Cung đọc giọng hát là hai yếu tố cần thiết và quan trọng để góp phần làm cho thánh lễ vừa dễ ưa, vừa gây thêm hứng thú.
Quả vậy, khi đi dự thánh lễ mà chúng ta được nghe những lời đọc rõ ràng, cung giọng dễ nghe, vừa phải, không nhanh không chậm, không quá to quá nhỏ hay quá cao quá thấp của chủ tế và người đọc sách thánh, với những tâm tình xứng hợp phát xuất từ một tấm lòng xác tín sâu xa thì thật là thú vị. Thú vị ở chỗ sau những ngày vật lộn vất vả với cuộc sống, ngày Chúa Nhật đến nhà thờ để để hưởng những giây phút thư giãn trong nhà thờ, được nghe Lời Chúa và hát thánh ca cho lòng thanh thỏa.
Nhưng chẳng may, những điều nói trên mới chỉ là nguyện ước chứ chưa thành hiện thực, vì phần đông các nhà thờ của chúng ta chưa làm được những điều đó. Lý do một phần vì nhiều người không hiểu hay không để ý. Đàng khác một số đông nữa, nhất là giới trẻ, lại cho rằng phải đi lễ ngày Chúa Nhật vì có luật buộc, không đi thì mắc tội trọng và đến nhà thờ là để nghe đàn hát cho vui. Rồi một số người có trách nhiệm cũng nghĩ rằng phải vui mới lôi kéo giới trẻ đến nhà thờ được. Nếu đến nhà thờ chỉ để vui thì thiết tưởng nên đến chỗ khác vui hơn. Tất nhiên phải hành đạo trong niềm vui. Kinh thánh cũng nói với chúng ta như vậy qua các lời sau đây : “Agite dies laetitiae : hãy sống những ngày vui vẻ (Tb 13,10); Servite Deo in laetitia (Tv 99,2): Hãy phụng sự Chúa trong niềm hân hoan”
Nhưng cái vui của nhà thờ là cái vui thanh thoát nhẹ nhàng, vui trong sự bình an, không ồn ào náo động, không pha tạp đủ thứ âm thanh mầu sắc và ánh sáng như trên sân khấu và các sàn diễn. Người ta quen với “Tiếng hát truyền hình”, “Nhịp cầu âm nhạc”, Sài-gòn tình ca” và biết bao “sô” diễn hàng ngày trên màn ảnh nhỏ. Vì quen với những thứ đó nên xem ra cũng chỉ cảm thấy vui khi có những thứ như thế. Kể ra cũng hạn chế nếu chỉ có bấy nhiêu.
Nhưng nhàthờ có thể cung cấp cho chúng ta nhiều hơn nữa. Không gian của nhà thờ thường rộng hơn sân khấu và sàn diễn; bầu khí của nhà thờ thanh thoát và linh thiêng hơn phòng trà; lời ca tiếng hát ở nhà thờ có khả năng đưa tâm hồn lên chỗ thanh cao và đón nhận được những giây phút thần thiêng giao cảm.
Nhà thờ là nơi cầu nguyện. Đúng. Thế mà xưa người Do thái đã biến đền thờ Giê-ru-sa-lem làm nơi buôn bán nên đã bị Chúa Giê-su mượn lời ngôn sứ nặng lời cảnh cáo : “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc 20, 46; Ga 2,12-17)
Vậy phải trả cho nhà thờ chức năng của nó và phải mặc cho nó những hình thức xứng đáng. Xứng đáng ở đây không phải là xa hoa lộng lẫy mà là trật tự, sạch sẽ, mỹ thuật, từ bàn ghế, đồ thờ, lễ phục, bàn thờ đến cung đọc, lời ca tiếng hát, âm thanh, mầu sắc, ánh sáng. Tất cả đều góp phần và có ảnh hưởng tới việc thờ phượng. Phải chăng vì vậy mới có lời thánh vịnh:
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !” Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, Cửa nội thành ta đã dừng chân.” (Tv 122,1)