Thanh-Nhac Forum
Thanh-Nhac Forum
Home | Profile | Active Topics | Forum Rules | Members | Private Messages | Search | Hỏi - Đáp
Username:
Password:
Save Password
Forgot your Password?

 All Forums
 D. Linh Tinh
 D5. Tin Tức Góp Nhặt
 Có qui định về Thánh ca với Danh Chúa...?
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Author Previous Topic Topic Next Topic  

dovyha

CT/NC
653 Posts

Posted - 10/10/12 :  11:56  Show Profile  Email Poster Send dovyha a Private Message  Reply with Quote
Giải đáp phụng vụ:
Có qui định về Thánh ca với Danh Chúa ở ngôi thứ nhất số ít không?

(Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/100474.htm)


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi có một câu hỏi về việc sử dụng âm nhạc trong phụng vụ. Một linh mục đã nói rằng chúng ta không nên hát những bài hát mà chúng ta hát như thể là Chúa đang nói: "Ta, Chúa của đại dương và bầu trời, Ta đã nghe tiếng dân ta kêu khóc ..." hoặc "Ta là bánh sự sống ..." Có qui định gì về điều này không? Tôi đã làm một nghiên cứu nhỏ, nhưng không thể tìm ra câu trả lời. - D. E., San Jose, California (Mỹ)


Đáp: Mặc dù có một ý kiến rộng rãi cho rằng các bài hát này không nên được sử dụng, nhưng trong thực tế không có qui định nào rõ ràng cấm chúng cả.

Một số người lập luận rằng lời của các bài thánh ca như vậy không tạo ra một phần của truyền thống phụng vụ Công giáo. Trong đó, có một lý luận hợp lệ, vì các bài hát của loại này là khá mới lạ trong danh mục bài hát. Tuy nhiên, đó không phải là một lý luận rất mạnh mẽ, bởi vì việc đưa các bài hát vào Thánh Lễ là một sự mới lạ hậu Công đồng trong Giáo Hội, vì vậy không có truyền thống cho việc này.

Đúng là trong một số nền văn hóa, các tín hữu đã hát thánh ca trong khi Thánh lễ đang diễn ra. Nhưng các bài thánh ca này, trong một cách nào đó, là tiếp sát với thánh lễ, chứ không hội nhập vào chính Thánh lễ. Tôi nghĩ đúng là phải nói rằng ngoài Các Giờ Kinh Phụng Vụ, người Công Giáo trước Công Đồng chung Vatican II đã hát các thánh thi, chủ yếu như là một phần của đạo đức bình dân, chứ không phải trong Thánh Lễ.

Cũng là điều quan trọng là phải nhớ rằng ngay cả ngày nay, các bài thánh ca ấy được xem như là thay thế cho việc hát các bản văn chính thức, chẳng hạn ca nhập lễ và điệp ca hiệp lễ. Kiểu thức bốn bài hát, vốn trở thành điển hình trong Thánh Lễ trong hình thức thông thường, đã phát triển, bởi vì các phiên bản âm nhạc bản xứ của các bản văn chính thức hầu như không tồn tại, và khả năng hợp pháp của việc sử dụng các bài Bình ca hiện tại vẫn không được dùng đến.

Trong những năm gần đây, một vài nhạc sĩ đã bắt đầu soạn nhạc cho các bản văn của chính Thánh lễ bằng ngôn ngữ địa phương. Người ta hy vọng rằng phong trào này sẽ tiếp tục phát triển và cuối cùng thay thế cho kiểu thức bốn bài hát.

Chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi về bản văn đặt Thiên Chúa trong ngôi thứ nhất. Để đạt được một phán đoán, tôi nghĩ rằng lúc này chúng ta có thể bỏ qua cuộc thảo luận về chất lượng âm nhạc của các bài thánh ca này, vốn đi từ tao nhã đến vô vị.

Tôi cũng nghĩ thật là công bằng để nói rằng không ai thực sự nghĩ rằng họ đang nói như là Chúa nói, khi họ hát các bài hát ấy. Thay vào đó, họ nhận thức rằng đây là Kinh Thánh và sứ điệp được nói với họ và với nhiều người khác nữa. Chắc chắn rằng các bản văn dựa vào Kinh Thánh là một phần của truyền thống Công Giáo và các khuyến nghị của Giáo Hội về bài thánh ca.

Tôi xin nói rằng câu hỏi, về tính hợp pháp và sự tiện lợi của các bản văn này, chủ yếu tóm lại là liệu chúng ta có thể tìm thấy bất kỳ nền tảng cho chúng, trong các nguồn truyền thống và nguồn phụng vụ chính thức không.

Thỉnh thoảng chúng ta tìm thấy một vài bài thánh ca, trong đó ca đoàn hoặc cộng đoàn hát hoặc đọc bản văn, mà ở đó Chúa là ở ngôi thứ nhất số ít. Ví dụ rõ ràng nhất là các lời trách móc trong Thứ Sáu Tuần Thánh: "Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi, hay Ta đã làm phiền chi ngươi. Hãy trả lời Ta đi... Phải chăng vì Ta dẫn ngươi qua sa mạc bốn mươi năm trường, cho ngươi ăn manna, và đưa ngươi vào đất hứa, mà người dọn thập tự cho Đấng đã cứu ngươi...”

Đôi khi các điệp ca hiệp lễ sử dụng bản văn ở ngôi thứ nhất số ít, mặc dầu thường chèn một cụm từ, chẳng hạn “Chúa nói”, vốn loại bỏ mọi ngờ vực về ai đang nói. Do đó, thứ Hai tuần đầu tiên của Mùa Chay: "Amen, Thầy bảo thật cho anh em: sự gì anh em làm cho người bé mọn nhất của Ta, là làm cho Ta, Chúa nói. Hãy đến, hỡi người được Cha ta chúc phúc, hãy tiếp nhận Nước Trời dọn sẵn cho anh em từ thuở tạo dựng trời đất...”.

Tuy nhiên, có những lần các chữ thêm này bị bỏ qua. Ví dụ, điệp ca hiệp lễ của Chủ Nhật thứ hai Mùa Chay: "Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Và điệp ca hiệp lễ của Chủ Nhật Lễ Lá: "Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho Con khỏi uống chén này, đừng theo như ý Con, một xin vâng ý Cha đã định trước muôn đời”. Cũng thế, Thứ Năm sau Chủ Nhật thứ hai Phục Sinh: "Này, Thầy ở lại với anh em luôn mãi, cho tới ngày tận thế, alleluia."

Danh mục các bài Bình ca cũng có một vài ví dụ về bài hát có Chúa ở ngôi thứ nhất số ít. Ví dụ, Alleluia của ngày lễ Thánh Tâm, "Tollite iugum meum ... [Hãy mang lấy ách của Ta]" được lấy từ Mt 11, 29. Một điệp ca dâng lễ được sử dụng vào ngày lễ này, "Improperium expectavit cor meum ... [Lời thóa mạ làm tim Ta tan vỡ]", là một câu của Tv 69, 20 nhưng mà Phụng vụ đặt lời này vào miệng của Thánh Tâm Chúa.

Để kết luận, bất kỳ bài hát nào thực sự đồng hóa ca sĩ với Thiên Chúa sẽ sa vào sai lầm tín lý, và không bao giờ được sử dụng.

Tuy nhiên, nếu một bài hát lấy lời từ bản văn Kinh Thánh, hoặc liên quan chặt chẽ với bản văn Kinh Thánh, do đó không có nguy hiểm về sai lầm tín lý, tôi sẽ nói rằng việc sử dụng chúng không thể bị loại trừ như là một vấn đề nguyên tắc. Thật là cần thiết để xem xét riêng từng bài hát, và đánh giá nó trên giá trị giáo lý, văn chương và âm nhạc của nó. (Zenit.org 9-10-2012)

Nguyễn Trọng Đa
  Previous Topic Topic Next Topic  
 New Topic  Reply to Topic
 Send Topic to a Friend
 Printer Friendly
Jump To:
Thanh-Nhac Forum © calendi.com Go To Top Of Page
Powered By: Snitz Forums 2000 Version 3.4.05