CHƯƠNG I

THẾ NÀO LÀ PHỤNG VỤ?

 

Bài 1

BẢN CHẤT VÀ Ý NGHĨA CỦA PHỤNG VỤ

 

I.                   Ý nghĩa danh từ “Phụng vụ”

Danh từ “Phụng vụ” mà chúng ta dùng hiện nay phát xuất từ tiếng hy lạp Leiturgia, danh từ này ghép bởi hai từ Laos (dân chúng) và Ergon (công việc, việc làm).  Theo sát nghĩa, leiturgia chỉ công việc của dân chúng.  Trong cách hiểu thời cổ hy lạp, danh từ này chỉ các việc người ta làm phúc lợi của cộng đoàn hoặc của toàn thể dân chúng.  Các công việc phúc lợi này bao gồm cả lãnh vực vật chất và tinh thần.  Người ta cũng không phân biệt việc làm đó do cá nhân hay tập thể thực hiện, hễ ai thực hành việc công ích, thì công việc đó được gọi là “Leiturgia”.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ II Trước Công Nguyên (TCN), danh từ này mang thêm ý nghĩa mới trong thế giới hy lạp, nó chỉ các việc phượng tự công khai.  Và bản LXX (tk III TCN)[1] dùng danh từ này để chỉ các việc phượng tự do các tư tế và các thầy Lêvi cử hành trong Đền Thờ.   

Sang thời Tân Ước, danh từ “Leiturgia” được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn chỉ sự phục v (Lc 1,23); chỉ việc phượng tự của các tư tế nơi Đền th (Dt 10, 11); chỉ việc rao ging Tin Mừng (Rm 15,16); chỉ việc thờ phượng Thiên Chúa của Giáo Hội sơ khai (Cv 13,2) 

Vào thời sau các tông đồ, danh từ leiturgia vừa được dùng để chỉ sự phục vụ Thiên Chúa, vừa chỉ sự phục vụ cộng đoàn.  Dần dần, bên Đông phương Hy lạp dùng danh từ này chỉ đích danh việc cử hành Thánh Thể, còn bên Tây phương lại dùng nhiều danh từ phát xuất từ Leiturgia để chỉ các phận vụ trong phụng vụ, chẳng hạn:  ministerium, officum, munus, opus, ritus, actio, celebratio, collecta, cultus, mysterium, sacramentum …[2].  Chỉ vào khoảng thế kỷ XVI, nhờ các nhà nhân bản (humanistes) mà danh từ “liturgia” được sử dụng rộng rãi bên tây phương; kế đó vào thế kỷ XVII-XVIII, các Giáo Hội cải cách cũng chấp nhận từ ngữ này để chỉ việc phượng tự Kitô giáo.  Đầu thế kỷ XX, Giáo Hội Công Giáo chính thức dùng từ ngữ “liturgia” trong Bộ Giáo Luật 1917 – Codex Juris Canonici, để diễn tả thẩm quyền của Giáo Hội trong việc tổ chức phụng vụ và phê chuẩn các sách dùng trong phụng vụ.  Từ đó trở đi danh từ Phụng vụ được dùng để chỉ một trong ba chức năng mà người tín hữu lãnh nhận khi chịu Thánh Tẩy:  chức năng tư  tế [3]. 

 

II.                Bản chất của phụng vụ

Phụng vụ của Giáo Hội không phải là những nghi thức hay quy luật của một tổ chức trần thế,  đây không phải là kết quả của ước muốn hay thay đổi theo thị hiếu của con người theo dòng thời gian.  Công Đồng Vatican II xác định bản chất của phụng vụ như sau:  Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người”  (PV 7) [4] .

Phân tích giáo huấn trên của Công Đồng Vatican II, chúng ta nhận thấy bản chất của phụng vụ Kitô giáo gồm những yếu tố căn bản sau đây:

·        Phụng vụ  là một việc thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện để tôn vinh Chúa Cha trong Giáo Hội của Ngài.

·        Trong phụng vụ, con người được thánh hóa khi liên kết với Đức Kitô, và cùng với Ngài tôn vinh Chúa Cha.

·        Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác mang ý nghĩa đích thực, qua các dấu chỉ này Thiên Chúa ban ân sủng cho con người.

·        Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm thể Chúa Kitô gồm Đầu và các chi thể.  Trong cử hành phụng vụ Chúa Kitô với tư cách là Đầu quy tụ chúng ta lại và Ngài hiện diện trong cộng đoàn phụng tự như Vị Chủ toạ.

Khi Giáo Hội cử hành phụng vụ là lúc Giáo Hội thi hành chức năng tư tế hay thánh hóa do Đức Kitô uỷ thác.  Trong mọi cử hành phụng vụ Chúa Kitô luôn luôn hiện diện để chủ toạ, Ngài thi hành công việc chủ toạ qua các thừa tác viên có chức thánh và những người được uỷ nhiệm, vì thế bản chất của Phụng vụ đích thực diễn  tả mầu nhiệm Hội Thánh gồm Đầu và các chi thể.  Phụng vụ không phải là một loại hoạt động được phân chia mỗi người làm một phần cho đồng đều, cho dân chủ, cho “phát huy tài năng” … nhưng biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội, có những công việc chỉ người chức thánh mới được thi hành, và có những công việc người tín hữu được phép thực thi.  Do đó trong phụng vụ mỗi người có công việc riêng, ai phận sự nấy, nhưng mọi công việc dù là của ai đều phục vụ lợi ích chung của tất cả Giáo Hội (PV 28-29).

 

III.             Chủ thể chính yếu trong cử hành phụng vụ

Có hai chủ thể chính yếu của cử hành phụng vụ là Chúa Kitô và Giáo Hội.  Hai chủ thể này không thể tách rời nhau.

1.      Chúa Kitô

·        Chúa Kitô hoạt động trong phụng vụ với tư cách là Đầu của Thân Thể, việc phụng tự Ngài thực hiện dâng lên Chúa Cha nhằm thánh hóa tất cả Giáo Hội.  Toàn thể phụng vụ Kitô giáo liên kết với Ngài, để nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, lời tạ ơn, chúc tụng và cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận.

·        Chúa Kitô còn hoạt động trong phụng tự với tư cách Đấng thiết lập các bí tích.  Các bí tích thực sự đem lại ân sủng và có hiệu quả đích thực khi chúng được cử hành nhờ hành động của Đức Kitô và do quyền năng Chúa Thánh Thần (GL 1084)

·        Trong phụng vụ, chính Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm Vượt Qua của người.  Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không chỉ là sự kiện trong quá khứ, nhưng có gía trị vĩnh cửu, vượt không gian và thời gian, mầu nhiệm này được hiện tại hoá khi Giáo Hội cử hành phụng vụ.

2.      Giáo Hội – Thân thể Đức Kitô.

Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ.  Khi ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, Chúa Kitô uỷ thác cho các ngài sứ mạng thánh hoá dân Chúa.  Cũng do quyền năng của Thánh Thần, các Tông Đồ chuyển giao quyền thánh hóa cho những người kế vị.  Việc kế nhiệm tông đồ kiến tạo nên toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội (GL 1087).  Nói cách khác, chỉ có phụng vụ Kitô Giáo mang đúng nghĩa khi nền phụng vụ đó được cử hành dưới quyền điều khiển của giám mục, những người kế vị các tông đồ.

Giáo Hội địa phương được quy tụ và biểu lộ cách hữu hình khi toàn thể dân Chúa được tập họp chung quanh giám mục của mình:  Mọi tín hữu phải hết sức quý chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh giám mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa.  Họ phải xác tín rằng Giáo Hội được biểu hiện chủ yếu trong việc toàn thể dân thánh tham dự đầy đủ và tích cực vào các buổi cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một hiến lề tạơn, một lời cầu nguyện chung, ở một bàn thờ mà giám mục chủ sự giữa linh mục đoàn và các cộng tác viên của ngài” (PV 41).

Chính Chúa Kitô tập họp các tín hữu chung quanh giám mục để liên kết họ trong một cử hành duy nhất.  Mầu nhiệm Chúa Kitô Toàn Thể (le Christ Total) là nguyên lý nền tảng của phụng vụ Kitô giáo, trong đó mỗi người theo phận sự của mình, vừa để diễn tả tính đa dạng của Giáo Hội vừa biểu lộ sự duy nhất dưới quyền chủ toạ của giám mục.  Bởi vì khi Giám Mục chủ toạ cộng đoàn phụng vụ, ngài hành động trong tư cách là đầu, có các cộng tác viên bao quanh như linh mục, phó tế, các thừa tác viên khác và dân Chúa tạo nên một cộng đoàn hiệp nhất, gồm đầu và các chi thể.

Trong ý nghĩa này, các linh mục và những người chủ toạ các buổi cử hành phụng vụ cần phải liên kết với giám mục và hành động trong sự hiệp thông và dưới quyền của giám mục.  Người ta không thể chủ toạ cử hành phụng vụ hợp pháp khi bị giám mục ngăn cấm.  Hơn nữa Công Đồng Vatican II cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tham dự của dân Chúa, vì khi tham dự phụng vụ người tín hữu thi hành chức năng tư tế lãnh nhận bởi bí tích Thánh Tẩy.  Công đồng mời gọi mọi người tham dự vào phụng vụ cách đầy đủ, ý thức, linh động và tích cực (PV 11, 14).

 

BÀI HỌC GHI NHỚ  

  1.  Danh từ phụng vụ mang nhiều nghĩa khác nhau và đã tiến triển từng bước theo thời gian:  Từ cách dùng hằng ngày trong thế giới cổ đại Hy lạp đến cách dùng trong Tân Ước, và cuối cùng được Công đồng Vatican II xác định “Phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội” (PV 7).

  2.  Phụng vụ gồm các dấu chỉ khả giác, nghĩa là các cử chỉ, nghỉ lễ, lời đọc… Các dấu chỉ này được dùng để diễn tả các thực tại thánh và mang giá trị đích thực.  

  3. Chúa Kitô hằng hiện diện mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ.  Ngài hiện diện đặc biệt nơi Thánh Thể để ban sự sống đời đời cho nhân loại, qua thừa tác viên khi họ hành động nhân danh Ngài, trong các bí tích nhờ quyền năng và sức mạnh của Chúa, trong Lời của Ngài và mỗi khi chúng ta tập họp để cầu nguyện (PV 7). 

  4.  Tự bản chất phụng vụ là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể.  Vì thế mỗi người có phận sự khác nhau, người có chức thánh đóng vai trò chủ toạ, còn các tín hữu mỗi người tuỳ theo nhiệm vụ làm công việc của mình, tất cả đều nhằm sự thăng tiến của toàn Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội.

 



[1] Bản LXX là bản Kinh Thánh Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy lạp, và theo truyền thuyết được dịch tại Alexandrie (Ai Cập) vào thế kỷ III trước Công nguyên, nhằm phục vụ cho người Do thái ngoại kiều.

[2] Adolf ADAM, La ligurgie aujourd’hui, Brepols 1989, trang 13

[3] Ba chức năng người tín hữu lãnh nhận bởi bí tích Thánh Tẩy là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế.

[4] Bản dịch Việt ngữ về các văn kiện Công Đồng Vatican II, được trích từ bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Pìo X, Đà Lạt, 1972.