Nói Chuyện Với Cha Kim-Long

(Chân thành cám ơn tòa báo Người Tín Hữu,
đã cho phép sao chép lại bài phỏng vấn này)


Lời Tòa Soạn: Nhân dịp linh mục nhạc sĩ Kim-Long ghé Houston vào cuối tháng 9, 2000, NTH có dịp nói chuyện với ngài về thánh nhạc. Sau đây là một phần trích đoạn trong buổi nói chuyện ấy.

NTH: Thưa cha Kim-Long, cha là một tác giả thánh ca được biết rất nhiều và những tác phẩm của cha rất được phổ biến. Không một buổi cử hành lễ nghi phụng vụ nào mà không có bài hát của cha. Không một cuốn sách thánh ca nào mà lại không có bài của cha. Cha đã trung thành theo đuổi con đường phục vụ thánh ca của cha hơn 40 năm. Vậy cha đã bước vào địa hạt thánh ca như thế nào?

LmKL: Tôi bước vào lãnh vực Thánh ca rất sớm, năm 8 tuổi, lý do là có giọng hát một chút, cho nên tôi được chọn vào ca đoàn ở một họ đạo nhà quê. Lúc đó thì các ca đoàn còn hát tiếng La-tinh. 8 tuổi chắc không hiểu tiếng La-tinh chút nào cả, nhưng cứ hát thuộc lòng. Và có lẽ những bài Bình ca đầu tiên đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cái tâm thức, cái ý hướng của Thánh ca mà tôi luôn quý trọng. Mười tuổi vào trường thử, tôi tiếp tục được chọn để hát solo.

Năm 1954, khi di cư vào Nam ở tiểu chủng viện Thánh Phanxicô, tôi không nhớ rõ là năm nào, có lẽ khoảng 1955-56 gì đó, lúc đó tôi học đệ Ngũ, thì có hai bậc thầy từ Bắc trở về và ở tại tiểu chủng viện để hướng dẫn âm nhạc cho chúng tôi. Đó là cha giáo sư Ngô Duy Linh và thầy Hải Linh, nhưng các ngài không trực tiếp dạy âm nhạc cho chúng tôi, bởi vì chương trình trung học không có đủ giờ để tiến sâu. Chúng tôi được các ngài hướng dẫn trong các buổi tập hát để hát cho những cử hành phụng vụ. Và chính những bài hát mà chúng tôi hát đi hát lại lúc đó là những bài của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhạc đoàn Sao Mai và một số bài của nhạc đoàn Tiếng Chuông Nam của cha Nguyễn Duy Vi. Chúng tôi hát đi hát lại và được thấm nhuần những bài ca đó.

Tôi chẳng được ai dạy về viết Thánh ca như thế nào, nhưng mà rồi không biết từ đâu, tôi ngồi cầm bút và viết bài Con Hân Hoan Bước Lên Bàn Thờ Chúa năm 1957. Lúc đó tôi mới có 17 tuổi. Đưa bài hát cho cha Ngô Duy Linh xem, tôi thấy ngài gật gù, và rồi ngài nói với tôi rằng: "Được lắm! Tiếp tục đi!" Với lời khuyến khích đó, tôi bắt đầu viết khơi khỏa ý tưởng, và những bài đầu tiên của tôi thì thường là cha Ngô Duy Linh xem lại kỹ lưỡng và chỉ dạy cho tôi.

Thế là tôi viết Thánh Ca. Và tôi tiếp tục như vậy cho đến khi lên đại chủng viện thì tôi được trao trách nhiệm là tập hát cho các thầy. Khi đó, tôi đã xuất bản cuốn nhạc đầu tiên của tôi, đó là cuốn Suối Thiêng.

Bước vào đại chủng viện, trong cái môi trường để tập hát cho các thầy, tôi tiếp tục yêu mến và sáng tác Thánh ca. Tôi in cuốn Ca Lên Đi đầu tiên tập I. Tập I xong thì hứng khởi viết tập II, tập III v.v..., và đến khi làm Linh Mục thì tôi đã in được 6 cuốn Ca Lên Đi.

NTH: Vậy là cha đã có thiên khiếu về thánh ca ngay từ khi còn trẻ. Ngoài thiên khiếu đó, cha có học thêm gì về âm nhạc không?

LmKL: Tôi vẫn tự học để viết Thánh Ca. Tôi lắng nghe vànếu có ai nói gì cần sửa chữa, tôi luôn luôn đón nhận để làm cho tốt hơn, vì nghĩ rằng mình đâu có học hành gì, mình chỉ được cái phương tiện hay, và được cái môi trường tốt để phát triển một chút khả năng Chúa ban, và chắc chắn cái khả năng đó có những hạn hẹp, và cần phải được bổ túc bởi sự nâng đỡ của những người khác.

Tôi nhớ khi in cuốn Ca Lên Đi đầu tiên ở nhà in Nguyễn Bá Tòng, có một lần tôi tới và khi biết rằng cuốn sách của tôi đang cắt xén ở dưới phòng, tôi xuống để xem mặt cuốn sách như thế nào. Người thợ cắt xén hỏi tôi rằng "Có phải cuốn sách này là của thầy không?", tôi nói "Phải" với một chút hãnh diện. Và người đó đã nói thế này: "Trưa nay, lúc nằm trên bàn giấy để nghỉ trưa, con mở ra xem và con thấy có một chỗ con có thể góp ý với thầy được không?" Lúc đó tôi thấy rõ tự ái của một ông thầy trường lý đoán với một công nhân. Trong lòng tôi thấy rõ một cái gì như một chút tự ái hay một chút giận dữ nào đó, nhưng khi anh ta nói thế này: "Con đã đọc lời ca một bài về Đức Mẹ mà thầy viết rằng 'Lậy Mẹ Cực Thánh', thì con thấy rằng không biết có đúng không, bởi vì con nghĩ 'cực thánh' chỉ dành cho Chúa, Đức Mẹ chỉ 'rất thánh' thôi!". Lúc đó tôi cảm thấy phải suy nghĩ lại. Và cũng từ cái kinh nghiệm này, tôi nghĩ rằng không ai hoàn hảo cả, và có cả những người mình nghĩ là tầm thường nhất, vẫn có thể giúp mình hoàn hảo hóa được những tác phẩm của mình.

Tôi cũng luôn luôn ý thức rằng, mình có được học hành để sáng tác đâu, và mình cứ theo những bài Thánh ca mình hát, nó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, tới tư tưởng của mình, tới những suy nghĩ của mình, và từ đó mình tiếp tục viết.


NTH: Vậy sau này cha có còn cơ hội nào để học nhạc nữa không?

LmKL: Có, sau khi tôi chịu chức Linh mục, thì Đức Giám Mục địa phận Mỹ Tho bảo tôi chuẩn bị để đi học Thánh Nhạc. Và rồi ở Roma, tôi ghi tên học Bình Ca đầu tiên. Nhiều người nói với tôi rằng: "lỗi thời rồi, sau Công Đồng Vaticanô II rồi, dùng tiếng địa phương rồi, vậy mà còn học Bình Ca làm gì?" Nhưng tôi vẫn nghĩ Thánh Nhạc đi liền với Bình Ca, và dù Bình Ca không được trực tiếp dùng trong Phụng Vụ nữa, thì từ lối hình thành bài hát đến tư tưởng, đến tất cả những vai trò từng bài Bình Ca trong phụng vụ, nó vẫn có giá trị để hướng dẫn mình viết Thánh Ca. Cho nên tôi đã quyết định học riêng về Bình Ca, và dĩ nhiên còn phải học những môn khác nữa như hoà âm, đối âm, hay là tấu khúc v.v... Từ cái tinh thần bình ca đó, tôi đã tìm ra một con đường rõ rệt cho con đường sáng tác Thánh Ca của mình: là cái hướng đi của những bài Bình Ca được hình thành như thế nào, từ lời cho đến nhạc ; cái nhạc nó phải quyện đến lời như thế nào, để nhạc chỉ là phương tiện chuyển đạt những tư tưởng của lời ca, để lời ca thực sự là một lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.


NTH: Sau những năm ở Roma học Thánh nhạc, cha có còn nghiên cứu gì thêm nữa không?

LmKL: Tôi không nghĩ rằng cái học của mình đã là hoàn hảo, cho nên tôi thường học hỏi nghiên cứu thêm. Thời gian đó, người thầy phụ của tôi là cha Ngô Duy Linh cũng đang đi học thêm ở Pháp, cho nên thường tới mùa Hè thì hai thầy trò chúng tôi cùng đi dự thêm những lớp Hè ở Nice. Tôi nhớ có một câu chuyện và có lẽ trong đời tôi cũng không quên, đó là trong một buổi giáo sư Tonyo bận đi đâu đó, ông bảo chúng tôi về muốn viết cái gì thì viết để mai ông sửa. 8 giờ tối hôm đó cha Duy Linh đến gõ cửa phòng, bảo tôi cho ngài một ý tưởng hay lời ca nào đó để nài viết vì ngài đang bí đề tài. Lúc đó tôi cũng đang viết bài của tôi nên tôi đưa đại cái bài mà tôi đã dịch sẵn, đó là bài "Người Đi Trong Nước Mắt". Cha Linh cũng đác ý và trở về phòng để cố gắng viết bài đó. Chiều hôm sau gặp giáo sư Tonyo, ông đánh đàn đoạn đầu tiên. Ông gật gù và nói rằng bài nhạc có rất nhiều tính chất á đông. Ông hài lòng. Nhưng khi đánh tới đoạn nhạc "người về..." thì ông sựng lại và tôi thấy khuôn mặt ông có hơi khác. Ông đánh đàn lại một lần nữa, rồi một lần nữa, rồi ông nói với chúng tôi rằng: "ngôn ngữ của các anh chúng tôi không biết, nhưng theo những gì các anh chú thích về ý nghĩa của đoạn này thì tôi thấy không đạt". Lúc đó chúng tôi tự ái (sau này trao đổi với cha Ngô Duy Linh thì ngài cũng nói là lúc đó tự nhiên ngài cũng thấy tự ái), và hỏi giáo sư "Ủa sao vậy?". Giáo sư Tonyo nói rằng "nếu 'người đi' đọc giọng nhạc lên mì lala đố rế mí..., mà 'người về' lại là mì mì..., thì đâu có về, dậm chân tại chỗ!"   Lúc đó hai người chúng tôi cũng gật gùnói với nhau rằng: "thôi mình học suốt đời đi, có vậy mà cũng không nhận ra!"   Tôi vẫn còn nhớ cha Ngô Duy Linh bảo phải sửa như thế nào, vì tiếng Việt của mình có những dấu bằng, dấu trắc, và có nhiều giớ hạn, nên tôi đề nghị với ngài sửa "người về" thành "khi về" để làm giòng nhạc đi xuống, tạo sự tương phản của giòng nhạc đi lê của "người đi".

Tôi muốn kể chuyện đó để thấy rằng trong lãnh vực âm nhạc, tôi cảm thấy có một cái gì đó không giới hạn, không biên giới, và con người mình phải chấp nhận học hỏi thêm mãi.


NTH: Trong qúa trình 43 năm sáng tác, cha đã viết được bao nhiêu bài Thánh Ca?

LmKL: Thực tình mà nói, tôi chẳng bao giờ đếm những bài tôi viết cả. Và tôi cũng không có ý nhìn lại những công việc mình làm để tự mãn về công việc đó. Tôi viết Thánh Ca có nghĩa là khi tôi đọc những tư tưởng từ những bài suy niệm, những bài Thánh Vịnh hoặc những lời kinh, có một cảm hứng nào đó đánh động tâm hồn tôi và tôi cảm thấy phải viết ra. Tôi viết ra rồi, ai hát thì hát. Khi được nhiều bài thì in thành một tập; và cứ thế, tập này nối tiếp tập kia. Tôi cũng chẳng có thời giờ đếm lại là tôi đã viết bao nhiêu bài, nhưng tôi cảm thấy rằng viết Thánh Ca là những cảm hứng hoà nhập với tâm hồn tôi, và sau đó là nhu cầu phải viết, vì nếu không viết ra thì cảm thấy bứt rứt áy náy khó chịu thế nào đó, cho nên tối cứ phải tiếp tục viết mà thôi.


NTH: Hiện tại, cha đang làm gì với công việc mục vụ?

LmKL: Hiện nay thì tôi đang dậy Thánh Nhạc cho 3 đại chủng viện Ha1 Nội, Huế và Saigon. Có những chủng viện mời nhưng tôi chưa đáp ứng. Và một công việc khác của tôi là một công việc âm thầm, đó là làm phó Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và vị trưởng ban là Đức Cha Nguyễn Văn Hoà. Ngài cũng là một nhạc sĩ sáng tác.

Trong khi đi đây đó để dậy về Thánh Ca, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Tôi nghĩ rằng, Chúa ban cho mình có chút khả năng về âm nhạc, thì thôi, mình chọn con đường này để phụng vụ. Vì thế, từ ngày viết bài Thánh Ca đầu tiên đến hôm nay, 43 năm, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, phải nói là không ngừng.


NTH: Về lãnh vực Thánh Ca, người ta thường nói: "Hát là cầu nguyện hai lần!" Là một người chuyên môn về lãnh vực này, cha nghĩ gì về câu nói đó?

LmKL: Nếu theo như thánh Augustinô "hát hay là cầu nguyện hai lần", thì tôi vẫn trao đổi với những người tôi có dịp tiếp xúc, đặc biệt là những học trò học sáng tác Thánh Ca với tôi, và tư tưởng của tôi là: bài hát Thánh Ca hay, có nghĩa là bài hát Thánh Ca phải cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra bài Thánh Ca ấy; bởi vì chủ đích của bài Thánh ca chính là để hát và cầu nguyện với Chúa, mà nếu tác giả không cầu nguyện để viết ra thì làm sao có thể gây tác động, gây những cảm xúc cho người hát để người hát cùng cầu nguyện?


NTH: Vậy cha viết một bài Thánh ca như thế nào?

LmKL: Tôi xin thưa rất chân tình rằng, đời tôi, tôi chưa bao giờ ngồi ở bàn giấy để tẩy tẩy, xoá xoá, thêm nốt nọ, bớt nốt kia, để mà viết một bài Thánh ca. Bài Thánh ca của tôi hình thành là khi có một tư tưởng đạo đức nào đó đến với tôi, tôi suy nghĩ và thường cho rằng có một sự soi sáng nào đó của Thiên Chúa, để những tư tưởng ấy có thể bổ túc và từ từ hình thành ra bài Thánh Ca.

Trong cái bầu khí riêng tư đó, tôi đã cầu nguyện với bài Thánh ca khi nó hình thành. Sau đó, nếu có thời giờ, tôi sẽ viết lại bài Thánh ca ấy, chứ không bao giờ tôi nghĩ rằng mình phải ngồi để mà viết thêm bài này bài nọ hoặc cho đủ bài kia để có thể in thành một cuốn sách. Tôi đã không bao giờ làm chuyện đó cả. Vậy thì nếu tác giả viết bài Thánh ca trong tâm thức cầu nguyện và trong khi cầu nguyện thì đó là cầu nguyện lần thứ nhất.


NTH: Còn lần thứ hai thì sao, thưa cha?

LmKL: Lần thứ hai, như tôi vẫn thường nói khi sinh hoạt với các Ca đoàn và với những người ở những nơi mà tôi có bổn phận phải giảng dậy rằng, bài Thánh ca hay là phải có cầu nguyện thứ hai hay, đó là người hát phải hát để cầu nguyện, hoặc là để giúp người khác cầu nguyện. Không thể nào đạt được cái ý tưởng là giúp người khác cầu nguyện khi chính mình hát mà mình không hoà nhịp được với những tư tưởng của bài Thánh ca, để mình thực sự cầu nguyện với những tư tưởng đoù. Bởi vậy thao thức của tôi vẫn là làm thế nào để cho người viết Thánh ca: cầu nguyện; người hát Thánh ca: cầu nguyện.


NTH: Theo như kinh nghiệm riêng tư của cha, thế nào là Hát và Viết Thánh ca?

LmKL: Hát Thánh ca không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Viết Thánh ca không phải vì mục đích để lại những tác phẩm để đời. Kinh nghiệm cuộc sống của tôi: cách đây hơn 6 năm, khi bác sĩ cho biết tôi bị ung thư đại tràng, tôi chuẩn bị sãn sàng để có thể về với Chúa, thì tôi nghiệm ra rằng: tất là những gì gọi là của mình đều ở lại đàng sau. Mình chết rồi, xuôi tay nhắm mắt rồi, người ta có hát bài của mình hay không, người ta có nhớ tới mình hay không, đối với mình nào còn có nghĩa gì nữa đâu! Cho nên tôi không đặt nặng vấn đề là người ta sẽ nghĩ gì về mình hay người ta sẽ đánh giá những bài Thánh ca của mình như thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi đã làm một việc với lương tâm của tôi trước mặt Thiên Chúa. Tôi nhận được một nén bạc, tôi phải cố gắng sinh lợi cho nén bạc đó, để rồi tôi đáp ứng nhu cầu Phụng vụ của Giáo hội, vì Giáo hội cũng đã tạo môi trường và cơ hội cho tôi để tôi có thể học hỏi thêm được những gì về lãnh vực Thánh ca.

Còn những bài Thánh ca của tôi, tôi chỉ mong rằng có được nhiều người đồng cảm với tôi để cùng hát lên và cầu nguyện, thì đó là tôi đã đạt được cái thao thức của mình rồi ***

Người Tín Hữu, Số Năm 9&10, 00, trang 19 - 21