Thanh-Nhac Forum
Thanh-Nhac Forum
Home | Profile | Active Topics | Forum Rules | Members | Private Messages | Search | Hỏi - Đáp
Username:
Password:
Save Password
Forgot your Password?

 All Forums
 D. Linh Tinh
 D5. Tin Tức Góp Nhặt
 Nghe kể chuyện về "Đêm Nhạc Hải Linh" tại Sài Gòn
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Author Previous Topic Topic Next Topic  

Trantrungtruc

Others
570 Posts

Posted - 01/04/09 :  20:14  Show Profile  Email Poster Send Trantrungtruc a Private Message  Reply with Quote
ACE thân mến,

Nhà cháu qua "đường giây không thấy" (wireless) có liên lạc được với người quen ở quê nhà và có được nghe kể lại về Đêm Nhạc Hải Linh vừa được Lm Xuân Thảo và các môn sinh cũng như những anh chị em yêu thích nhạc Hải Linh tổ chức ngày 30 tháng 12 năm 2008 vừa qua tại nhà thờ Đakao, Sài Gòn . Nghe nói là Lm Xuân Thảo và các ca trưởng đã tốn cả mấy tháng trời chuẩn bị và tập dợt cho Ca Đoàn Quê Hương hát ngày hôm đó . Điều khiển chương trình là Lm chánh xứ JB Phạm Văn Bình OFM . Điều khiển cho ca đoàn là Lm Nhạc sĩ Xuân Thảo OFM, nữ tu Thiên Lan từ Úc về và ca trưởng Hương Vĩnh. GS Trần Văn Khê được mời nói chuyện về âm nhạc Việt Nam. Nghe nói đã có nhiều quan khách được mời đến tham dự: hiện diện có Đức cha Nguyễn văn Hòa, Chủ Tịch Ủy ban Thánh Nhạc Việt nam, Lm Kim Long và rất nhiều nhạc sĩ Công Giáo, các ca trưởng và những nhà chuyên môn về Thánh Nhạc . Nhà thờ Đakao rất nhỏ, chỉ chứa được hơn 500 người và có một màn ảnh trực tuyến ở ngoài nhà thờ. Nhưng hôm đó trời mưa rất to, những người ở ngoài đành phải "nghe nhạc trong mưa" . Phần âm thanh do nhạc sĩ P Kim (tác giả bài "Bỏ Ngài con biết theo ai" ) thiết kế rất đúng tiêu chuẩn và đạt được kết quả để thu âm và hình ảnh. Nhà cháu chỉ biết có vậy thôi . Ai biết thêm xin kể tiếp .

Cũng rất tiếc là rất nhiều người trong chúng ta ở xa không được tới tham dự một buổi hòa nhạc tổ chức rất công phu và đầy nghệ thuật này. Tuy nhiên tôi cũng có liên lạc được với cha xứ JB Phạm Văn Bình OFM, và xin ngài tờ chương trình và những lời giới thiệu mà ngài đã biên soạn để làm MC cho đêm hôm đó. Bài viết tuy đơn sơ nhưng cũng khá công phu vì phải đi sâu vào vấn đề chuyên môn và hoàn cảnh sáng tác của mỗi bài hát mà nhạc sĩ Hải Linh đã viết. Tôi đã xin phép ngài đăng lại nguyên văn để chúng ta có thể theo dõi chương trình ngày hôm đó và được học hỏi thêm. Cũng xin kèm theo một số hình ảnh do photoghapher Xuân Diệu chụp, để anh chị em được xem thấy tỏ tường hơn.

Nếu anh chị em nào đã được cơ may tham dự ngày hôm đó, cũng xin chia sẻ vài cảm tưởng và những nhận xét tại chỗ để mọi người có thể biết thêm chi tiết. Mong lắm thay .

Trần Trùng Trục

--------------------------------------------

Sau đây là phần của người hướng dẫn chương trình Đêm Nhạc Hải Linh
tại Nhà Thờ Phan-xi-cô Đakao đêm 30-12-2008 do Lm JB Phạm Văn Bình OFM biên soạn


I.Tưởng niệm


1.Uống nước nhớ nguồn là đạo lý căn bản của người dân Việt và là một diễn tả cao quý của đức ái Ki tô giáo. Giờ đây, các môn sinh của Cố Nhạc Sư Hải Linh, tự Phan-xi-cô At-xi-di Trần Văn Linh, xin dành một vài khoảnh khắc để tưởng niệm vị thầy khả kính. Trong tâm tình hiệp thông, kính mời toàn thể quý vị cùng dành cho tài năng âm nhạc và thánh nhạc Việt Nam một lời cầu nguyện. Giây phút tưởng niệm được bắt đầu bằng: “Dạo Khúc Cung Thương” do chính thày Hải Linh sáng tác. Kính mời quý vị đứng.

2.Xin cảm tạ quý vị và xin quý vị an tọa. Tiếp theo phút tưởng niệm bằng hương kinh vừa qua, kính mời quý vị xem một số hình ảnh và đoạn phim về con người và sinh hoạt thánh nhạc của Cố Nhạc sư HL.



Hình 1: Lm chánh xứ JB Phạm Văn Bình, làm MC và ca đoàn Quê Hương trình tấu trong đêm nhạc Hải Linh . Photo by Xuân Diệu

3.Kính thưa quý vị,

Cố nhạc sư HL chào đời tại làng Ứng Luật, phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm. Gia đình đã chọn tên thánh cho con trai của mình là Phan-xi-cô At-xi-di, vì cậu bé được sinh ra ngày 04/10/1920, ngày lễ kính thánh Phan-xi-cô. Có thể xem đây là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng trong cái nhìn đức tin, thì “không có gì là tình cờ trong chương trình của Thiên Chúa.” Chúa đã cho NSĩ HL có thời gian và cơ hội gặp gỡ thánh Phan-xi-cô At-xi-di trên đường đời sáng tác của mình.

Xin giới thiệu với quý vị một người anh em Phan sinh đã hiện diện tại giáo xứ này và tại tu viện Đakao suốt 37 năm qua. Anh là chứng nhân của nhiều thăng trầm trong lịch sử giáo xứ, và hơn ai hết, anh biết rõ cuộc gặp gỡ hay đúng hơn là cuộc kết duyên giữa nhạc sư HL với thánh Phan-xi-cô.

Kính mời Anh Phụ trách Tu viện, cha I. Nguyễn Thanh Minh

(bài nói chuyện của cha I. Nguyễn Thanh Minh)

II.Hợp Ca Tán Tụng Quê Hương


1.Hò Non Nước


Năm 30 tuổi, thầy Giảng Phan-xi-cô Trần Văn Linh được ĐGM giáo phận Phát Diệm khi ấy là ĐC Phạm Ngọc Chi gửi đi du học về âm nhạc. Thầy đã đến Rô-ma năm 1950, nhưng thực sự đã theo học khoa Sáng Tác và Chỉ Huy tại Viện Giáo Nhạc thuộc L’Institut Catholique de Paris từ năm1951. Năm cuối của thời gian du học, tức là năm 1956, HL đã sáng tác nhạc phẩm Hò Non Nước.

Hoàn tất chương trình học tại Pháp, nhạc sĩ Hải Linh về nước năm 1957. Ngoài việc dạy Hợp xướng tại Trường Quốc gia Âm nhạc, Nhạc sĩ Ca trưởng Hải Linh đã thành lập ca đoàn Hồn Nước để thể hiện hoài bão của mình là trình tấu sống động các nhạc phẩm được sáng tác bằng một lối viết thoáng mỏng theo tinh thần Á đông. Từ ấy, bài Hò Non Nước đã được chọn làm Bài Ca-Hiệu của Ca Đoàn Hồn Nước. Sau biến cố năm 1975, Ca đoàn Hồn Nước ngưng hoạt động. Ns ca trưởng Hải Linh đã quy tụ một nhóm môn sinh tiếp tục lý tưởng Hợp ca đó. Lúc đầu NS định đặt tên cho nhóm là Hương Quê để đối với Hồn Nước. Nhưng rồi, NS đã quyết định chọn tên nhóm là QUÊ HƯƠNG để làm cho mục tiêu phát huy nền âm nhạc dân tộc được rõ nét hơn.

Thưa quý vị, Hò Non Nước được chọn như nhạc phẩm mở đầu cho phần Hợp ca Tán Tụng Quê Hương. Lời nhắn nhủ của Hò Non Nước là “giữa một thời đại mà nghệ thuật lai căng, mất gốc tràn lan, thì Hương hồn các Anh Hùng Đất Nước hiện về trong một đêm thâu trầm lặng, nhắc nhở con dân nước Việt ‘hãy mau quay về với Hồn Non Nước.’ Hò Non Nước được lồng khung vào hình thức sáng tác đơn sơ Điệp Khúc và Tiểu Khúc, nhưng nét nhạc ngũ âm lại rất phong phú nhờ pha trộn điệu thức Xê và Xự, kèm theo chuyển hệ/chuyển vị. Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm Hò Non Nước qua trình tấu của Ca đoàn Quê Hương và dưới sự điều khiển của Lm. Nhạc sĩ Xuân Thảo.

2.Nhạc Việt


Kính thưa quý vị,

Cũng tại Paris vào năm 1956, nhạc sĩ HL còn một sáng tác khác. Đó là bản hợp xướng Nhạc Việt. Đây là một minh họa sinh động ba điệu thức cơ bản thường gặp trong nhạc Truyền thống, nhất là trong Dân ca. Đó là điệu Xang (thường được gọi là điệu Bắc, cho tính cách vui tươi), điệu Xự (thường được gọi là điệu Ai, cho tính cách buồn thương), và điệu Xê (thường được gọi là điệu Xuân, cho tính cách mừng vui, khải hoàn). Trong hợp xướng Nhạc Việt, điệu Xang được dùng trong phần A, điệu Xự trong đoạn B, và điệu Xê trong đoạn C.

Lắng nghe Nhạc Việt, thính giả như được sống một cách trọn vẹn tình tự dân tộc được nắn nót qua từng dấu nhạc, từng ngón đàn, và tiếng hát. Kính mời quý vị thưởng thức Nhạc Việt cũng dưới sự điều khiển của Lm. Xuân Thảo.

3.Tiếng Thu


Kính thưa quý vị,

Có lẽ không mấy ai trong chúng ta không biết đến thi sĩ Lưu Trọng Lư với bài Tiếng Thu bất hủ. "Em không nghe mùa Thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực. Hình ảnh kẻ chinh phu…"

Trong khoảng thời gian đầu của thập niên 70, nhạc sĩ HL đã phổ nhạc bài Tiếng Thu với hòa âm cổ điển Tây phương trong lúc giai điệu chính được ngũ âm hóa với những quãng đặc trưng thường thấy trong Dân ca. Tất cả tạo nên một bầu khí nhẹ nhàng, gần gũi, và trữ tình. Nhạc phẩm Tiếng Thu là phối hợp tuyệt vời giữa âm thanh và ngôn ngữ cũng như giữa thơ và nhạc.

Kính mời quý vị lắng nghe Tiếng Thu dưới sự điều khiển của ca trưởng Hương Vĩnh.

4.Tình Non Nước
:

Đò từ Đông Ba//Đò qua Đập Đá
Đò về Vĩ Dạ//Thẳng ngã ba Sềnh
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng nhắn Tình Nước Non


Với mấy câu ca dao trên đây, Nhạc sĩ Hải Linh đã làm sống lại cảnh chèo đò trên sông Hương xứ Huế. NSĩ pha trộn hòa âm cổ điển được đơn-giản-hóa trong lối viết thoáng mỏng cùng với giai điệu ngũ âm ngọt ngào của Dân ca Miền Trung, để chuyển tải đến thính giả lời “nhắn tình nước non” vừa ray rứt vừa thiết tha.

Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm Tình Non Nước với phần điều khiển của Ca Trưởng Thiên Lan.

Sau Bài hát:


Những nhạc phẩm vừa được trình tấu đã cho chúng ta thấy được tấm lòng của HL với non nước VN giàu đẹp, ngôn ngữ VN phong phú, và với lịch sử VN hào hùng.

III.Bài nói chuyện của GS. TS. Trần Văn Khê


Kính thưa quý vị,

Phần thứ Ba của chương trình đêm nay được dành cho bài nói chuyện của Giáo sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê. Xin trân trọng giới thiệu và kính mời Giáo sư.

Sau bài nói chuyện:


Xin cám ơn những chia sẻ chân tình và nhận định sâu sắc của giáo sư. Kính chúc giáo sư được dồi dào sức khỏe để tiếp tục đem vốn hiểu biết sâu rộng của giáo sư truyền đạt lại cho thế hệ trẻ VN.

Trước khi bước sang phần thứ IV của chương trình, Ban tổ chức xin dành một ít phút để quý vị giải lao và trao đổi với nhau. Chương trình sẽ bắt đầu lại sau 10 phút. Xin cám ơn quý vị.

IV.Hợp Ca Tôn Vinh Thiên Chúa


Kính thưa quý vị,

Chúng tôi xin phép được tiếp tục chương trình với phần Hợp ca Tôn Vinh Thiên Chúa.

1.Nữ Vương Hòa Bình


Sau khi du học trở về, nhạc sĩ Hải Linh càng xác tín hơn về con đường “tìm về cội nguồn” trong các sáng tác của mình. Một trong những sáng tác thành công của nhạc sĩ là bài Nữ Vương Hòa Bình, bản hát được giải nhất trong kỳ thi sáng tác mừng Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc năm 1959. Trong bài này, nhạc sĩ đã sử dụng giai điệu chính dựa trên ngũ âm, nhất là khi không cần hòa âm nhiều bè như trong phần đơn tấu của Tiểu khúc.

Xin giới thiệu bản thánh ca Nữ Vương Hòa Bình qua phần trình tấu của tốp ca Quê Hương.

2.Ra Đời


Kính thưa quý vị,

Tại Quy Hòa ngày 11 tháng 11 năm 1940, lịch sử thi ca Việt Nam chứng kiến cuộc ra đi của thi sĩ bạc mệnh Nguyễn Trọng Trí, tức Hàn Mặc Tử. Nhà phê bình văn học Trọng Miên đã nói: “Một thiên tài đã chết: Hàn Mặc Tử. Một nguồn thơ tân kỳ, làm bằng máu, bằng lệ, bằng hồn với tất cả say sưa và rung động của một người hoàn toàn đau khổ. Thi sĩ đưa ta vào một thế giới huyền ảo, đầy trăng, đầy mộng của chốn vườn mơ bến tình… Thơ đối với Hàn Mặc Tử là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, ước ao trở lại cõi trời là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt và những nguồn khoái lạ trong trắng của cõi trời cách biệt” (Vân Long, 143).

Vào cuối thập niên 50, nhạc sĩ Hải Linh đã làm cho thơ của Hàn Mặc Tử được rung lên và reo lên trong dòng nhạc của mình qua các nhạc phẩm phổ thơ Ave Maria 1, Ave Maria 3, và Ra Đời. Nhạc phẩm Ra Đời diễn tả từ cái cảnh “thiên địa đắm hoang mang” cho đến cảnh “trí rất ngớp bởi chưng Xuân Hồn Hậu đã ra đời, theo lịnh của Ngôi Hai.” Nhạc sĩ đã dùng một lối viết chủ yếu thoáng mỏng, đề cao và tôn trọng dấu giọng từng bè bất kể chính hay phụ, cùng với những quãng giai điệu đặc trưng của Dân ca.

Kính mời quý vị cùng để lòng mình rung động với nhạc phẩm Ra Đời dưới sự điều khiển của ca trưởng Thiên Lan.

Sau khi hát:


Xin cám ơn ca đoàn Quê Hương và Soeur Thiên Lan đã trình tấu thật xuất sắc bản hợp xướng Ra Đời. Xin lỗi soeur, trước khi rời sàn biểu diễn, soeur có thể cho khán thính giả đêm nay được biết đôi điều về soeur và nhạc của thày HL được không ạ?

- Được biết là soeur đang tu nghiệp về nhạc tại Úc và soeur về nước dịp này là để cùng xây dựng chương trình đêm nay. Khi tiếp xúc và tìm hiểu nền âm nhạc thế giới, soeur có nghĩ là mình sẽ làm được điều gì đó góp phần làm phong phú hơn trường phái nhạc Hải Linh không?

Xin cám ơn soeur và chúc mọi chương trình của soeur được thành tựu.

3. Vinh Danh Thiên Chúa


Trong khoảng cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, nhạc sĩ HL cho ra đời một loạt những nhạc phẩm chẳng hạn như Phượng Trì, Khúc Nhạc Cảm tạ, Chúc Tụng Thánh Giu-se, Tình Non Nước, Hoan ca Mùa Trường Xuân, và Vinh Danh Thiên Chúa. Riêng với bản hợp ca Vinh Danh Thiên Chúa, nhạc sĩ vẫn dùng giai điệu chính là nét nhạc ngũ âm, nhưng các bè lúc thì 2, lúc 3, lúc 4-5 bè hòa phối với nhau một cách tài tinh để luôn bảo toàn dấu giọng của ngôn ngữ. Tất cả góp phần tạo nên một tổng thể diễn tả “vinh quang Thiên Chúa trên trời, và bình an cho nhân loại Chúa thương yêu.” Một nhạc phẩm đồ sộ nhưng vẫn phảng phất âm hưởng dân tộc trong từng cung bậc.
Kính mời quý vị cùng tán tụng tình yêu nhập thể qua bản hợp ca Vinh Danh Thiên Chúa với sự điều khiển của ca trưởng Hương Vĩnh.

Sau khi hát:


Cám ơn anh Hương Vĩnh và ca đoàn Quê Hương đã giúp chúng tôi ca ngợi vinh quang Thiên Chúa bằng ngôn ngữ và âm nhạc thật Việt Nam. Xin anh Hương Vĩnh vui lòng nán lại đôi phút và chia sẻ đôi điều với quý khán thính giả.

-Trước hết, xin anh chia sẻ với khán thính giả đêm nay đôi điều về cảm xúc của anh khi tập và điều khiển 2 nhạc phẩm của thày HL: Tiếng Thu và Vinh Danh Thiên Chúa?

-Xin phép đặt thêm một câu hỏi nữa. Đó là, giữa nhiều trường phái sáng tác và điều khiển trong thành phố, điều anh tâm đắc nhất là gì khi anh chọn thầy HL và nhóm Quê Hương?
Cám ơn anh và chúc anh luôn đem hết khả năng để phục vụ Que Hương hiểu theo cả hai nghĩa là Quê hương VN và Ca đoàn QH.

Thưa quý vị, chúng ta đã được nghe tiếng nói của các Ca trưởng đàn anh đàn chị. Bây giờ, có lẽ cũng là điều hay nếu một anh hay chị ca viên nào đó sẵn sàng nói với quý khán thính giả đêm nay đôi điều.

Xin được mời một anh hay chị.

-Xin anh/ chị cho biết quý danh. Anh/chị tham gia nhóm hợp xướng Quê Hương từ bao giờ? Trong các bài hát của nhạc sĩ HL, bài nào tạo cho anh/chị cảm xúc mạnh nhất? Tại sao?

4. Khúc Ca Mặt Trời


Kính thưa quý vị,

Năm 1979, anh em Phan sinh Việt Nam chúng tôi đã vui mừng cử hành 50 năm Dòng Phanxico trên đất Việt. Vào thời điểm này thì nhạc sĩ Hải Linh đang dạy đệm đàn, ca trưởng, và dạy sáng tác vừa tại tư gia vừa tại các lớp nhạc. Để góp phần cho cuộc cử hành của anh em Phan sinh, nhạc sĩ đã phổ nhạc bài chuyển dịch của Linh mục nhạc sĩ Võ Thanh (tức Vũ Đình Trác) lời kinh Bài Ca Mặt Trời của thánh Phan-xi-cô. Bản hợp xướng Khúc Ca Mặt Trời đã được trình tấu lần đầu tiên tại nhà thờ này tháng 10 năm 1979. Trong Khúc ca Mặt Trời, Hải Linh một mặt vẫn trung thành với lối viết thoáng mỏng, đối đáp, tạo cơ hội cho các bè thay nhau lên tiếng một cách “dân chủ,” phối hợp hòa âm và phức điệu, đa âm và đa diệu. Mặt khác, nhạc sĩ cũng sử dụng các giai điệu ngũ âm và các quãng đặc trưng của Dân nhạc Việt nam; đồng thời còn tiếp thu học thuật nước khác để tạo nên, cùng với bộ gõ, một nhạc phẩm hợp xướng thật độc đáo. Sau các Trường ca, như Trường ca Ave Maria, Trường ca các tạo vật, thì Khúc Ca Mặt Trời là một nhạc phẩm hợp xướng được nhiều ca đoàn dàn dựng.

Bây giờ, kính mời quý vị cùng với Hải Linh ca ngợi vinh quang Thiên Chúa nơi vẻ huy hoàng của Ông Anh Mặt Trời. Người điều khiển: Lm. Xuân Thảo.

Sau bài hát:


Cám ơn anh Xuân Thảo và nhóm Quê Hương đã gọi Anh Mặt Trời bừng sáng ngay trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Hải Linh hôm nay. Xin anh Xuân Thảo vui lòng dành thêm một ít phút với khán thính giả.

-Anh XT mến, trong mấy thập niên vừa qua, anh đã dành nhiều thời giờ và tâm sức để xây dựng và truyền dạy “tinh thần Hải Linh” trong sáng tác và điều khiển. NS. Hải Linh rất tâm đắc với điều thầy gọi là “lối trình tấu sống động.” Anh có thể cho quý khán thính giả biết căn bản của lối trình tấu này là gì? Nói cách khác, thầy HL hiểu hai chữ “sống động” trong trình tấu thánh nhạc như thế nào?

5.Thưa quý vị, Đêm Nhạc Hải Linh rất vui mừng vì có sự hiện diện của Đức Cha Chủ Tịch Ủy ban Thánh Nhạc Việt nam. Kính thưa Đức Cha, tất cả chúng con đã sẵn sàng lắng nghe ĐC. Kính mời ĐC.

Sau bài phát biểu


Chúng con cám ơn ĐC thật nhiều. Chúng con ước mong sẽ còn được ĐC hướng dẫn nhiều hơn nữa để thánh nhạc VN tìm được một lối vào, một đường đến vớidân tộc, với tình tự quê hương, và đem người tín hữu VN đến gặp Thiên Chúa của người Việt nam.
Thưa ĐC, chúng con có một vài câu hỏi mà không biết hỏi ai bây giờ. Chúng con mạo muội xin ĐC giúp chúng con nhé.

-Được biết nhạc phẩm “Nữ Vương Hòa Bình” của HL được giải Nhất trong kỳ thi sáng tác mừng Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc năm 1959. Xin ĐC cho chúng con biết thêm một chút về cuộc thi này. Chẳng hạn về Ban Tổ Chức và về số các nhạc sĩ tham dự.

-Như vậy, chỉ còn thiếu 2 ngày nữa là tròn 50 năm kể từ ĐHTM 1959. Trong khoảng thời gian ấy, có cuộc thi sáng tác nào được tổ chức nữa không? Nếu có, thì những nhạc phẩm nào đã được chọn? Trong tương lai, sẽ có thể có những kỳ thi sáng tác hay trại sáng tác thánh nhạc không?

-Xin ĐC cho chúng con biết chút ít về tình hình sáng tác thánh nhạc hiện nay tại VN?
Chúng con cám ơn ĐC. Kính chúc ĐC hồn xác khang an.

6.Tiếp theo là Lời cảm tạ của Ban Tổ Chức. Xin giới thiệu Soeur Thiên Lan.

7.Hang Bê Lem


Mùa Đông năm 1945 (cách nay đã gần 64 năm), bài Hang Bê lem đã chào đời, và sau đó được phổ biến rộng rãi. Cho tới nay, hầu như người Công giáo nào cũng thuộc…Tuy được sáng tác trong thời kỳ đầu của nền tân nhạc – thời kỳ người ta chạy theo nhạc thuật phương Tây, giai điệu của Hang Bê Lem vẫn toát ra cái cung cách xử lý thanh điệu của ngũ âm, nhất là trong phần Tiểu khúc. Xin mời quý vị cùng hát với ca đoàn để chào mừng mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

8.Bế mạc
:

Đêm Nhạc Hải Linh đến đây chấm dứt. Thay mặt cho Ban tổ chức và giáo xứ Phan-xi-cô Đakao, chúng con chân thành cảm tạ sự hiện diện của quý vị. Xin chúc quý vị Mùa Giáng Sinh tràn đầy Hồng Ân và Năm Mới thật nhiều niềm vui, sức khỏe, và hạnh phúc. Và kính chúc quý vị ra về bình an.

Edited by - Trantrungtruc on 01/04/09 21:41

Trantrungtruc

Others
570 Posts

Posted - 01/04/09 :  21:48  Show Profile  Email Poster Send Trantrungtruc a Private Message  Reply with Quote


Hình 2: Ca Trưởng Hương Vĩnh . Photo by Xuân Diệu
Go to Top of Page

tiencao05

CT/NC
736 Posts

Posted - 01/31/09 :  00:55  Show Profile  Email Poster Send tiencao05 a Private Message  Reply with Quote

Thanks a lot Bác TTT ,

Mời các bạn vào đây để xem thêm . Sẽ có DVD sắp ra , liên lạc. với cha Xuân Thảo :

http://www.hailinhquehuong.net/

NHỮNG TIN TỨC MỚI NHẤT

ĐÊM NHẠC HẢI LINH
Go to Top of Page
  Previous Topic Topic Next Topic  
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Jump To:
Thanh-Nhac Forum © calendi.com Go To Top Of Page
Powered By: Snitz Forums 2000 Version 3.4.05