NÓI VỀ CA ĐOÀN
Ca đoàn là một bộ phận cần thiết và quan trọng của cộng đoàn trong các sinh hoạt phụng vụ. Điều này đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II nói tới trong Hiến chế Phụng vụ: “Phải chuyên cần huấn luyện các nhóm ca viên, nhất là tại các nhà thờ chánh tòa.” (HCPV số 114).
Trong một diễn từ đặc biệt, ĐGH Phao-lô VI đã không ngớt lời ngợi khen : “Ở cấp bậc nào, người ta cũng cần đền sự hiện diện của các bạn. Khả năng, óc nhận xét, thiện chí của các bạn lúc nào cũng có thể giúp ích cho nhà thờ hay họ đạo của các bạn, ngay cả khi các bạn không họp nhau lại để hát hay trình bày. Nhiệm vụ của các bạn vẫn quí giá và bất khả thay thế. Chỉ cần nhớ lại lời huấn thị Thánh nhạc đã long trọng xác quyết về vấn đề này : “Nhiệm vụ của các ca đoàn và các ban hát còn quan trọng và cần thiết hơn do những ấn định của Công đồng liên quan đến công cuộc cải tổ phụng vụ đề ra.” (Tài liệu Thánh nhạc trang 96}
Như vậy, ca đoàn thật đáng được lưu tâm và nói tới.
Nhìn vào các ca đoàn hiện nay, người ta thấy gì ? Đó là những đoàn thể trẻ đa phần gồm thanh niên thiếu nữ đang tuổi lớn lên hay mới vào đời. Vì là đoàn thể trẻ nên sức sống thật là mãnh liệt và sôi nồi. Ca đoàn là một tổ chức có sức thu hút mạnh trong các giáo xứ, nhất là những giáo xứ lớn. Có những giáo xứ có đến 5, 7 ca đoàn. Đi ca đoàn thật là vui, đặc biệt là vào những dịp lễ lớn. Ngoài tính cách là một sinh hoạt tông đồ đạo đức, ca đoàn còn là một mô hình xã hội lành mạnh có sức thu hút những người thiện chí trẻ. Bởi thế, các nhà thờ nên lưu tâm và tận dụng những lợi điểm của ca đoàn trong việc giáo dục đức tin và khuyến khích tinh thần phục vụ. Không biết các nhà thờ đã đầu tư nhân sự, thời giờ và tiền bạc cho các ca đoàn hay chưa và tới mức độ nào. Về mặt này, xin được đề nghị :
1. Đầu tư cho ca đoàn
Đầu tư ở đây có nghĩa là cắt cử người săn sóc, huấn luyện, chỉ bảo ca đoàn về kỹ thuật, trình độ hiểu biết phụng vụ, thánh nhạc. Các ca viên thường có thiện chí, nhưng thiếu hiểu biết về động cơ thúc đầy họ gia nhập ca đoàn, lại càng ít hiểu biết về thánh nhạc và phụng vụ. Họ đi tập hát để hát, nhưng xem ra phần đông hát bất cứ bài nào và bất kể hát ra sao. Các ca trưởng, nhiều người biết nhạc, nhưng là nhạc đời và cũng không chịu tìm hiểu về nhạc đạo và những kỷ luật liên hệ. Nhiều khi các ca trưởng này lại quá tự phụ, không chịu nghe ai cả. Có thể họ xuất thân từ các nhạc viện, nhưng đó mới chỉ là nhạc thôi, chứ chưa phải là nhạc dùng trong nhà thờ. Ca đoàn hát hay hay dở một phần là ở ca trưởng. Ca trưởng giỏi có thể tập hát hay. Nhưng nếu chỉ giỏi nhạc đời thôi mà không biết nhạc đạo thì cũng chưa đủ, và khó bảo đảm cho cái hay về âm nhạc trong phụng vụ được. Nhà thờ cần đầu tư là thế cho ca viên, ca trưởng về mức hiểu biết thánh nhạc, về những điều kiện vật chất tối thiểu để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2. Ca đoàn phục vụ cộng đoàn
Ca đoàn có là để phục vụ cộng đoàn. Bởi vậy, trong việc sắp xếp chỗ cho ca đoàn ở nhà thờ, nên xếp thế nào để ca đoàn được xem là thành phần của cộng đoàn chứ không xa lìa hay tách biệt. Muốn phục vụ cộng đoàn, ca đoàn phải hát thế cho cộng đoàn những bài hát hay nhưng khó, cộng đoàn không hát được, và yểm trợ cộng đoàn trong những phần hát dành cho họ. Tuyệt đối phải loại bỏ khuynh hướng này là ca đoàn bao thầu hết, không để cho cộng đoàn phần nào cả, nhất là vào các ngày Chúa nhật và lễ lớn. Một hình thức phục vụ cộng đoàn rõ rệt nhất là có mặt đông đủ trong những buổi lễ cần có ca đoàn. Nếu ca đoàn không đi, cộng đoàn không có người điều khiển nên sẽ khó hát và không biết hát thế nào cho phải. Vì vậy, huấn thị Âm nhạc trong Phụng vụ số 21 khuyên nên có một hai ca viên có khả năng tập và xướng các bài hát, để khi không có ca đoàn, cộng đoàn cũng có thể hát được : “Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn nhỏ bé, thì phải liệu cho có ít nhất một hoặc hai ca viên được huấn luyện vừa đủ. Ca viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa.” Có thể xảy ra trường hợp một lúc nào đó ca đoàn giận cha sở hay một vị trong Ban hành giáo nên làm reo không đi hát. Kể cũng đáng buồn, nếu xảy ra trường hợp này. Nhưng vì tinh thần phục vụ, mong rằng những trường hợp như thế không xảy ra, hay có xảy ra, thì cũng sẽ mau chóng được giải quyết một cách ổn thỏa.
Lại cũng vì tinh thần phục vụ, ca đoàn nên chấp nhận một số hy sinh. Một trong những hy sinh đó là đi tập hát đều đặn và đúng giờ. Điều này rất cần thiết cho sinh hoạt chung. Không đi tập hát đều đặn sẽ làm cho ca trưởng và các bạn ca viên nản chí; không đúng giờ sẽ làm mất thời giờ cho nhiều người và khiến người ta chán nản không muốn đi tập hát nữa. Ăn thua là ca trưởng làm gương tới đúng giờ và luôn nhắc nhở ca viên về điều này, vì đó là tư cách của người biết tự trọng, có văn hóa như những người văn minh.
Hy sinh thứ hai là chịu khó tập và hát cho hay. Hát hay là hát đúng cung giọng, chỗ to, chỗ nhỏ, chỗ mạnh chỗ yếu theo bố cục của bài hát, và hát với tiếng hát được uốn nắn cho dịu dàng, ngọt ngào, dễ nghe, không gắt gao, chát chúa. Đó là nghệ thuật. Phải trọng và thích nghệ thuật mới chịu khó luyện cho được như thế.
Hy sinh thứ ba là từ chối những bài hát và lối hát hợp cho người ngoài đời chứ không hợp cho nhà thờ. Người hát như thế thường bị cám dỗ phô trương tài nghệ cá nhân hơn là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.
Chừng nào nhà thờ đầu tư cho ca đoàn và ca đoàn tận tâm phục vụ cộng đoàn, chừng đó nhà thờ và ca đoàn mới đóng đúng vai trò và chức năng của mình. Hai bên sẽ có những hoạt động hỗ tương để làm cho nhà thờ nên nơi thờ phượng tốt đẹp với những tiếng hát thanh cao, và biến ca đoàn thành nơi cho những con người thiện chí thể hiện tinh thần phục vụ và khả năng ca hát của mình, để góp phần đích đáng vào công việc thờ phượng. LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP
God Bless You www.mautam.org/diendan |