T O P I C R E V I E W |
hanpham |
Posted - 07/07/06 : 09:19 Trong một thánh lễ Thiếu Nhi thì LM chủ tế có đặt một câu hỏi như sau: “Các con có thấy nhiều cầu thủ khi vừa bước vào sân, hay đi ra khỏi sân thì họ làm dấu không ? Họ đang cầu xin và tạ ơn Chúa cho một trận đấu hay. Các con có bao giờ khi cha mẹ cho tiền, cho quà, hay khi học bài giỏi thì biết làm dấu tạ ơn Chúa không ?” Câu hỏi tuyệt vời đó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều khi theo dõi World Cup tại Đức. Tuy nhiên câu chuyện không chỉ dừng ở đó.
Tuần rồi khi gặp gỡ một người hàng xóm người Mỹ thì bà ta nói với tôi: “Tôi không hiểu có cái gì hay ở soccer ? Hãy nhìn những người lớn trưởng thành được xem như các ngôi sao của thế giới nhưng khi ra sân chỉ biết chờ cơ hội để rồi ... lăn ra đó nhăn nhó than van và chỉ khi nào tấm thẻ vàng lóe ra cho cầu thủ đội bên kia thì tự nhiên lại đứng dậy đi đứng đàng hoàng như chưa bao giờ bị đau cả. That is cheating.” Sự nhận xét của người hàng xóm đó cũng gần giống như lời phê bình gay gắt của cựu cầu thủ Franz Beckenbauer. Ông ta mạnh mẽ chỉ trích cho là phần lớn các cầu thủ trên sân đã overacting trong các tình huống va chạm để làm cho tình hình trận đấu thêm căng thẳng và ít nhiều đã làm sai lệch sự phán quyết của các trọng tài.
Theo dõi các trận soccer tôi tưởng tượng ra hình ảnh 22 cầu thủ trên sân là những người đang đứng trong một ca đoàn để cùng xướng lên bài hát cho vẻ đẹp của soccer. Tuy nhiên thay vì cùng nhau Fair Play thì một số cầu thủ lại chọn các mánh khóe xảo quyệt để hòng loại bỏ đối thủ của mình. Khi bước vào sân thì làm dấu cầu xin Chúa để rồi cử chỉ thánh thiện đó mau chóng được thay bằng các hành vi ám muội hầu đạt đến mục đích thắng lợi bằng mọi cách của mình bất kể sự thắng lợi đó phải trả giá bằng sự bất công bằng với các cầu thủ khác. Cầu thủ C. Ronaldo của Portugal là hình ảnh rõ ràng nhất của một kẻ bán rẻ lương tâm khi anh gây lên tình trạng “thêm dầu vào lửa” trong trận đấu với đội tuyển Anh để dẫn đến tấm thẻ đỏ oan nghiệt cho cầu thủ đội tuyển Anh là Rooney. Mặc dù hai người không là đồng hương với nhau nhưng hai người lại là đồng đội với nhau trong đội tuyển Manchester United. Tất cả các báo chí sau đó đã .... ca ngợi các cầu thủ Portugal về màn kịch tuyệt mỹ để kích thích Rooney vì anh này vẫn có tiếng là nóng tính. Màn kịch giả vờ đau đớn của Calvalho với sự cộng tác thiện nghệ của C. Ronaldo đã thành công mỹ mãn để loại bỏ đối thủ của mình. Vào cuối trận đấu khi Rooney hoàn toàn thất vọng nằm buông xuôi như kẻ chết rồi trong phòng thay áo thì C. Ronaldo lại đang làm đủ mọi cử chỉ thánh thiện để cám ơn Chúa sau khi anh ta đá tung lưới đối phương để đưa đội nhà của mình vào vòng bán kết. Tôi tự hỏi anh ta đang cám ơn Chúa điều gì ? Anh ta có cám ơn Chúa vì Chúa đã cho con ... biết ăn gian để loại đối thủ và là đồng đội của con là Rooney không ? Tuy nhiên bộ mặt thật của anh ta cũng đã bị lột ra khi các khán giả đã hoàn toàn khinh bỉ la hét mỗi lần anh ta chạm bóng trong trận bán kết với đội tuyển Pháp. Mặc dù C. Ronaldo đã và đang biện hộ cho hành động của mình với Rooney nhưng cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi ngày hai cầu thủ này quay trở về Câu Lạc Bộ của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra ? Tôi thì tôi nghĩ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Kẻ nóng tính, người ăn gian cuối cùng đều là hai kẻ bại trận. Tôi xin dành sự phán xét cho mọi người để xem kẻ nào đáng bị khinh bỉ hơn.
Chúng ta đang sinh hoạt trong ca đoàn, chúng ta có giống các cầu thủ kia không ? Chúng ta cũng đã làm dấu đọc kinh trước khi tập hát, trong lúc hát lễ nhưng chúng ta có cùng Fair Play với nhau không ? Chỉ cần Ca Trưởng phê bình một chút là chúng ta cũng có thể lăn ra .... như trẻ thơ hờn dỗi, bực tức và bắt đầu đi kiếm bè phái để nhiều khi gây mất đoàn kết trong ca đoàn. Ca Trưởng có các quyết định không đúng theo ý chúng ta là chúng ta sẽ cho họ vào danh sách các kẻ .... độc tài để rồi bắt đầu đồn ra đồn vào coi thường CT. Ca Trưởng hơi nóng tính thì chúng ta bắt đầu họp nhau phàn nàn để khi CT bị ... thẻ đỏ thì chúng ta mừng rỡ. CT đi đúng con đường của phụng vụ thì chúng ta lại ráng chơi ... ăn gian để mưu cầu ca đoàn đi theo con đường khác. Hình ảnh các cầu thủ bu quanh trọng tài có giống như là một số ca viên xun xoe cha xứ để rồi làm ảnh hưởng sự công minh trong quyết định của ngài không ? Bên cạnh đó các CT có thật sự Fair Play với các ca viên không ? Sự nóng tính của CT rồi cũng chỉ như Rooney làm hỏng cả cơ đồ của đội tuyển của mình. Các CT có thật sự là lo lắng cho nền thánh nhạc phụng vụ không ? Hay là các CT cũng nhắm mắt làm ngơ trước các việc ... ăn gian vì việc đó ăn thua gì đến tôi, đèn nhà ai nấy rạng ? Chúng ta có thật sự để trọn vẹn bầu nhiệt huyết chúng ta trong các công việc cho ca đoàn hay chúng ta cậy vào các “liều thuốc” cảnh cáo, thẻ vàng, thẻ đỏ để giết chết những người anh em của chúng ta ngõ hầu chúng ta có đường .... thăng quan tiến chức ? Một đội tuyển chỉ cần một thủ quân sánh vai các cầu thủ chơi ở các vị trí chuyên môn của mình cũng đủ làm nên lịch sử thì tại sao chúng ta lại phải có nhiều Trưởng này, Trưởng nọ để rồi chỉ gây thêm phức tạp cho tập thể.
Tôi có sinh sống tại Ivory Coast trong vòng 4 năm. Tại quốc gia đó người ta hay phàn nàn là đội tuyển Quốc Gia toàn là các cầu thủ đi đá chuyên nghiệp tại Châu Âu chứ không có ai là cầu thủ trong nước cả. Năm nay tôi rất thích thú khi thấy đội tuyển Ivory Coast của tôi tham gia World Cup. Nhìn qua danh sách phải nói là 99% các cầu thủ là đang thi đấu trong các màu áo tại Châu Âu. Xem họ thi đấu tôi nhận thấy là lý do các cầu thủ nội địa không được gọi vào đội tuyển là vì họ bị mặc cảm và ù lì. Tuy nhiên nếu cơ hội cho phép, họ vẫn có thể perform hay như các cầu thủ ... đá thuê kia. Phải chăng chúng ta cũng mặc cảm và ù lì để rồi phải cậy vào các ca sĩ .... chuyên nghiệp trong các chương trình văn nghệ do giới Công Giáo tổ chức. Việc mặc cảm và ù lì thì tôi không rõ nhưng tôi bảo đảm nếu cơ hội cho phép, giới ca đoàn của chúng ta sẽ perform hay hơn các ca sĩ .... chuyên nghiệp khi gấp trăm lần. Chúng ta phải dành lấy cơ hội và tạo ra cơ hội để chúng ta phải là người đi đầu trong các chương trình văn nghệ đó.
Sau cùng chúng ta nghĩ sao về các huấn luyện viên của Argentina, Mexico, Anh, Portugal, Serbia, Costa Rica ... đã khẳng khái ra đi sau thất bại của đội nhà? Nếu chúng ta đang làm CT mà ca đoàn ngày càng hát dở, ca viên ngày càng thưa thớt thì chúng ta có khẳng khái từ chức để cho ca đoàn có thể kiếm CT khác thay thế chúng ta không ? Đồng ý ca đoàn không phải là sân đá bóng nhưng chúng ta có sẵn sàng vì việc lớn để hy sinh chính bản thân chúng ta không ? Chúng ta có sẵn sàng nhận ra yếu kém của chúng ta trong việc ca đoàn đi xuống hay là chúng ta đổ tại cái này, cái kia, tham quyền cố vị không ? Nhiều người nói “ai muốn thì xin cứ vào làm CT” nhưng tôi bảo đảm chúng ta chỉ nói ...chơi cho vui mà thôi. Chúng ta nhiều khi còn đem cả Chúa vào để biện minh cho các yếu điểm của chúng ta. Don’t do it. Cái đó là chúng ta đang ăn gian với Chúa. Sở dĩ chúng ta còn nhiều lấn cấn không tiến xa trong việc ca hát là tại vì chúng ta không khiêm nhường nhận định chính mình. Chúng ta vì cái “Tôi” làm trì trệ sự tiến bộ của ca đoàn là chúng ta có lỗi rất lớn với chính Đấng tạo nên chúng ta.
Chúng ta có thể “thắng” vì các thẻ vàng, thẻ đỏ do chúng ta ... ăn gian để loại bỏ những người chúng ta không thích cho dù họ đang làm công việc được trao phó một cách chân chính. Họ có thể có bad day để rồi có những hành động đáng tiếc nhưng suy cho cùng chẳng ai là Thánh cả. Tuy nhiên chúng ta hãy suy nghĩ tới tấm thẻ đỏ nghiêm minh nhất của Chúa. Thẻ vàng thẻ đỏ của chúng ta có thể đem lại vinh quang nhất thời cho những kẻ ăn gian nhưng rồi mọi người cũng sẽ mau chóng nhận ra thôi. Thật ra thẻ vàng, thẻ đỏ của chúng ta cũng chẳng là cái gì cả. Hãy nghĩ tới thẻ đỏ nghiêm minh của Chúa mà làm việc cho đàng hoàng. Hãy cùng Fair Play, hãy cùng tập họp các tinh hoa vào các “đội tuyển” ca đoàn để cùng nhau thăng hoa trong việc phục vụ Thiên Chúa và giáo hội. Thân.
Phạm Dương Hãn www.hanpham.com
|
1 L A T E S T R E P L I E S (Newest First) |
bachviet |
Posted - 07/11/06 : 19:39 Hello anh Hanpham,
Đọc cái title anh đặt nghe hấp dẫn quá xá! Nhất là mấy bữa rày cũng rán thức đêm để theo dõi những trận cuối cùng của world cup (dù tôi không phải là fanatic của soccer, nhưng những trận hay, thì cũng xứng đáng để bỏ chút thì giờ ngủ để coi).
Nhưng mà tôi không thể nào tưởng tượng được hình ảnh 22 tên cầu thủ đá banh, với những người đang hát trong 1 ca đoàn được! Bởi vì cái “vẻ đẹp của soccer” (như anh diễn tả) nó khác với cái vẻ đẹp của ca đoàn. Một bên là người ta tranh tài cao thấp, có đội thắng đội thua - và - một bên là thuần tuý phục vụ tự nguyện, không tranh thấp cao, thua kém. Cạnh đó là cái motive nó cũng khác nữa. Một bên người ta cố gắng chiến thắng, để xây đắp sự nghiệp, tiền tài, danh vọng của chính họ... và một bên, người ta làm bởi tiếng gọi của niềm tin dấn thân. Chúa Giêsu cũng có nói “con cái đời này khôn hơn con cái sự sáng” mà. Những mánh khóe để dùng khi giao đấu, cũng có thể considered là những mưu lược khôn ngoan của con cái đời này. Tôi nghĩ thế.
Trong sinh hoạt ca đoàn mà dùng...mưu lược để hành xử, thì là không đúng, cho dù người đó là ai, ở trong bất kỳ vai trò nào. Bởi vì môi trường ca đoàn, sinh hoạt được đặt trên nền móng của sự yêu thương, đức tin, của một Kitô hữu. Dù có kẻ chưa nhận ra, chưa ý thức, nhưng chỉ là vấn đề sớm muộn, và mặc nhiên nền móng muôn đời nó vẫn là thế, nếu không nó sẽ bị tự hủy diệt sớm muộn mà thôi. Bên cạnh đó, cha xứ cũng không phải là người giữ “thẻ vàng” hay “thẻ đỏ” như những trọng tài của trận đấu banh. Trong hơn 20 năm sinh hoạt ca đoàn, tôi chưa bao giờ cho rằng, LM chánh xứ là người có thẩm quyền phán xét việc tôi phục vụ. Không phải vì tôi ngạo mạn, nhưng ngược lại, tôi tôn trọng và biết tự trọng. Các ngài là những người trong vai trò lãnh đạo, và tôi trong vai trò của những người hợp tác để xây dựng cho cộng đoàn dân Chúa (chứ không phải là tay sai), trong lãnh vực đang làm, và trong khả năng có thể. Dĩ nhiên, các ngài có thẩm quyền hơn, bởi vì các ngài có trách nhiệm hơn, và vì được Bề Trên đặt để, để cai quản giáo xứ. Bởi thế khi anh viết :”...Hình ảnh các cầu thủ bu quanh trọng tài có giống như là một số ca viên xun xoe cha xứ để rồi làm ảnh hưởng sự công minh trong quyết định của ngài không?...” anh đã quá bi quan hoặc đã vô tình méo mó hình ảnh những con người sinh hoạt trong những ca đoàn không? Ở trên đời này, mọi việc đều có thể xảy ra, nhưng chúng ta không nên đơn cử một hình ảnh cá lẻ mà dùng để biện chứng cho một lập luận, như là một hiện tượng chung chung xảy ra thường xuyên. Mà cũng phải nên mở mắt thường xuyên để thấy những thay đổi tích cực chung quanh theo thời gian. Chớ nên ôm đồm trong việc phán xét chung chung, chẳng hạn như nói “người Việt mình có máu ta đây”, hoặc hay kết luận một câu xanh rờn after một việc tồi tệ xảy ra:”Người Việt là thế!”... thường thường, nó được nói ra từ sự ấu trỉ, nông cạn về hiểu biết văn hoá của dân tộc, như dăm kẻ hay thích...phán!
Người ca trưởng giỏi, theo tôi là người biết mình biết ta, mà biết cách làm cho tình yêu thương giữa những người trong ca đoàn mình có chiều sâu liên kết trong đức tin (chớ không phải bè phái). Nếu như CT không làm được điều này, thì ca đoàn nên có đoàn trưởng hoặc các người khác để thay thế, còn người CT chỉ nên lo chuyện Thánh Nhạc mà thôi. Ca đoàn, cần nên có dân chủ. Có nghĩa là Ban Chấp Hành ca đoàn nên được ca viên bầu lên. Ở những nơi ít người, không có ai, thì người đang lãnh đạo ca đoàn cũng nên mang tâm niệm này, là khi đủ điều kiện nhân lực, thì nên bầu; chứ không nên để dăm kẻ khư khư ôm lấy trách nhiệm này như là “thượng tế muôn đời, theo phẩm hàm Mê-Ki-Sê-Đê” - dù kẻ đó có muốn thế hay không. Ngay cả cha Chánh xứ cũng thay đổi sau 5, 10 năm, thì tại sao ca đoàn lại không? Không có vấn đề gì thua thiệt cho ca đoàn khi bầu cử lại. Anh em sẽ có nhận định và nói lên qua lá phiếu.
Tôi lại vòng qua chuyện này, lý do, vì cũng tham gia diễn đàn này khá lâu, để cũng hiểu tương đối những điều trước sau, sau trước. Và qua các bài anh viết, tôi vẫn thấy anh chưa vượt thoát được những vấn đề như CT vs Đoàn Trưởng, và những việc đã xảy ra ở nơi anh đang sinh hoạt. Tôi nhớ, hồi mới biết yêu, có quen với một con bé, chưa biết tên, chẳng biết tuổi... nhưng nhìn cái gì cũng thấy cái bóng dáng của ...con bé khỉ đó, dù chẳng muốn nhớ. Thế đấy, Tự kỷ ám thị, nó đã nhập tâm hồi nào chẳng biết. Nhưng phải nên quên đi nhỉ. Việc gì đã qua, hãy giữ lại những gì đẹp đẽ để làm hương hoa cuộc đời, việc gì không hay, hãy cho nó vào cát bụi. Nếu mình cứ còn nhớ và cứ còn nhắc hoài những điều không tốt đẹp cũ, vô tình mình đã, đang làm cho lòng mình hẹp lại; và biết đâu chừng những lời nói bóng gió vô tình (hay hữu ý) của chính mình, sẽ làm đôi ba anh em vấp ngã trên những bước chập chững trong vai trò của họ. Và hãy luôn coi chừng, vì mình có thể rất rõ ràng nhìn thấy “cọng rác trong mắt anh em mà quên đi cái xà trong mắt mình”. Chút tài năng Thiên Chúa ban phát cho, nếu không biết làm điều để sinh lợi, thì cũng đừng nên làm lợi khí để gieo rắc hoang mang.
Cạnh đó, một ca trưởng giỏi với một ca đoàn hát tuyệt hay, thì cũng chỉ phục vụ và hữu ích cho một giáo xứ mà thôi. Có gì đâu to lớn, và lại càng chẳng có gì để tự hào hay mặc cảm. Thánh nhạc dùng để phụng vụ thánh lễ, thánh lễ để quy tụ đoàn chiên ca tụng Thiên Chúa và nhận lãnh của ăn siêu nhiên, vì thế, xét cho cùng ca đoàn chỉ là phương tiện, không là cứu cánh. Cái chính của mọi vấn đề, phải là con người, tình người khi còn sống với nhau. Mình không thể làm nhân chứng cho Đức Kitô ở nơi mình đang sống, thì cũng khó lòng mà nên cơm cháo gì ở nơi xa xôi, người lạ. Âm nhạc tự nó không tranh hơn thua như bóng đá. Một bên đi vào hồn qua lỗ tai, một thứ đi vào lòng hỉ nộ phù du qua con mắt. Chúng chẳng có gì tương cận để so sánh. Muốn làm lớn, phải có cái đức lớn như thánh nhân thường nói, và phải hạ mình xuống mà phục vụ anh em như Đức Kitô đã cởi áo, cúi xuống, lấy khăn mà lau chân cho các môn đệ. Chúc anh lòng sẽ thảnh thơi trong phục vụ.
Duc |
|
|