T O P I C R E V I E W |
Trantrungtruc |
Posted - 03/11/10 : 19:47 Các bạn thân mến,
Thấm thoát đã gần một năm từ ngày bài cuối về Bộ Lễ được post . Chắc hẳn các bạn cũng đã "quên ngày tháng cũ" cho nên tôi xin "đánh thức" lại mấy cái links cho nó được ... thức dậy , để bạn nào chưa có dịp đọc, có thể theo dõi lại từ đầu .
Xin được tóm tắt lại những tiêu đề chính, trước khi chúng ta tìm hiểu thêm về lịch sử những thay đổi chung quanh Bộ Lễ .
A) Chữ Ordinary.
Trong Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh ngày xưa, chữ Ordinary (viết hoa trong tiếng Anh, hay nguyên ngữ là Ordinarium Missae trong tiếng La Tinh) là dùng để chỉ những phần có bản văn không thể thay đổi trong Thánh Lễ . Có nghĩa là sách chính thức của GH phát hành bằng tiếng La Tinh như thế nào, thì theo giáo luật (Canon law) những bản văn này phải tuân giữ đúng như vậy, không được thêm bớt hay thay đổi thứ tự. Trong phần Ordinary này, trừ bài Kyrie là bằng tiếng Hy Lạp, còn những bài khác là tiếng La Tinh . Tất cả những bài này đều được đặt tên bằng chữ đầu tiên trong bài. Đó là: Kyrie (Xin Chúa Thương xót), Gloria (Vinh danh Thiên Chúa) , Credo (Tôi tin kính), Sanctus (Thánh), Benedictus (Chúc tụng Thiên Chúa) và Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa).
B) Chữ Proper (cũng viết hoa, tiếng La Tinh là Proprium de Tempore, Proprium Sanctorum hoặc Commune Sanctorum ).
Phần này gồm có: Introit (Ca nhập lễ), Gradual (Ca tiến cấp), Alleluia, Sequence (Ca tiếp liên), Tract (Thánh Vịnh hát liên tục), Offertory (Ca dâng lễ), Communion (Ca hiệp lễ). Lý do gọi là Proper là những bản văn có thể thay đổi thích hợp theo phần lễ, ngày lễ trong lịch Phụng Vụ, hoặc theo những cử hành đặc biệt .
(tiếp theo kỳ trước)
2) Thánh Lễ La Tinh cử hành trọng thể .
Theo qui luật phụng vụ thời đó, thì tuỳ theo đặc tính và sự quan trọng của ngày lễ mà GH đã phân biệt có:
Lễ Trọng (high mass) cho ngày chủ nhật, lễ lớn (Lễ Cả) và Lễ Thường (low mass, lễ mọn) cho thánh lễ hàng ngày.
Cũng có những Thánh Lễ với những nghi lễ quan trọng hơn, dành cho những trường hợp đặc biệt khác như lễ cung hiến đền thờ, lễ truyền chức thánh, vv...
Trong phạm vi của các địa phận thì Lễ Trọng là lễ phải có ca đoàn hát và phải có đầy đủ những phận vụ của những người sau đây: người xông hương , người giúp lễ, vị chưởng nghi, thầy phụ phó tế (thầy năm), thầy phó tế (thầy sáu sắp làm linh mục, chứ không phải thầy sáu vĩnh viễn ngày nay) và linh mục chủ tế . Nhiều nới không có đủ thầy năm, thầy sáu, thì linh mục chủ tế phải làm hết nhiệm vụ của họ, nhưng bắt buộc phải có ca đoàn hát trong thánh lễ trọng. GH gọi hình thức "giảm bớt" này là Missa cantata, tức là Lễ Hát .
Như chúng ta đã nói đến ở trên, một giáo luật rất quan trọng có từ thời ĐGH Piô V (1504-1572) là các linh mục khi làm lễ phải đọc hay hát tất cả mọi bản văn của Thánh Lễ, kể cả những bản văn đã cho phép ca đoàn hát. Ai mà quên hay bỏ sót là phạm tội trọng . Như vậy là linh mục chủ tế cùng lúc cũng phải đọc những kinh Kyrie, Gloria, Credo, Sanctus và Agnus Dei trong Bộ Lễ (Ordinary), mặc dầu đó cũng chỉ là cùng một bản văn bằng tiếng La Tinh trong sách lễ và đang được ca đoàn hát .[1]
Xin được tóm tắt một số những chi tiết rất cụ thể được luật lệ phân công rõ ràng trong nghi thức Thánh Lễ trọng thể thời đó như sau:
Khi đoàn rước gồm người xông hương , người giúp lễ, vị chưởng nghi, thầy năm, thầy phó tế và linh mục chủ tế vào cung thánh rồi, thì linh mục chủ tế cầu nguyện dưới chân bàn thờ. (Một chi tiết theo luật buộc là bàn thờ phải quay về hướng đông . Linh mục chủ tế và cả cộng đoàn phải hướng về phía mặt trời mọc, vì Chúa Giêsu là Mặt Trời công chính ). Sau khi xông hương bàn thờ, ngài đứng ở phía nam (bên trái) của bàn thờ để đọc ca nhập lễ và kinh Kyrie. Đang khi đó, ca đoàn cũng hát ca nhập lễ và Kyrie. Nếu ngày lễ có hát kinh Gloria thì cha chủ tế sẽ bắt đầu xướng câu “Gloria in excelcis Deo”, rồi ca đoàn tiếp tục hát. Đang khi đó thì thầy năm và thầy phó tế phải cùng đọc bằng tiếng La tinh kinh Gloria đó. Đọc xong rồi thì có thể ngồi xuống đợi cho ca đoàn hát xong bài Gloria . Khi ca đoàn hát xong thì vị chủ tế hát lời chào "Dominus vobis cum" rồi ngài hát lời nguyện của ngày lễ. Sau đó thầy năm sẽ tiếp tục hát bài đọc thánh thư và ca đoàn sẽ hát đáp ca . Cùng trong lúc đó, vị chủ tế một mình đọc lại bài đọc và đáp ca đó . Sau khi làm phép hương cho người xông hương thì vị chủ tế đi về phía bắc (bên phải) của bàn thờ và âm thầm đọc bài phúc âm . Đang khi đó thì thầy phó tế xông hương sách thánh và hát bài phúc âm đó rất trọng thể cho cả cộng đoàn nghe.
Cũng những hình thức tương tự như thế, nếu ca đoàn hát Credo, Sanctus và Agnus Dei, ... thì trên bàn thờ linh mục cũng phải đọc lại những bản văn đó . Có nghĩa là linh mục phải chu toàn phận sự của ngài, và ca đoàn phải luôn luôn hát song song trùng hợp với những bản văn phụng vụ mà linh mục cùng lúc đang đọc trong thánh lễ .[2]
II . Bối cảnh của Tự Huấn "Tra Le Sollecitudini" do ĐGH Piô X ban hành 1903.
Linh mục Anthony Ruff, trong cuốn sách nghiên cứu dày hơn 700 trang, rất nổi tiếng: "Sacred Music And Liturgical Reform: Treasures and Transformations" phát hành mới đây, có dành một chương khá dài nói về bối cảnh và ảnh hưởng của Tự Huấn "Tra Le Sollecitudini" này . Theo tác giả, chúng ta không thể hiểu mục đích chính của việc canh tân Phụng Vụ và Thánh nhạc của Thánh Giáo Hoàng Piô X thời đó, nếu chúng ta không hiểu cuộc đời của ngài và những biến chuyển rất quan trọng về tôn giáo, văn hóa và chính trị của thời gian từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. [3]
1) Cuộc đời ĐGH Piô X
ĐGH Piô X trị vì từ năm 1903 đến 1914 . Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên viết rất nhiều về những vấn đề Phụng Vụ và Thánh Nhạc. Theo tiểu sử của ngài, thì ngay từ nhỏ cậu bé giúp lễ Giuseppe Melchiorre Sarto (tên thật của ĐGH) đã có những đam mê về Thánh Nhạc và Giáo Lý. Từ khi thụ phong linh mục cho đến khi làm Hồng Y, ngài luôn khuyến khích các ca đoàn trong phạm vi quyền hành của ngài phải hát nhạc bình ca Gregorian, vì ngài cho chỉ có bình ca bằng tiếng La tinh này mới đơn sơ, trong sạch, xứng đáng là Thánh Nhạc thích hợp với mọi thành phần tín hữu để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Trong lá thư gửi cho ĐGM địa phận Padua, ngài đã nói là ngài rất mong muốn cả cộng đoàn khi tham dự Thánh Lễ đều đồng giọng hát Kyrie, Gloria, Sanctus, Agnus Dei. Nếu được như thế thì đối với ngài đã là một chiến thắng cho Thánh Nhạc trong phụng vụ rồi . Ngài đã mở trường chuyên môn dạy và bắt các chủng sinh phải học và biết hát nhạc Bình ca . Xuất thân từ một gia đình nghèo, ngài luôn sống rất đơn sơ khổ hạnh, cổ võ công việc từ thiện và giúp đỡ những người nghèo. Lịch sử đã ghi lại một câu nói bất hủ của ngài : "Tôi đã sinh ra nghèo, tôi đã sống nghèo, và tôi ước là được chết nghèo." ( Khi chết ngài không muốn được tẩm liệm, và một phép lạ kỳ diệu đã xảy ra là sau 30 chục năm chôn cất, khi rời mộ ngài, xác của ngài vẫn còn nguyên vẹn không hư nát). Cuộc đời của ngài nổi bật nhất về việc cổ võ tôn thờ Thánh Thể và khuyến khích giáo dân tham dự lễ Missa hàng ngày . Ngài khuyên mọi người phải năng xưng tội, rước lễ và viếng Thánh Thể, lần hạt và phải chạy đến với Đức Mẹ là Mẹ TC và cũng là mẹ chúng ta . Bởi thế ngài đã được tặng danh xưng là vị Giáo Hoàng của phép Thánh Thể và của Đức Mẹ .
Năm 1893, ĐGH Lêo XIII, vị tiền nhiệm của ngài muốn tham khảo ý kiến xây dựng để cải tổ Thánh Nhạc trong Phụng Vụ, thì ĐHY Giuseppe Sarto gửi một bài dài nhất 43 trang, trình bày những tệ trạng và đề nghị những canh tân cho Thánh Nhạc trong Phụng Vụ thời đó.
2) Những tệ trạng của Thánh Nhạc trong Phụng Vụ
a) Phụng vụ đã bị âm nhạc tục hoá như kịch trường.
Đọc bản tường trình của Uỷ Ban điều tra do nhạc sĩ Gaspare Spontini được toà thánh sai đi để tìm hiểu và tường trình lại những lạm dụng trong Thánh Nhạc, người ta đã thấy những bằng chứng điển hình như: bản văn của bài Gloria đã được đổi giống bài Jerusalem trình diễn trên sân khấu opera của Nicollo Zingarelli . Hoặc có người nói là họ đã nghe những điệu nhạc hát kinh Kyrie, Gloria và kinh Tin Kính trong nhà thờ giống như điệu nhạc nhảy dạ vũ mới nhảy đêm hôm trước. Ở bên Đức thì kinh Gloria dùng lại nhạc của Mozart trong vở tuồng Don Giovanni . Ở bên Bỉ có tường trình nói là đàn piano được dùng để thay thế cho một giàn nhạc và bản văn phụng vụ được hát theo vở tuồng opera của Vincenzo Bellini và Gaetano Donizetti . Nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc của nước Áo thì viết bài chê nhạc trong nhà thờ của nước Ý là đã hết thời, và bây giờ đang bị đi xuống rất là đồi trụy.
b) Những Bộ Lễ vào đời.
Ngay từ thế kỷ thứ 13, Bộ Lễ đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác . Trước đó bình ca chỉ có một cung điệu (mode) và được dùng để sáng tác cho cả Bộ Lễ . Sau này các bài hát lẻ tẻ trong Bộ Lễ đã được sáng tác bằng nhạc đa âm (polyphony). Năm 1325 Bộ Lễ đầy đủ đa âm bốn bè đầu tiên do Guillaume de Machaut viết.
Từ đó, nhất là trong thời Phục Hưng (1450 - 1600) sau này, những nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Beethoven (1770-1827), Mozart (1756-1791), Haydn (1732-1809), Cherubini (1760-1842), Schubert (1797-1828), Liszt (1811-1886), Bruckner (1824-1896), Franck (1822-1890), Gounod (1811-1893) và Verdi (1813-1901), ai cũng phải sáng tác ít là một hai Bộ Lễ để đời (theo như đúng mốt của các ca trưởng giỏi ngày nay vậy, nghĩa là chỉ có Bộ Lễ của mình là hay nhất !!! ) . Nhưng có rất nhiều nhạc sĩ chỉ muốn lấy nguồn cảm hứng từ ý nghĩa của Bộ Lễ đơn giản bằng Gregorian Chant, rồi "có tích mới dịch ra tuồng", thêm bớt dệt thành những bài hát sáu câu vọng cổ thật dài, có nhiều phân đoạn, nhiều movements, và do đó nhiều khi kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ như hát tuồng cải lương trong Thánh Lễ .
Có nhạc sĩ chỉ viết có một bài Kyrie-Gloria liền nhau chẳng hạn như J.S. Bach viết một “Bộ Lễ” nổi tiếng chỉ có Kyrie-Gloria (A Major), nhưng bài thì dài tới 44 trang nhạc. Schubert thì tình cảm lãng mạn dồi dào đã viết những Bộ Lễ lả lướt , có tiếng đàn piano và violin réo rắt . Beethoven và Mozart có những Bộ Lễ đồ sộ cho cả một ban hợp xướng và giàn nhạc vĩ đại chơi . Haydn thì cho ra những Bộ Lễ vui tươi, xập xình , mà còn cãi bướng " Tôi không nghĩ Chúa sẽ la tôi khi tôi ca tụng Ngài bằng một con tim vui nhộn ". Thiết tưởng Bộ Lễ của cha Nguyễn văn Trinh có “dủ tình” đến mấy, và có lăn quay như " viên đá xanh " theo điệu slow rock cũng chả có gì sánh bằng !
Nói chung thời đó cũng đã những Bộ Lễ với âm điệu quá trần tục, chỉ dành cho những quan liêu giới chức phong kiến ăn chơi, giải trí. Hay nói như kiểu của cha Đỗ Xuân Quế viết trên Việt Catholic ngày nay, là nhạc xập xình chỉ thích hợp trong phòng chè, ca ra OK, chứ không phải là những điệu nhạc thánh thiện, bình ca quen thuộc của đại đa số tín hữu, nhất là những người có đời sống đạo đức, khó khăn, nghèo khổ trong xã hội.
c) Cũng có những chuyện nực cười " mượn hoa cúng Phật, lấy của chùa dâng cho Chúa"
- Một phong trào cũng thích “lấy của chùa dâng cho Chúa” thời đó là các "đạo sĩ" (người đạo nhạc) đã dùng một điệu hát rất phổ thông kìa con bướm vàng có sẵn gọi là, cantus firmus , trong Gregorian chant, hoặc nhạc ngoài đời, rồi biến chế lại làm thành bài hát trong Bộ Lễ. (Như kiểu trong dân ta có người lấy bản Gloria, Alleluia hoặc Symphony 9 của Beethoveen đặt lời Việt để hát trong Bộ Lễ hoặc hát câu tung hô sau truyền phép. Nhưng điều khác biệt của người nước ta, là sau khi tự đặt lời thuyết minh cho một bài hát có sẵn của một nhạc sĩ nổi tiếng rồi, thì lại cũng"tự hào với công trình phụ đề Việt ngữ" của mình, bèn chỉ đề tên Việt của mình trong bài hát lời Việt, thay thế cho người đã có công lao nặn óc sáng tác bản nhạc đó, coi họ là người Vô Danh ... tiểu tốt).
Một điệu nhạc rất thịnh hành thời đó là L'Homme armé (Chàng chiến sĩ) đã được nhiều nhạc sĩ dùng để chế ra Bộ Lễ cho riêng mình.
- Một loại viết Bộ Lễ khác là Organ Mass, trong đó ca đoàn hát một câu rồi organ đệm một câu . Nhưng có nhiều nhạc sĩ lại hứng quá đưa thêm các nhạc cụ khác vào và cho ban nhạc chơi độc tấu kéo dài hơn phần của ca đoàn hát, theo kiểu mấy hội kèn tây hay hội bát âm Việt Nam ngày nay dành thổi kèn trong Thánh Lễ, tranh chỗ của ca đoàn hát. Có những lúc tiếng đàn thay vì đệm cho tiếng hát, lại "chơi nổi, vặn micro to hơn" tiếng hát của ca đoàn, làm cho cộng đoàn không hiểu ca đoàn đang hát gì và đã hát đến phần nào .
Những kiểu soạn và hát Bộ Lễ loại này mặc dầu đã bị GH cấm từ thời Công Đồng Tridentino (1563), nhưng sau này lại thịnh hành trở lại vì bị ảnh hưởng từ những Bộ Lễ sáng tác để trình diễn ngoài đời trên sân khấu.
- Cũng có một kiểu “đạo nhạc” khác để viết "nhạc đạo" rất phổ thông và cũng được người thời đó chấp nhận . Đó là parody Mass . Kiểu này khác với cantus firmus là thay vì chỉ lấy có một phần giọng hát chính, thì kiểu này lại lấy cả bài hát ở chỗ khác rồi đổi lời cho hợp với phụng vụ, và thêm những phần nhạc khác của mình vào nữa, để làm thành Bộ Lễ.
Nhưng kiểu này cũng khác với cantus firmus là người sáng tác lúc ban đầu vẫn còn được credit . Ta có thể lấy một ví dụ tương tự là ngày nay có nhiều ca trưởng giỏi, thuộc loại bậc thầy ... chạy, chế Bộ Lễ bằng cách lấy bài Gloria của Haydn, hay Kinh Vinh Danh của Lm Tiến Dũng, lấy Kinh Tin Kính của Lm Hoài Đức, v v... để hát thành Bộ Lễ thay vì đúng phép phải theo Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính của bản dịch chính thức và đầy đủ của Thánh Lễ, đã được GH chuẩn nhận.
Nhiều vị nhạc sư thời đó cũng đã soạn được những Bộ Lễ có giá trị nghệ thuật rất cao.
Người ta thường nhắc đến những Bộ Lễ của Orlando di Lasso và Palestrina . Riêng Palestrina đã có 51 Bộ Lễ kiểu parody Mass, soạn thêm các bè hòa âm cho tiếng hát rất công phu.
Từ năm 1750 về sau, có thể nói đa số những Bộ Lễ đồ sộ đã được các tác giả viết chỉ nhắm cho trình diễn ngoài nhà thờ, hoặc dành riêng cho những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như Bộ Lễ Missa Solemnis (D Major) của Bethoven viết hai năm mới xong và khi trình diễn là phải có đầy đủ giàn nhạc với tài tử thượng thặng solo, một ban hợp xướng vĩ đại và một giàn nhạc khổng lồ . Nhiều người đã nhận xét là Beethoven đã tận dụng những phần hát lên xuống của bè sopranos và tenors đến nỗi vượt quá "superhuman endurance" . Đàm Vĩnh Hưng có nhìn thấy bản nhạc này cũng chắp tay lạy dài .
d) Thời nào cũng có chuyện nhân danh nghệ thuật hợp thời để đưa đời vào đạo.
Không phải chỉ có thời nay mà chúng ta mới được nghe các đấng phán bảo về tệ trạng của Thánh Nhạc là “loạn” vì mang những Bộ Lễ xập xình vào nhà thờ. Ngay từ thời xa xưa đó, nhiều ca trưởng đã lạm dụng, đem những Bộ Lễ và những hình thức trình diễn trong kịch trường vào nhà thờ để hát và trình diễn với giáo dân trong phụng vụ, theo kiểu "đánh cha cha cha mà không phải là cha cha cha."
Lm Kim Long trong bài nói chuyện ngày 1 tháng 2 năm 1996, đã đưa ra một ví dụ là có Bộ Lễ của Benevoli viết tới 53 bè. Cũng vào những thời này nhiều giáo phái Tin Lành và Anh giáo cũng có những nghi lễ phụng vụ tương tự như của Công Giáo (vì họ đã ly khai từ Công Giáo); nhưng họ đã bỏ bớt hoặc đảo lộn những thứ tự các bài hát (movements) trong Bộ Lễ để làm cho khác đi . Ví dụ Anh Giáo thì có một thời gian dài hát bài Gloria vào cuối lễ . Bộ Lễ bằng tiếng Đức của đấng sáng lập đạo Lutheran (1526) thì bỏ bài Gloria không có hát . Nhưng sau này nhiều nhạc sĩ đạo Lutheran lại bắt chước viết những Bộ Lễ theo nghi thức Thánh Lễ Missa của Roma .
Ngược lại, nhiều người bên Công Giáo cũng đua đòi, nhân danh nghệ thuật thịnh hành theo thời, đã đưa những Bộ Lễ của Beethoven bên Lutheran, của JS Bach bên Protestant vào trong phụng vụ Công giáo. Ví dụ họ chỉ hát có kinh Kyrie và Gloria cho cả Bộ Lễ, tức là bỏ Credo, Sanctus và Agnus Dei. Hoặc đưa cả những bài hợp xướng thánh vịnh (chorale hymns) của các giáo phái tin lành khác vào hát trong phần Proper của Thánh Lễ mà không xin phép Imprimatur của Giáo quyền .[4]
Sự kiện linh mục chủ tế phải ngồi chờ ca đoàn hát cho xong một bài hát cả tiếng đồng hồ, hoặc những bài hát trong Bộ Lễ đã bị đảo lộn, không ăn nhập gì với việc linh mục đang cử hành, hoặc có những giàn nhạc và nghệ sĩ trình diễn những bài Kyrie-Gloria đài các, xa vời với trình độ của cộng đoàn dân Chúa, vv... đã là một tệ trạng mà Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X thấy bất xứng với những nghi lễ thánh thiện trang nghiêm mà cả cộng đoàn muốn cử hành để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. [5]
Bởi thế chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đọc lại toàn bản văn của bài Tự Sắc, nhất là đọc kỹ lá thư đính kèm mà ĐGH gửi ĐHY Respighi, Vicar-General of Rome, trong đó ĐGH đã có những bằng chứng rõ ràng và ngài muốn dứt khoát phải sửa đổi những tệ trạng đó trong Thánh Lễ.
(còn tiếp)
Chú thích:
[1] Có nhiều lý do tại sao GH đã có những giáo luật rất ngặt bắt các linh mục chủ tế phải đọc đầy đủ những phần qui định trong Thánh Lễ . Một trong những lý do, nghe ra có vẻ như chuyện tiếu lâm, nhưng thực sự đã xảy ra ở thời đó, là có nhiều linh mục … lười quá, làm lễ rất vội vàng, đọc cho qua để còn về nhà làm chuyện khác. Hoặc cũng có những trường hợp giáo dân cần phải ra đồng để canh tác sớm, nên linh mục đã tự động thu ngắn Thánh Lễ, bớt đầu bớt đuôi, chỉ làm và đọc những phần mà các ngài nghĩ là quan trọng .
[2] APA citation. Henry, Hugh. (1911). Music of the Mass. In The Catholic Encyclopedia. New York: Robert Appleton Company. Retrieved January 7, 2009 from New Advent: http://www.newadvent.org/cathen/10001a.htm Ecclesiastical approbation. Nihil Obstat. October 1, 1911. Remy Lafort, S.T.D., Censor. Imprimatur. +John Cardinal Farley, Archbishop of New York.
[3] Anthony Ruff, Sacred Music And Liturgical Reform: Treasures and Transformations, (Published by Liturgy Training, 2007).
[4] Donald J. Grout & Claude V. Palisca, History of the Western Music , (New York: 6th Edition, 2001)
[5] Tới đây thì chúng ta đã có thể hiểu ngay là tại sao đã có những qui luật rất ngặt của điều 11a mà anh Đỗ Vy Hạ đã trích là không được thay đổi bản văn hoặc đảo lộn thứ tự, vì làm như thế bài hát "sẽ không hợp rơ" với những động tác mà vị chủ tế đang cử hành hay đọc trên bàn thờ .
Trần Ngọc Đăng
[email protected] |
1 L A T E S T R E P L I E S (Newest First) |
ndh |
Posted - 03/12/10 : 17:57 Cám ơn bác TTT đã trở lại với chủ đề này, vậy mà cứ tưởng là bác quên rồi chứ, post đều đặn nhé Thân mến ndh |
|
|