Lời xướng sau Phúc âm


VietCatholic News (Thứ Tư 22/10/2003)

Lời xướng sau Phúc âm

Roma ngày 21/10 linh mục giáo sư Edward McNamara, thuộc phân khoa Phụng vụ của đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum Athenaeum trả lời một số điểm liên quan tới phụng vụ Thánh lễ.

Vấn đề được hỏi là: Có cần thiết buộc linh mục nâng sách Phúc âm lên khi nói “Đó là Lời Chúa”? Vì một số linh mục cảm thấy sách nặng quá để nâng lên. Những lời xướng nào đúng, nói là “Lời của Chúa”, hay “Đó là Lời Chúa” hay “Phúc Âm của Chúa”... Rồi có nơi linh mục giảng ngay tại bàn thờ như vậy có đúng phụng vụ không?

Trả lời: Những vấn nạn trên liên quan đến quy luật tổng quát của sách lễ Roma (điều khoản số 134) và được lặp đi lặp lại chỗ này chỗ khác như: Sau khi linh mục đọc Phúc âm, ngài nói “Đó là Lời Chúa” 'Verbum Domini' và cộng đoàn đáp lại “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” 'Laus tibi, Christe'. Xong linh mục hôn kính sách Phúc âm và âm thầm nguyện “Xin cho Lời Chúa tảy sạch con khỏi mọi lầm lỗi” 'Per evangelica dicta, deleantur nostra delicta'.

Chúng ta thấy bản văn không có đề cập tới việc nâng sách bài đọc lên, cho nên việc đó không buộc phải làm, vì lời xướng “Đó là Lời Chúa” không quy về sách mà về Lời Chúa cộng đoàn vừa nghe.

Khi Giám mục cử hành Thánh lễ thì thầy phó tế bưng sách tới cho Ngài hôn kính. Trong Lễ Quy Roma mới (điều khoản số 176) thêm là trong những dịp lễ trọng, Giám mục cũng có thể chúc lành Sách Phúc Âm.

Tại các quốc gia nói tiếng Anh, bản văn Thánh lễ cũng có nhiều chỗ khác biệt tùy các địa phương. Tại Hoa Kỳ câu xướng sau Phúc âm được dùng là “Lời của Chúa”, trong khi đó các nơi khác lại dùng là “Đó là Lời Chúa”. Hy vọng bản dịch Anh ngữ mới của Thánh lễ sắp được phát hành sẽ tránh được những khác biệt trên.

Trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự, Phúc âm được đọc tại tòa đọc sách thánh (xem điều khoản 134 của Qui luật chung của Sách Lễ Roma). Tuy nhiên bài giảng có thể được giảng từ một chỗ khác theo như điều khoản 136 viết: “Linh mục có thể đứng tại chỗ ngồi hay nơi tòa giảng, hoặc một nơi thích hợp để giảng. Khi giảng xong, cần giữ thinh lặng một chút”.

Theo những hoàn cảnh bình thường thì bàn thờ không phải là nơi để giảng, cho nên đúng phụng vụ thì bàn thờ chỉ dùng khi bắt đầu phần Phụng vụ Thánh Thể.

Tuy nhiên có những nơi, tùy hoàn cảnh và những tình huống đặc biệt mà được phép. Ví dụ tại những quốc gia mà đám cưới được cử hành trước bàn thờ thì chủ tế có thể đứng ở bàn thờ để giảng hầu có thể nhìn được cô dâu chú rể, đặc biệt tại những nhà thờ không có một hệ thống âm thanh tốt.

Lm. Nguyễn Hữu Quảng SDB