi ca âm nhạc Công giáo Việt Nam, không thua kém bất cứ thi ca và âm nhạc của bất cứ người công giáo nào trên thế giới.”

Mượn thi ca và âm nhạc để tôn vinh Đức Mẹ là sử dụng hai bộ môn nghệ thuật có sức rung cảm và diễn tả ớ mức độ cao. Vì vậy, hát trường ca Ave Maria trong nhà thờ, ngoài khung cảnh thánh lễ, hay trong những buổi biểu diễn nghệ thuật là điều chẩng những được phép mà lại còn nên khuyến khích nữa, vì những lý do nói trên.

Nhân tiện tôi cũng xin lạm bàn về kỷ luật thánh nhạc trong các nhà thờ. Nhiều người cho rằng Hội thánh khe khắt và cứng nhắc trong vấn đề này. Thực ra không phải vậy. Hội thánh làm như thế là muốn bảo vệ giá trị cao quí ngàn đời của thánh nhạc. Thánh nhạc là loại nhạc riêng của Hội thánh từ bao đời nay và âm nhạc ấy đã chứng tỏ giá trị bền vững của nó trải qua các thời đại. Hội thánh không muốn để cho âm nhạc này bị đồng hóa với các loại nhạc khác, dù là nhạc thời trang, thời đại rất được nhiều người nhất là người trẻ ưa thích hiện nay. Hội thánh không muốn để cho kiểu cách và bầu khí phòng trà hay các tụ điểm ca nhạc tràn vào nhà thờ, cũng như trước kia đã không để cho lối hát opera xâm chiếm và ngự trị trong đó. Hồi ấy, nhiều tín hữu thích hát opera, cũng như bây giờ nhiều người thích hát và chơi nhạc gọi là trẻ trong các nhà thờ. Hội thánh có kỷ luật và cương quyết bảo vệ kỷ luật này để giữ vững giá trị cho kho tàng âm nhạc của mình. 

Một nhạc sĩ đại tài như Mozart đã cảm kích và thán phuc loại nhạc này, đến nỗi ông đã bằng lòng đánh đổi một bài nhạc nổi tiếng của ông lấy một bài nhạc của Hội thánh hay như bài Victimae pascalis laudes. Như vậy đủ chứng tỏ cái hay và giá trị của nhạc Hội thánh.

Cũng có người bảo rằng không nên quá khe khắt và ngặt nghèo đối với lớp người trẻ hiện nay. Đồng ý, nhưng cũng phải ở mức đô nào đó thôi, và chừng nào nhạc mới, nhạc trẻ không phá hoại hay làm tổn thương đến chức năng chính yếu của nhạc nhà thờ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu thì Hội thánh không ngăn cấm mà lại còn khuyến khích cổ võ nữa. Có điều vào nhà thờ mà như vào phòng trà hay đến các tụ điểm ca nhạc thì làm sao Hội thánh có thể nhắm mắt làm ngơ được ? Mà nếu nhắm mắt làm ngơ thì đó là thiếu sót bổn phận và đầu hàng nghịch cảnh.

Nếu ở nước ngoài hay đã có dịp ra nước ngoài mà vào dự lễ các ngày Chúa Nhật trong các nhà thờ của người địa phương, chúng ta sẽ thấy họ không đàn hát như chúng ta và thường các vị hữu trách ở bên đó cũng ít khi phải nhắc bảo về cung cách đàn hát trong nhà thờ, vì người ta biết và tuân hành kỷ luật dường như tự phát, do tinh thần tự trọng. Có người đã học ở viện Thánh nhạc Roma nói rằng những ai xuất thân từ đây không cần phải xin kiểm duyệt các nhạc phẩm của mình, vì đã ở đó ra thì đương nhiên là biết và tuân hành kỷ luật, khỏi phải nhắc bảo hay nói năng gì. Có lẽ nơi nào không biết, người nào không hay mới là những nơi, những người phản ứng quyết liệt và không chịu tuân hành hơn cả. 
Cuối cùng, một điều quan trọng không kém là phải phân biệt nhạc đời và nhạc đạo. Nhạc đạo có cung cách và kỷ luật của đạo, nhạc đời có lối sáng tác và biểu hiện theo đời; hai bên độc lập, không nên lẫn lộn và chồng chéo lên nhau. Xã hội có tiến hóa. Thời nào có kỷ cương thời nấy. Hội thánh biết như vậy nên từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II đã cho dùng thường ngữ trong phụng vụ và nước nào hát bài ca theo tiếng nước đó, không còn bắt buộc phải hát bằng tiếng la-tinh nữa, tuy có khuyến khích nên duy trì trong ít nhiều trường hợp.

Nhưng dù hát tiếng nước nào hay bài nào, đòi hỏi căn bản vẫn là hát cho có nghệ thuật và đúng với những đòi hỏi của khoa thánh nhạc. Nếu không biết hay không tôn trọng những đòi hỏi này thì thật không còn gì để nói nữa và có nói cũng vô ích mà thôi.

Lm. Đỗ Xuân Quế, o.p.