"...Những người thấy Mẹ là giáo dân ở các giáo xứ tỉnh Quảng Trị. Họ kéo nhau vào vùng núi La Vang hẻo lánh để trốn tránh những cơn bắt đạo khủng khiếp do các quan chức địa phương tổ chức. Họ can đảm từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn và tất cả, tìến vào những nơi rừng sâu, nước độc, khí xấu, thú dữ để bảo vệ đức tin sắt đá của họ. Ban ngày họ đi làm việc trong rừng. Ban đêm họ thường tụ tập dưới gốc cây đa cổ thụ để lần hạt Mân Côi chung với nhau..."
Họ "can đảm từ bỏ... để bảo vệ đức tin sắt đá" ư? Có thể là như thế. Nhưng cũng có thể họ không còn cách nào khác hơn là phải bỏ hết tất cả mà chạy. Bỏ của chạy lấy người! Vì ở lại là cầm chắc cái chết!
Một nhúm người khốn khổ rách rưới, sống tạm bợ thiếu thốn nơi hẻo lánh chốn sơn lâm; hiện tại thì phũ phàng mà tương lai càng mịt nù tăm tối... Một nhúm người trôi dạt như bầy thú lạc loài, tưởng như đã bị cả loài người quên lãng. Quan quân và triều đình chắc cũng bỏ mặc chả thèm bận tâm nhớ tới... Vậy mà chính vào lúc tận cùng bi đát đó:
"Thân sâu bọ chứ người đâu phải, "Con bị đời mắng chửi cười chê..."
hay: "Cận thân Chúa khiến lìa xa, "Chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm..."
thì cánh tay Chúa mới biểu dương thần lực:
"Từ âm phủ, Ngài đã kéo con lên, "Tưởng đã xuống mồ, mà Ngài thương cứu thoát!"
Tớ nghĩ những giáo dân Quảng Trị khốn khổ ngày ấy không phải chỉ được gặp Đức Mẹ hiện ra như là được xem một cuốn phim cảm động và ngoạn mục, có giá trị như một niềm an ủi, một sự trấn an chóng qua trong lúc hoạn nạn. Hay nói cho "hợp thời" tí: một liều thuốc phiện hoặc một liệu pháp tâm lý gì đó nhằm giúp giảm đau... Không! Tớ nghĩ họ đã nhận được một kinh nghiệm "được cứu độ" thật sự, một kinh nghiệm "giải thoát" thật sự, kinh nghiệm "phục sinh" hay "tái sinh" thực sự. Một thứ kinh nghiệm "đắc đạo" cách nào đó... hợp với tâm thức nông dân bình dân của họ. Họ đã bị tước mất tất cả, đã trở thành KHÔNG, để giờ đây được "ngộ" ra rằng chính Chúa đã trở thành tất cả cho họ.
Tớ nghĩ như thế, bởi tớ thấy rằng nếu đã không thế, thì kinh nghiệm La Vang đã không trở thành một dấu ấn đậm sâu trong đời sống đức tin của cả Giáo hội, đặc biệt Giáo hội Việt Nam, như ta còn thấy hiện nay.
|