Author |
Topic |
lilianjustin
CT/NC
115 Posts |
Posted - 04/07/07 : 08:48
|
Chào tất cả Anh Chị ,
Tôi đang tìm bài hát Cầu Cho Xứ Đạo . Anh Chị nào có xin cho mình một copy .
Thành thật cám ơn . |
|
Hải Đăng
Basso
855 Posts |
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/09/07 : 11:20
|
Tôi xin được nêu chút ý mọn về bản nhạc này về câu "Mẹ thương xin ban nhiều ơn phước" - Xét về mặt thần học thì chỉ có Thiên Chúa là Đấng có tất cả mới có để "ban nhiều ơn phước" - Còn Đức Mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa nhưng chỉ rất có thế lực mà cầu bầu cùng Chúa "ban nhiều ơn phước" - Bài nhạc rất tâm tình, mong tác giả sửa câu này cho hợp với thần học để bài hát được phổ biến.
KT |
|
|
myhoang
Others
582 Posts |
Posted - 04/09/07 : 13:34
|
quote: Originally posted by thanhdenver
Tôi xin được nêu chút ý mọn về bản nhạc này về câu "Mẹ thương xin ban nhiều ơn phước" - Xét về mặt thần học thì chỉ có Thiên Chúa là Đấng có tất cả mới có để "ban nhiều ơn phước" - Còn Đức Mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa nhưng chỉ rất có thế lực mà cầu bầu cùng Chúa "ban nhiều ơn phước" - Bài nhạc rất tâm tình, mong tác giả sửa câu này cho hợp với thần học để bài hát được phổ biến.
KT
Myhoang không dám có ý kiến về nhận định của anh về Đức Mẹ Ban Ơn nhưng xin hãy đọc bài sau đây: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/lavang/giuptoi.htm |
|
|
ple22
Others
678 Posts |
Posted - 04/09/07 : 19:39
|
quote: Originally posted by thanhdenver
Tôi xin được nêu chút ý mọn về bản nhạc này về câu "Mẹ thương xin ban nhiều ơn phước" - Xét về mặt thần học thì chỉ có Thiên Chúa là Đấng có tất cả mới có để "ban nhiều ơn phước" - Còn Đức Mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa nhưng chỉ rất có thế lực mà cầu bầu cùng Chúa "ban nhiều ơn phước" - Bài nhạc rất tâm tình, mong tác giả sửa câu này cho hợp với thần học để bài hát được phổ biến.
KT
Xin anh thanhdenver vui lòng trích dẫn (xuất xứ) câu thần học mà anh nêu ở trên để chúng ta có cơ sở tin rằng Đức Mẹ không có đặc quyền ban phát ơn lành mà nhất nhất đều phải cầu bầu cùng Chúa - Trên Thiên Đàng cũng có chế độ "XIN CHO" sao? - Trước đến giờ tôi được học và hiểu rằng mọi ơn lành mà Mẹ ban cho con cái Mẹ cũng chỉ để danh Thiên Chúa được cả sáng - Chúng ta cũng có một tượng Đúc Mẹ với danh hiệu là Đức Mẹ Ban Ơn nữa đó anh .. |
|
|
Hải Đăng
Basso
855 Posts |
|
Hải Đăng
Basso
855 Posts |
|
chilienba
Others
286 Posts |
Posted - 04/10/07 : 10:33
|
Tớ không biết rõ nguồn gốc từ đâu (?) chỉ biết là khi bạn cầu nguyện với Đ. Mẹ thì phải thì thầm vì ngoài T.Chúa ra, không ai, ngay cả Đ.Mẹ biết được những tư tưởng của bạn ! Nói về phẹp lạ mà Đ.Mẹ đã ban cho con cái Người thì vô kể . Tớ đã chứng kiến một phép lạ mà Đ.Mẹ đã ban lúc trong tu viên. Thời đó, khoảng 1968-70 lúc mà vc hay đánh du kích, đốt phá từ làng nầy qua làng khác ...Hôm đó tớ và một soeur nữa phải dắt đệ tử đi ngủ ở trên đồi ở ĐàLat...Tự nhiên tớ nhìn lên trời và thấy những đám mây cụm lại như hình Đ.Mẹ đang bồng Chúa Hài Đồng! Tớ liền chỉ cho soeur bạn thấy, nhưng soeur ấy có vẽ sợ sêt...thành thử tớ cũng bỏ qua! Cho đến lúc tớ cùng các đệ tử đi bộ qua làng ấy thì thấy tất cả làng xung quanh đều bị cháy nát hết chỉ trừ một làng mà có tượng Đ.Mẹ ngoài cổng là còn nguyên vẹn và tớ nhìn kỹ bức tượng đó thì đúng là bức tượng mà tớ đã nhìn thấy mấy ngày hôm trước ớ trên trời qua mấy cụm mây! |
|
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/10/07 : 13:41
|
Ngày xưa - Khi tôi học trong Đại Chủng Viện thì cha giáo Thân Văn Tường có nói - Chỉ có Thiên Chúa mới ban phát các ơn huệ - Còn Đức Mẹ và các Thánh chỉ cầu bầu cùng Chúa để Thiên Chúa ban ơn -
Có rất nhiều bản Thánh ca VN lẫm lẫn khi dùng "Xin Đức Mẹ, hoặc Thánh này Thánh kia... ban ơn" - Vấn đề này tôi xin nhường cho các Đấng có thẩm quyền.
Trong các kinh đọc chính thức của giáo hội không có kinh nào cầu xin Đức Mẹ ban ơn cả nhưng luôn luôn chỉ xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn cho chúng ta - Ví dụ trong kinh cầu Đức Bà chúng ta thường đọc: Đức Mẹ THÔNG ƠN Thiên Chúa Hoặc trong kinh cẦu các thánh: Santa Maria - Ora pro nobis Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời - Cầu cho chúng con . Vậy Đức Mẹ là máng chuyển thông ơn Chúa, là Đấng cầu bầu, chứ không phải là cội nguồn ban ơn -
Xin đừng lẫm lẫn quyền ban ơn với việc Đức Mẹ dùng thế lực của Ngài mà cầu xin Chúa làm phép lạ chữa hoặc cứu giúp người này ngưỡi kia.
Trong tiệc cưới Cana - Đức Mẹ năn nỉ Chúa Giêsu làm phép lạ giúp đôi tân hôn chứ Đức Mẹ không có tự tay làm phép lạ hóa nước ra rượu -
Cũng xin thận trọng khi chúng ta nói Đức Mẹ hoặc Thánh này Thánh kia làm phép lạ nơi này nơi kia - Nếu có phép lạ xẩy ra thì thực sự chính là Đức Mẹ hoặc Thánh nào đó - do công trạng và lời cầu bầu hoặc cẫu xin mà Chúa đã làm phép lạ chứ Đức Mẹ và các Thánh cũng không tự mình mà làm phép lạ được.
Tôi nghĩ là VN mình dịch và gọi sai tượng Đức Mẹ (Our Lady of Grace) là Đức Mẹ Ban ơn - Chính ra nên gọi là "Đức Mẹ Thông Ơn" "Đức Mẹ của Ơn Lành" mới chỉnh - Qua hai cánh tay xoè ra thõng xuống chuyển ơn Chúa xuống cho nhân loại. Người Hoa Kỳ chỉ có title cho Đức Mẹ là : Our Lady of Grace chứ không có title : "Our Lady the Grace Granter"
Có nhiều người nói cách rất vô tư sai trái: Thờ Chúa Mẹ hay Thờ Chúa Thờ Mẹ - Nếu không phân biệt cho chính xác sợ Đạo Chúa thành Đa Thần Giáo
KT
|
Edited by - thanhdenver on 04/10/07 14:48 |
|
|
chilienba
Others
286 Posts |
Posted - 04/10/07 : 14:48
|
Yeah, tớ xin đồng ý với bạn Thanhdenver! Đ.Mẹ chỉ là máng xối đế đổ ơn cứu chuộc xuống cho nhân loại Bỡi vậy chúng ta thường nghe nói Mẹ là Đấng Đồng công cưu chuộc! Một điều nữa là chúng ta thờ Chúa nhưng không thờ Đ.Mẹ, chỉ kính mến Đ.Mẹ mà thôi. Thực ra thì Mẹ là đấng khiêm nhường và Mẹ cũng chả muốn ai kính thờ Mẹ cã!!! Mẹ chỉ muốn đem tất cả chúng ta về cùng Chúa mà thôi! Nhưng có rất nhiều giao dân hiểu lầm điều nầy nên gây thêm sự căng thẳng và chia rẽ giữa đạo Tin lành và đạo Công giáo chúng ta! |
|
|
myhoang
Others
582 Posts |
Posted - 04/10/07 : 16:05
|
myhoang có một thắc mắc muốn xin anh thanhdenver và chị chilienba giải thích : - Lời chào của sứ thần Gabriel: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ" Theo myhoang thì câu chào trên khẳng định là Đức Mẹ tràn đầy ơn phước của Chúa (có nghĩa là Đức Mẹ sở hữu vô số ơn lành - Đức Mẹ là kho tích ơn thiêng) câu hỏi được đặt ra là: - Đức Mẹ tích trử nhiều ơn thiêng như vậy nhưng lại không thể ban phát cho những ai đến kêu cầu cùng Mẹ, myhoang thiệt tình không hiểu....!!!!
|
|
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/10/07 : 17:13
|
MyHoang có thể vào đây đọc cho biết ý nghĩa câu đầy ơn phúc:
http://www.dongcong.net/MeMaria/NhungNgayCuaMe/01.htm Tôi xin trích một chút :
H. Đầy ơn phúc nghĩa là gì?
T. Đức Mẹ đầy ơn phúc, vì Người không hề mang vết nhơ tội lỗi, dù là Nguyên tội hay hiện tội, tội trọng hay tội hèn.
Đức Grêgôriô XV ban hành sắc lệnh có một điều đáng chú ý:
Những ai phủ nhận Đức Mẹ Vô nhiễm phải tuyệt đối im lặng, vì sinh gương mù và chia rẽ giữa Giáo hội. Mẹ Maria đầu thai mà mắc tội là điều xúc phạm đến niềm tin của tín hữu. Tuy nhiên, được giữ tư kiến cho mình, vì vấn đề chưa được chính thức xác định.
Đức Alexanđrô VII là vị Giáo hoàng quan trọng thứ nhì sau Đức Piô IX trong việc định tín Mẹ Vô nhiễm. Trọng sắc "Sollicitudo Omnium Ecclesianum" của ngài có ba điều quan trọng:
1. Niềm tin Mẹ Maria Vô nhiễm là quan điểm đạo đức (Pia sententia).
2. Sự đầu thai nói về Mẹ Maria có nghĩa là Vô nhiễm.
3. Ngài giải thích các sắc lệnh của các vị tiền nhiệm xác nhận Mẹ Vô nhiễm.
Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra cho Thánh Catarina Labouré tại Paris có nhắn lời nguyện vắn tắt: "Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ".
Ngay cả Đức Mẹ cũng dặn trong lời nguyện: "Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ".
Và giáo hội sau lời chào: Kính mừng Maria... là câu Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời - CẦU CHO chúng con ... chứ không đọc là: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời - XIN BAN CHO chúng con ơn ....
KT |
Edited by - thanhdenver on 04/10/07 17:23 |
|
|
ndh
Basso
339 Posts |
Posted - 04/10/07 : 17:36
|
Xin cám ơn phát hiện của anh thanhdenver và ý kiến của các anh chị. Đúng là câu đó có "vấn đề", vì Đức Mẹ cũng chỉ là một thụ tạo. Tôi sẽ sửa lại Thân Mến Chúa Đã Phục Sinh - Alleluya |
|
|
myhoang
Others
582 Posts |
|
chilienba
Others
286 Posts |
Posted - 04/10/07 : 18:58
|
Ồ may quá! anh ThanhDenver đã trả lời câu hỏi của myhoang. Đó là một câu hỏi rất hay và người đáp lại cũng hay Cám ơn 2 bạn đã chia sẽ sự thắc mắc và sự hiểu biết của mình cho diễn đán nhưng sau đây, tớ xin thêm một ví dụ mà myhoang muốn biệt đó là tại sao Đ.Mẹ đầy ơn phúc ( như lời thiên thần Gabiel) mà lại không ban ơn phúc cho con cái Mẹ được ? Myhoang cứ nghĩ dến một tấm gương được đặt trước mặt trời Dĩ nhiên là myhoang sẽ thấy tấm gương ấy sáng hẳn lên là nhờ mặt trời phản chiêu... nếu không có mặt trời thì tấm gương cũng chẳng sáng được! Thí dụ nầy cho chúng ta biết Thiên Chúa là mặt trời là nguồn gốc của mọi ơn lành và Đ. Mẹ, vì đuọc ơn Chúa, vô nhiểm nguyên tội nên linh hồn Mẹ thật là như tấm gương trước mặt Chúa vây. Vì vậy mà mà phần đông chúng ta hay cầu nguyện với Đ. Mẹ hơn là cầu với Chúa |
|
|
Huyen-Trinh
Soprano
41 Posts |
Posted - 04/15/07 : 06:03
|
Lilianjustin,
Cầu Cho Xứ Đạo của cha Văn Chi nhưng Huyền Trinh không có bản nhạc chỉ có bài bằng Karaoke thôi - Lilianjustin có muốn 1 copy không?
Huyền Trinh |
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/16/07 : 18:19
|
Xin chào các bác ,
Vào đây học đuợc nhiều điều hay quá . Em mới hỏi ý kiến 1 LM quen là cha Ansgar Phạm Tĩnh hay viết bài trên vietcatholic . net . Mơì các bác cùng tham khảo ( đợi cha về, thế nào cũng "ép " ngài phải viết dài và rõ ràng hơn nữa ) :
Hi anh Tien, Hien tai toi dang o ben Germany khong the nao tra loi anh duoc, toi nghi y kien cua anh thanhdenver rat hay, rat dung. Peace, An-cha
TIEN CAO |
|
|
Cuongmm
Others
106 Posts |
Posted - 04/18/07 : 07:08
|
Cám ơn anh Kim Thanh đã giúp ACE phân biệt rõ vai trò của Mẹ trong lịch sử ơn cứu độ. Khổ cái là con tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hiểu được nên vẫn có những lời hát câu kinh theo cái cảm xúc riêng tư của "lái tim"... mà không chịu check qua với cái "lý trí" gì cả.
Tối qua đọc lại những lời bài hát về Đức Mẹ mà ngộ có trong tay thì quả thật có nhiều bài hát rất "LẨM CẨM" như chị myhoang nhận xét hoặc "lầm lẫn" như anh Thanh nói. Ngộ thì không dám gọi những bài hát đó là lẩm cẩm. Chỉ thấy nơi những bài hát đó diễn tả lòng yêu mến Mẹ của các tác giả của nó mà thôi và chính những bài hát này chẳng đã giúp nhiều người yêu mến Mẹ mà được ơn trở về với Chúa đó sao? Tôi cũng tin chắc là chúng ta ít nhiều cũng đã từng hát những bài này với lòng cảm mến sốt sáng say sưa. Hy vọng là không ai mất đức Tin vì những bài hát "lẩm cẩm" này.
Xin liệt ra một số bài để quý AC góp thêm ý kiến cho sôi nổi vui vẻ nhé! A. Những bài hát về Đức Mẹ của cha Kim Long trích trong cuốn Tuyển Tập Ca Lên Đi (1000 ca khúc phổ thông) do nxb Tôn giáo-Hànôi; 2001:
1.Ngàn Hoa Đẹp Tươi (p. 768) TK1: Mẹ "BAN" cho hồn con... (Đáng lẽ phải viết là Mẹ cầu xin Chúa BAN cho hồn con... thì đúng Tín Lý hơn)
2.Giữa Biển Đời (p.770) ĐK:... hồng phúc thương ban đầy tràn. (Mẹ đâu có BAN ơn được) TK1,2,3:... chỉ biết trong lên Mẹ hiền. (Sao "'chỉ' biết trông lên Mẹ hiền" thế Chúa không cứu ta được sao?)
3. Bài Ca Dâng Mẹ (p.773) ĐK: Mẹ ơi cho hồn con vui sống bên Mẹ muôn đời. (Chúa không ban ơn không cứu độ thì làm sao ta lên Thiên Đàng để mà "vui sống với Mẹ muôn đời" được đây?)
4. Mẹ Đồng Trinh, Xin Nhớ (p.784) TK1: ...xin BAN ơn giữ gìn trắng trong đến muôn đời. (Cũng không rõ ý lắm! Người nghe sẽ lầm là Mẹ là người BAN ơn)
5. TK2: Quỳ trước ngai Mẹ nguyện cầu bao thiết tha xoá hết thống khổ xin Mẹ ban tình yêu. (Cũng lại là một câu tối nghĩa... Mẹ làm sao "xóa hết thống khổ" được và làm sao "BAN tình yêu" được?)
6. Lúc Sương Chiều (p.792) ĐK: ...đường xa lắm nguy nan Mẹ thương dẫn con đi bình an. (Có lẽ nên viết là "xin Mẹ cầu cùng Chúa để Chúa ban ơn cho đường con đi bình an" thì hợp LÝ hơn.) TK2:...Nuốt u sầu chẳng biết trông ai, xin Mẹ đừng chê chối con hoài, Mẹ ơi! ("chẳng biết trông ai" có khác chi câu "con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai" trong bài Trên Con Đường Về Quê của Nguyễn Khắc Xuyên đó sao?)
7.Hợp Tiếng Mừng Kính (p.798) TK3: Trìu mến cầu khẩn cuộc sống gian trần rộng ban phúc ân Mẹ nâng đỡ bao lần. Lêng đênh thuyền giữa khơi mịt mờ, đâu là bến bờ. MỘT Mẹ là chốn con nương nhờ, bến quê hằng mơ.) (Thực ra, Chúa mới là Đấng duy nhất là chốn nương nhờ và là bến quê hương mà ta hằng mơ ước; chứ đâu phải Mẹ)
8. Nhờ Me, Con Chúa Đến (p.799) ĐK: Nhờ Mẹ xưa Con Chúa đã đến ở giữa nhân gian, nay nhờ Mẹ muôn người về cùng Chúa sống vui bình an. (Có cái gì cũng không ổn ở câu này nhưng nó chưa rõ nét hình thành trong tôi. Giải thích thế nào đây nhỉ??? Well! AC giúp mình với nào?
9. Chúng Con Là Con Mẹ (p.801) TK3: Theo ý Chúa đã ban truyền Giáo Hội hằng nhờ Mẹ bênh đỡ, từng phút giây...Mẹ nhớ yêu thương Giáo Hội này của Mẹ. (Giáo Hội thực ra của ai? Của Chúa của Mẹ? Hay của cả hai tuỳ theo cách nói và cách hiểu khác nhau... Các AC góp ý nhé! Chúa Giêsu nói là "Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" Ngài không nói "Mẹ của Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế"...
10. Trên Đường Dương Thế (p.802) TK1:... đam mê sao quật ngã con hoài, Mẹ đến con nhờ Mẹ ơi. TK2:... sương gieo nghe lạnh buốt tâm thần, thành kính kêu cầu Mẹ thôi. Cũng tối nghĩa dễ bị hiểu là chỉ có Mẹ mới cứu được mình thôi!!!
11. Kính Chào Mẹ Lavang (p.817) TK3:... Giơ tay ban sức thiêng làm nở rộ hoa trái thêm... (Cũng tối nghĩa mất rồi. Mẹ không BAN ƠN được chỉ CẦU BẦU cho chúng ta thôi.)
12. Kinh Thánh Mẫu Lavang (p.818) Mẹ đã chọn Lavang mà hiện đến...Từ đấy gót chân Mẹ bước đến vẫn mãi đầy ơn phước. Ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật kẻ ưu phiền, nào ai cầu khấn mà Mẹ không nhận lời... (Tự ý Mẹ CHỌN hiện ra tại Lavang? Còn câu "mà Mẹ không nhận lời" thì sao? Cũng không chắc lắm là ai cũng hiểu là Mẹ nhận lời ta cầu rồi cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa. Nhưng nếu người không biết thì vẫn phải nghĩ là chính Mẹ nhận lời cầu xin và ban cho ta như ý ta xin...)
13. Hướng Về La Vang (p.820) TK1: Muôn tấm lòng con dân Việt Nam chung một niềm cậy trông ghi tạc lời Mẹ hứa: Ai đến nơi này kêu xin là Mẹ sẽ nhậm lời. (Câu này phải hiểu sao đây? Chắc phải hiểu là "Ai đến nơi này kêu xin là Mẹ sẽ nhậm lời rồi cầu bầu cùng Chúa cho.)
14. Xin Chứng Tỏ (p.821) TK1: Nhờ Mẹ thương tháo cởi kìm kẹp tội nhân, sáng soi muôn người, đổ hồng phúc xuống gian trần. (Chúa mới là người tha tội và đổ hồng phúc xuống gian trần chứ nhỉ?)
15. Thánh Mẫu Đấng Cứu Độ (p.824) Ngôi sao biển sáng, xin CỨU CHUỘC chúng con sa đoạ nhưng luôn mong chỗi dậy. (Mẹ đâu cứu chuộc chúng ta được? Chỉ có Chúa mới là Đấng Cứu Chuộc chúng ta mà thôi)
17. Mẹ Lên Trời (p.837) TK3: Chắp đôi tay khấn cầu từ giữa kiếp sống đầy thương đau, ước nguyện Mẹ xuống ơn thiêng nhiệm mầu giúp chúng con giữ... (Lại lầm lẫn nữa rồi! Mẹ đâu xuống ơn thiêng được...) 18. Trời Chiều Dần Lan (p.846) ĐK: Quì thầm cầu kinh, Mẹ ơi xin đoái thương tình, soi trời đêm tối dìu con bước an bình. (Cũng lẫn lộn mất rồi! "Cầu (kinh) xin Mẹ soi trời đêm... đi bình an". Nên viết là Quì thầm cầu kinh, Mẹ ơi đoái thương tình mà cầu bầu cùng Chúa... soi trời đêm tối...)
Còn nhiều bài nữa nhưng xin phép AC cho ngộ dừng tay ở đây nhé! Khi nào rảnh sẽ thêm phần B là các bài hát về Đức Mẹ của các tác giả khác nữa để thấy quả là có nhiều lầm lẫn trong cách diễn tả ngôn ngữ của chúng ta.
Một lần nữa cám ơn anh Kim Thanh nhé! Nhờ đó mà em có dịp động não một tí (xưa nay toàn là take it for granted thôi!!!) để chia sẻ với AC trong Phố Rùm một chút. Trước đây vào chỉ xem ké đọc lóm để âm thầm học hỏi thôi. (Nói gì thì nói nhưng vẫn hát những bài hát hay vừa kê khai ở trên đấy anh Thanh ạ!hihihi.. vì nó vẫn giúp tâm hồn em nhiều) Hình như trong cuốn Hoang Tử Bé có câu đại khái là "người ta chỉ xem rõ với trái tim thôi...." hay một câu nào na ná như thế!!!
Mến, Cường mm
|
|
|
LouisLong
Basso
574 Posts |
Posted - 04/18/07 : 07:58
|
Cám ơn Cha Cường và anh KimThanh. Lâu nay cũng đã nghe và đọc về vấn đề này nhưng chưa chắc chắn lắm, nay đọc thêm những phân tích và dẫn chứng tỉ mỉ cúa cha Cường mới củng cố thêm một chút về Đức tin và vai trò cúa Mẹ trong lịch sử ơn cứu độ.
LouisLong |
|
|
Trantrungtruc
Others
570 Posts |
Posted - 04/18/07 : 12:18
|
Ha Ha, mình ăn cơm mới nói chuyện ... cũ. Hinh như anh Thanhdenver chưa ... convinced khi chúng mình đã có lần nói đến topic này về bài "Trên con đường về quê " ở đây. http://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=1575
Tôi vẫn còn nhớ câu của bạn Hái Đăng đã viết : "Bởi tôi cảm thấy không có ai quên Chúa khi hát bài này đâu mà thực sự đó là chính là những lúc chúng ta nghĩ về Chúa nhiều nhất, kính phục quyền năng của Người nhiều nhất , để rồi tự ti thân phận cậy nhờ Mẹ." (post ngày 4 tháng 11, 2006.)
Theo tôi nghĩ, kiểu nói và lời cầu nguyện trong tiếng Việt Nam của chúng ta là Ta xin Đức Mẹ ban ơn cũng giống như ta năn nỉ Mẹ, như là người con xin Mẹ: " Mẹ đã có nhiều ơn quá rồi, xin Mẹ chia bớt cho con chút xíu đi Mẹ." Đây cũng chính là một đặc tính của mầu nhiệm các Thánh Thông Công . Chúng ta dâng hy sinh, xin ơn Chúa để ta còn chia bớt cho các linh hồn nơi luyện tội. Ta còn nhớ câu " Mẹ Maria là kho tích ơn Thiêng. " Mẹ dư đầy ơn Chúa, xin Mẹ ban ơn cho con một tí thôi.
Nếu hiểu theo nghĩa "cô đọng" của bạn Thanhdenver, dòng Đồng Công chắc hẳn phải đổi lại mission của họ từ lâu rồi. Và các Thánh Địa Lộ Đức, Fatima, La Vang cũng chỉ là những trung tâm thương mại để ...dụ những người yếu tin thôi.
Hơn thế nữa, như chị Mỹ Hoàng có nhắc đến, ĐGH John Paul II đã không đến để tạ ơn Đức Mẹ nếu ngài đã không tin là Đức Mẹ đã ... "ban ơn" cứu sống ngài.
Chắc chắn cái "kiểu nói chúng ta dùng trong tiếng Việt Nam" không đi sai Thần Học về Đức Mẹ trong Giáo Hội.
Trần Trùng Trục |
Edited by - Trantrungtruc on 04/18/07 12:24 |
|
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/18/07 : 13:53
|
Thưa anh Trần Trùng Trục,
Ngay từ đầu của topic này, tôi đưa ra ý mọn của tôi về bản nhạc Cầu cho xứ đạo với câu "Xin Mẹ ban ơn.." của tác giả NDH (Tác giả đã tự ý deleted bản nhạc này khỏi thread)là không chỉnh xét về phương diện thần học mà thôi. Những lòng thòng sau đó là vì quý ACE muốn sáng tỏ vấn đề... Như tôi đã viết ở trên: tôi không có thẩm quyền nào đối với những bản nhạc vì vô tình đã dùng sai trái từ ngữ có thể làm người khác hiểu lầm. Tôi cũng biết là tiếng VN một chữ có nhiều ý, nhưng tôi cũng được học về Thần Học với sự phân biệt rất rõ ràng về vấn đề này và vì thế tôi phải nêu vấn đề để giúp Thánh Nhạc VN không "bị" có thêm một bản nhạc có thể gây hiểu lầm về việc chúng ta thờ Chúa kính mến Đức Mẹ với "thờ Chúa thờ Đức Mẹ".
Lòng kính mến Đức Mẹ của ĐGH Gioan Phaolo II rất trổi vượt, vì chính Ngài đã chọn khẩu hiệu "Tất cả trong tay Mẹ", nhưng tôi chưa thấy một tông huấn, thông điệp hay tài liệu nào của Ngài nói chúng ta "xin Đức Mẹ ban ơn"
Thí dụ Thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS (QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ XÃ HỘI)CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II ở phần kết thúc Ngài viết:
"49- Trong năm Thánh Mẫu tôi đã công bố để các tín hữu công giáo luôn hướng nhìn về Đức Maria hơn nữa, Mẹ là Đấng đi trước chúng ta trong hành trình đức tin và trong tình mẹ chăm sóc, Mẹ sẽ bầu cử cho chúng ta trước Người Con của Mẹ, là Đấng Cứu Độ chúng ta, tôi muốn phó thác cho Mẹ và phó thác cho lời bầu cử của Mẹ tình thế khó khăn của thế giới hiện nay, những cố gắng chúng ta đang làm hay sẽ làm, thường phải trả giá bằng những đau khổ to lớn, hầu góp phần vào việc phát triển đích thực của các dân tộc, mà vị tiền nhiệm của tôi, Đức Phaolô VI đã đề nghị và loan báo.
Theo lòng đạo đức Kitô giáo, chúng tôi dâng lên Đức Trinh Nữ Rất Thánh những hoàn cảnh cá nhân khó khăn để Mẹ bày tỏ cho Con của Mẹ, nhờ đó Ngài sẽ xoa dịu và biến đổi những hoàn cảnh ấy. Thế nhưng chúng tôi cũng dâng lên Mẹ những tình trạng xã hội và cả cuộc khủng hoảng quốc tế với những phương diện đầy lo âu của cảnh cùng khốn, thất nghiệp, thiếu ăn, chạy đua vũ trang, chà đạp nhân quyền, những tình trạng hay những đe dọa xung đột từng phần hay toàn phần. Tất cả những điều ấy, với tình con thảo, chúng tôi muốn đặt dưới “ánh mắt xót thương” của Mẹ và trong niềm tin tưởng và cậy trông, chúng tôi xin lặp lại một lần nữa khúc hát xa xưa : “Lạy Đức Mẹ Chúa trời. Ngài xiết bao thánh thiện. Này chúng con chạy đến. Tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ. Khi gặp cảnh phong trần. Lời con cái nài van. Xin Mẹ đừng chê bỏ. Nhưng xin hằng giải thoát. Khỏi ngàn nỗi hiểm nguy. Ôi vinh diệu ai bì. Trinh Nữ đầy ơn phước”.
Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Mẹ chúng ta và Nữ Vương chúng ta, Mẹ là người đã quay lại nói với Chúa Giêsu : “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Mẹ cũng là người chúc tụng Chúa Cha vì : “Ngài đã hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao những người khiêm nhường. Ngài cho người đói khát được no đầy và đưa người giàu có trở về tay không” (Lc 1,52-53). Trong tình mẹ chăm sóc, Mẹ sẽ nghiêng mình nhìn đến những khía cạnh cá nhân và xã hội của đời sống con người trên trái đất (91).
Trước tôn nhan Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, tôi xin phó dâng cho Mẹ Maria những gì tôi đã trình bày trong bức thư này để mời gọi mọi người suy nghĩ và tích cực cổ võ cho một sự phát triển đích thực của các dân tộc, như lời nguyện trong thánh lễ cầu cho ý chỉ đó đã nói lên : “lạy Chúa, Chúa đã muốn cho mọi dân tộc có cùng một nguồn gốc và Chúa muốn qui tụ họ trong một gia đình duy nhất, xin Chúa cho mọi người nhận biết nhau như anh em và trong tình liên đới, lo cho mọi dân tộc được phát triển, để mọi quyền của con người được công nhận và cộng đồng nhân loại được sống trong bình đẳng và bình an.
Để kết thúc, tôi xin dâng lên lời nguyện này nhân danh tất cả các anh chị em, những người tôi gửi đến một phép lành đặc biệt, như dấu chỉ của lời chào thăm và cầu chúc.
Ban hành tại Rôma,
Cạnh đền thờ Thánh Phêrô,
Ngày 30 tháng 12 năm 1987.
Năm thứ mười triều đại giáo hoàng của tôi.
" Xin chú ý đến những chữ đậm - Yêu mến sùng kính và quảng bá Lòng sùng kính Đức Mẹ là điều ngưỡi Công giáo nào cũng nên và phải làm vì qua Đức Mẹ, Ơn Cứu Chuộc đã đến với nhân loại.
KT
|
|
|
Cuongmm
Others
106 Posts |
Posted - 04/18/07 : 22:04
|
Kính ACE, Như đã hứa trong thư trước, giờ xin liệt kê thêm các bài hát mà tôi thấy còn lấn cấn giữa Chúa và Mẹ hoặc không rõ nghĩa: Tất cả các bài hát này trích trong cuốn Cộng Đồng Cùng Hát (không ghi tác giả, nhà xuất bản cũng như năm xuất bản. Tuy nhiên, theo tôi biết đây là công trình của một số linh mục & giáo dân trên vùng Tây Bắc của Hoa Kỳ)
1. Cám Ơn Mẹ, Cảm Tạ Chúa. Vũ Hùng Tôn (p.424) ĐK: Con cám ơn Mẹ, con cảm tạ Chúa vì những kỳ công, những ân huệ Chúa và Mẹ đã dành cho con.
2. Dâng Mình Cho Đức Mẹ. Hải Linh-Minh Đệ (p.425) ĐK: Nhờ Mẹ ra tay cứu giúp xác hồn. TK3: Lúc con lìa thoát khỏi thế trần, Mẹ đem con đến chốn thảnh thơi. Cõi Thiên đường hớn hở vô ngần. Bên Mẹ, con vui sống suốt đời.
3. Đền Tạ Trái Tim. Nguyễn Khắc Tuần (p.433) ĐK: Con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân.(Mình có thể làm gì để chuộc tội cho người khác đây!!!)
4. Kìa Ai. Vinh Hạnh (p.436) Câu 2: về đây Mẹ sẽ ban nhiều ơn thiêng. C. 4: Về đây nấp bóng trinh vương. Về đây hưởng phúc thiên đường yên vui. C. 5. Về đây thống hối lỗi chung. Về đây Mẹ sẽ giúp lòng sạch trong.
5. Kinh Chiều. Nguyễn Duy (p.437) TK3: Nào còn ai dẫn dắt cầm tay bước tới ngày mai đi về tương lai.
6. Lạy Đức Mẹ Lavang. Hoàng Vũ- hoà âm Dao Kim (p.438) ĐK: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Thánh Maria xin thương nhậm lời. (Đổi thành " Xin thương cầu bầu cho chúng con" vào thì rõ nghĩa hơn)
7. Lạy Mẹ Xin Yên Ủi. Nguyễn Khắc Xuyên (P.442) TK3: và ban xuống cho chúng con những ơn.
8. Kinh Đầu Lễ. Huyền Linh (P.444) TK2: vì Chúa vốn chưa thỏa mối tình, còn đòi nơi rượu bánh ẩn mình (Chúa đâu có ẩn mình trong rượu bánh mà rượu bánh chính là Chúa)
9. Mẹ Đầy Ơn Phúc. Thành Tâm (p.446) TK1: là tình thương bao la dung thứ những lỗi lầm. (Mẹ đâu tha tội được) TK2: là niềm tin yên vui chan chứa suối ơn dạt dào.(Chúa mới là suối ơn dạt dào còn mẹ là máng chuyển ơn thôi)
10: Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hoài Chiên (p.448) ĐK: Mẹ cứu giúp xin Mẹ hãy đoái thương ban ngàn ơn cứu giúp chúng con trên cõi đời.
11. Mẹ Lavang-Mẹ Việt Nam. Vũ Đình Trác-Phạm Đức Huyến (p.449) TK1: Mẹ ban ơn cho các giáo dân, chữa lành bệnh thêm nhiều niềm tin.
12. Mẹ Đứng Đó. Kim Long (p.450ĐK: Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi. (Xin Mẹ dẫn đưa những người lạc hướng về với Chúa có lẽ mới đúng chăng?)
13. Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ. Đoàn Độc Thư (p.452) Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu từ hồi thuở bé. Giờ chết Mẹ thương nhé, chết trong tình yêu Mẹ. Maria Mẹ con hỡi. Con thuộc về Mẹ hẳn rồi. Con chẳng mong gì hơn nữa. Mong yêu Mẹ, có thế thôi. (ACE thấy có gì không ổn lắm ở bài này không?)
14. Mẹ Rất Nhân Từ. Long Nghị (p.454) ĐK: Mẹ thương giơ tay uy quyền cho giang sơn con bằng an và cho dân nước bớt cơn cùng khốn... Mẹ thương ban muôn ơn tràn lan trên quê hương Việt Nam...
15. Mẹ Từ Bi. Minh Trân (p.455) TK3: Con cầu xin Mẹ ban muôn ân xuống cho non nước đồng bào con sống an vui tự do ấm no...
16. Nữ Vương Hoà Bình. Hải Linh (p.456) TK2: Mẹ về với giang sơn. Xin Mẹ xuống muôn ơn. Cho nước Nam thoát cơn nguy nan. Cho dân thấy ngày bình an.
17. Tháng Đức Mẹ. Minh Đệ (p.459) TK3: Đó quỉ ma đứng rình. Cúi xin Mẹ thương tình. Cầm tay dắt về nghỉ ngơi. Chầu Mẹ mến yêu suốt đời. (Mẹ cầm tay dắt về với Chúa chứ nhỉ?)
18. Nữ Vương Mân Côi. Hải Linh TK2: Ngày đêm đoàn con hết tâm nài van Mẹ đưa Hội Thánh qua cơn lầm than. Mẹ ơi Mẹ thương giáo hội Việt Nam giơ tay cứu vớt xuống ơn đầy tràn.
19. Trinh Vương Maria. Phạm Đức Huyến (p.466) ĐK: Xin giơ tay ban hồn ân tràn đầy.
20. Tung Hô Nữ Vương. Nguyễn Duy Vi (p.470) TK1: Cao ngự toà cực sang xuống phúc lành lai láng...
Thôi xin ngừng tay nhé!!! ACE cứ tự nhiên ngâm cứu và đóng góp ý kiến nhé!
Mến chào, Cường, mm
|
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/18/07 : 23:14
|
Vâng thưa cha Cường và các anh chị ,
Cám ơn cha Cường rất nhiều . Có lẽ sẽ còn nhiều baì hát nữa mà cha Cường chưa kiếm thấy hoặc " nể " không đưa ra ( có baì naò cuả cha sáng tác same same như vậy không ? ....hi ...hi), nhưng dù sao những baì hát đó đã quá quen thuộc và quá hay nên khó mà sửa đổi ngay được . Có lẽ đợi sau khi tranh luận và xác định rõ ràng rồi thì từ nay về sau các nhạc sĩ và các LM nhà mình phaỉ cẩn thận hơn khi sáng tác cũng như lúc giảng dạy chăng ??
Vốn liếng thần học cuả đàn em chỉ đếm đủ 2 chữ XIN VÂNG , nên chỉ biết dựa cột mà nghe và noí leo laị ý kiến người khác thôi ....ha ...ha... Nhân bác Ba tê TTT có noí về danh xưng : MẸ ĐỒNG CÔNG CƯÚ CHUỘC , lâu lắm rồi, chắc khoảng 30 năm trước có nghe 1 cha giảng phòng nổi tiếng hồi đó ( sorry , quên béng tên Ngaì rồi )có noí đaị ý : vì quen miệng và quen tên rồi , chứ thực sự Đức Mẹ chỉ thông công với Chuá chứ Mẹ không đồng công cưú chuộc nhân loaị đâu ????( bắt đầu nhức đầu đây, xin các "thần học gia" giaỉ thích giùm nhe ). Vì chỉ có 1 Chuá Giesu là đấng trung gian duy nhất giữa Trời và Đất , là Đấng duy nhất cưú chuộc con người , không 1 ai dám phạm thượng nhận mình đồng công cưú thế với Chuá hết . Với laị Đức Mẹ đã tự nhận mình chỉ là nữ tỳ ( người đầy tớ gaí ) cuả Thiên Chuá , vậy taị sao chúng ta dám đưa 1 Taọ vật ( dù tinh khiết ven tuyền đến đâu chăng nữa ) ra để gán ghép, so sánh với Taọ hoá ( đấng Cực Thánh , Vua trên các Vua , Chuá trên các Chúa ) được .
Noí như vậy , không phaỉ là hạ giá , giảm giá trị Đức Mẹ cuả tôi đâu nhé , các bác mà noí sai cho Đức Mẹ coi em sẽ gân cổ caĩ đến cùng đấy .
Xin xem thêm về lý thuyết thần học cuả Đức Thánh Cha hiện nay về Đấng DUY NHẤT CỨU ĐỘ naỳ :
http://vietcatholic.net/News/Html/43087.htm
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ca ngợi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhân sinh nhật thứ 80 (VietCatholicNews 16/04/2007)
Mạc Tư Khoa - Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa Alexi II đã lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI như là vị lãnh đạo tinh thần “can đảm, không mệt mỏi lên án sự dữ trong thời đại chúng ta, và dấn thân trong các nỗ lực hiệp nhất Kitô Giáo ngõ hầu tất cả các Kitô hữu có thể trở nên những chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.
Trong điện văn chúc mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Đức Thượng Phụ Alexi II cũng cầu chúc cho Đức Thánh Cha được sức khoẻ tốt, trường thọ, và nhiều ơn thánh Chúa trong sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Giáo Hội Công Giáo.
Điện văn có đoạn viết: “Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt về cuộc đời của hiền huynh, một cuộc đời dâng hiến toàn bộ cho sứ vụ của giáo hội, và một cuộc đời đã đưa hiền huynh lên đến chức vụ người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Rôma”.
Trong phần kết luận, Đức Thượng Phụ cho rằng Đức Thánh Cha “là một thần học gia nổi tiếng dâng hiến trọn cuộc đời bảo vệ và khẳng định các giá trị truyền thống của Kitô Giáo” trong xã hội tân tiến hiện nay. Ngài nhận định “Đó sẽ trở nên một căn bản vững chắc cho những quan hệ tốt đẹp và sự hợp tác mang lại lợi ích chung giữa Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma”.
Tại Mạc Tư Khoa, cha Igor Vyzhanov, thư ký ủy ban Kitô Giáo sự vụ của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng đã bày tỏ lòng kính trọng của người Chính Thống Giáo dành cho Đức Thánh Cha, và sự đánh giá cao các nỗ lực của ngài dành cho tiến trình đại kết Kitô Giáo.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa khẳng định lòng chân thành muốn đối thoại với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga và toàn thể xã hội Nga. Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh đến “chiều sâu thần học” của Đức Giáo Hoàng và “lập trường rõ ràng” của ngài “đối với các vấn đề tế nhị trong thế giới ngày nay”. Đức Cha nói: “Ở trung tâm thần học của ngài là Chúa Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, là Đấng con người luôn trông đợi. Ở nền tảng giáo huấn của ngài là nghĩa vụ chúng ta phải xây dựng tương lai cho một Châu Âu đang đầy rẫy chủ nghĩa thế tục, luân lý tương đối và sự từ khước căn cội Kitô của mình”. Nguyễn Việt Nam
Nếu đàn em sai xin các bác cứ tiếp tục dậy baỏ nhe . Đa tạ .
|
Edited by - tiencao05 on 04/18/07 23:42 |
|
|
Trantrungtruc
Others
570 Posts |
Posted - 04/19/07 : 12:49
|
Trọng kính thưa cha Cường,
Con chỉ xin tò mò “ ngộ hỏi lị một tí á !”
Ví dụ có một người tới xin cha, thưa rằng: “Xin cha ban phép lành cho con “, thì lúc đó trong ý nghĩ của cha, cha có cần phải cắt nghĩa cho người đó là “tôi làm gì có phép mà ban cho anh,” hay cha đã ngầm hiểu là người đó đến xin cha chúc lành cho họ và cha sẽ nhân danh Thiên Chúa ban phép lành cho họ.
Cũng vậy người đến xin cha ban phép lành có cần phải được cắt nghĩa thêm về đối tượng cùng đích là Thiên Chúa chứ đâu phải cha mà xin. Thưa không , đức tin Kitô giáo về các thánh thông công, về tất cả mọi người đều là thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô, đã dạy họ là cha sẽ cùng cầu nguyện cho họ và có thể cha sẽ cầu nguyện thiêng hơn họ vì cha có “direct hot line” với Chúa .
Trong gần 40 bài mà cha tạm nêu sơ sơ ra có lời “lẩm cẩm” , tối nghĩa, “lầm lẫn” đó thì có ít nhất là 20 bài của cha Kim Long và một số bài của các đại thụ trong nền Thánh Ca Việt Nam như Hải Linh, Nguyễn khắc Xuyên, Nguyễn Duy, Thành Tâm, Hoài Chiên, ... Phải chăng những bản nhạc này đã không có Imprimatur mà phát hành bậy bạ không có phép tắc ?
Một sự kiện rất lạ là Thánh Ca Việt Nam về đề tài Đức Mẹ rất là nhiều so với nhạc Thánh Ca ngoại quốc; và trong đó, có thể nói là tới 50% tổng số những bài Thánh Ca về Đức Mẹ đã phát hành này đều có dùng những kiểu nói, ngôn từ, như chúng ta cầu nguyện trực tiếp với Đức Mẹ mà ít đả động gì đến Chúa.
Vậy phải chăng người Việt Nam mình có cái nhìn sai Thần Học về Đức Mẹ hay đó chỉ là cách diễn tả theo văn hoá, ngôn ngữ và tâm tình của người Việt Nam ? Và do đó mình đặt thành vấn đề những chuyện này có phải là overkill không, thưa cha ?
Kính thưa anh thanhdenver,
Trước hết em phải tự xưng em với anh, vì theo mốc điểm thời gian mà anh được thụ huấn cha Thân Văn Tường ở Việt Nam thì anh phải là người đi trước em rất xa bởi thế em xin được "kính lão đắc thọ" mà xin tôn anh là đại huynh cho chắc ăn .
Vấn đề chúng ta bàn luận ở đây, hình như anh và em đang có sự lầm lẫn về những danh từ như tín lý và thần học . Để cho anh và em, cũng như quí anh chị em được thống nhất về những danh từ này, em xin phép anh được chép lại những định nghĩa khá chính xác của giáo sư Trần Duy Nhiên sau đây, rồi sau đó em xin được hầu chuyện cùng anh trong lần post tiếp về đề tài này nếu anh cho phép .
Trần Trùng Trục
Phần sau đây là lời giải thích của GS TRẦN DUY NHIÊN trong bài Ordo là Thánh Chức hay Giai cấp ? đăng trong rất nhiều điện báo .
Phải hiểu thế nào về tín lý và giáo lý của Giáo Hội?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta thử xem lại cách thức mà Kitô hữu quan niệm về tín lý và giáo lý. Điều chắc chắn: Tất cả những gì ghi trong bản Tuyên Tín các Tông Đồ (Symbole des Apôtres) và được làm rõ nghĩa qua bản Tuyên Tín Nicée-Constantinople (Symbole de Nicée Constantinople; 325-381), thường gọi là Kinh Tin Kính, là những tín điều mà không người công giáo nào có quyền đặt lại vấn đề. Ngoài những tín điều được nêu lên trong Kinh Tin Kính, còn có một số tín điều mà các Đức Giáo Hoàng dùng quyền bất khả ngộ để công bố trong thể (ex cathedra), ví dụ các tín điều về Đức Mẹ: Đức Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa... Tất cả những tín điều này được gọi một cách tổng thể là ‘Kho tàng Đức Tin’ (Depositum fidei).
Thế còn Giáo luật và Giáo lý thì sao? Giáo luật dùng để khẳng định những điều phải làm hoặc không được làm hầu thể hiện đức tin trong Giáo Hội phẩm trật. Giáo Luật không dính dấp gì đến Tín Lý cả, và tùy theo biến chuyển của Giáo Hội mà bộ luật này sẽ thay đổi, bằng chứng là bộ Giáo Luật hiện hành xuất hiện năm 1983 để thay thế bộ Giáo Luật 1917. Còn Giáo lý (Catéchèse) là cách Giáo Hội giảng giải lời Mạc khải qua các tín điều trên. Lời giảng giải chính thức ấy được tóm lược trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, hay Catechismus Catholicae Ecclesiae, do một ủy ban của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo. Một câu hỏi: Thế thì mọi điều được nêu lên trong Kinh Thánh, trong các văn kiện Giáo Hội, trong các huấn từ của Giáo Hoàng có buộc phải xem tất cả là tín điều và là giáo lý của Giáo Hội không?
Tôi nghĩ là không. Những gì nằm ngoài ‘kho tàng đức tin’ là một cái lề thật rộng cho mọi Kitô hữu tự do hành động theo đặc sủng, theo lương tâm và theo trình độ hiểu biết của mình, và không ai có quyền buộc tội người khác là sai tín lý hay giáo lý cho đến khi Huấn Quyền lên tiếng. Mà ngay khi lên tiếng để phủ nhận một điều sai tín lý, thì Huấn Quyền cũng chỉ lên án một ‘lạc thuyết’ chứ không hề lên án người đề ra ‘lạc thuyết’ ấy. ( Ngay cả những thuật ngữ ‘lạc thuyết’, ‘lạc giáo’ hay ‘lạc đạo’ mà tiếng Việt dùng để dịch chữ heresy / hérésie cũng có thể gây ngộ nhận. Thuật ngữ Haeresia hay Heiresia trong nguyên ngữ chỉ có nghĩa là một Giáo Thuyết khác với giáo thuyết của Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tương đương với heterodoxia.)
Cũng nhờ thế mà nền thần học của Giáo Hội mới phát triển không ngừng. Có những giáo thuyết vào một giai đoạn bị coi là ‘khác’ với niềm tin (heresy), nhưng sau đó lại được thừa nhận và thậm chí được xem là một ánh sáng mới của Chúa Thánh Thần. Nhiều nhà thần học như Teilhard de Chardin hay Yves Congar đã có những kinh nghiệm bi đát để kể lại cho chúng ta.
Một số thuật ngữ cần làm rõ.
Như thế, nếu không thể căn cứ hoàn toàn vào các văn bản trên thì ‘Kho tàng đức tin’ (bao gồm Kinh Tin Kính) của Kitô hữu đặt trên nền tảng nào? Giáo Hội Công Giáo dạy rằng ‘kho tàng đức tin’ được đặt nền tảng trên ba thực thể cùng một lúc, đó là: Tông Truyền (hay Truyền Thống phát xuất từ các Tông Đồ), Thánh Kinh và Huấn Quyền (hay Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội). Sắc lệnh Verbum Dei đã xác định như sau: “Hiển nhiên là Tông Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được” (Dei Verbum 10c)
Kinh Thánh là gì thì ai cũng rõ rồi. Chỉ cần xác định với nhau về ý nghĩa của các thuật ngữ Tông Truyền và Huấn Quyền.
Tông Truyền là truyền thống phát xuất từ các tông đồ chứ không phải là một thói quen mà Giáo Hội cho phép, thậm chí khuyến khích, thực hiện vào một giai đoan lịch sử nào đó. Chẳng hạn truyền thống ‘dâng hoa tháng Đức Mẹ’ ở Việt Nam là một điều tốt đẹp, nhưng chẳng có thể gọi đấy là Tông Truyền, và nay mai nếu trở nên vô ích hoặc cản trở cho việc sùng kính Đức Mẹ, thì người ta bỏ đi mà chẳng phương hại gì đến ‘tín lý và giáo lý’ cả.
Huấn Quyền là quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, nghĩa là quyền giải thích lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, và quyền này được ủy thác cho các Giám mục thông công với người kế vị thánh Phêrô là Giám Mục Rôma. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là quyền giảng dạy của những người cộng tác với giám mục nghĩa là hàng giáo sĩ. Nhưng Sắc Lệnh Dei Verbum cũng cảnh báo: “Tuy nhiên, Huấn Quyền này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày lời Chúa, đồng thời từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi chân lý mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải.” (Dei Verbum 10b).
Và Huấn Quyền này thể hiện rõ qua các công đồng, nhất là từ Công Đồng Nicée (325). Từ những xác định trên, ta có thể xem rằng khi một linh mục thi hành quyền giảng dạy (munus docendi) thì đồng thời cũng nối dài Huấn Quyền (Magisterium), nhưng không phải trích dẫn một vài câu từ Kinh Thánh hay Văn Kiện công đồng rồi muốn nói gì thì nói, mà chỉ dạy những gì đã được truyền mà thôi. Ngoài ra, những suy nghĩ riêng tư của một linh mục, dù thánh thiện và tốt lành bao nhiêu, cũng chỉ là những lời nói của một con người, và không ai buộc phải nhắm mắt nghe theo cả.
Đến đây, thiết nghĩ cũng nên làm rõ nghĩa thêm một từ ngữ mà giáo dân rất sợ vì cảm thấy đó là vùng ‘thiêng liêng’, bất khả xâm phạm và dành riêng cho hàng giáo sĩ: Thần Học.
Thần Học là gì? Theo nguyên ngữ thì thần học là một lời nói về Thiên Chúa (theo-logos), nhưng không phải muốn nói sao cũng được. Đó là một hình thức trình bày hợp lý bắt nguồn từ đức tin. Do đó, khi triết học đề cập đến Thiên Chúa, thì cũng không thể gọi là thần học, vì triết học tiếp cận Thiên Chúa từ bên ngoài. Có thể dùng câu nói của thánh Anselme de Canterbury (thế kỷ XII) như một định nghĩa: thần học là fides quaerens intellectum: đức tin tìm cách để hiểu. Như vậy, nhiệm vụ của Huấn Quyền là dạy dỗ Đức Tin, còn vai trò của thần học là tìm kiếm. Việc làm của thần học là nắm bắt Lời của Thiên Chúa, mà con người nhận được như một bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa Hằng Sống trong lịch sử, để từ đó chuyển thành một lời về Thiên Chúa, một lời Chân Lý. Tuy nhiên, vì vai trò của của thần học là tìm kiếm, nên mọi kết luận đều mang tính chất giả thiết.
Vì thế, ai đem thần học ra để làm cho người khác rối trí rồi áp đặt uy quyền của mình, thì người ấy đi sai mục tiêu của thần học. Từ đó, tín hữu nào nghe những chủ chăn nói nhiều về thần học mà không thấy mình được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức ái... thì tín hữu đó có quyền xem những kiến thức thần học ấy chỉ là lời nói gió bay.
TRẦN DUY NHIÊN
|
|
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/19/07 : 13:09
|
Những chưng dẫn của Cha Cường là bằng chứng có thể nói được là: Không phải mọi bài hát do các LM, hoặc do những nhạc sĩ tên tuổi sáng tác đều sạch các tì vết và không có vấn đề - Những lỗi lầm có thể xẩy ra do cái hứng rào rạt lúc viết mà vì vô tình tác giả không nhận ra - Rồi khi gửi đi xin Nihil Obstat - ban thánh nhạc giáo phận đã không có tra xét cẩn thận thành ra cái dấu mộc và Nihil Obstat bèn được đóng xuống cái rộp.
Chính tôi biết có một trường hợp - một LM sáng tác nhạc rất có tên tuổi - khi gửi nhạc về toà GM giáo phận mình xin chuẩn ấn - Chẳng may có một LM dậy Thần học đứng đó nên Đức Cha đã đưa tập nhạc cho cha này coi. Sau đó vài ngày, ngài đã chỉ cho tác giả một vài điều dễ gây ngộ nhận trong một số bản nhạc - Linh mục tác giả đã lẩm bẩm : Cha biết gì về nhạc mà kiểm duyệt - Sau đó LM tác giả này đã gửi những bản nhạc này đến một LM bạn làm việc trong ban Thánh Nhạc giáo phận khác xin kiểm duyệt mà không sửa chữa gì. Những bản nhạc này sau đó tôi thấy được in và phổ biến với dấu mộc của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận thứ hai.
Bấy lâu nay mỗi lần nghe các ông bà thuộc Hội đền tạ Trái Tim Đức Mẹ hát câu tiểu khúc 1 của bài Mẹ rất nhân từ - tôi thường sởn gai ốc: Cứ nhắm mắt lại và hát nhẩm theo nhịp 3/4 của bản nhạc đi:
Mẹ rất nhân từ(!)??, quốc gia VN rất lầm than - Dân chúng điêu linh gia đình tan hoang...
Tôi hiểu là câu "Mẹ rất nhân từ" ở đây là câu gọi và tung hô Đức Mẹ, nhưng đa số các sách hát khi in, không có dấu "!" để chỉ đó là câu exclamation - Mà dù có đi chăng nữa, khi hát lên không thể diễn tả cái dấu "!" này được thành ra nghe ra có vẻ kết án Đức Mẹ ghê gớm: Vì Mẹ rất nhân từ nên quốc gia VN mới rất lầm than, dân chúng mới điêu linh và gia đình mới tan hoang...
Nghe kinh hãi không quý ACE ? Cũng may đa số các bài hát này chỉ là những bài ca đạo đức chứ không thuộc Phụng vụ Thánh Nhạc.
KT
|
Edited by - thanhdenver on 04/19/07 13:12 |
|
|
Huyen-Trinh
Soprano
41 Posts |
Posted - 04/19/07 : 21:56
|
Hi Thanhdenver,
Anh đề cập đến việc cha Cường giải thích về topic Đức Mẹ tức là Cườngmm trong forum này hả? Trinh mới gọi Cườngmm là anh Cường xong. Nếu đúng là Ngài thì eo ơi Trinh phải xin lỗi cha gấp tại Trinh không biết HT
|
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/20/07 : 00:28
|
quote: Originally posted by Huyen-Trinh
Hi Thanhdenver,
Anh đề cập đến việc cha Cường giải thích về topic Đức Mẹ tức là Cườngmm trong forum này hả? Trinh mới gọi Cườngmm là anh Cường xong. Nếu đúng là Ngài thì eo ơi Trinh phải xin lỗi cha gấp tại Trinh không biết HT
Huyền Trinh ơi ời ,
"Anh Cường cuả Trinh" đẹp giai mà laị đàn gioỉ, hát hay, laị còn sáng tác nhạc và noí tiếng Tầu ( chứ không phaỉ Taò lao đâu nhé ) ngầu lắm : không thấy Ảnh noí " ngộ aí nị " buá xua ở trên hả ....chỉ tiếc " Chuá nhanh tay quyến dũ và chiếm đoạt ảnh mất rồi " ( noí theo kiểu viết nhạc cuả cha Ân Đức ) .....Đi xưng tội online gấp đi nhe . Hoặc vaò website cuả " anh Cường " mà xưng tội riêng naỳ www.thanhcamoi.com Không biết daọ naỳ ảnh ấy còn đi truyền giaó ở Đaì Loan nữa không .
TIẾN CAO |
Edited by - tiencao05 on 04/20/07 00:31 |
|
|
Huyen-Trinh
Soprano
41 Posts |
Posted - 04/20/07 : 10:48
|
Cha à,
Cũng tại cha thôi - Cha đi ra ngoài mặc áo cổ côn thì chúng con biết cha là linh mục. Còn trong đây con thiệt không đoán được mm là dòng Thừa Sai, New York hay là ký hiệu Linh Mục nữa. Không biết không có tội cha nhỉ. Chắc con cũng không cần đi xưng tội phải không cha vì xưng tội như con mà cứ đổ lỗi cho cha thì đền tội chắc là nhiều lắm
Anh Tiến Cao, ráng chờ thêm ít bữa nữa đi, Huyền Trinh không những biết cha đẹp trai, hát hay mà còn có cả video lời tâm tình gần đây nhất của cha nữa cơ. Ít bữa nữa Trinh đem khoe đuợc rồi.
HT |
|
|
Trantrungtruc
Others
570 Posts |
Posted - 04/24/07 : 17:18
|
Thưa anh Thanhdenver,
Em rất mừng là anh đã trích dẫn khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “Tất cả trong tay Mẹ”. Phương châm này dịch sát từ chữ tiếng La tinh “Totus Tuus” có nghĩa là “Hoàn toàn thuộc về Mẹ.”
Nếu ta dùng phương pháp mà ta đã phê bình những bài hát về Đức Mẹ trong Thánh Nhạc Việt Nam thi chắc chắn khẩu hiệu của ĐGH là đã đi sai “thần học” từ khuya rồi. Vì nếu mà đã “tất cả” , đã “hoàn toàn” thì còn đâu nữa mà dành cho Chúa. Anh có thấy sự nghịch lý trong ngôn từ con người dùng không ? Và nếu ta dùng phương pháp "xé lẻ, đánh tỉa, chém vè" này thì "Chúa ơi ! nào ai đứng vững ."
I Con Đường Xưa Anh Đi .
Những lần post lần trước về đề tài Đức Me, ở đây: http://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=1575 , em chỉ muốn chứng minh cho anh chị em thấy là ngôn ngữ, hoàn cảnh và văn hoá của tiếng Việt Nam đã là những yếu tố không nhỏ trong sự thích nghi giáo ly' của đạo Công Giáo. Ví dụ điển hình nhất là hoàn cảnh thời đại chiến tranh VN thời đệ nhị thế chiến đã hiển hiện trong bài "Trên con đường về quê " của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên. Hoặc như bài "Mẹ rất nhân từ" mà anh trưng dẫn ở trên; khi người VN mình hát bài đó, mình trình bày cho Đức Mẹ hoàn cảnh chiến tranh VN thời đó để xin Mẹ thương giúp. Bởi thế, khi dân mình hát bài này là hát cả bài, nhất là hát xong câu điệp khúc hoặc câu thứ hai của bài. Cả đời em chưa có bao giờ thấy, hay nghe một cộng đoàn nào hát chỉ có một câu: " Mẹ rất nhân từ ! quốc gia VN rất lầm than. Dân chúng điêu linh gia đình tan hoang." rồi chấm dứt cả . Nếu anh đã có dịp chứng kiến chuyện đó thì luận chứng của anh rất là khả tin .
Thôi mình trở lại đề tài chính nhé. Hôm nay em xin mạnh bạo hơn, phiêu lưu vào vùng linh thiêng hơn mà anh ngày xưa đã vinh dự được bước vào mấy chục năm trước, để ngày nay vẫn còn nhớ mà trích dẫn. Vâng "con đường xưa anh đi" đó mà ! Đó là con đường linh thiêng, "bất khả xâm phạm" như giáo sư Trần Duy Nhiên đã nói ở trên. Mình hãy thử tìm hiểu quan điểm của Giáo Hội đối với Đức Mẹ về tín lý cũng như thần học nhé.
Thưa anh Thanh, Một văn kiện tín ly' có thể nói là rất quan trọng của Công Đồng Vatican II là Hiến Chế Lumen Gentium (LG) . Hiến Chế này xác định những tín điều, giáo ly', truyền thống cũng như huấn truyền của Giáo Hội. Trong đó, các nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã dành cả một chương 8 để nói riêng về Đức Mẹ, với chủ đề " Vai Trò Của Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh."
II Chương 8 của Hiến Chế Tín Ly' về Giáo Hội
Ngay phần nhập đề, Giáo Hội đã khẳng định vị trí rất quan trọng của Mẹ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế với câu giống như chúng ta vẫn đọc trong kinh tin kính là “Vì loài người, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần và người xuống thai sinh bởi bà Maria Đồng Trinh .” Mầu nhiệm đó vẫn còn đang tiếp tục trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Giáo Hội là Thân Thể của Ngài và Ngài là Đầu và chúng ta là chi thể. Giáo Hội muốn chúng ta kính nhớ, tôn sùng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Chúa Giêsu Kitô (LG52).
Nhưng trong điều 54, Thánh Công Đồng lại cắt nghĩa, là mặc dầu Giáo Hội cố gắng diễn tả vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể cũng như bổn phận của những người được cứu rỗi với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và cũng là Mẹ chúng ta, Giáo Hội cũng không có ý định đưa ra một giáo thuyết hoàn toàn đã xong về Mẹ Maria, hay muốn quyết định chấm dứt những vấn đề mà các nhà thần học chưa hoàn tất . Nói thẳng ra là tuy xác định vai trò của Đức Mẹ nhưng Giáo Hội cũng không ngăn cấm những suy tư, những ý kiến, những nghiên cứu để học hỏi, muốn tìm hiểu thêm về Đức Mẹ. Điều khoản này Giáo Hội đã dung hoà cũng như mở ngỏ cho nhiều quan điểm đang bàn cãi rất sôi nổi từ trong Giáo Hội cũng như ngoài Giáo Hội về vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Từ điều khoản 55 đến 59 của chương này, các nghị phụ đã nói rất chi tiết những công việc của Đức Mẹ đã được mặc khải từ Cựu ước và Tân ước đến những truyền thống tôn sùng Đức Mẹ trong Giáo Hội. Trọng tâm của tín ly' về Đức Mẹ là Ngài đã nằm trong chương trình tiền định của Thiên Chúa, và Mẹ Maria đã đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu độ. Khi Mẹ Maria thưa hai tiếng “Xin Vâng” khi sứ thần báo tin là Ngài đã ứng nghiệm lời tiên tri nói về Ngài trong Cựu ước; đến khi Mẹ sinh Chúa Giêsu, nuôi nấng dạy dỗ Ngài, rồi chứng kiến con mình chịu chết trên Thánh Giá, và sau này khi Chúa Sống Lại và Lên Trời, Đức mẹ đã đi sát, takes care các Thánh Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai.
Tất cả việc Mẹ làm hoàn toàn với lòng hy sinh âm thầm, với tinh thần quảng đại vô biên, với một gương sáng can đảm, chịu đau khổ và một lòng tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa . Các nghị phụ đã trích dẫn những đoạn Thánh Kinh để chứng tỏ cho ta thấy Đức Mẹ là một nhân vật lịch sử có thật trong không gian và thời gian, bằng chứng hùng hồn là Thánh kinh đã nói về Ngài rất nhiều. Tức là việc chúng ta tôn kính Đức Mẹ là chúng ta tôn kính một người, tuy cũng là người như chúng ta, nhưng trổi vượt hơn chúng ta vì Ngài là Mẹ Thiên Chúa đã vâng lời, phó thác, cậy trông vào Chúa. Chứ không phải chúng ta thờ lạy một ngẫu tượng khác, hoặc tin vào một thần linh do trí tưởng tượng của con người đặt ra.
Vì vai trò, địa vị, công đức và gương sáng này, Giáo Hội đã đặt cho Đức Mẹ bốn tước hiệu là Advocate, Auxiliatrix, Adjutrix, và Mediatrix . Những tước hiệu này phải được hiểu là "không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng trung Gian duy nhất."(LG62)
Nhưng khi các nhà thần học chuyên môn về Học Thuyết Maria tìm hiểu thêm về những tước hiệu này thì quả thật Giáo Hội thực sự đã "nâng cấp" sự tôn vinh Đức Mẹ lên thêm nhiều bậc, hiểu theo sự đo lường của con người chúng ta.
Giáo Hội đã có bốn tín điều về Đức Mẹ (dogma). Đó là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Có rất nhiều người đã dựa vào những tước hiệu trong điều khoản 62 để vận động xin cho có, cũng như là chống đối tín điều thứ năm là Đức Mẹ đồng công cứu chuộc (Co-Redemptrix).
Giáo Hội đã rất khôn ngoan chưa tuyên bố tín điều thứ năm, nhưng Giáo Hội đã cho phép mà còn khuyến khích tiếp tục bàn luận và nghiên cứu về Học Thuyết Maria. Nhất là Giáo Hội còn cổ võ, phát triển việc tôn sùng Đức Mẹ tuỳ hoàn cảnh thích nghi với truyền thống văn hóa và phong tục của địa phương . Vì nguyên tắc Giáo Hội đã đặt ra rồi là việc tôn sùng này không thêm bớt gì cho Thiên Chúa nhưng sẽ đem lại phần rỗi và ơn ích cho các linh hồn. Ta có thể dựa theo bản dịch chính thức bằng tiếng Việt của Giáo Hoàng Học Viện dịch Hiến Chế Lumen Gentium, nhưng vì tò mò, khi đối chiếu với bản tiếng Anh của chương 8 này, em đã thấy được nhiều tiếng đồng nghĩa rất hay. Phải chăng những danh từ này tùy theo sự cắt nghĩa và dùng chữ của từng ngôn ngữ, đã làm cho nhiều người thắc mắc, lầm lẫn, hiểu lầm, muốn đặt thành vấn đề. Chúng ta thử tìm hiểu những tước hiệu trên:
Advocate: Trạng Sư, người nói thay, người bênh vực, người biện hộ, người an ủi . (Tiếng Anh dịch có những chữ đồng nghĩa là speak, plead, argue in favor of, helper, comforter ) .Chúng ta đã thấy những cụm từ này rải rác trong các bài Thánh Ca tiếng Việt như: "Lạy Mẹ là Trạng sư của chúng con" (bài "Chúng con kính chào" của Kim Long) Hoặc những lời cầu nguyện như xin Mẹ cầu bầu, xin Mẹ bào chữa, xin Mẹ che chở cho con.
Chữ Advocate còn được hiểu theo nghĩa của Phúc Âm thánh Gioan khi ngài nói đến Đấng an ủi sẽ đến. Và ai cũng hiểu danh từ này để chỉ Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi ở lại với các tông đồ khi Chúa về Trời (Jn 14,16; 14,26; 15,26; 16,7). Trong kinh tiền tụng Chúa Nhật vừa qua đã có câu: "Ngài là Trạng Sư biện hộ cho chúng con trước toà Chúa". Danh hiệu này thánh Phaolô dùng để chỉ Chúa Giêsu, biện hộ cho chúng ta là những tội nhân. (Rm 8,34)
Auxiliatrix: Vị Bảo Trợ, giúp đỡ, cứu giúp, cộng sự viên, (helper, coordinator, deputy, aide, auxiliarie). Bài Mẹ Hằng Cứu giúp của Hoài Chiên. Hoặc những cụm từ như "Xin Mẹ giúp chúng con; Lạy Mẹ xin Mẹ an ủi chúng con luôn luôn; Xin Mẹ giúp con được; Xin Mẹ đưa con về. Danh từ này GH vẫn dùng để nói Chúa Giêsu là Người đồng hành, là Người luôn ở bên ta để giúp đỡ.
Adjutrix:Đấng Phù Hộ, nữ tì, người giúp việc, người làm ơn, người ban ơn (who gives aid, benefactor, contributor, donator, donor, giver ). Xin Mẹ ban ơn cho chúng con. Nói đến giúp việc, hầu bàn, làm ơn (hay tiếng của chị Mỹ Hoàng nói là "mần ơn" ) thì Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài rửa chân cho các tông đồ. Và chính Chúa đã nói "Ta đến để phục vụ, chứ không phải được phục vụ " (Mt 8,17;12,18-21; Lc 22,37; Act 8,32) Mediatrix: Đấng Trung Gian, người giữ liên lạc giữa hai bên ( mediator ). Thánh Phaolô trong thư gửi Timotheo đã viết là "một Chúa, một Đấng trung gian giữa con người và Thiên Chúa là Chúa Giêsu, một Đấng cứu thế duy nhất" (I Tim 2.5-6) .
Vậy khi đặt những tước hiệu trên cho Đức Mẹ phải chăng Giáo Hội đã “tự mâu thuẫn” vì dùng những tước hiệu đã chỉ dành cho Thiên Chúa mà bây giờ lại dùng cho Đức Mẹ ? Tại sao lại làm cho tín hữu thêm "bối rối" dễ "lầm lẫn" về việc chúng ta "thờ Chúa kính mến Đức Mẹ" với việc "thờ Chúa thờ Đức Mẹ" như thế ?
Phi lý quá phải không anh ?
Thưa không, vì chính trong điều 62, Giáo Hội cũng đã nhấn mạnh là:
“Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kito^ Đấng Trung Gian duy nhất”
"This, however, is to be so understood that neither takes away from nor adds anything to the dignity and efficacious of Christ, the one Mediator."
Em sợ là em đã "gà mờ" tiếng Anh nên em xin đăng lại bằng tiếng Anh nguyên ngữ để anh chị em cùng tỏ. Giáo Hội đã xác tín rằng con người dù có tôn sùng Đức Mẹ đến cách mấy đi chăng nữa cũng chẳng giảm bớt hay tăng thêm vinh dự cho Thiên Chúa. Vì ngài đã trọn hảo, đã hoàn toàn. Chúng ta cứ lý luận theo kiểu của con người là nếu tôn sùng Đức Mẹ quá, thì bất xứng với Chúa. Và Chúa sẽ ... tổn thọ.
Một lần nữa, nếu ta dùng phương pháp "đánh tỉa" từng chữ ở phần đầu thì ta cũng có thể lí luận là nếu Giáo Hội đã cho phép gọi Đức Mẹ là trạng sư thì cần gì phải tới thẳng Chúa. Nếu Đức Mẹ là người ban ơn thì cần gì phải xin ơn Chúa. Nếu Đức Mẹ là Đấng trung gian thì cần gì phải cậy nhờ ai khác. Và nhất là, nếu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa rồi thì còn cần gì Thiên Chúa.
Thưa anh, nếu ta lý luận kiểu đó ở đây chắc chắn là “không chỉnh” là “hổng có lược” rồi phải không anh ? Nếu không muốn nói là ta đã “nghìn trùng xa cách” với thần học và tín lý của đạo rồi ?
Chúng ta đã xác tín rằng phụng sự Chúa, tôn thờ Thiên Chúa là một ơn huệ Chúa ban chứ không phải là quyền của con người.
Mà ai trong con người chúng ta dám từ chối ơn của Thiên Chúa ?
III Lý luận của anh em Tin Lành
Trái lại, đó chính là lý luận của anh em Tin Lành, của người thệ phản (protestant) như trong giáo lý ngày xưa vẫn dạy.
Luther, khi muốn ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo, một trong những lý do mà ông đã đưa ra là "chụp mũ" người Công Giáo là tôn thờ Đức Mẹ. Ông cho rằng ta đặt Đức Mẹ ngang hàng với Thiên Chúa, như vậy là ta bất kính với Chúa, là ta thờ đa thần. Và như vậy là người Công Giáo đã đi sai "thần học" quá rồi. Họ đã "thờ Chúa thờ Mẹ".
Và như chúng ta thấy, ông đã bỏ đạo Công Giáo và lập một môn phái khác. Trớ trêu thay, có nhiều người Công Giáo ngày nay, vì vô tình hay cố ý cũng bị "mặc cảm của môn phái Tin Lành" là nghĩ những người Công giáo khác dùng những kiểu nói đó là "thờ Chúa thờ Mẹ".
Khi đọc lại những đoạn trong chương 8 này, chúng ta không khỏi bâng khuâng là từ trước đến giờ ta đã xác tín thế nào về quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về vai trò của Đức Mẹ ?
Giáo ly' của anh em Tin Lành là chỉ có Chúa Giêsu là trọng tâm của Kitô Giáo .
Giáo ly' của đạo Công Giáo chúng ta, từ trước đến giờ vẫn là Chúa Giêsu là trọng tâm và tột đỉnh, nhưng Giáo Hội cũng không phủ nhận vai trò cộng tác quan trọng của con ngừơi, nhất là của Đức Trinh Nữ Maria trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.
Đoạn 65 Giáo Hội đã xác nhận vai trò gương mẫu là Mẹ Chúa Giêsu, nhờ gương sáng của Đức Mẹ mà chúng ta đã hiểu được sự liên hệ của Thiên Chúa và con người, nhất là khi con người đang thao thức đi tìm những vấn nạn của nhân sinh như ý nghĩa của hạnh phúc và đau khổ, của vâng phục và trung thành, của cậy trông và hy vọng, của bác ái yêu thương và phục vụ, của giúp đỡ và chia sẻ, và nhất là của sư tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ai trong con người có thể làm gương sáng cho chúng ta "Mến Chúa Yêu người" nếu không phải là Đức Mẹ ?
IV Việc Tôn Kính Đức Mẹ trong Giáo Hội
Một trong những chương trình canh tân của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II là cổ võ đối thoại với các Kitô hữu ngoài Công giáo . Nhất là khi anh em đạo Chính Thống và Tin Lành đến xin ta cho họ đóng góp ý kiến về những tín điều trong tương lai về Đức Mẹ.
Theo Father de Fiores, một thành viên của viện nghiên cứu về Học Thuyết Maria, cố vấn ĐGH về Mẹ Maria, thì việc Giáo Hội không nói gì tới một tín lý khác trong chương 8 của Hiến Chế LG là một việc làm rất hợp thời, hợp lý. Vì đó là cản trở lớn nhất để hoà giải với các Kitô giáo khác. Theo ngài thì hãy kêu gọi họ trở về trước đã , chuyện tín điều sẽ tính sau.
Bởi thế trong các thông điệp sau này, các ĐGH rất tế nhị trong việc tuyên xưng vai trò của Đức Mẹ trong các buổi họp với các tôn giáo khác. Cũng vậy các Kitô hữu khác cũng muốn gây áp lực với đạo Công Giáo mình, là coi nhẹ vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Điển hình là dịp mừng sinh nhật mới đây của Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo gửi tới ĐGH Benedicto XVI, ngài đã ca ngợi ĐGH mới này có lập trường rò ràng về Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất . (Xin đọc bài anh Tiến Cao đã trích lại ở trên ).
a) Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Đức Mẹ
Số 66 của chương 8 này đã xác định việc chúng ta tôn kính Đức Mẹ vì Mẹ đã tham dự vào các mầu nhiệm Chúa Kitô:
" Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ công đồng Ephesô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Đức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,48-40) . Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, việc tôn kính Đức Maria còn khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tinh thần của tín hữu ."
b) Chiều hướng mục vụ
Giáo Hội “khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh và các Thánh. Công đồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà Thần học và những người rao giảng Lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng mức những vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ: những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức.”
V Biết Mấy Cho Vừa
Thưa anh Thanh,
Sau khi đọc lại chương 8 của Hiến Chế về tín lý của Giáo Hội, có thể anh và em mỗi người rút ra một bài học khác nhau. Nhưng chắc hẳn anh cũng phải đồng ý với em là khi đưa ra một ý kiến về bất cứ một đề tài thần học nào, nhất là về Đức Mẹ, mình phải đặt đề tài đó trong toàn mạch văn của Tín lý và Huấn truyền của Giáo Hội. Hay nói theo kiểu thực hành trong Forum Thánh Nhạc của chúng ta là mình không thể tách rời từng chữ, từng câu riêng của một bài hát để nói bài này sai thần học, bài kia không đúng với sự suy nghĩ của người này người kia.
Vì bài viết cũng đã dài, em không muốn tóm đi, tóm lại những tư tưởng nòng cốt ở trên về Tín Lý của Giáo Hội về Đức Mẹ, nhưng em cũng xin anh chị em, sau khi đã đọc những dòng chữ chia sẻ này, chúng ta hãy khách quan và công bằng hát lại những lời của các bài hát đã được trích dẫn ở trên, xem ai là người đã đi sai “thần học” (em nhấn mạnh là “hát” chứ không “đọc”, vì khi đã viết thành nhạc thì khó hơn là viết chữ nhiều lần). Nhất là chúng ta phải xác tín theo tinh thần Tín lý và Giáo Huấn của Giáo Hội là:
Phải hiểu những sự xưng tụng ấy "thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng Trung Gian duy nhất”
Anh chị em cũng không quên lồng những yếu tố về ngôn ngữ, văn hóa và sự diễn tả của tiếng Việt trong đó. Lúc đó chúng ta sẽ phải thầm cám ơn những người nhạc sĩ đã dệt nên nhạc, đã viết lên lời để chúng ta mượn mà suy tôn và cầu nguyện với Đức Mẹ .
Trở lại câu khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “Tất cả trong tay Me”. Trong văn kiện Ân Huệ và Mầu Nhiệm (Dono e Mistero), ĐGH đã cắt nghĩa rằng:
“Hai chữ này xuất phát từ Thánh Louis Marie Grignon de Montfort. Đây là dạng tóm tắt của một hình thức cậy trông vào Đức Mẹ, được nêu đầy đủ là : “Totus Tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia Praebe mihi cor Tuum, Maria”.
Có bản dịch rất hay là: “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, và mọi sự của con đều thuộc về Mẹ. Con đón nhận Mẹ trong mọi sự đời con. Xin ban cho con Trái Tim của Mẹ, ôi Mẹ Maria
Khi ta đọc cả câu trích dẫn này, ta vẫn còn cảm thấy sự cậy trông hoàn toàn của Đức Giáo Hoàng vào Đức Mẹ dường như lời nói này vẫn chưa đủ, tâm tình này vẫn chưa vừa để diễn tả lòng yêu mến của ngài đối với Mẹ.
Bởi thế năm 1987, sau khi làm Giáo Hoàng được 9 năm, ngài đã viết thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Mater). Có thể nói đây là thiên hùng ca của ngài viết về Đức Mẹ. Ngài cũng đã ôn lại những điển tích từ Thánh Kinh, truyền thống các tông đồ, các Giáo Phụ và qua bao đời của Giáo Hội, ngài cũng đã xoay quanh chủ đề tín lý của đạo Công giáo là vai trò của Đức Mẹ - cũng như sự tôn kính của ngài cho Đức Mẹ, không hề làm giảm vai trò trung gian của Chúa Giêsu. Ngài đã nhắc đến danh từ Đấng Trung Gian (Mediator) 10 lần, và ít là 3 lần ngài đã trích dẫn câu Thánh Kinh của Thánh Phalô. Xin ví dụ số 38:
" Giáo Hội biết và dạy theo Thánh Phaolô là chỉ có một Đấng trung gian duy nhất: " Vì chỉ có một Chúa, và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Con Người Giêsu Kitô đã dâng mình làm giá chuộc mọi người. " Nhưng vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy: đó là sự trung gian trong Chúa Kitô."
Những câu này ĐGH đã trích từ số 60 của chương 8 . Và số 48 trong thông điệp của ngài, ĐGH đã rất mong muốn dâng mình hoàn toàn cho Đức Mẹ trong năm Thánh Mẫu.
Kết Luận
Thánh Bonaventura, trong bài giảng về tận hiến cho Đức Mẹ , ngài có nói là ngài chưa bao giờ nghe có một vị thánh nào mà không có lòng sùng kính Đức Mẹ hay một vị đại thánh mà không có lòng sùng kính Đức Mẹ tối đa. Có nghĩa là càng là thánh lớn thì càng yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn .
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong cuốn “Năm ổ Bánh Và Hai Con Cá “ đã thú nhận là Đức Maria là mối tình đầu của ngài. Và trong nhiều câu truyện kể lại khi đi thuyết giảng sau này , ngài cũng đã nói sở dĩ ngài survive trong tù là ngày nào ngài cũng đọc “kinh Hãy Nhớ” để cầu xin Đức Me thương giúp.
Quí anh chị còn nhớ tiểu sử của kinh này không ?
Tôi xin ghi lại nguyên văn thánh tích của kinh này mà một người bạn đã chịu khó ghi chép lại gửi e-mail cho tôi :
“Thánh Bênađô là một bậc đại thánh, rất nhiệt thành trong việc rao giảng nước Chúa và cổ động phong trào sùng kính Ðức Mẹ. Người đã soạn nhiều bài giảng rất hay để ca tụng Ðức Mẹ, hay nhất là bài giảng về ngày lễ Ðức Mẹ lên trời. Ít lâu sau có một người trích một đoạn trong bài giảng ấy đặt ra kinh Hãy nhớ. Nên người ta gọi kính ấy là kinh ông thánh Bênađô.
Cũng là một kinh người ta năng đọc và rất đẹp lòng Ðức Mẹ.
Ở Balê, có một người cũng tên là Bênađô, lúc còn thanh niên, mê theo đường tội, sau nhờ ơn Ðức Mẹ và năng đọc kinh Hãy nhớ nên được lòng hối cải và sau chịu chức Linh mục, làm tuyên úy các tù nhân bị án tử.
Ðể tạ ơn Ðức Mẹ, cha Bênađô khuyên bảo mọi người năng đọc kinh Hãy nhớ. Người quả quyết rằng: Dù tội nhân cứng lòng thế nào, nếu đọc kinh Hãy nhớ thì chắc chắn sẽ được ơn hối cải. Người quả quyết như thế vì đã mục kích nhiều lần.
Cha Bênađô lại thuê in hàng vạn bản kinh ấy, phát đi các nơi cho mọi người đọc, và chép một quyển sách để lại những phép lạ Ðức Mẹ đã làm để cứu những ai hết lòng trông cậy và sốt sáng đọc kinh ấy.
Biết bao tội nhân cứng lòng đã được ơn sám hối, biết bao bệnh nhân được lành khỏi, biết bao nhiêu người mắc cơn nguy hiểm phần hồn phần xác được khỏi, vì đã vững vàng trông cậy đọc kinh Hãy nhớ.
Kinh Hãy nhớ xưng hô lòng trông cậy vững vàng ở quyền thế từ ái Ðức Mẹ. Sự trông cậy là chìa khóa mở kho tàng chứa nguồn ân sủng của Ðức Mẹ.
Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ xin bào chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.
Ðó là cả một bài ca lòng lân tuất không bờ bến của Ðức Mẹ. Thật vậy, lòng từ ái Mẹ mênh mông như biển cả. Người cứu vớt ban ơn cho mọi thứ người. Người chẳng hề từ chối ai đến kêu cầu Mẹ và đọc kinh Hãy nhớ. Cho nên người ta gọi kinh ấy là kinh Ðức Mẹ làm phép lạ.
Thánh Tích:
Thời Cha Bênađô giảng đạo, có một tay hung đồ bị án xử tử. Mặc dầu những lời khuyên van của Cha Bênađô, hắn ta cứng lòng nhất định không chịu xưng tội. Ngày xử án, Cha Bênađô lại hết lòng khuyên van, nhưng hắn chẳng nghe. Lần này Cha Bênađô không khuyên hắn xưng tội nữa, chỉ nài hắn ta đọc kinh Hãy nhớ. Mặc dầu những lời dỗ dành ngon ngọt, hắn ta cũng để ngoài tai. Cha Bênađô cố ép mãi, sau cùng hắn nể lòng gượng đọc hết kinh Hãy nhớ. Ðọc dứt kinh, người ta trông thấy mặt hắn ta tái nhợt đi. Anh ta bị xúc động quá mạnh, giọt nước mắt đầu tiên đã bắt đầu từ từ rơi trên đôi má. Anh đã được ơn thống hối, và xin Cha Bênađô giúp mình xưng tội.
Nhờ sức mạnh của kinh Hãy nhớ, người cứng lòng ấy đã được ơn thống hối trước khi bị xử.
Kinh Hãy Nhớ
Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.
Trần Trùng Trục |
Edited by - Trantrungtruc on 04/25/07 06:50 |
|
|
ple22
Others
678 Posts |
Posted - 04/24/07 : 20:39
|
Rất cám ơn bác Trần Trùng Trục, bài viết rất xúc tích và giá trị với nhiều trích dẫn về việc sùng kính Đức Mẹ trong Giáo hội, hy vọng qua bài viết nầy chúng ta không còn ngần ngại khi xữ dụng những bài thánh ca của những nhạc sĩ (trong list của cha Cường) cũng như rất nhiều bài hát về lòng cậy trông, xin ơn phù trợ với Đức Mẹ, và ... ĐỌC KINH HÃY NHỚ MỖI NGÀY....
Peter
|
|
|
thanhdenver
CT/NC
44 Posts |
Posted - 04/25/07 : 10:34
|
Xin cám ơn anh Trần Trùng Trục đã bỏ giờ cùng chia sẻ trong topic nàỵ Một lần nữa tôi minh định là tôi không đả kích lòng sùng kính Mẹ Maria. Tôi chỉ muốn phân biệt khi dùng từ: "ĐỨC MẸ BAN ƠN" với lòng "TRÔNG CẬY" vào "ĐỨC MẸ ĐẤNG CẦU BẦU".
Tôi vẫn chưa tìm được một bản thánh ca hay một kinh nào cầu xin Đức Mẹ BAN ƠN từ các ngôn ngữ khác.
Để thêm phần sáng tỏ tôi xin trích dẫn "Gíao lý Công Giáo" với một phần về Đức Mẹ: " CATECHISM OF THE CATHOLIC CHURCH SECOND EDITION --------------------------------------------------------------------------------
PART ONE THE PROFESSION OF FAITH SECTION TWO THE PROFESSION OF THE CHRISTIAN FAITH
CHAPTER THREE I BELIEVE IN THE HOLY SPIRIT
ARTICLE 9 "I BELIEVE IN THE HOLY CATHOLIC CHURCH"
Paragraph 6. Mary - Mother of Christ, Mother of the Church
963 Since the Virgin Mary's role in the mystery of Christ and the Spirit has been treated, it is fitting now to consider her place in the mystery of the Church. "The Virgin Mary . . . is acknowledged and honored as being truly the Mother of God and of the redeemer. . . . She is 'clearly the mother of the members of Christ' . . . since she has by her charity joined in bringing about the birth of believers in the Church, who are members of its head."502 "Mary, Mother of Christ, Mother of the Church."503
I. MARY'S MOTHERHOOD WITH REGARD TO THE CHURCH
Wholly united with her Son . . .
964 Mary's role in the Church is inseparable from her union with Christ and flows directly from it. "This union of the mother with the Son in the work of salvation is made manifest from the time of Christ's virginal conception up to his death";504 it is made manifest above all at the hour of his Passion:
Thus the Blessed Virgin advanced in her pilgrimage of faith, and faithfully persevered in her union with her Son unto the cross. There she stood, in keeping with the divine plan, enduring with her only begotten Son the intensity of his suffering, joining herself with his sacrifice in her mother's heart, and lovingly consenting to the immolation of this victim, born of her: to be given, by the same Christ Jesus dying on the cross, as a mother to his disciple, with these words: "Woman, behold your son."505
965 After her Son's Ascension, Mary "aided the beginnings of the Church by her prayers."506 In her association with the apostles and several women, "we also see Mary by her prayers imploring the gift of the Spirit, who had already overshadowed her in the Annunciation."507
. . . also in her Assumption
966 "Finally the Immaculate Virgin, preserved free from all stain of original sin, when the course of her earthly life was finished, was taken up body and soul into heavenly glory, and exalted by the Lord as Queen over all things, so that she might be the more fully conformed to her Son, the Lord of lords and conqueror of sin and death."508 The Assumption of the Blessed Virgin is a singular participation in her Son's Resurrection and an anticipation of the resurrection of other Christians:
In giving birth you kept your virginity; in your Dormition you did not leave the world, O Mother of God, but were joined to the source of Life. You conceived the living God and, by your prayers, will deliver our souls from death.509
. . . she is our Mother in the order of grace
967 By her complete adherence to the Father's will, to his Son's redemptive work, and to every prompting of the Holy Spirit, the Virgin Mary is the Church's model of faith and charity. Thus she is a "preeminent and . . . wholly unique member of the Church"; indeed, she is the "exemplary realization" (typus)510 of the Church.
968 Her role in relation to the Church and to all humanity goes still further. "In a wholly singular way she cooperated by her obedience, faith, hope, and burning charity in the Savior's work of restoring supernatural life to souls. For this reason she is a mother to us in the order of grace."511
969 "This motherhood of Mary in the order of grace continues uninterruptedly from the consent which she loyally gave at the Annunciation and which she sustained without wavering beneath the cross, until the eternal fulfillment of all the elect. Taken up to heaven she did not lay aside this saving office but by her manifold intercession continues to bring us the gifts of eternal salvation . . . . Therefore the Blessed Virgin is invoked in the Church under the titles of Advocate, Helper, Benefactress, and Mediatrix."512
970 "Mary's function as mother of men in no way obscures or diminishes this unique mediation of Christ, but rather shows its power. But the Blessed Virgin's salutary influence on men . . . flows forth from the superabundance of the merits of Christ, rests on his mediation, depends entirely on it, and draws all its power from it."513 "No creature could ever be counted along with the Incarnate Word and Redeemer; but just as the priesthood of Christ is shared in various ways both by his ministers and the faithful, and as the one goodness of God is radiated in different ways among his creatures, so also the unique mediation of the Redeemer does not exclude but rather gives rise to a manifold cooperation which is but a sharing in this one source."514
* II. DEVOTION TO THE BLESSED VIRGIN
971 "All generations will call me blessed": "The Church's devotion to the Blessed Virgin is intrinsic to Christian worship."515 The Church rightly honors "the Blessed Virgin with special devotion. From the most ancient times the Blessed Virgin has been honored with the title of 'Mother of God,' to whose protection the faithful fly in all their dangers and needs. . . . This very special devotion . . . differs essentially from the adoration which is given to the incarnate Word and equally to the Father and the Holy Spirit, and greatly fosters this adoration."516 The liturgical feasts dedicated to the Mother of God and Marian prayer, such as the rosary, an "epitome of the whole Gospel," express this devotion to the Virgin Mary.517
III. MARY - ESCHATOLOGICAL ICON OF THE CHURCH
972 After speaking of the Church, her origin, mission, and destiny, we can find no better way to conclude than by looking to Mary. In her we contemplate what the Church already is in her mystery on her own "pilgrimage of faith," and what she will be in the homeland at the end of her journey. There, "in the glory of the Most Holy and Undivided Trinity," "in the communion of all the saints,"518 the Church is awaited by the one she venerates as Mother of her Lord and as her own mother.
In the meantime the Mother of Jesus, in the glory which she possesses in body and soul in heaven, is the image and beginning of the Church as it is to be perfected in the world to come. Likewise she shines forth on earth until the day of the Lord shall come, a sign of certain hope and comfort to the pilgrim People of God.519
IN BRIEF
973 By pronouncing her "fiat" at the Annunciation and giving her consent to the Incarnation, Mary was already collaborating with the whole work her Son was to accomplish. She is mother wherever he is Savior and head of the Mystical Body.
974 The Most Blessed Virgin Mary, when the course of her earthly life was completed, was taken up body and soul into the glory of heaven, where she already shares in the glory of her Son's Resurrection, anticipating the resurrection of all members of his Body.
975 "We believe that the Holy Mother of God, the new Eve, Mother of the Church, continues in heaven to exercise her maternal role on behalf of the members of Christ" (Paul VI, CPG § 15).
|
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/25/07 : 11:18
|
Wow 1 lần nữa phải cám ơn các Cha , và "các Thầy, các Sơ hụt ", là 1 giáo dân bình thường, giáo lý lem nhem, học trước quên sau, vào đây học được nhiều điều hay quá ; Em thích nhất là các đoạn viết của Bác TTT sau đây :
Nói thẳng ra là tuy xác định vai trò của Đức Mẹ nhưng Giáo Hội cũng không ngăn cấm những suy tư, những ý kiến, những nghiên cứu để học hỏi, muốn tìm hiểu thêm về Đức Mẹ. Điều khoản này Giáo Hội đã dung hoà cũng như mở ngỏ cho nhiều quan điểm đang bàn cãi rất sôi nổi từ trong Giáo Hội cũng như ngoài Giáo Hội về vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.....
Giáo Hội đã đặt cho Đức Mẹ bốn tước hiệu là Advocate, Auxiliatrix, Adjutrix, và Mediatrix . Những tước hiệu này phải được hiểu là "không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng trung Gian duy nhất."(LG62)
... Thánh Phaolô trong thư gửi Timotheo đã viết là "một Chúa, một Đấng trung gian giữa con người và Thiên Chúa là Chúa Giêsu, một Đấng cứu thế duy nhất" (I Tim 2.5-6) .
Vậy khi đặt những tước hiệu trên cho Đức Mẹ phải chăng Giáo Hội đã “tự mâu thuẫn” vì dùng những tước hiệu đã chỉ dành cho Thiên Chúa mà bây giờ lại dùng cho Đức Mẹ ? Tại sao lại làm cho tín hữu thêm "bối rối" dễ "lầm lẫn" về việc chúng ta "thờ Chúa kính mến Đức Mẹ" với việc "thờ Chúa thờ Đức Mẹ" như thế ?
Phi lý quá phải không anh ?
Thưa không, vì chính trong điều 62, Giáo Hội cũng đã nhấn mạnh là:
“Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng Trung Gian duy nhất”
"This, however, is to be so understood that neither takes away from nor adds anything to the dignity and efficacious of Christ, the one Mediator."
Giáo lý của anh em Tin Lành là chỉ có Chúa Giêsu là trọng tâm của Kitô Giáo . ( Wow . Điều này em không dám bàn , vì em chưa có dịp học hỏi kỹ lưỡng nên không dám nói , kẻo họ "phang" cho thì đỡ không kịp ....ha...ha... TC )
Giáo lý của đạo Công Giáo chúng ta, từ trước đến giờ vẫn là Chúa Giêsu là trọng tâm và tột đỉnh, nhưng Giáo Hội cũng không phủ nhận vai trò cộng tác quan trọng của con ngừơi, nhất là của Đức Trinh Nữ Maria trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.
Đoạn 65 Giáo Hội đã xác nhận vai trò gương mẫu là Mẹ Chúa Giêsu, nhờ gương sáng của Đức Mẹ mà chúng ta đã hiểu được sự liên hệ của Thiên Chúa và con người, nhất là khi con người đang thao thức đi tìm những vấn nạn của nhân sinh như ý nghĩa của hạnh phúc và đau khổ, của vâng phục và trung thành, của cậy trông và hy vọng, của bác ái yêu thương và phục vụ, của giúp đỡ và chia sẻ, và nhất là của sư tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ai trong con người có thể làm gương sáng cho chúng ta "Mến Chúa Yêu người" nếu không phải là Đức Mẹ ?
...... Phải hiểu những sự xưng tụng ấy "thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng Trung Gian duy nhất” ...... Anh chị em cũng không quên lồng những yếu tố về ngôn ngữ, văn hóa và sự diễn tả của tiếng Việt trong đó. Lúc đó chúng ta sẽ phải thầm cám ơn những người nhạc sĩ đã dệt nên nhạc, đã viết lên lời để chúng ta mượn mà suy tôn và cầu nguyện với Đức Mẹ . ......
" Giáo Hội biết và dạy theo Thánh Phaolô là chỉ có một Đấng trung gian duy nhất: " Vì chỉ có một Chúa, và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Con Người Giêsu Kitô đã dâng mình làm giá chuộc mọi người. " Nhưng vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy: đó là sự trung gian trong Chúa Kitô."
Những câu này ĐGH đã trích từ số 60 của chương 8 . Và số 48 trong thông điệp của ngài, ĐGH đã rất mong muốn dâng mình hoàn toàn cho Đức Mẹ trong năm Thánh Mẫu.
.....
Kinh Hãy nhớ xưng hô lòng trông cậy vững vàng ở quyền thế từ ái Ðức Mẹ. Sự trông cậy là chìa khóa mở kho tàng chứa nguồn ân sủng của Ðức Mẹ.
Kinh Hãy Nhớ
Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.[/b]
|
Edited by - tiencao05 on 04/25/07 11:44 |
|
|
myhoang
Others
582 Posts |
Posted - 04/25/07 : 11:55
|
myhoang thấy mấy anh trích dẫn nào là Tông Huấn, nào là Thông Điệp mà thấy hết hồn luôn, myhoang chân chất lắm, bụng dạ nghĩ làm sao thì nói làm vậy. Thưa anh Thanh, theo anh thì Đức Mẹ không có quyền BAN ƠN vì chỉ có CHÚA mới BAN ƠN (???) Xin đưa ra một thí dụ nhỏ nhờ anh Thanh giải đáp - Ba tôi cho tôi 100 đô la, ra đường gặp ông homeless xin tôi ít tiền ăn trưa vì ông ta đang đói. Câu hỏi đặt ra là - Tôi CÓ QUYỀN cho ông homeless nầy ít tiền giúp ông không? hay là: - Phải nhờ anh Thanh nói với ông homeless rằng: "ông ơi, ông xin trực tiếp myhoang như vậy là sai rồi, ông phải nhờ cô ấy xin với ba cô ấy mới đúng.... vì cô ấy KHÔNG có QUYÈN cho ông đâu!!!
|
Edited by - myhoang on 04/25/07 11:57 |
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/25/07 : 12:52
|
Wow Mỹ Hoàng nói hay quá ....
Ủa, vậy đàn em ở phe nào kìa , đúng như lời vợ em dậy em : chớ có làm mất lòng ai ( nhất là phía các người đẹp ), còn có lúc phải nhờ cậy .....he...he .... Do dó chắc ăn thuộc loại ba phải , thì chỉ có huề hoặc lời chứ không chịu thua lỗ đâu ....hi ....hi .....
TIẾN CAO |
Edited by - tiencao05 on 04/25/07 12:55 |
|
|
phatruong
Tenore
37 Posts |
Posted - 04/25/07 : 13:26
|
Cám ơn anh TTT thật nhiều đã mở mắt cho em biết một ít thế nào là tín lý và thần học. Dựa theo bài anh viết thì một tư tuởng sai thần học đối với suy nghĩ của em không hẳn đã sai tín lý, điều nguời công giáo phải tin. Và những bản thánh ca cũng vậy, nếu không có gì nguợc với tín lý thì Ca Đoàn không nên lo lắng nhất là bản nhạc đó đã có Imprimatur.
Xin anh TTT cứ tiếp tục viết về các issues khác trong phụng vụ và thánh nhạc đế đàn em có dịp tiếp tục học hỏi. Mà cũng phục anh thiệt, chỉ có vài ngày mà anh, vừa đi làm vừa lo cho gia đình, có thể tìm tòi, nghiên cứu và viết đuợc một bài thật súc tích, công phu như vây. Xin Chúa và Mẹ thuởng công cho anh.
Tiện đây em cũng xin gửi anh Thanhdenver một bài thánh ca cổ truyền bằng Anh ngữ, "Daily, Daily, Sing to Mary", có viết về Mẹ ban ơn mà anh nói "vẫn chưa tìm được một bản thánh ca hay một kinh nào cầu xin Đức Mẹ BAN ƠN từ các ngôn ngữ khác". Bài này là bài số 159, trang 182, em scan từ cuốn Pray Together, 2nd Edtion do nhà xuất bản Sunday Missal Service in năm 1977.
Phatruong
Download Attachment: DailyDailySingtoMary.PDF 678.99 KB |
|
|
Fiat
Others
196 Posts |
Posted - 04/25/07 : 19:23
|
Thêm với PhaTruong là bai in Spaníh do OCP pub. UNITED IN CHRIST MUSICA. Vả lại anh Thanh hình như là dân An Nam Mit cơ mà. Anh khong hiểu sâu y của cha Cường đâu, nếu ra một lô bài của các bậc đi trước đã sáng tác mà nếu sai thì có lẽ đạo Cong Giao không mấy tồn tại....
Cám ơn Anh TTT nhiều nhiều lắm.
Đến giờ chết xin Mẹ hiên đén bên giường khuyên con.... (Lạy mẹ xin yên ủi...)
Anh Thanh đợi Mẹ về xin phép Chúa rồi trở lại đồng hành với anh thi e không kip....hu hu
Download Attachment: Ohmaria.enc 18.83 KB |
|
|
NgocLan
Others
38 Posts |
Posted - 04/25/07 : 20:41
|
Thưa anh Thanh,
Em thấy anh TTT đã nói rất rõ chữ "Adjutrix : Đấng Phù Hộ, nữ tì, người giúp việc, người làm ơn, người ban ơn (who gives aid, benefactor, contributor, donator, donor, giver ). Xin Mẹ ban ơn cho chúng con. Anh có khổ công để mà tìm chữ, dịch chữ này cho đúng chữ mà anh hiểu, thì cũng "không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô Đấng Trung Gian duy nhất " đâu anh .
Ví dụ của chị Mỹ Hoàng rất rõ. Hỏi chị có quyền cho ông homeless món tiền mà bố của chị cho chị ấy không ? Thưa, nếu bố chị là người giàu lòng hảo tâm thì chắc hẳn rất cảm động vì chị Mỹ Hoàng đã làm đẹp ý của người, bác không những khuyến khích chị ấy cho mà còn hỏi thêm là xem người homeless ấy có cần gì nữa không ?
Khi ca đoàn em đi tập hát, muốn vào phòng họp thì thường là em phone cho ông chủ tịch và nói rằng: "Xin bác làm ơn mở cửa cho tụi con tập hát lúc 7 giờ . Chữ làm ơn ở đây có nghĩa là gì ? Thưa là một "favor , just like please do me a favor !" Chưa hết, xin anh Thanh mở tự điển webster chữ favor Anh sẽ thấy dịch là gì ? Thưa là ... Grace. Như vậy tiếng Việt Nam mình dịch rất chuẩn chữ làm ơn theo nghĩa của tiếng Anh.
Chắc là anh muốn chứng minh chữ "làm ơn, ban ơn" nó không có đồng nghĩa với chữ "trông cậy" hay "đấng cầu bầu" (meadiator). Nếu thế thì đây là lãnh vực ngôn ngữ rồi. Nhưng khi anh nói "ngày xưa anh đã được họ thần học bên Việt Nam " thì tụi em phải hiểu là anh muốn nói về chuyện linh thiêng . Như anh TTT đã trưng dẫn, nếu theo tín lý mà Giáo Hội đã đặt ra, thì anh muốn đặt cho Đức Mẹ cả ngàn danh hiệu khác nhau đi chăng nữa, và các nhạc sĩ có viết "lạy Mẹ xin ban ơn cho con" cả triệu, triệu lần cũng chả có thêm bớt gì được cho vai trò ban ơn cứu độ của Thiên Chúa đâu anh ?
Anh không "đả kích" lòng sùng kính Mẹ Maria, nhưng em có cảm tưởng là anh không đồng y' người Công Giáo mình xin ơn Đức Mẹ. Phải chăng đó là ly' luận của anh em Tin Lành ? Em nghĩ, trong ngôn ngữ nào cũng thế, câu lịch sự tối thiểu để nhờ ai làm chuyện gì, mình cũng phải nói một câu đầu: "Xin (ông, bà, anh, chị, ...) làm ơn cho con ... Em chợt nhớ đến ông bố già của con bạn của em cứ hay đổ tội cho con cái mình làm cái này cái kia . Đến nỗi mẹ nó cứ phải mắng ông rằng con nó có nghĩ như thế đâu mà ông cứ đổ tội cho nó.
Em xin thách anh Thanh tìm được một người Công Giáo nào mà chỉ có xin ơn với Đức Mẹ không, mà không bao giờ xin ơn Chúa nữa .
Ngọc Lan |
|
|
tiencao05
CT/NC
736 Posts |
Posted - 04/25/07 : 22:25
|
Thưa các anh chị ,
Đàn em nghĩ là mình vào đây để học hỏi lẫn nhau , nên xin tôn trọng mọi người, dù đôi khi ý kiến có bất đồng ....có thế mới là Anh Em Một Nhà , Con Một Cha Trên Trời phải không ạ ?
Nếu cùng 1 giới ca trưởng công giáo mà còn không kềm chế được mình , thì nói chi tới việc Đối Thoại Liên Tôn với các Kitô Hữu khác, hoặc truyền giáo cho người khác đạo nữa . Đâu là tinh thần Holy Catholic Church ???
TIẾN CAO |
Edited by - tiencao05 on 04/25/07 22:38 |
|
|
myhoang
Others
582 Posts |
Posted - 04/26/07 : 00:37
|
quote: Originally posted by tiencao05
Vâng thưa cha Cường và các anh chị ,
Cám ơn cha Cường rất nhiều . Có lẽ sẽ còn nhiều baì hát nữa mà cha Cường chưa kiếm thấy hoặc " nể " không đưa ra ( có baì naò cuả cha sáng tác same same như vậy không ? ....hi ...hi),
Có lẽ chúng ta chưa hiểu ý của cha Cường khi ngài post lên cái list dài những bài mà theo anh KT thì lầm lẫn khi xữ dụng từ ngữ, myhoang xem lại cái post đầu tiên của myhoang mới giật mình à thì ra cái link bài đầu tiên chính là bài của ngài: http://www.catruong.com/baihat/ducme/CauMeThuongXuDaoCon_nhc.pdf lại còn phán thêm là còn nhiều bài hát "lẫm cẩm" như vậy nữa, thiệt là ...hổng có nể nang gì ráo trọi. (mà cái chữ "lẫm cẩm" nầy thật ra là myhoang nhìn gà hoá quốc đọc chữ "lầm lẫn" của anh KT ra "lẩm cẩm" đúng là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mà lôi thôi là tại anh thanhdenver) Vì vậy con xin xưng tội online với cha Cường, hổng biết cha có tha tội online cho con không dzị??? |
|
|
LouisLong
Basso
574 Posts |
Posted - 04/26/07 : 09:57
|
Trích từ một bài viết cúa một cha dòng Tên, Felipe Goùmez Ngô Minh, SJ, trong Hợp tuyển Thần Học, số 10, phát hành năm 1994. Hợp tuyển Thần Học (http://www.htth.org/) do một nhóm các linh mục phần lớn là dòng Tên (SJ,Society of Jesus (Jesuits)), trong đó có những tên tuổi có lẽ các bác các anh chị ít nhiều đã đọc qua các bài viết hay bài giảng phòng cúa các ngài, như Nguyễn Trọng Tước, S.J. (Hoa Kỳ) Phạm Minh Ước, S.J. (Úc Đại Lợi), cùng nhau hợp tác làm công việc dịch thuật thần học.
Có thể xem lại bài này ở http://www.htth.org/so10/maria.html
Vì bài viết khá dài, Long chỉ xin mạn phép trích ra đây một đoạn ngắn để tuy nghi tham khảo:
"Giáo hội luôn luôn cầu nguyện nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta được phép cầu nguyện nhờ Đức Maria, nhờ các Thánh, thì chính là vì tất cả chi thể của Đức Kitô đều liên đới với nhau, như tín điều các tháánh thông công. Khi chúng ta nói là các Thánh thông công, thì điều đó muốn nói là các Thánh nhân, tức là các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, đều liên đới với nhau, và các điều thánh, tức là các bí tích, công đức, v.v..., đều được thông chuyển, chia sẻ với nhau và cho nhau. Cầu xin một điều gì nhờ Đức Maria hoặc nhờ các Thánh bầu cử, ấy là lấy công đức của các ngài cũng như là của ta, hiệp với công nghiệp của Đức Kitô, mà xin Thiên Chúa ban ơn xuống cho. Đức Maria không có thể ban ơn; chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền ban ơn. Đức Maria là một tạo vật như chúng ta: Người chỉ có thể đón nhận ơn và cầu thay nguyện giúp xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta. hằng dạy cho chúng ta biết. Nhiều nhà thần học đã tranh cãi về thành ngữ Đức Maria Trung Gian; và dù công đồng Vaticanô II có gọi Mẹ là Đấng Trung Gian (LG 62), thì cũng vẫn không quên lưu ý cho thấy ngay rằng đó chỉ là một vai trò trung gian phụ thuộc đối với Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Kitô (1Tm 2,5).
Gần đây Giáo hội đã minh định hai tín điều về Đức Maria: tín điều vô nhiễm nguyên tội (năm 1854) và tín điều mông triệu thăng thiên (1950); sự việc đó đã có thể thúc đẩy quá trớn lòng sùng đạo của một số người ưa nhấn mạnh đến các đặc quyền đặc huệ của Đức Maria, đến độ có người công giáo đã coi Mẹ như một vị thần linh độc lập, như một vị phó Thiên Chúa... Dĩ nhiên là thần học không bao giờ quên rằng Đức Mẹ thuộc về Con của Người, các đặc ân đặc quyền ấy là ơn của chính Con ban cho Mẹ, v.v...; nhưng trong cách sống đạo hằng ngày, người ta thường có thói quen trực tiếp cầu xin với Đức Maria mà quên hàm chỉ đến Con của Người; trong cách biểu đạt nghệ thuật qua hội họa hay điêu khắc, lại thấy có nhiều ảnh tượng trình xuất một mình Đức Maria, không còn bế Con như thường thấy trong truyền thống nghệ thuật thời xưa. Đó là một số chi tiết làm cho thần học băn khoăn và cảm thấy có bổn phận cần phải trình bày lại giáo lý cho đúng đắn hơn về địa vị và vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, cũng cần nhớ lại lời sau đây của công đồng chung Vaticanô II: Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Người và hiệp nhất mật thiết cùng bền chặt với Con mình, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là làm Mẹ Con Thiên Chúa, và do đó, được làm ái nữ của Thiên Chúa Cha, cùng làm cung thánh của Chúa Thánh Thần(LG 53)."
Phòng hờ bài viết nêu trên đôi khi khó truy cập, hay khó đọc ( vì bài viết dùng font VNI) hay server cúa bài viết gặp trục trặc, Long đính kèm theo đây (font Unicode)để tiện tham khảo thêm, nếu cần:
Download Attachment: Maria_MeChuaKitoTrongGiaoHoi.pdf 264.06 KB
PS: Theo http://www.donghanh.org/main/diemsach/diemsach.htm , Cha Felipe Gomez, SJ (tên Việt là Ngô Minh) đến Việt Nam năm 1960, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sàig̣n. Cha theo học và tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại viện đại học Gregorian (Rome). Sau đó cha về Việt Nam làm giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Dalat. Trong những ngày dạy học tại Giáo Hoàng Học Viện, cha đă có những đóng góp quan trọng trong việc dịch thuật, giải thích và chú giải những văn kiện của bộ sách Công Đồng Vatican II |
Edited by - LouisLong on 04/26/07 12:34 |
|
|
NgocLan
Others
38 Posts |
Posted - 04/26/07 : 11:17
|
Anh Tiến Cao à !
Ngoc Lan hoàn toàn không đồng ý với kiểu “Thần Học Ba Phải” của anh. ĐGH Benedicto XVI rất chúa ghét kiểu thần học relativism này . Cái gì cũng được ! “Hay cũng hì, dở cũng hì” đó mà ! Ngài chưa ra vạ tuyệt thông cho anh là may lắm đó !
Em không có “nóng tính” , hoặc không respectful với anh Thanhdenver . Trái lại em còn phục anh ấy vì anh đã có lập trường thần học của anh. Tính của em rất thẳng. Đàn bà con gái tụi em là vậy. Phải không chị Mỹ Hoàng ? Nhất là khi tụi em biết mình ... có lý, hì hì . Bộ anh chưa có “kinh nghiệm được nghe giảng ơ nhà” hả . Nếu anh không đồng ý thì đưa ra bằng chứng và góp ý kiến, chứ không, hễ thấy đuối lý là “anh không thèm nói chuyện với em nữa !” Well, ở nhà anh thì được, chứ ở đây, em với chị Mỹ Hoàng không có “tha” cho đâu .
Ai chả biết mình vào đây là để học hỏi, nhưng cũng phải entertainment nữa chứ. Có bàn cãi, có argue to tiếng, có disagree, bất đồng ý kiến thì mình mới học hỏi được nhiều chứ. Nếu không thì làm sao mình hiểu chữ “ban ơn” của anh Thanh, chữ “Tín Lý, Thần Học” của GS Trần Duy Nhiên, và bài viết về Đức Mẹ của anh TTT . Mà không biết anh Tiến Cao có phải là các bác trong Admin không ? Nếu không thì anh đừng “giành chức” của họ như mấy ông tùm hay lăng xăng trong nhà thờ, lúc nào cũng tỏ ra mình quan trọng . Thấy khó chịu lắm cơ !
Anh Tiến Cao à ! Đây là Forum, có nghĩa là “Phố Rùm”. Nghĩa là ồn ào, là rùm beng ... như chợ. Nếu anh cứ sợ mất hoà khí, mất tinh thần Holy Catholic Church thì em khuyên anh nên vào Việt Catholics để học hỏi tin tức ... một chiều, hoặc vào Thánh Linh.org hay Mẹ Maria.org để đọc kinh, cầu nguyện, hát thánh ca chắc anh có bình an hơn . Amen
À mà anh Tiến Cao này, "giới ca trưởng công giáo" là giới nào vậy hè ? Em chỉ tình nguyện giúp ca đoàn em hát ca tụng Chúa thôi, em đâu có consider là một giới riêng đâu ? Hay là nếu là ca trưởng thì có những quyền lợi khác ? Vậy chị Mỹ Hoàng, anh Trần Đại Phước, anh LouisLong, anh TTT, bác Micae, và hàng nhiều người khác không có ca đoàn có thuộc "giới" này không ? Em tưởng Forum này dành cho tất cả mọi người yêu mến Thánh Nhạc và Phụng Vụ mà ????
Anh thấy con bé này bắt bẻ ghê không ?
Ngọc Lan |
|
|
Topic |
|
|
|