Note: You must be registered in order to post a reply.
T O P I C R E V I E W
Trantrungtruc
Posted - 05/20/09 : 21:02 Các bạn thân mến,
Nói đến Bộ Lễ thì không có bút mục nào có thể kể lại cho hết được . Vì đây đúng là chuyện dài [1]. Có người cũng đã khéo ví von rằng: khi những người phàm xác thịt như chúng ta – “tổng thể” là từ các ngài học giả uyên thâm đã vươn tới đỉnh cao trí tuệ, đến quí vị học thật gần bạc đầu mà vẫn chưa thuộc bài vở; từ những nhạc sư vang tiếng lẫy lừng mở những lớp huấn luyện đàn gianh đàn cò, đến những nhạc cụ, nhạc công, nhạc gia vừa ... có chàng rể mới; từ những ca trưởng giỏi đến nỗi cần phải là trọng tâm của ca đoàn, đến những ca viên, ca sĩ, ca kỳ, ca cục, ... – nói chung là, nếu chúng ta mà có muốn nói về Bộ Lễ hát trong Thánh Lễ, thì cũng giống như là ta làm việc của người xưa kể chuyện Tàu Tam Quốc Chí. Vì chính Bộ Lễ đã có một lịch sử rất xưa đã đành, mà còn trải qua biết bao nhiêu thăng trần, đổi thay của thời đại, nên khi đem áp dụng cho chúng ta ngày nay thì ai cũng nhận là: không ai có thể nói rõ đâu là biên giới để ta thích nghi, hoặc bến bờ để ta áp dụng những luật trừ luật cộng.
Lại càng khó hơn nữa, đối với hoàn cảnh của những người Việt chúng ta đang sống trong những cộng đồng xứ đạo Việt Nam ở hải ngoại, vì trên thực tế, chúng ta không thể lúc nào cũng “excuse” nại lý là người Việt Nam mới qua nữa, mà phải hoàn toàn hội nhập và tuân theo những qui luật phụng vụ và mục vụ của Giáo Hội địa phương. Nhưng nếu chỉ một mực vâng lời theo Giáo Quyền ở địa phương thì chúng ta cũng không biết ai là người có thực quyền để mà xin phép, hoặc ít ra biết ai là "đối tượng" để chúng ta tới "đả thông", "xử lý", hoặc cãi lý .
Ví dụ một trường hợp điển hình năm 2006, bản dịch Sách Lễ Roma mới bằng tiếng Việt phát hành, từ Việt Nam Đức cha Hoà đã có xin HĐGM Hoa Kỳ ra thông cáo cho các xứ đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ phải dùng bản dịch mới này. Nhưng thông cáo của HĐGM Hoa Kỳ bằng tiếng Anh, đăng trên tờ tin tức bằng tiếng Anh nhỏ, rất ít phổ biến tới các cộng đồng Việt Nam, nếu không muốn nói là rất hạn chế chỉ tới tay một vài cha sở. Vậy mà có cha chủ tế Việt Nam, khi ca trưởng nói tới chuyện này, thì ngài còn hỏi lại đâu là thông cáo, chỉ cho tôi coi. Lời nói này hàm ý một cách gián tiếp là chúng ta đang sống ở Hải Ngoại phải gia nhập vào xứ đạo tại địa phương, chúng ta không còn lệ thuộc vào những quyền hành bên Việt Nam nữa.[2].
Về phía giáo dân Việt Nam, họ cũng rất nhạy cảm "dị ứng" với những quyền hành và chỉ thị "phán" từ Việt Nam. Người giáo dân Việt Nam đã bỏ nước ra đi tị nạn cộng sản, đến Hoa Kỳ hay các nước tự do trên thế giới, tức là họ không còn thuộc về Việt Nam phép đời cũng như đạo. Họ cũng không phải là những người đi di dân lao động [3] mà là những người phải trốn chạy cộng sản để được hít thở không khí tự do. Đưa họ về những thứ ràng buộc chốn cũ cũng như là vẫn còn muốn giam hãm họ trong ngục tù bao la đó.[4]
Nói chung vì để lẫn lộn nhiều cảm xúc, lý tưởng và suy nghĩ mà nhiều người trong chúng ta, hoặc chủ ý hay vô tình, vẫn có thái độ thờ ơ với những qui luật của Bộ Lễ, đường ta ta cứ đi, mà không hề biết rằng đấy chính là những qui luật Phụng Vụ do Toà Thánh ban hành từ muôn đời xa trước, chứ không phải là từ Thẩm Quyền của Địa Phương "kiếm chuyện bày trò" làm khó dễ.
Sau khi có dịp đọc lại những đề tài nói về Bộ Lễ trên diễn đàn ở đây: http://www.calendi.com/thanhnhac/forum.asp?FORUM_ID=68 , tôi đã có cơ hội tìm thêm nhiều tài liệu khác để hiểu thêm về lịch sử của Bộ Lễ được hát trong Thánh Lễ. Và vì thấy Bộ Lễ có một lịch sử rất hay và dài như lịch sử Thánh Lễ của GH, nên tôi cũng đà cố gắng viết lại, dưới hình thức dễ hiểu như là kể chuyện cho các bạn nghe. Và vì có tính cách kể chuyện, nên bài đóng góp này không thể nào bao gồm hết mọi tình tiết éo le và đương nhiên, cũng không tránh được những cảm nhận có thể là ... chủ quan của người kể chuyện. Xin đón nhận tất cả những ý kiến, phê bình và nhận xét cũng như kinh nghiệm của các bạn để đề tài này thêm phần hứng thú và phong phú .
Chúng ta sẽ có dịp cùng ôn lại sơ sơ về bản văn và ý nghĩa của Bộ Lễ, đồng thời cùng tìm hiểu những nguyên nhân xa gần đưa đến những qui luật, mà đã có lúc chúng ta vẫn không hiểu, tại sao GH đã “quá khắt khe” với Bộ Lễ như thế .
Hy vọng khi nghe qua những câu chuyện này và nếu có giờ, sau khi đọc thêm những sách tham khảo, quí bạn sẽ có riêng cho mình một cảm nhận. Và rồi một giải pháp, để mỗi ngày, sự hiểu biết của chúng ta về Phụng Vụ sẽ được phong phú hơn. Vì dù sao, mục đích cuối cùng vẫn là làm sao chúng ta vẫn luôn trung thành với những chỉ thị và Giáo Huấn của GH nhưng với một sự hiểu biết sâu xa và một tinh thần tự do đích thực .
Vì bài viết nghiên cứu này cũng khá dài, tôi xin được phép đăng lên diễn đàn mỗi tuần. Mỗi lần đăng đều có phần chú thích riêng để cho vấn đề được sáng tỏ.
Những thay đổi liên quan đến Bộ Lễ trong Thánh Nhạc và Phụng Vụ
Thánh Lễ là nghi thức cử hành bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Trong những thế kỷ đầu, thì Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Hy Lạp, nên thời đó Thánh Lễ được gọi là Eucharistia, Lễ Tạ Ơn . Tới thế kỷ thứ 4, thánh Ambrosio (năm 397), trong thời kỳ đạo bị bách hại, lần đầu tiên đã dùng chữ Missa bằng tiếng La Tinh để nói về nghi thức thánh hoá bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa . Chữ Missa được lấy từ câu "Ite, Missa est."
Từ nguyên thuỷ, Thánh Lễ vẫn gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Nhưng những nghi thức và các bản văn chi tiết dùng trong Thánh Lễ theo thời gian đã được Giáo Hội thay đổi ít nhiều. I. Thánh lễ Missa bằng tiếng La Tinh trước Công Đồng Vatican II .
1) Một vài định nghĩa và phân biệt :
A) Chữ Ordinary.
Trong Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh ngày xưa, chữ Ordinary (viết hoa trong tiếng Anh, hay nguyên ngữ là Ordinarium Missae trong tiếng La Tinh) là dùng để chỉ những phần có bản văn không thể thay đổi trong Thánh Lễ . Có nghĩa là sách chính thức của GH phát hành bằng tiếng La Tinh như thế nào, thì theo giáo luật (Canon law) những bản văn này phải tuân giữ đúng như vậy, không được thêm bớt hay thay đổi thứ tự. Trong phần Ordinary này, trừ bài Kyrie là bằng tiếng Hy Lạp, còn những bài khác là tiếng La Tinh . Tất cả những bài này đều được đặt tên bằng chữ đầu tiên trong bài. Đó là: Kyrie (Xin Chúa Thương xót), Gloria (Vinh danh Thiên Chúa) , Credo (Tôi tin kính), Sanctus (Thánh), Benedictus (Chúc tụng Thiên Chúa) và Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa).
[2] Quan niệm này rất đúng về phương diện chính trị, lương tâm và tự do tôn giáo, nhưng lại sai về nguyên tắc và qui luật phụng vụ của Giáo Hội về ngôn ngữ của Bộ Lễ. Chúng ta biết tất cả các văn kiện và bản văn Phụng Vụ của Giáo Hội đều ấn hành bằng tiếng La Tinh. Về Sách Lễ Roma, từ sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã phát hành 3 Bản Mẫu bằng tiếng La Tinh. Và mỗi lần phát hành như thế thì các bản dịch sang các ngôn ngữ khác trên thế giới (ví dụ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp,...) cũng phải dịch lại theo bản Mẫu mới. Chỉ được phép có một bản dịch duy nhất cho mỗi ngôn ngữ. Khi có bản dịch mới chính thức rồi thì không còn được dùng bản cũ nữa. Tiếng Việt đã có bản dịch mới và đã được Toà Thánh chấp nhận. Có nghĩa là mọi nơi trên toàn thế giới, nếu muốn cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Việt thì phải dùng bản dịch mới này. Ví dụ tiếng Anh tuy đã có bản dịch mới nhưng chưa được chính thức xử dụng vì phải đợi tất cả các HĐGM ở các nơi nói tiếng Anh trên toàn thế giới phê chuẩn và Giáo Hội có chấp thuận thì mới được đem dùng. HĐGM Hoa Kỳ vẫn đang còn dùng bản dịch cũ. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về vấn đề này trong phần sau. Bản dịch tiếng Việt mới mà chúng ta đang dùng là phản ảnh trung thục bản Mẫu chính thức của GH phát hành năm 2000 bằng tiếng La tinh , chứ không phải là HĐGM Việt Nam cố tình "bày đặt" thay đổi bản cũ đã quen dùng như rất nhiều người đã lầm tưởng mà phê bình .
[3] “Họ không còn là người tị nạn nữa”. ĐHY GB Phạm Minh Mẫn đã tuyên bố với một nhà báo ớ Hoa Kỳ như thế !!! Nguyên văn: "I told them they are no longer refugees". Lời tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn và với lá thư gửi cho Lm Nguyễn Thanh Liêm, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tháng 12 năm 2007 đã gây nhiều xôn xao và tranh luận trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại về danh từ di dân (immigrant) và tị nạn (refugee) của người Việt Nam trong mối tương quan với quyền hành của HĐGM Việt Nam. ĐHY Mẫn đặc trách về Mục Vụ Di Dân thuộc HĐGM Việt Nam, chuyên lo cho những người di dân ở Việt Nam. Nhưng về phương diện Mục Vụ và Phụng Vụ của người tị Nạn Việt nam tại hải ngoại thì họ không có thuộc quyền của HĐGM tại Việt Nam nữa, vì họ đã đi tị nạn và hội nhập vào các xứ đạo tại địa phương. Và cho dù họ có đến định cư tại một quốc gia nào vì bất cứ là lý do gì khác đi chăng nữa, họ cũng không còn thuộc thẩm quyền trực tiếp của ĐGM nơi họ trước đây đã sinh sống. Ví dụ cộng đồng giáo dân Ba Lan ở Chicago, USA không có phải tuân theo chỉ thị của HHĐGM bên Ba Lan.
[4] Đức cha Pherô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn trong ngày lễ phong chức giám mục cho Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản mới đây cũng đã can đảm xác nhận sự thật về vấn đề tự do tôn giáo và hoàn cảnh của các vị lãnh đạo ở Việt Nam . Trước sự tham dự của 20 giám mục, khoảng 700 linh mục, tu sĩ, và với trên 4 ngàn giáo dân, ngài đã dám nói thẳng: "Kinh nghiệm lịch sử nói với ta rằng có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. ...
Và Giám mục cũng như linh mục là những người được trao cho trách nhiệm loan báo ơn giải thoát đó, trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”.
Thế nhưng chính ở đây lại xuất hiện một nghịch lý : xét như là con người, bản thân giám mục và linh mục cũng có thể ở trong tình trạng mù loà và bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Vậy làm sao có thể làm cho người khác sáng mắt khi chính mình đang ở trong tình trạng mù loà ? Làm sao loan báo tự do khi chính mình đang bị giam trong ngục thất ?"http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=6337