Note: You must be registered in order to post a reply.
T O P I C R E V I E W
Trantrungtruc
Posted - 05/27/09 : 21:20 Tại sao không được thay đổi ?
Thưa tại vì Thông Cáo Số 3 của Đức Cha Hoà ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1994 nói thế .[5]
Hì hì, chắc chắn có nhiều bạn đang có "dị ứng" gãi đầu gãi tai "nia nịa", vì câu trả lời này chẳng có gì là mới mẻ và chúng ta cũng đã nghe lặp đi lặp lại rất nhiều lần. (Hơn thế nữa, chúng ta cũng đã nói ở phần trên rồi, là chúng ta ở xa không có trực tiếp bị chi phối bởi những qui luật hay thông cáo từ ... bên Việt Nam. Vâng, nhưng sau này khi bạn được thấy những qui luật của các HĐGM bên này về Bộ Lễ chắc bạn sẽ muốn đổi ý ngay, vì ở đây các ngài còn ... khó hơn Đức cha Hoà rất nhiều !!!!).
Có một câu trả lời rất tổng quát khác mà chúng ta cũng đã thấy Lm Đỗ Xuân Quế [6] và Lm Dao Kim [7] thường trưng dẫn vào cuối thập niên 90, rằng thì là lý do không được thay đổi là vì: đây là những bản văn có điển tích từ Thánh Kinh, hoặc là chính những lời Tuyên Xưng Đức Tin của Giáo Hội trong Thánh Lễ, đã được dùng từ rất xa xưa và lưu truyền lại cho con cháu đến ngày nay .
Câu trả lời này tuy là nòng cốt, nhưng nó cũng lại không soi sáng hoặc thuyết phục thêm, nhất là cho một kẻ hay lý luận cùn như tôi . Nên tôi đã đi tìm hiểu thêm những lý do khác, vì vẫn không hiểu tại sao GH đã có những khoản luật khắt khe như thế.
Và tôi đã không ngờ là khi tìm hiểu theo "góc nhìn" lịch sử và truyền thống thì - có thể – (nhà em chỉ dám nói “có thể” mà không chắc 100%) , là một phần cũng chỉ vì những kinh đọc trong Bộ Lễ mà Kitô giáo ngày nay đã bị phân chia thành rất nhiều đạo, nhiều chi nhánh, như rễ của một cây đang mọc tùm lum chằng chịt. Vì mặc dầu tất cả đều bắt đầu từ một gốc, đều cùng tin và thờ một Chúa Giêsu Kitô , nhưng mỗi đạo lại đi một nhánh riêng không bao giờ gặp lại nhau được.
Chúng ta hãy cùng ôn lại một vài chi tiết về Giáo Sử trước khi đi sâu vào nội dung của Bộ Lễ.
Từ rất xa khơi, có nghĩa là từ thuở ban đầu ấy, Kitô giáo cũng mới chỉ là một đạo rất nhỏ của một số người Do thái. Bắt đầu là một nhóm tí tẹo ở vùng Đông Địa Trung Hải, do 12 thánh tông đồ cầm đầu, có thánh Phêrô là người Chúa Giêsu đã cắt đặt để làm đầu Hội Thánh và thánh Phao lô là người mới "lở lại", nhưng sau này lại là người đã hăng say đóng góp rất nhiều để mở mang và củng cố đức tin cho các tín hữu. Sau thời các tông đồ là các môn đệ rồi đến các đức giám mục, những người được tuyển chọn để tiếp tục giảng đạo và trông coi các tín hữu thay thế cho các tông đồ.
Nhưng Kitô giáo đã bị nhà nước Rôma bách hại ngay từ thế kỷ đầu gọi là quân xâm lược đến giải phóng. Nhất là năm 64 Hoàng Đế Nerô hứng chí chụp mũ đổ tội cho Kitô Giáo đốt cháy "kho đạn" ở Roma nên đã ra lệnh lùng bắt hết những người có đạo, cho họ đi học tập tận miền bắc xa xăm, đầy đi vùng kinh tế mới, hoặc thảy vào vận động trường đá banh với sư tử .
Sau thời kỳ đạo bị bách hại gần 400 năm, thì Kitô Giáo lại được "nhà nước có chính sách khoan hồng" cho tự do, nhờ đó đạo mới có dịp bành trướng lan rộng. Sang thế kỷ thứ tư thì Kitô Giáo đã là một tôn giáo mạnh nhất, cũng là còn trong thời kỳ của chế độ Đế Quốc Roma .
Sang thời Trung Cổ, hầu hết Âu Châu đều theo Kitô Giáo . Những vùng Trung Đông, Bắc Phi Châu và một phần của Ấn Độ lúc đó mới chỉ có ảnh hưởng sơ sơ, nhưng nhờ các nhà truyền giáo đi rao giảng tin mừng, Kitô Giáo dần dần đã ảnh hưởng và lan tràn đến các nơi khác như Bắc Mỹ, Nam Mỹ và mọi nơi “tới cùng bờ cõi trái đất” như lời Chúa Giêsu đã tiên báo .
Lịch sử cho chúng ta biết là về phương diện văn hoá, Kitô Giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành nền văn minh của Tây phương và của nhân loại. Hiện nay những người theo Kitô Giáo đã lên tới hơn 2 tỉ Người. Nhưng lịch sử cũng cho chúng ta thấy Kitô Giáo hiện nay cũng chia ra ít nhất là 5 chi nhánh chính, như xòe bàn tay có năm ngón. Đó là Roman Catholicism, Eastern Orthodoxy, Oriental Orthodoxy, Protestantism và Restorationism . Những nhánh này lại còn chia thành những nhóm nhỏ khác với những chủ trương về tín lý và cách cử hành phụng vụ rất khác nhau. Con số mới nhất ước lượng khoảng hơn 34 ngàn giáo phái trong Kitô Giáo. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên
Về phương diện nghi lễ và phụng vụ, Kitô Giáo đã bắt đầu từ cùng một nguồn gốc. Sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 2: 42-46 đã mô tả như sau: “Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Ðồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.”
Nhưng trong mấy trăm năm GH bị bách hại, tín hữu bị đi sơ tán, những nghi lễ cử hành phụng vụ phải làm chui. Hình thức và những qui luật của các bản văn đã bị bè rối thay đổi, hoặc bề trên "bỏ ngỏ" cũng như nền Thánh Nhạc Việt Nam sau năm 1975 vậy !!! Đời sống đạo của các cộng đồng tín hữu không còn được tự do và đẹp như sách Tông Đồ Công Vụ thuật lúc ban đầu nữa. Các Đức Giám Mục bị mất tự do, có vị bị mất quyền cai quản địa phận. Bè rối quốc doanh nổi lên như nấm rồi trà trộn vào trong giáo hội để đe dọa, chụp mũ, giật giây đánh phá từ bên trong. Nhà cửa cơ sở, tài sản của GH bị nhà nước đế quốc cướp lấy, hoặc trao cho ngoại xâm khai thác ... bô-xít, (hì hì thời đó lính La mã cũng cần nhiều mỏ quặng kim loại để làm gươm, đao, áo giáp đấy).
Nguy hiểm nhất là có những bè rối nổi lên khắp nơi và tự biên tự diễn những nghi thức và bản văn của Thánh Lễ để làm lung lạc đức tin của các tín hữu . Rất nhiều vị thánh còn lì hơn cha Lý, bị bịt miệng, bị bắt đi tù rồi còn bị đóng đinh tử vì đạo. Các ngài đã viết rất nhiều bài giảng và bằng chứng để biện minh cho đạo. Câu Latinh "Lex orandi, lex credendi” (Cầu nguyện thế nào, tin thế ấy) đã có từ thời này. Có nghĩa là qui luật của cầu nguyện là qui luật của đức tin. Phe bè rối muốn thay đổi đức tin của các tín hữu, họ chỉ cần thay đổi những lời giáo dân đọc kinh cầu nguyện . (It’s amazing! lịch sử ngày nay vẫn còn đang lặp lại ).
Năm 313, sau khi Hoàng Đế Constantine lên ngôi và ra lệnh không còn cấm đạo nữa, thì Kitô Giáo lại được "dễ thở" và tự do hơn nhiều . Chẳng bao lâu sau đó, năm 325, các ĐGM đã mở Công Đồng đầu tiên ở Nicea để đặt ra Kinh Tin Kính, một kinh rất quan trọng trong Bộ Lễ, để xác nhận những điều phải tin cho các tín hữu, để họ có thể đương đầu với bè rối Araia .
Năm 380, Hoàng Đế Theodosius I đã ra đạo luật phong Kitô giáo là đạo chính thức của toàn đế quốc La mã. Năm 381 Công Đồng Constantinople họp và bổ túc thêm cho Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea. Bản văn chính thức của năm 381 này, ngày nay mọi người Công Giáo thuộc Rôma, Chính Thống Giáo Đông Phương, Anh Giáo và rất nhiều giáo hội Tin Lành vẫn đang phải đọc hay hát mỗi ngày Chúa Nhật trong Bộ Lễ .
Như ta đã thấy, GH lúc đó mới chỉ có khoảng 300 năm truyền thống Phụng Vụ để viết Kinh Tin Kính và hơn 350 năm có Thánh Kinh Tân Ước để có thể rút ra những Giáo Luật để giúp các tín hữu sống đức tin . Nhưng chính những truyền thống phụng vụ này đã là nền tảng thần học để mấy ngàn năm sau, những giáo huấn của GH vẫn phải luôn dựa vào để cắt nghĩa hoặc thiết lập những tín điều khác cho giáo hữu.
Sách Giáo Lý Công Giáo, điều 1124 đã nói rất rõ: “Ðức tin của Hội Thánh có trước đức tin của người tín hữu, người tín hữu được mời gọi cùng tin với Hội Thánh. Khi cử hành các bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các tông đồ; do đó, có ngạn ngữ: Cầu nguyện thế nào, tin thế ấy. Luật cầu nguyện là luật đức tin, Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện. Phụng Vụ là một yếu tố cấu thành Truyền Thống thánh thiện và sống động của Hội Thánh . “
Nói tóm lại, những bản văn trong Bộ Lễ đã là đức tin của GH, vì GH cầu nguyện lên Thiên Chúa bằng chính những bản văn này. Đức tin của chúng ta chỉ được phát triển khi chúng ta cùng liên kết trong GH, có Chúa Giêsu là đầu của thân thể và chúng ta là những chi thể . Nội dung những kinh trong Bộ Lễ
Kyrie (Xin Chúa Thương xót):
Đây là những lời cầu xin thống thiết của dân Thiên Chúa kêu xin Ngài thương đến. Những lời cầu này đã có từ trong Cựu Ước như trong Thánh Vịnh 4 câu 2, 6:3, 9:14, 25:11, 121:3 . Hoặc trong sách tiên tri Isaia 33:2 và Tobia 8:10 . Trong Tân Ước chúng ta cũng thấy lặp lại ở Matthêu 9:27, 20:30, 15:22; Marcô 10:47 và Luca 16:24, 17:13 .
Trong phụng vụ của GH sơ khởi đã dùng bản văn bằng tiếng Hy Lạp . Tới thế kỷ thứ tư, thánh lễ Missa tuy đã được cử hành bằng tiếng La Tinh, nhưng nguyên ngữ của lời kinh này vẫn được giữ theo tiếng Hy Lạp . Tục truyền rằng Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgorio Cả (540-604) đã qui định phải đọc 9 lần Kyries . Sang thế kỷ thứ 8 thì bản văn được hiểu là đọc 3 câu đầu "Kyrie Eleison" để cầu xin Thiên Chúa Cha, 3 câu "Christe Eleison" để cầu xin Chúa Giêsu Kitô, và 3 lần lặp lại "Kyrie Eleison" sau cùng để kêu xin Chúa Thánh Thần .
Gloria (Vinh danh Thiên Chúa):
Kinh này thường được gọi là Thánh ca của các thiên thần, vì câu đầu tiên "Gloria in excelcis Deo", chính là lời ca của các thiên thần hát khi Chúa Giêsu hài đồng sinh ra (Luca 2:14) . Có nhiều giả thuyết cho rằng kinh này nguyên thủy bằng tiếng Hy Lạp, đã có từ thế kỷ thứ nhất . Và thánh Hilary de Pointiers sau này (năm 366) dịch sang tiếng La Tinh sau thời kỳ ngài bị lưu đày . Nhưng cũng có bằng chứng lịch sử khác nói rằng bản văn bằng tiếng La Tinh lại khác nguyên bản Hy Lạp . Trong phụng vụ, lúc ban đầu kinh này chỉ dành cho Đức giám mục đọc . Tới thế kỷ thứ 11 thì GH cho phép các linh mục được đọc khi dâng lễ . Tới thời của ĐGH Pio V, năm 1570, vì có nhiều tệ trạng trong hàng giáo sĩ, nên ngài đã cải tổ Thánh Lễ và bắt buộc các linh mục phải đọc trọn bản văn trong phụng vụ đã qui định không được thay đổi hay thêm bớt. (Hình như thời đó cũng có nhiều đấng mê thể thao nên làm lễ vội vàng để về kịp tham dự trận đấu !!!! ) .Sau này trong Thánh Lễ hát, GH đã cho phép ca đoàn được phép hát kinh Gloria này . Tới thời sau Công Đồng Vatican II thì cả cộng đồng từ linh mục chủ tế, ca đoàn và giáo dân được GH khuyến khích hát hay đọc chung kinh này thật sống động để biểu lộ tính cách cộng đồng cùng ca ngợi Thiên Chúa .
Về ý nghĩa của kinh Gloria này, chúng ta thấy cũng có bố cục như kinh Kyrie là hướng về Ba Ngôi Thiên Chúa với những lời chúc tụng, ca ngợi, thờ lạy và tôn vinh Thiên Chúa.
(còn tiếp) ---------------------- Chú thích:
[5] Xin xem Thông Cáo Số 3 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Thánh Nhạc do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa ký tại Nha Trang, ngày 24 tháng 9 năm 1994 . Trang nhà http://www.catruong.com/ Phần: Tài Liệu Thánh Nhạc.
[6] Xin xem bài "Thắc Mắc về Bộ Lễ" do cha Đỗ Xuân Quế, Trưởng Ban Thánh Nhạc thành phố Sàigòn, trả lời trong báo Hát Lên Mừng Chúa, cũng tại trang nhà http://www.catruong.com/ Phần: Phụng Vụ