Trantrungtruc |
Posted - 02/13/07 : 11:34 Thành thật cám ơn anh nam đã cho anh chị em được đọc báo ... cọp. Mình đọc ngấu nghiến buổi sáng nay là hết liền. Có nhiều bài viết rất giá trị. Đặc biệt mình để ý bài của tác giả Hoàng Mai trong mục NÓI NHỎ NHAU NGHE với bài Liên Quan & Tương Quan Tinh Thần Cộng Tác Trong Ca Đoàn . Đoạn thứ III nói về - NHỮNG NGƯỜI CHÚNG TA CẦN CỘNG TÁC, tôi xin "bẻ hoa cúng phật" để anh chị em đọc cho vui để hiểu thêm về những sinh hoạt của các ca đoàn khác. Những đề tài này chắc chúng ta đã được nghe biết bao lần, có thể nói là ngay từ khi có lịch sử của ca đoàn. Nhưng tôi vẫn còn hơi "amazed" vì những chi tiết "dĩ văn tải đạo" của tác giả muốn nói. Đúng là "preaching to the choir" tối đa như một thành ngữ của Mỹ hay nói.
III- NHỮNG NGƯỜI CHÚNG TA CẦN CỘNG TÁC
Là một hội đoàn trong giáo xứ, chúng ta có bổn phận phải cộng tác :
Trước hết là với cha sở
Cha sở là người đứng đầu một giáo xứ, trách nhiệm của ngài bao trùm trên mọi hội đoàn. Có những cha sở đã chu toàn trách nhiệm của mình một cách tuyệt vời. Các ngài luôn lưu tâm, khích lệ và nâng đỡ ca đoàn trong mọi sinh hoạt, chẳng hạn như mua sắm sách hát và nhạc cụ, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất trong những dịp tổ chức bổn mạng, giao lưu…Tuy nhiên, cũng có những cha sở ít quan tâm hơn, coi ca đoàn có bổn phận đương nhiên là phải hát, phải phục vụ cộng đoàn mà thôi.
Tuy nhiên, về phía ca đoàn đôi lúc cũng có những đòi hỏi hơi bị quá đáng làm cho các ngài thật khó nghĩ.
* Chẳng hạn việc chi phí cho ca đoàn :
- Trước hết là việc may đồng phục.
Trong một bài trên Vietcatholic, tôi đọc thấy tác giả đã viết như thế này: Các ca sĩ thời nay cũng như các ca sĩ thời xưa đều thích ăn diện cho nổi; mặt mày cho dù xấu thì cũng cố mà đi thẩm mỹ viện để sửa hình sửa tướng cho đẹp, hoặc ít nữa cũng dễ coi đôi chút. Bởi vì thích làm đẹp và chơi nổi là “nghề” của các ca sĩ dù họ là nam hay nữ. Thời xưa cũng như thời nay, các ca đoàn của nhà thờ đều có đồng phục riêng để làm đẹp và cũng để trang nghiêm khi hát thánh ca, đó là một truyền thống tốt đẹp và nên giữ gìn. Tuy nhiên khi thực hiện cũng nên xét tới hoàn cảnh của từng giáo xứ. Đối với hoàn cảnh giáo xứ ổn định và kha khá về phương diện tài chánh thì không đáng nói. Nhưng có những giáo xứ mà tiền bạc eo hẹp, đồng thời còn nhiều công tác phải thực hiện để mưu cầu lợi ích chung thì cũng nên xét lại hoặc tìm một giải pháp dung hòa thế nào cho tốt đẹp, theo kiểu “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nghĩa là “cha sở và ca đoàn cùng làm”. Đừng thấy yêu cầu của mình không được chấp nhận thì làm reo, đình công không hát…
- Tiếp đến là việc đi du lịch hàng năm.
Hiện nay, đời sống kinh tế tại một số các giáo xứ xem ra có vẻ thoải mái hơn trước nên hàng năm hay lâu lâu một lần, cha sở tổ chức cho các giáo lý viên, ca đoàn hay huynh trưởng thiếu nhi di du lịch một vòng. Gần thì Núi Sập, Công viên Mỹ Thới, Núi Sam, Lâm Viên, Tức Dụp, Hà Tiên. Xa thì Suối Tiên Sài Gòn, Vũng Tàu, Đàlạt…Việc này cũng còn phải tùy theo ngân sách của giáo xứ. Đừng thấy ca đoàn xứ nọ xứ kia được đi chơi, còn ca đoàn mình xin hoài mà cha sở vẫn không cho nên đâm ra bực bội, tức tối và kết luận…ông cha sở cù lần.
* Chẳng hạn việc tuân thủ những quy luật về thánh nhạc trong phụng vụ.
Phần lớn các ca viên và ngay cả các ca trưởng của chúng ta đều không được huấn luyện theo bài bản trường lớp. Chúng ta chẳng biết gì nhiều về những quy luật về phụng vụ cũng như về thánh nhạc. Thí dụ đáp ca thì phải chọn thánh vịnh, chơi nhạc trong nhà thờ phải êm dịu…
Trong khi đó, những thành viên trong ca đoàn phần lớn là giới trẻ, hay giới sồn sồn, nhưng vẫn còn một chút tính cách trẻ trong giòng máu, nên chúng ta vốn thích những bài hát mang tiết tấu, giật gân, như twist, cha cha cha, agogo…Rồi guitar, trống phách cứ vô tư, chơi “maximum” luôn, khiến cho khi bước vào nhà thờ, người ta cứ ngỡ là bước vào một phòng trà, một tụ điểm văn nghệ hay một rạp hát sắp sửa tới giờ trình diễn. Và như vậy, thay vì đem đạo vào đời, chúng ta lại đem đời vào đạo; thay vì giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên cùng Chúa, chúng ta làm cho họ lo ra và chia trí, cũng như bực bội và khó chịu vì những âm thanh chát chúa.
Nếu cha sở quan tâm nhắc bảo, chúng ta lại xụ mặt xuống như bánh bao chiều, rồi sau đó vẫn chứng nào tật nấy. Ban nhạc thì vẫn cứ maximum, tiếng đàn át tiếng hát khiến cho chẳng ai nghe rõ một lời nào cả. Còn ca đoàn thì vẫn hát giật giật như Mỹ đen, khiến cho mọi người cứ muốn nhảy tưng tưng trong nhà thờ.
Tiếp đến là cộng tác với các hội đoàn khác trong giáo xứ
Ở đây, tôi chỉ xin giới hạn và nói tới các ca đoàn bạn trong giáo xứ mà thôi. Hiện nay, tại các giáo xứ thường có hai ca đoàn. Ca đoàn lớn phụ trách những thánh lễ cho giới trưởng thành, còn ca đoàn nhỏ phụ trách những thánh lễ cho giới thiếu nhi. Tuy nhiên, có những giáo xứ lại xuất hiện nhiều ca đoàn, nào là ca đoàn của các khu giáp, ca đoàn của các giới như gia trưởng, hiền mẫu, các bà mẹ trẻ mặc dù đã bước vào cái tuổi sồn sồn, lên hàng bà nội bà ngoại cả rồi. Thậm chí các cụ dòng ba, gần đất xa trời, cũng đòi thành lập ca đoàn, với tiếng hát phều phào như gió thổi.
Tôi còn nhớ màn tấu hài “Ba bà mẹ chồng” của ban AVT ngày xưa, có lời lẽ như thế này: Mẹ chồng nàng dâu, như hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ.
Vì cùng đứng chung một chiến tuyến, cùng dùng lời ca tiếng hát để phục vụ Chúa và cộng đoàn, thế nhưng sự ghen tị lại thường len lỏi vào giữa các ca đoàn. Ca đoàn này chê ca đoàn kia hát như dế nó kêu. Còn ca đoàn kia lại chê ca đoàn này hát như tắc kè nó gáy. Thành thử, các ca đoàn thay vì giúp nhau phục vụ một cách có hiệu quả hơn, giúp nhau thăng tiến một cách tốt đẹp hơn lại trở thành đầu mối gây ra những cãi cọ, những chia rẽ, những bè phái…
Sau cùng là cộng tác với nhau
Trong phạm vi này, tôi chỉ xin đề cập đến sự cộng tác giữa các ca viên với nhau và giữa ca viên với ca truởng.
Sự cộng tác giữa các ca viên với nhau
Nếu như ca đoàn đã có nội quy, chúng ta cố gắng giữ đúng những qui định trong đó, đừng đòi hỏi cho mình những “ưu tiên”, những “đặc quyền” vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép. Làm như vậy, mọi người đều khó nghĩ, còn bản thân nếu không được đáp ứng sẽ không vui và đi tới chỗ giận hờn. Chẳng hạn ca đoàn qui định: Nếu ca viên đi lập gia đình, ca đoàn sẽ phụ trách hát một cách hoành tráng hơn, với đàn trống…Thế những đứa cháu con bà chị tôi đi lấy chồng, với tư cách là ca viên, tôi đấu tranh đòi cho nó cũng được hưởng đặc quyền ấy, bằng không thì tôi sẽ… nghỉ chơi với ca đoàn.
Ngoài ra, chúng ta đã biết một trong những nguyên tắc để cộng tác với nhau là trong những phiên họp, chúng ta phải mạnh dạn nêu lên những ý kiến đóng góp. Sau khi đã lấy quyết định chung, thiểu số phải phục tùng đa số. Mỗi người phải coi quyết định chung là quyết định của mình và cố gắng thực hiện quyết định chung ấy. Đừng có tình trạng trong khi họp thì nhất trí, nhưng về nhà thì mỗi người mỗi ý. Còn nếu ý kiến đóng góp của mình không được chấp nhận thì hậm hực buồn phiền. Và nếu công việc bị thất bại thì lên tiếng phê bình:
- Giá mà nghe theo ý kiến của tôi thì đâu có nên nông nỗi này.
Có thể nói thành phần nòng cốt trong ca đoàn thuộc về phe nữ. Đặc điểm của nữ ai cũng biết là hay nói dài, nói dai, nói dẻo, thậm chí có người còn nói đay nói nghiến … rồi nói hành nói xấu, dèm pha hạ nhục lẫn nhau…Chính những lời nói “vô tư” này, nhiều khi đã tạo nên những rạn nứt, và mang lại cho ca đoàn một bầu khí căng thẳng một cách vô ích.
Sự cộng tác giữa các ca viên với ca truởng
Chẳng cần phải định nghĩa thì ai cũng đã hiểu rằng: ca trưởng không phải chỉ là người điều khiển ca đoàn trong khi hát mà còn là người phải tập hát cho các ca viên. Nếu các ca viên vất vả một, người ca trưởng vất vả gấp hai ba lần: nào là phải chọn bài, nào là phải dượt trước cho nhuần nhuyễn thì mới có thể tập cho thiên hạ được. Vì thế các ca viên cần phải biểu lộ thái độ tích cực cộng tác của mình bằng cách:
- Đi tập cho đông đủ và đúng giờ.
Người Việt Nam chúng ta thường có thói quen dùng “giờ cao su” nên rất ít khi đúng hẹn. Cụ thể nhất là qua những đám cưới trên thành phố được tổ chức tại nhà hàng. Mời dự tiệc vào lúc 7 giờ tối, thế mà tới 8 giờ mà vẫn chưa khai mạc, vì còn phải chờ người này, đợi người kia, nhất là các khách quan trọng thuộc vào hàng VIP. Với chúng ta cũng thế, hãy cố gắng giữ đúng những giờ giấc đã qui định, vì sự trì trệ của chúng ta sẽ làm cho người khác nản lòng nản chí và sẽ khiến ca đoàn bị tuột dốc không phanh.
- Giữ thái độ lắng nghe và chăm chú trong khi tập hát.
Có những nơi trong giờ tập hát, các ca viên nói chuyện riêng với nhau như mổ trâu mổ bò, và biến gác đàn trở thành một cái chợ, nên chẳng tiếp thu được bao nhiêu. Hãy chăm chú và lắng nghe. Đó là cách thức tốt nhất chúng ta cộng tác với ca trưởng, đáp lại những công sức và thời giờ ca trưởng đã phải bỏ ra vì chúng ta. Không gì làm buồn lòng ca trưởng cho bằng tiếng hát của mình bị lạc lõng giữa phiên chợ của các ca viên.
HOÀNG MAI
|