VietCatholic News (Thứ Tư 1/1/2003)
THÁNH NHẠC VÀ KỶ LUẬT LIÊN HỆ
Thiết tưởng phải bàn về vấn đề này, vì thấy nhiều người than phiền chung quanh công việc hát xướng trong các nhà thờ hiện nay. Sở dĩ có tình trạng khá lộn xộn như người ta thấy là vì, hoặc thánh nhạc không được biết đến, hoặc có biết nhưng không chịu theo, vì không thích hay cho thánh nhạc là gò bó và cứ muốn hát theo ý mình, trong khi thánh nhạc đóng một vai trò quan yếu trong việc cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa theo như Hội thánh chỉ dạy.
Bài này chia làm hai phần. Phần I nói chung về thánh nhạc hay đúng ra xác định thánh nhạc để hiểu rõ bản tính, hầu phân biệt thánh nhạc với các thứ âm nhạc khác. Phần II nói về kỷ luật thánh nhạc, để những người làm hay sử dụng thánh nhạc biết cách làm cho đúng ý Hội thánh, hầu góp phần vào việc tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu như chức năng thánh nhạc đòi hỏi.
Phần 1 : Thánh nhạc là gì ?
Thánh nhạc là loại âm nhạc dùng trong thánh lễ, trong nhà thờ và các nghi lễ công giáo cũng như trong các sinh hoạt đạo đức của tín hữu. Vì là nhạc nên thánh nhạc cũng thuộc bộ môn âm nhạc, cũng phải tuân theo những luật lệ của âm nhạc, và đáp ứng những đòi hỏi của âm nhạc. Bởi vậy, những gì phải có mới gọi được là âm nhạc thì thánh nhạc cũng phải có. Ngoài ra, thánh nhạc lại còn phải hội đủ ba điều kiện sau đây là thánh thiện, nghệ thuật và phổ quát.
1.1 Thế nào là thánh thiện ?
Thông thường người ta cho thánh thiện là nghiêm trang, đạo đức. Nhưng thế nào là nghiêm trang, đạo đức ? Nghiêm trang là đứng đắn, không lả lướt, uỷ mị, không khơi gợi hay kích thích những cảm giác khoái lạc về thể chất hay những tình cảm hăng say thù hận. Còn đạo đức là khả năng nâng tâm hồn lên chỗ thanh cao, giúp người ta cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa. Bởi vậy, bản nhạc nào mà cung điệu có vẻ tuồng kịch và lời văn nhuốm mầu tình tứ thì không phải là nhạc đạo và cũng không phải là thánh thiện. Một trong những tiêu chuẩn để xét đoán một bản nhạc là đạo hay đời là chính lời ca của bản nhạc ấy. Phê phán một dòng nhạc không có lời là đạo hay đời thì thật khó, vì một bản nhạc bỏ lời ca đi thì không biết là đời hay đạo.
Ngoài ra, muốn xác định được tính thánh thiện của một bản nhạc lại còn phải căn cứ vào ba yếu tố này nữa là dòng ca, nhịp điệu và hòa âm. Dòng ca thánh thiện là tùy ở cách chuyển hành của nó. Một dòng ca càng giống bình ca trong cách chuyển hành bao nhiêu, càng thánh thiện bấy nhiêu. Mà bình ca thì ưa chuyển hành liền bậc hơn là cách bậc. Chuyển hành liền bậc, hòa âm sẽ rất phong phú. Trong bình ca thường thấy chuyển bậc theo quãng 4. Cách chuyển bậc này lộ vẻ tôn nghiêm, đứng đắn cũng như cách chuyển bậc quãng 2 và quãng 4 thì kín đáo, thân tình, thành thật ; quãng 5 thì trong sáng, phấn khởi và đầy tin tưởng. Sau quãng 5 chuyển hành thêm quãng 2 nữa lại càng sáng sủa. Quãng 4 tăng và quãng 6 ít dùng. Quãng 2 thứ tráo với quãng 2 trưởng sẽ đỡ tẻ nhạt hơn. Dùng nhiều nửa cung nhân tạo thì có vẻ trần tục, não ruột, uỷ mị. Những bài trải dấu nhiều xem ra có vẻ đời và nghèo nàn.
Tiếp theo dòng ca là nhịp điệu. Nhịp điệu đóng vai trò rất quan trọng. Tùy ở nhịp điệu một phần mà bản nhạc được xác định là thánh thiện hay không thánh thiện. Những nhịp điệu của loại nhạc săn bắn và chiến đấu thì chắc chắn không phải là thánh thiện rồi. Những nhịp điệu của loại kích động nhạc cũng vậy. Ngày nay giới trẻ ở khắp nơi quen thuộc và tỏ ra thích những nhịp điệu ồn ào náo động của loại kích động nhạc hơn. Thật khó làm cho họ hiểu và phân biệt loại nhịp điệu nào là loại được dùng trong nhà thờ. Họ viện lẽ rằng bây giờ phải mới, phải hợp thời và không nên quan niệm nhạc theo lối cổ điển.
Thực ra nhịp điệu nào cũng tốt, vì đó chẳng qua chỉ là do những nốt nhạc dài vắn tạo nên mà thôi. Có điều tốt hay xấu là tùy cách sử dụng. Nhịp điệu kích động làm điều xấu là xấu. Bởì thế không thể đem kích động nhạc vào nhà thờ được, vì loại nhạc này hay kích thích tình dục và đưa người ta tới chỗ đam mê vô độ. Tuy nhiên, khách quan mà nói, nhạc tiết điệu cũng có thể thích hợp với phụng vụ canh tân, nhưng phải có điều kiện, nhất là về phía các nhạc cụ và nhạc công, nghĩa là chọn nhạc cụ nào hợp cho nhà thờ và yêu cầu nhạc công phải có những cung cách nào khi biểu diễn. Như vậy, nhạc theo tiết điệu mới không đương nhiên bị loại ra khỏi nhà thờ mà chỉ cần điều chỉnh cho thích hợp thôi. Vì vậy cần phải biết và chấp nhận ở mức độ thích hợp đó. Về điểm này, HĐGM sẽ chỉ định một số bài hát có thể dùng trong thánh lễ dành cho những cộng đoàn đặc biệt như thanh niên, thiếu nhi. Những bài hát này phải phù hợp với sự trang nghiêm đạo đức của nơi thánh và công việc thờ phượng, chẳng những trong lời ca mà cả về âm điệu, tiết điệu và cách sử dụng nhạc khí nữa. Đàng khác, cũng phải cẩn thận lựa chọn nhạc khí và số nhạc khí sao cho phù hợp với nơi và bản chất của cộng đoàn. Chẳng vậy, nhạc theo tiết điệu mới sẽ dễ biến thành nhạc phòng trà hay nhạc sân khấu trong nhà thờ. Một điều không may là giới trẻ và nhiều người làm nhạc chỉ biết có nhạc phòng trà, nhạc sân khấu và nhạc truyền thanh, truyền hình, thành ra dường như họ chỉ coi đó là mẫu mực và tiêu chuẩn. Nay nếu có ai nói khác thì họ tỏ vẻ hoài nghi và thường để ngoài tai.
Nói tóm lại, tính thánh thiện của một bài ca hay nhạc hệ tại giá trị biểu hiện mầu nhiệm được cử hành, nghĩa là nhạc càng liên kết với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu. Như vậy, giá trị nhạc phụng vụ không còn được thẩm định theo tiêu chuẩn âm nhạc và thẩm mỹ thuần túy nữa, mà theo giá trị phụng vụ biểu lộ trong lời ca, tiếng hát.
Tiện đây cũng xin đưa ra một câu định nghĩa về phụng vụ của ĐGH PIO XII trong thông điệp Mediator Dei năm 1947 để chúng ta hiểu và có căn cứ, khi nghe nói đến phụng vụ. Theo đó thì phụng vụ là :”Hành vi thờ phượng công khai và công cộng mà Đấng Cứu chuộc chúng ta dâng lên Chúa Cha với tư cách là Thủ lãnh Giáo hội. Đó cũng là việc thờ phượng do cộng đoàn Ki-tô hữu dâng lên Đấng Cứu chuộc mình, và nhờ Người dâng lên Chúa Cha hằng có đời đời. Tắt một lời, đó là việc kính thờ trọn vẹn của thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô, nghĩa là của Đấng lãnh đạo và các phần tử của mình.”
1.2 Thế nào là nghệ thuật ?
Nghệ thuật thì hơi chủ quan, mỗi người nghĩ một cách và theo một lối. Vì thế, nếu để cho mỗi người thẩm định tùy theo ý thích của mình thì khó lòng đồng ý với nhau thế nào là nghệ thuật, vì về sở thích không thể bàn cãi được. Bởi vậy phải dựa vào tiêu chuẩn khách quan khi nói đến nghệ thuật trong âm nhạc, cách riêng trong thánh nhạc. Tiêu chuẩn đó là hình thể trong âm nhạc. Vì thế trong tiếng La tinh, người ta dùng chữ bonitas formae để nói đến điều kiện thứ hai của thánh nhạc. Một bản nhạc có nghệ thuật hay không là tùy ở hình thể của nó. Trong sáng tác, vấn đề quan trọng nhất, căn bản nhất là hình thể. Nếu có ba yếu tố : dòng ca, tiết tấu, hòa âm hay mà không được lồng trong một hình thể tốt đẹp và xứng hợp thì thật là uổng . Về hình thể âm nhạc dùng trong phụng vụ thì đại để có những hình thể sau đây :
1) Cung đọc áp dụng cho Lời nguyện, Thánh thư, Tin Mừng và Tiền Tụng 2) Đối ca và đáp ca là hai hình thể chính của âm nhạc dùng trong phụng vụ. 3) Tụng ca là những khúc hát ca tụng như thánh thi, ca tiếp liên chẳng hạn 4) Bộ lễ 5) Tụng kinh
Tựu trung muốn dùng hình thể nào tùy ý, nhưng phải xứng hợp với từng loại như suy niệm khác với tung hô, công bố khác với tường thuật và phải giữ luật căn bản này là liệu sao cho trong mỗi hình thể đều thấy có trật tự và bố cục, có suy nghĩ và sắp xếp cẩn thận, chứ không để cho tùy hứng.
Riêng lối hát aria và solo khá thịnh hành trong loại nhạc opera và oratorio thì cấm trong nhà thờ, vì quá chú trọng đến cá nhân, làm mất tính cộng đồng và khiến thánh lễ phải tùy thuộc bài hát.
1.3 Thế nào là phổ quát ?
Phổ quát là lan rộng và được chấp nhận ở khắp nơi. Vì vậy, một bài nhạc dù được soạn theo dân tộc tính, nhưng vẫn phải theo quy luật của nghệ thuật và thánh nhạc, để người nước nào nghe cũng có cảm tưởng tốt. Âm nhạc của mỗi dân tộc có sắc thái riêng, nhưng phải phát triển theo quy luật âm nhạc quốc tế và thánh nhạc, vì quy mô âm nhạc được giảng dạy khắp nơi và ai cũng phải công nhận. Khi nói đến phổ quát, Hội Thánh muốn khuyến khích mỗi dân tộc nên trao dồi và khai thác nền âm nhạc của mình để nâng cao nền âm nhạc đó lên và làm cho thế giới biết đến và thưởng thức.
1.4 Thánh nhạc gồm những loại nào ?
Nếu hiểu thánh nhạc là âm nhạc phụng vụ hay ca hát phụng vụ thì gồm :
- Bình ca - Đa âm hợp xướng (Kiểu Palestrina, Perosi, Praglia) - Thánh nhạc hiện đại - Nhạc soạn cho đại quản cầm
Ngoài ra là :
- Ca khúc bình dân tôn giáo - Nhạc đạo nói chung
Huấn thị “Nhạc trong phụng vụ” ban hành tháng 3.1967 đã đổi từ Thánh nhạc thành “Am Nhạc trong phụng vụ“. Kiểu nói này hoàn toàn mới vừa được khai sinh từ năm 1967, mở ra một tương lai làm say mê lòng người, nhưng đồng thời cũng thúc bách những người làm thánh nhạc phải không ngừng học hỏi, tìm kiếm thêm. Theo tinh thần mới này thì mọi hình thức nghệ thuật âm nhạc chân chính đều được phép sử dụng, miễn là những hình thức ấy làm tròn chức năng thừa tác mà phụng vụ mong đợi. Hội thánh nhận tất cả những cái đẹp tùy theo thời gian và không gian, sở thích và văn hóa, nghĩa là có thể cho phép mọi ngôn ngữ âm nhạc được dùng trong một cộng đoàn rõ rệt như thanh niên, thiếu nhi. Quả vậy, Hội thánh không nhất quyết bảo vệ loại nhạc này mà khai trừ loại nhạc kia ra khỏi hoạt động phụng vụ, miễn là những loại nhạc ấy hợp với tinh thần của chính hoạt động phụng vụ, của bản chất mỗi phần và không ngăn trở giáo dân tham dự tích cực.
Phần II : Quy luật trong Thánh Nhạc
Phần này hạn chế trong hai đối tượng là nghi thức và nội dung bài hát.
2.1 Nghi thức
Nếu từ bản chất không có một thứ nhạc phụng vụ nào, thì trái lại có một thứ nhạc hỗ trợ cho việc cử hành các mầu nhiệm Ki-tô giáo. Nhạc này phải được lồng vào trong các buổi cử hành nghi lễ một cách hài hòa, đến nỗi nếu không có như vậy thì nhạc không còn phải là nhạc nữa. Chính vì vậy mà trong sắc lệnh Motu proprio của thánh Pio X năm 1905, thánh nhạc được coi là bộ môn phục vụ cho phụng vụ hay nói đúng hơn là nữ tỳ của phụng vụ, và trong thông điệp Mediator Dei, thánh nhạc được xác định là thành phần thiết yếu và hoàn chỉnh của phụng vụ. Chính nhạc đã là nghi thức và là dấu hiệu diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và những người tham dự.
Đây là một vài trường hợp chứng tỏ nhạc không hội nhập vào việc cử hành :
Khi người ta có cảm giác là buổi cử hành bị gián đoạn hoặc trệch hướng, vì một bài hát hay một khúc nhạc. Lúc đó hoạt động phụng vụ bị rút lại và được thay thế bằng một hành động có tính nhạc thuần túy hay trình diễn hoặc giải trí mà thôi.
Khi các nghi thức diễn ra mà không phải lời ca hay bí tích đóng vai trò chính mà là những hình thức nhạc như trong nhạc trường hay trong một thứ thánh lễ bằng nhạc.
Còn nhạc hội nhập thiết thực vào lễ nghi thì không làm gì khác ngoài hỗ trợ cho việc cử hành. Vì thế nhạc không được tách rời tác động phụng vụ mà phải đi kèm với tư cách phục vụ.
Do đó, nhạc nghi thức phải có hai đặc tính là cộng đồng và lời ca phải đóng vai trò đặc biệt. Ngoài ra, để hoàn tất chức năng, nhạc nghi thức còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như bản chất của nhạc, nghĩa là cách thức khác nhau đi từ đọc theo cung giọng đến chỗ hát theo nghĩa thông thường. Sở dĩ buổi cử hành cần đến nhiều cách diễn tả lời ca như vậy là vì cần vận dụng những chức năng khác nhau như công bố, suy niệm, ngâm vịnh, tung hô, ngợi khen, đối thoại, trả lời. v.v... Như thế tùy vào bản văn, nhất là tùy vào mối dây liên lạc giữa người phát ngôn và người nghe, khi thì cần truyền thông một sứ điệp hơn, khi thì cần nghe rõ các lời đọc hơn, khi thì cần ca ngợi hơn. Mỗi thể loại ngôn ngữ ấy cần có một sự tương xứng khác nhau giữa bản văn và yếu tố nhạc. Bởi vậy, nhạc nghi thức phải lệ thuộc vào bản chất của nhạc là vừa đa dạng, vừa pha lẫn các yếu tố với nhau, nếu cần. Tuy nhiên có thể quy vào ba loại chính yếu để đáp ứng ba tình trạng nghi thức tiêu biểu là công bố, tung hô và ca tụng.
Tiếp đến là thể nhạc. “Huấn thị thứ ba” để áp dụng đúng Hiến chế Phụng vụ nói : “Mặc dù Hội thánh không loại một thứ nhạc nào ra khỏi hoạt động phụng vụ, nhưng không phải bất cứ âm nhạc nào hay nhạc cụ nào cũng đều có khả năng nuôi dưỡng lời cầu nguyện và trình bày mầu nhiệm Đức Ki-tô như nhau, vì thánh nhạc phải hướng về việc thờ phượng, nên phải mặc hình thức thánh thiện và tuyệt hảo, phù hợp với tinh thần của chính phụng vụ và bản chất của mỗi phần cũng như không ngăn trở giáo dân tham dự tích cực, đồng thời lại phải qui hướng sự chú ý và tâm tình vào các việc thánh đang cử hành. Như vậy phải đề cập đến một số thể nhạc và nhạc khí được chuẩn nhận. Đó là hình thể bình ca và đa âm, thể thánh ca bình dân tôn giáo, nhạc tiết điệu.
Cuối cùng là hình thái, cơ cấu và cách thực thi nghĩa là tại sao hát bài đó ? Tại sao hát bài đó vào lúc đó ? Tại sao hát bài đó vào lúc đó với cung cách đó. Như vậy cũng có nghĩa là phải xét đến ý nghĩa, vai trò và tác động của bài hát.
2.2 Nội dung
Nội dung của một bài hát cần hội tụ những đặc điểm sau đây :
2.2.1) Về ý nghĩa, bài hát cần phải diễn tả lời cầu nguyện đầy đủ hơn và chú trọng đặc biệt đến khả năng cầu nguyện của bài hát. Bài hát nào không giúp người ta cầu nguyện mà chỉ để nghe cho vui tai với những lời lẻ sáo mòn : trăng sao mưa gió hay tình cảm ướt át thì không nên đưa vào nhà thờ. Về điểm này, các nhạc sĩ nên dùng lời Kinh thánh và Phụng vụ hay ít ra những tâm tình phát xuất từ các bản văn đó mà viết nhạc.
2.2.2) Về phía cộng đoàn, bài hát phải qui tụ cả cộng đoàn lẫn ca đoàn, nghĩa là kết hợp bên trong cũng như bên ngoài : bên trong thì thu hút sự chú ý của cộng đoàn vào ý nghĩa của lời ca ; bên ngoài thì kết hợp thành một khối chặt chẽ, vì ca đoàn không phải là một nhóm độc lập nhưng là thành phần của cộng đoàn. 2.2.3) Biểu lộ đặc tính ngày lễ
Bài hát phải biểu lộ đặc tính của ngày lễ. Tuy nhiên, đặc tính đó phải được biểu lộ ở những chỗ thích hợp, tùy theo từng hình thể và cách thức hát, tung hô hay công bố.
2.3. Chuẩn nhận
Do ảnh hưởng của thời cuộc, mấy chục năm vừa qua tại giáo phận Saigon, các bài hát trong nhà thờ thường là do tự biên, tự diễn, không qua một khâu kiểm duyệt nào hết, trong khi kỷ luật hiện hành của Hội thánh về vấn đề này là các bài hát đạo phải được kiểm duyệt để tránh sai sót về thần học và phụng vụ, đồng thời được bảo đảm tương đối về nghệ thuật. Có khiếu về âm nhạc, chơi được vài nhạc cụ. sáng tác được ít bài hát hoặc có học ở nhạc viện thành phố đi nữa, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để làm nhạc phụng vụ cho có bảo đảm. bởi vì nhạc phụng vụ có những đòi hỏi khác mà một người không học hay không biết về Thánh nhạc, Phụng vụ, Kinh thánh khó có thể chu toàn được. Vì vậy bài hát cần phải được kiểm duyệt. Công việc này thuộc thẩm quyền Hội đồng Giám mục và các vị thường quyền.
Kết luận
Trên đây chỉ là vài điều sơ lược tối thiểu về thánh nhạc và kỷ luật liên hệ, để những ai có trách nhiệm trong vấn đề này lưu ý, như nhạc sĩ sáng tác, ca viên, ca trưởng, cha sở, cha phó, thày xứ. Nhờ sự lưu ý này, may ra việc hát xướng ở nhà thờ sẽ được cải thiện cho xứng với việc thờ phượng. Tôi nói là may ra vì ít có hy vọng những người trẻ hiện nay chịu theo giáo huấn của Hội thánh về âm nhạc trong phụng vụ, một phần vì thiên kiến một phần vì không biết. Mà vô tri thì bất mộ. Đó là lẽ đương nhiên ! L.m. Anrê Đỗ xuân Quế o.p.
|