Thanh-Nhac Forum
Thanh-Nhac Forum
Home | Profile | Active Topics | Forum Rules | Members | Private Messages | Search | Hỏi - Đáp
Username:
Password:
Save Password
Forgot your Password?

 All Forums
 C. Thánh Nhạc, Ca Đoàn
 C1. Thánh Nhạc
 Hãy nhớ lại phụng vụ Do Thái giáo ngày xưa
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Author Previous Topic Topic Next Topic  

linhtrieu

Tenore
22 Posts

Posted - 12/12/09 :  21:32  Show Profile  Email Poster Send linhtrieu a Private Message  Reply with Quote
Chắc hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc về tựa đề trên.
Tôi chỉ muốn đưa ra một vài ý kiến về phụng vụ ngày hôm nay sao không có được tinh thần như phụng vụ Do Thái giáo ngày xưa. Tinh thần đó là kính sợ Chúa, là quy hướng về Chúa như cùng đích của mọi sự.
Điều gì làm tôi phải phải viết ra suy nghĩ trên? Đó là tình hình thánh nhạc ngày hôm nay của Giáo Hội Việt Nam.
Nói về lịch sử âm nhạc, thời điểm hiện tại được coi là thời kỳ hiện đại của âm nhạc. Trước đó là thời Ba-rốc (baroque – tiền cổ điển), rồi tới thời cổ điển rồi thời lãng mạn. Âm nhạc hình như lại có chiều hướng đi xuống. Vì những giá trị như hoà âm, đối âm cổ điển nghiêm khắc bị coi như lỗi thời. Hiện tại, thế giới ngày nay thật hỗn loạn, con người chỉ muốn nhảy nhót, kích thích thân xác mình hoạt động để quên đi sự sợ hãi, chán chường do thời đại mang đến. Những hình thức âm nhạc kích động phổ biến đến nỗi chúng ta có thể nghe mọi lúc mọi nơi. Từ ti-vi đến đài phát thanh, từ nhạc trữ tình đến nhạc thiếu nhi…, tất cả đều có trống điệu xập xà xập xình, hoà âm nghèo nàn, hát bè “nho nhỏ, thoang thoảng” để tránh bị phát hiện lỗi sai. Những sáng tác sai luật cổ điển, cổ truyền và cả tân thời đúng nghĩa lại được ngụy biện là “tân thời”. Mà muốn biết tân thời thì phải am hiểu cổ điển chứ. Thế đó, một bức tranh âm nhạc hỗn độn, nhem nhuốc như tác phẩm “Ngày tận thế” của Michelangelo trong nhà nguyện Sixtine (Vatican) đã diễn tả.
Âm nhạc ngoài đời là thế, nay thánh nhạc trong Hội Thánh Công giáo cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thứ âm nhạc bất ổn đó. Từ thời thánh Giáo hoàng Gregorio Cả (03.9.590 – 12.3.604), các cung điệu bình ca kết hợp với các bản văn latin tạo nên những giai điệu thánh thiện đến tuyệt đỉnh. Nên nhớ rằng, hát bình ca như thế, chỉ hát có một bè và không có nhạc đệm. Ban đầu, khi Đức Gregorio ban hành kiểu hát này thì gặp chỉ trích khá dữ dội. Nhưng sau đó, những cung điệu thánh thiện đó chinh phục tất cả và chiếm vị trí tuyệt đối trong thánh nhạc của Hội Thánh Công giáo qua nhiều thế kỷ. Một thiên tài như W.A.Mozart (1756-1791) khi nghe bài sequentia của lễ Phục Sinh, bài “Victimae Paschali Laudes”, đã phải thốt lên là muốn đổi tất cả những bài mà ông sáng tác để lấy quyền tác giả của bài hát trên. Hiện nay, Đức Benedicto XVI đang cố gắng khôi phục những giai điệu bình ca trong những Hội Thánh địa phương. Với việc hình thành nhạc đa âm ở thế kỷ XVI, nhiều bài thánh ca đa âm được đưa vào phụng vụ, các nghị phụ tại Công đồng – đặc biệt ở khoá XXII và XXIII – đã đặt vấn đề và tranh luận gay gắt. Công đồng quyết định trao lại công việc cho một uỷ ban đặc biệt nghiên cứu và thẩm xét. Uỷ ban đặc biệt này đã cùng nhiều vị hồng y nghe một số bài thánh ca đa âm đặc biệt của Giovanni da Palestrina (1525-1594) tại nguyện đường Sixtine, đã thấy đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ. Nhạc đa âm làm cho thánh lễ thêm phần long trọng, điều hạn chế là nghe không rõ lời ca cho lắm, nên bình ca (nghe rất rõ lời) vẫn được chú trọng.
Hội Thánh Công giáo còn đưa ra nhiều hình thể âm nhạc trong phụng vụ và muốn các Hội Thánh địa phương thực hiện khi cử hành phụng vụ. Đó là antiphona (hát đối ca với một thánh vịnh lúc nhập lễ, dâng lễ và rước lễ), responsorium (đáp ca), sequential (hay dịch là ca tiếp liên), choral (hát không nhạc đệm hay có organ hoặc dàn nhạc phụ hoạ), motetum (khúc thánh ca đa âm điệu), canticum (ca khúc bình dân)… (muốn biết thêm thì có thể liên lạc nhạc sĩ Tiến Linh: [email protected], 0903023467, www.bhxpiox.com).
Vì hạn chế về trình độ dân trí, kiến thức về phụng vụ, về thánh nhạc và về lãnh vực âm nhạc nói chung (đặc biệt là hoà âm), nên ở các nhà thờ tại Việt Nam hay cả ở hải ngoại chỉ xuất hiện hình thể canticum (ca khúc bình dân). Một hình thể đơn giản mang vẻ tầm thường. Nhiều khi nhạc sĩ sáng tác xong, không biết gọi là gì thì cứ gọi là ca khúc, như thế thì chẳng ai phản đối.
Về hình thể đã tầm thường, còn tầm thường hơn nữa khi âm nhạc của thế tục tràn vào phụng vụ, với dàn trống kích động, với kiểu hát luyến láy, với những công thức nhịp điệu từ cây piano phòng trà không sao làm thánh hoá được tín hữu. Không thánh hoá được tín hữu thì quá bất xứng để tôn vinh Thiên Chúa theo đúng bản chất của thánh nhạc.
Từ nãy đến giờ, tôi mời các bạn xem qua tình hình âm nhạc thế giới và thánh nhạc Công giáo. Bây giờ, tôi trở lại vấn đề chính là nhìn lại phụng vụ của Do thái giáo với những con người cầu nguyện.
Chi tộc Lê-vi ngày xưa được Chúa tuyển chọn để cho việc phụng thờ Chúa (xem sách Lê-vi). Họ coi việc phụng thờ Chúa là trên hết và với một tinh thần là luôn kính sợ Chúa. Họ đâu màng chi việc khuyến khích giới trẻ đến với Đền Thờ bằng những hoạt động sôi nổi, hoạt nháo. Chúa bảo gì qua lời Mô-sê thì bao thế hệ tư tế Lê-vi đều răm rắp làm theo, xin lặp lại là làm với tinh thần kính sợ Chúa tuyệt đối. Họ chưa được vinh dự rước Mình Máu Chúa như chúng ta ngày hôm nay đâu.
Hỡi những nhà lãnh đạo tôn giáo ngày hôm nay, thánh lễ tôn vinh Chúa theo ý Chúa hay thoả mãn thị hiếu quần chúng? Những thứ nhem nhuốc ngoài đời làm người ta thoả mãn, nhưng có đủ tinh tuyền làm của lễ dâng cho Chúa không? Làm theo ý Hội Thánh là làm theo ý Chúa (Mt 16,19), đó là “trồng” là “tưới”, nhưng Chúa mới là Đầng làm cho lớn lên (1Cr 3,6). Chúa mới là Đấng “quyến rũ” chúng ta bằng sự thánh thiện tuyệt đối của Người (Gr 20,7), chứ không phải chúng ta kéo người khác đến nhà thờ bằng tiếng trống kích động kia. Sự nhem nhuốc đó đáp lại sự thánh thiện của Chúa sao?
“Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16)
Thánh lễ là sa mạc theo nghĩa Kinh thánh. Nơi đó, Chúa “thỏ thẻ tâm sự” với con người như chàng trai tâm sự với cô gái anh ta yêu. Bầu không khí thánh thiêng nhưng không kém phần lãng mạn đó bị phá vỡ bởi những tiếng đàn trống, tiếng hát bất xứng. Phải chăng việc phá bĩnh ấy giống như việc của các thiên thần làm trước toà Chúa? hay là của…
Với các tín hữu, chúng ta đến với Chúa vì Chúa nhân từ, hay không cảm nhận được Chúa thì cảm nhận qua lời giảng của linh mục, hay tiếng hát tiếng đàn thánh thiện. Ai muốn nghe nhạc kích động thì đến phòng trà. Xin đừng vào nhà thờ để nghe thứ nhạc đó và cũng đừng đem nó vào nhà thờ. Đừng để nhà Chúa ra ô uế (Mt 21,13).
Nói tóm lại, hãy kính sợ Chúa vì Chúa nhân từ và dâng cho Người những gì là đẹp nhất.
Ai không có kiến thức về nhạc, hãy tìm danh sư về thánh nhạc mà học, để tôn vinh Chúa cho hợp ý Người. Amen.
Linh Triều (Chủ nhật màu hồng, 13.12.2009)
Tôi viết bài này sau khi tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa.
[email protected]
  Previous Topic Topic Next Topic  
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Jump To:
Thanh-Nhac Forum © calendi.com Go To Top Of Page
Powered By: Snitz Forums 2000 Version 3.4.05