Trantrungtruc
Others
570 Posts |
Posted - 07/16/09 : 20:33
|
Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa)
Agnus Dei, qui tollis peccata mundi, miserere nobis. Agnus Dei, qui tollis peccata mundi, miserere nobis. Agnus Dei, qui tollis peccata mundi, dona nobis pacem.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin ban bình an cho chúng con. [31]
Trong nghi thức Thánh Lễ mới, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được đọc hay hát sau khi “Mọi người tỏ cho nhau dấu bình an và bác ái theo phong tục địa phương.”
So với những kinh khác trong Bộ Lễ thì kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, đã có nhiều thay đổi tuỳ theo công thức của Thánh Lễ . Chẳng hạn là kinh này không có đọc trong ngày Thứ Sáu và thứ bảy Tuần Thánh . Và trong Thánh Lễ an táng ngày xưa, hai câu 1 & 2 thay vì đọc “xin thương xót chúng con “ thì đọc là "xin cho họ được an nghỉ" và câu thứ ba thì được đổi là "xin cho họ được an nghỉ muôn đời ".[32]
Về nội dung thì kinh này được trích lại từ hai đoạn Thánh Kinh:
Thứ nhất là đoạn 1 câu 29 của phúc âm Thánh Gioan, khi Thánh Gioan tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu tại Bêthani, bên kia sông Yorđan ; và đoạn 9 câu 27 của phúc âm thánh Matthêu về điệp khúc của hai người mù kêu van xin Chúa chữa .[33]
Thánh Lễ là việc cử hành lại chính Hy Tế của Chúa Giêsu ngày xưa đã chết trên Thánh Giá . Hình ảnh con chiên bị hy sinh làm của lễ dâng cho Thiên Chúa đã gắn liền với lịch sử của dân Thiên Chúa . Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước đã nhắc đến rất nhiều lần về Con Chiên đây chính là Chúa Giêsu Kitô .[34]
Năm trước, trên diễn đàn này, chúng ta đã có dịp tìm hiểu ý nghĩa của “Chiên Thiên Chúa” . [35] Xin trích lại một đoạn để chúng ta cùng ôn lại: "Hình ảnh Hy Lễ
Chiên là một hiến vật rất thông thường trong các lễ hiến tế của người Do thái. Và chiên cũng là lễ vật thông thường nhất mà Dân Do thái dùng để dâng lên Thiên Chúa . Danh hiệu Chiên Thiên Chúa có nghĩa là con chiên được Thiên Chúa ban như trong sách Sáng thế 22,8 đã kể . Ta nhớ chuyện ông Áp-ra-ham bị Thiên Chúa thử lòng bảo ông đi giết con mình . Khi hai bố con Áp-ra-ham và Isaac chuẩn bị đi dâng lễ hy tế lên Thiên Chúa , thì thằng con rất ngây thơ hỏi bố, "bố ơi có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu ?" Lúc đó Áp-ra-ham trong tâm trí đang nghĩ chuyện tìm cách "làm thịt thằng con của mình" thì ông sững sờ nói quanh: Chiên làm lễ toàn thiêu, thì chính Thiên Chúa sẽ ban cho .
Thánh Gioan Tiền hô sau này dùng chữ "Chiên Thiên Chúa" để chỉ Chúa Giêsu như ta đọc thấy trong phúc âm Gioan 1, 29 "Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." Và Gioan 1:36 "Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Khi cử hành Thánh lễ là chúng ta lặp lại Hy Tế mà Chúa Giêsu ngày xưa đã cùng các môn đệ cử hành trước khi Ngài từ giã các tông đồ. Phúc âm Luca đã nói : "Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua." (Lc 22:7) Và Thánh Phaolô trong thư Corintô 1 đoạn 5:7 "Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta."
Giáo Hội từ thời sơ khai trong những thế kỷ đầu, thánh Phaolô đã cắt nghĩa việc chúng ta “làm việc này mà nhớ đến ta” trong ý nghĩa lễ Vượt Qua của người Do Thái : “Quả vậy, Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”. (1 Cor 5:8) . Thánh Gioan cũng nhắc lại lúc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá là "giờ" con Chiên bị giết (Ga 19:31)
Sách Khải Huyền đã 36 lần dùng chữ "Chiên" để ám chỉ Chúa Giêsu . Ví dụ: Sách Khải Huyền những câu 13:8, 5:12
Sau này các Văn Kiện của Giáo Hội, nhất là Giáo Lý Công Giáo cũng đã dùng những hình ảnh Chiên Thiên Chúa để nói lên hình ảnh Con Chiên trong ý nghĩa Hy Tế của Thánh Lễ . (GLCG: 1364 .)
ĐGH ở phần cắt nghĩa về thời gian và không gian trong cuốn "The Spirit of the Liturgy" đã kể cho ta một chuyện lịch sử rất hay về sự tương quan giữa Con chiên, Lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội :
Theo phúc âm Thánh Gioan “giờ” của Chúa là lễ Vượt qua . Điều đó nhấn mạnh cái chết của Chúa không phải là chuyện tình cờ, chết ngày nào cũng được . Ngài đã chết vào một ngày lễ, một ngày đã xảy ra trong lịch sử của nhân loại . Trước hết, lễ Vượt Qua là lễ của dân du mục thời xa xưa, thời của từ Abel đến Khải Huyền . Vì dân này sống ngoài đồng hoang nay đây mai đó, nên đối với họ cách duy nhất để biết thời gian là dựa vào mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên trời . Người ta mới khám phá ra rằng dân du mục đã kỷ niệm lễ Vượt qua vào ngày của chòm sao Aires, tức là chòm sao có hình con chiên .
Bởi thế vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã có những sự bất đồng ý kiến về việc chọn ngày mừng lễ Phục Sinh . Một phần Giáo Hội bên Tiểu Á thì muốn mừng lễ Phục sinh vào ngày 14 Nisan, trùng ngày với lễ Vượt qua của người Do thái . Trái lại giáo hội bên Roma thời đó thì muốn mừng vào Sunday, tức là ngày mà mặt trời đi ngang qua phần đầu của sao Zodiac – dấu hiệu đầu tiên của chòm sao Aires, chòm sao hình con chiên . Vấn đề được đặt ra là phải chăng những chòm sao đó từ muôn thuở đã tiên báo cho chúng ta hình ảnh của Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian (Jn 1:29) ".[36]
Không ai biết kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được đọc trong Thánh Lễ từ khi nào, chỉ có một bằng chứng mơ hồ để lại là năm 687, ĐGH Sergius I có nói đến trong một qui luật về Thánh Lễ là tới phần bẻ bánh thì cả chủ tế và cộng đồng đều đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa . Nhưng cũng vì dựa vào lý do có nhiều văn bản khác nhau trong lịch sử mà các nhà nghiên cứu cũng không thể xác định được những hình thức đọc và nội dung cố định của kinh Lạy Chiên Thiên Chúa trong Bộ Lễ .
Phải đọc hay hát kinh này mấy lần ?
Lúc ban đầu, kinh này chỉ được hát một lần rất trọng thể trong nghi thức bẻ bánh . Sang thế kỷ thứ 9, khi GH muốn nhấn mạnh với tín hữu về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể dưới hình ảnh bánh và rượu, thì kinh này được khuyến khích đọc ba lần .
Trong bản Nghi Thức Thánh Lễ năm 1970, GH đã cho phép "đọc nhiều lần" đang khi chủ tế cử hành nghi thức bẻ bánh .
Và trong bản dịch sang tiếng Việt Nam Nghi Thức Thánh Lễ mới nhất năm 2006, GH đã lặp lại lời hướng dẫn đó như sau:
Nếu việc bẻ bánh kéo dài, có thể lặp lại nhiều lần "Lạy Chiên Thiên Chúa", nhưng lần cuối cùng vẫn kết "xin ban bình an cho chúng con". . Qui luật của HĐGM Hoa Kỳ.
Riêng tại Hoa Kỳ, vấn đề "nội dung" và việc "đọc nhiều lần" của kinh này vẫn còn đang trong vòng tranh cãi .
Xin tóm lược một vài chi tiết để chúng ta cũng không ngạc nhiên khi có dịp tham dự thánh lễ bằng tiếng Anh và được nghe hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa với những bản văn thật hoàn toàn xa lạ với bản tiếng Việt.
Năm 1969, khi bản sơ khởi của General Instruction of the Roman Missal chưa kịp ấn hành thì có một nhóm linh mục muốn canh tân phụng vụ tại Hoa Kỳ, điển hình là cha Robert Hovda và Gabe Huck [37] và sau này với sự hậu thuẫn của nhạc sĩ và chuyên gia phụng vụ tại Đại Học Thần Học ở Chicago là linh mục Edward Foley, OFM dòng Phanxicô [38] ( Cha cũng là thầy dạy và là thesis director cho bằng tiến sĩ của Lm Xuân Thảo, OFM mà chúng ta rất quen biết ) .[39] Họ đã vận động và cổ võ cho một phong trào gọi là “new words and actions” .
Điển hình, theo họ nghĩ là nếu cứ hát đi hát lại nhiều lần "Lạy Chiên Thiên Chúa" thì dễ trở thành nhàm chán . Họ muốn thêm nhiều lời khác vào để hát trong phần nghi thức bẻ bánh nếu kéo dài . Chúng ta biết, các giáo xứ lớn ở Mỹ thường cho rước lễ bằng cả hai hình thức bánh và rượu . Và vì số người đông nên việc phân chia bánh và rượu ra các chén sẽ kéo dài thời giờ. Đó là chưa kể những Thánh Lễ đại trào có cả chục ngàn người lên rước lễ .
Các nhà canh tân phụng vụ đã dựa và lý do:
1) Được ”hát nhiều lần” và 2) Hình thức của kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là một kinh cầu (litany).
Vì là kinh cầu nên câu thưa “xin thương xót chúng con” mới là quan trọng, vì đây mới chính là lời cầu xin.
Chúng ta nhớ lại những kinh cầu mà chúng ta hay đọc trong kinh tối.
Ví dụ kinh cầu Đức Bà :
Xướng: "Đức bà là gương nhân đức ." Thưa: "Cầu cho chúng tôi ." Xướng: "Đức bà là toà Đấng không ngoan ." Thưa: "Cầu cho chúng tôi ." ...... Trong kinh cầu, câu xướng đọc lên những tước hiệu của Đức Mẹ . Câu thưa mới chính là những lời cầu xin của chúng ta . Do đó mới là câu quan trọng hơn .
Trong chiều hướng lý luận như vậy . Các nhà chuyên môn đã nói rằng mấy phút đồng hồ của nghi thức bẻ bánh kéo dài trong Thánh Lễ mà cứ đọc lặp đi lặp lại “Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian” hoài thì cũng ... chán, nên các ngài muốn thay đổi bỏ thêm vào những tước hiệu khác của Chúa Giêsu để ca đoàn hát câu xướng và cộng đoàn thưa lại "Xin thương xót chúng con" như đọc kinh cầu .
Nói vậy cũng có lý ! Và họ cũng tạo được ảnh hưởng lên tới HĐGM Hoa Kỳ.
Năm 1978, một Ủy Ban của HĐGM Hoa Kỳ về Phụng Vụ có thành lập một tiểu ban về Thánh Nhạc do Đức tổng giám mục Rembert Weakland làm chủ tịch . Và trong tờ thông tin BCL Newsletter số tháng 7-8 1979 có tường trình là tiểu ban đang tiến hành việc sửa đổi lại kinh Lạy Chiên Thiên Chúa . Các nhạc sĩ bây giờ được phép sáng tác những bản nhạc Agnus Dei mới để mang ra thử nghiệm .
Không có bằng chứng nào khác published công khai nói về kế hoạch thay đổi lời của kinh Agnus Dei này sau đó. Nhưng người ta cũng thấy là tiểu ban nghiên cứu về chương trình này cũng đã âm thầm giải tán .
Nhưng các nhạc sĩ thì vẫn còn được sáng tác những bài “Lạy Chiên Thiên Chúa” hát dưới hình thức kinh cầu, với nhiều lời thay đổi .
Năm 1995 bản dịch Bộ Lễ mới đã được HĐGM Hoa Kỳ chấp thuận rồi gửi sang cho toà thánh, trong đó kinh Lạy Chiên Thiên Chúa đã được đổi lời bằng tiếng Anh như sau:
"Jesus, Lamb of God: Have mercy on us. Jesus, bearer of our sins: Have mercy on us. Jesus, redeemer of the world: Give us your peace".
Chẳng nói chẳng rằng, Toà Thánh từ chối cái rụp !
Mặc dầu có sự từ chối này . HĐGM Hoa Kỳ cũng không có thông cáo gì thêm nói về "những bài hát trong vòng thử nghiệm" này có còn được tiếp tục hay không . Do đó nhiều nhạc sĩ vẫn tiếp tục "từng bước từng bước thầm," sáng tác thêm nhiều bản kinh "Lamb Of God" mới . Ví dụ Bộ Lễ của Owen Alstott do Oregon Catholic Press (OCP) phát hành vẫn đang được nhiều nơi xử dụng, trong đó có câu:
"O Morning Star, who guides us on our journey". Câu thưa là: "hear us as we pray".
Và cứ như thế "Lamb of God" được thay thế bằng "Morning Star", "Radiant Sun" hoặc "Rock of Strength", .... Giáo xứ St Vincent DePaul của tôi ở Texas vẫn hát kinh Lamb Of God kiểu này mỗi chủ nhật .
(còn tiếp)
----------------------
Chú thích:
[31] Sách Lễ Roma “Nghi Thức Thánh Lễ” Trích Sách Lễ Rôma, năm 2002 Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005 (Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006)
[32] Agnus Dei (in Liturgy) http://www.newadvent.org/cathen/01221a.htm
[33] http://biblecommenter.com/john/1-29.htm
[34] The Lamb (in Early Christian Symbolism) http://www.newadvent.org/cathen/08755b.htm
[35] Ý nghĩa của chữ "Chiên Thiên Chúa" trong bài "Con Chỉ Là Tạo Vật" . http://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=3241 và http://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=3329
[36] Cardinal Joseph Ratzinger, The Spirit Of The Liturgy , p98-103 (San Francissco: Ignatius Press, 1981)
[37] Robert W. Hovda and Gabe Huck, “There's No Place Like People”. (Washington, DC: The Liturgical Conference, 1969), p. 65.
[38] Edward Foley, OFM Cap., "Planning the Music" from It is Your Own Mystery, p. 35 (Washington, DC: The Liturgical Conference, 1977), cited in Gabe Huck, The Communion Rite at Sunday Mass, 18. (Chicago: Liturgy Training Publications, 1989).
[39] Joseph Nguyen Xuân Thảo, OFM "Music Ministry: The Inculturation Of Liturgical Vocal Music In Vietnam" Published by NSII-USA, Chicago, Illinois 2008
Trần Ngọc Đăng
[email protected] |
Edited by - Trantrungtruc on 03/11/10 19:44 |
|