Có thể rước lễ khi tham dự Thánh lễ trễ không?


VietCatholic News (Thứ Tư 5/11/2003)

Có thể rước lễ khi tham dự Thánh lễ trễ không?

Roma ngày 4/11 linh mục giáo sư Edward McNamara, giáo sư phụng vụ thuộc Đại học Giáo Hoàng Athenaeum đã trả lời một số câu hỏi về phụng vụ như sau:

Câu hỏi: Tới trễ phần nào trong Thánh lễ thì bị coi là trễ không được rước lễ? Ngày nay một số người đi dự lễ trễ ngay cả khi tới phần đang cho rước lễ thì họ lên rước lễ ngay. Làm vậy có đúng không?

Trả lời: Như hầu hết các linh mục khác, tôi cũng không thể trả lời thẳng câu hỏi này vì có thể có mấy chục câu hỏi liên quan tới vấn đề mà không thể có một câu trả lời nào chính xác được.

Thật vậy trước Công Đồng Vatican II nhiều cuốn sách giáo khoa luân lý cho hay ai đến trước phần dâng lễ vật thì đủ được coi là chu toàn bổn phận buộc tham dự lễ Chúa Nhật. Nhưng sau khi Phụng Vụ được canh tân nhấn mạnh tới sự đồng nhất của Thánh lễ, các nhà thần học tân thời đã bác bỏ tư tưởng phân chia rõ rệt trên.

Thánh lễ được bắt đầu với việc chủ tế tiến lên bàn thờ và kết thúc bằng lời chúc “Lễ xong chúc anh chị em ra về bình an”. Mỗi phần của Thánh lễ liên hệ và bổ túc cho nhau trong một việc tôn thờ dù có nhiều phần chính yếu trong khi các phần khác thì quan trọng như truyền phép Thánh Thể...

Cho nên phải tham dự phần này mà bỏ qua phần khác là một trả lời không chính đáng...

Tôi cũng không muốn đưa ra một ranh giới rõ rệt là tới sau phần Truyền phép thì không nên rước Chúa và trong trường hợp là lễ Chúa nhật thì phải đi tham dự Thánh lễ khác.

Đây không phải là vấn đề của luật buộc mà là vấn đề của tình yêu và tôn kính Chúa chúng ta, Đấng mời gọi chúng ta hợp lại để chia sẻ hồng ân của Ngài, và là Đấng giầu ân sủng để thông tri cho chúng ta qua từng phần của Thánh lễ.

Đây cũng là vấn đề của sự tôn trọng dành cho cộng đoàn, cùng với họ chúng ta tôn vinh Thiên Chúa. Cộng đoàn đó cần sự hiện diện và góp phần của chúng ta trong từng phút giây. Cốt yếu của Phụng vụ là sự tôn vinh của Thân Thể mầu nhiệm của Chúa là Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn được mời gọi đại diện và diễn tả toàn diện thân thể huyền nhiệm của Chúa, nên thật khó mà nói là thân thể mầu nhiệm của Chúa nếu cứ người này ra người kia vào, kẻ này tới trễ người kia về sớm v.v....

Nên người đi lễ trễ cần nghiêm túc tự hỏi mình, tại sao mình tới trễ? Nếu mình có lý do chính đáng hoặc lý do không ngờ trước như bị kẹt xe vì tai nạn, thì lương tâm của họ an bình khi bị trễ lễ ngay cả gần mất lễ đi nữa họ cũng không buộc phải đi tham dự lễ khác.

Hoặc trong trường hợp của những người già cả, phải đi lễ xa... thì không nên tính từng giây từng phút của Thánh lễ.

Nhưng nếu ai đi lễ trễ vì biếng nhác, nhất là vì thói quen, thì nên tự xét mình lại mà thay đổi thái độ hành đạo của mình và nếu cần thì phải đi xưng tội nữa.

Tùy việc tới trễ bao lâu mà đương sự nên tham dự Thánh lễ khác nếu được trong trường hợp là Chúa Nhật. Khi không thể được thì nên nán lại nhà thờ sau Thánh lễ để cầu nguyện và suy niệm các bài đọc của Chúa nhật hay ngày lễ hôm ấy.
Lm. Nguyễn Hữu Quảng SDB