Dẫn Nhập


(trích trong cuốn Điều Khiển Hợp Ca I)
Phạm Đức Huyến

Dẫn Nhập
Thiếu triệt nhiệm vụ Ca trưởng
Kiết thức tổng quát
Kỹ thuật tập hát và huấn luyện Ban hợp ca
Kỹ thuật đánh nhịp và nghệ thuật điều khiển
Kết luận
[Back]


I. Dẫn Nhập

"Âm nhạc là cửa ngõ của tâm hồn". Một nhà hiền triết Hy-lạp đã dùng hình ảnh ví von đó để diễn tả sự tương quan mật thiết giữa âm nhạc và đời sống con người.

Âm nhạc còn hơn thơ văn hay bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác, chính là hình thù tươi mát thơ mộng mà chân tướng khô khan cao siêu của triết lý nhập vào.

Âm nhạc được mặc cho nhiều bộ áo đầy đủ các mầu sắc, nêu ra một hình thức cộng tác rất cao độ, thuyết minh sự cần yếu phải kết hợp và tha thiết mời gọi hòa đồng.

Một lời diễm tình đơn sơ, riêng lẻ cất lên đâu đó, nhất là từ miệng giai nhân giữa cung trời chiều lam tím, vắng lặng, xa xôi... Ôi tuyệt làm sao!

Nhưng vẫn chưa hơn bài hợp ca, đồng ca tiễn biệt của dân chúng trước giờ chết thảm, mới thật là tuyệt diệu: làm mềm tay những tên đao phủ, làm sa lụy thiên thần trên cao, làm xót xa lòng nhân loại...

Bản đồng ca đẵn gỗ kéo thuyền của đám dân chúng chất phác khi tưới mồ hôi vun quén cuộc đời, đã làm dịu vơi những khó nhọc, làm cháy bừng sức sống, làm hồng lên tin yêu...

Một giọng ca như mật ngọt, nhiều giọng ca hợp lại còn ngọt ngào hơn.

Cái đẹp từ mong manh nhỏ bé tiến tới vĩ đại bao la.

Thế nên, Ban hợp ca, hay ca đoàn, một nỗ lực tinh tế hóa các giọng ca cất lên, cùng hòa hợp với nhau trong âm thanh, cùng hợp nhất với nhau trong kỹ thuật, để làm sống lại bản nhạc với tất cả giá trị nghệ thuật sâu thẳm tiềm ẩn bên trong.

Ban hợp ca diễn tả bài hát với tất cả tâm tình, do nghệ thuật điều khiển "sống động' của Ca trưởng, chắc chắn mục đính thông đạt sẽ rất cao. Để cuối cùng đạt được chữ "HÒA" cao siêu của âm nhạc; hòa cùng trời đất, hoà với nhân loại.

Để đạt được mục đích trên, sứ mạng của Ca trưởng thật là nặng nề trong nghệ thuật trình tấu, trong việc tổ chức, nuôi dưỡng, huấn luyện và phát triển Ban hợp ca. Công việc đòi hỏi Ca trưởng phải có kiến thức âm nhạc tổng quát sâu rộng, cũng như kiến thức chuyên môn và điều khiển hợp ca thật tinh tế. Ý thức được như vậy, chúng ta cùng bắt tay vào việc tra cứu và rèn luyện.

Trên nguyên tắc, để tham dự các lớp Ca trưởng, các học viên đã có kiến thức về hòa âm, đối âm, tẩu pháp, và biết xử dụng dương cầm (piano) hay quản cầm (organ).

Nhưng với hoàn cảnh thực tế, vì nhu cầu công việc, các học viên học kỹ thuật đánh nhịp song song với các môn khác như hòa âm, thanh nhạc, vv... [TOP]

II. Thấu Triệt Về Phần Vụ Ca Trưởng

Hiểu sơ lược về Ban hợp ca trong việc tổ chức, mối tương quan, mục tiêu, và đặc tính:

Để xác định vị thế của Ca trưởng đối với Ban hợp ca.

Để kiểm kết cùng tra cứu yếu tính phần vụ của Ca trưởng. [TOP]

III. Kiến Thức Tổng Quát

1. Phải hiểu thấu cặn kẽ các nguyên tắc, và nhất là phải "sống" trong những yếu tố cấu tạo bản nhạc, như:

a.) Nhạc điệu: Hiểu về cơ cấu các thể nhạc, âm điệu, nét nhạc: Trưởng - Thứ - Bình Ca - Ngũ Âm.

b.) Tiết tấu: Hiểu về sự móc nối, liên kết các nốt trong bản nhạc thuộc đủ các cấp bậc của tiết tấu như: Tiết tấu cơ bản, tiết tấu đơn, tiết tấu kép, tiết tấu chi, tiết tấu câu, tiết tấu đoạn và tiết tấu bài.

c.) Hòa âm: Hiểu sự liên kết giữa các bè trong Ban hợp ca để xem, để nghe... hầu xác định được tình ý trong tác phẩm.

Nếu Ca trưởng không tinh tường và thấu đáo những điểm căn bản trên, thì chính nhiên liệu sẽ dấy loạn, tức là sẽ đem đến sự lộn xộn lúc trình tấu. Trình tấu sẽ không thoát, không thể hiện được ý của tác giả.

2. Ca trưởng còn phải vận dụng tới những sự hiểu biết về:

a.) Lịch sử: Lịch sử của các thể nhạc, hòa âm, các lối viết của mỗi loại, mỗi thời kỳ...

b.) Ngôn ngữ: Hiểu về loại tiếng có vần nặng - vần nhẹ, nhất là thấu đáo về ngôn ngữ Việt Nam, là một loại tiếng độc vần có 5 dấu, 6 giọng, đổi dấu và đổi nghĩa.

c.) Nhạc cụ: Nếu chỉ dùng mắt để xem một bản nhạc, thì không mường tượng được âm thanh thực tế của tác phẩm. Ca trưởng cần phải biết xử dụng dương cầm hay quản cầm để nghe được âm thanh thực tế của bản nhạc.

d.) Hiểu ý tác giả: Ngoài ra, Ca trưởng còn phải nghiên cứu kỹ bản nhạc để hiểu rõ được những trạng thái khúc mắc sâu thẳm của tâm hồn tác giả, mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm của mình. [TOP]

IV. Kỹ Thuật Tập Hát và Huấn Luyện Ban Hợp Ca

Để tập hát cho Ban hợp ca, Ca trưởng cần phải biết tiến trình "dựng" một bản hợp ca từ lúc hát đúng cho tới lúc rút "linh hồn" của bản nhạc ra. Ca trưởng cũng cần có một giọng ca khả quan để hát mẫu cho Ban hợp ca khi tập hát. Biết dùng những phương pháp huấn luyện Ban hợp ca để mỗi ngày giọng ca tròn hơn, vang hơn, rõ lời ca hơn. Vì thế, Ca trưởng cần phải:

1. Biết tiến trình "dựng' một bản nhạc qua những giai đoạn:

a.) Hát đúng.

b.) Hát rõ lời ca.

c.) Hát sống động.

d.) Hát diễn tả tâm tình.

2. Học luyện giọng:

Ca trưởng cần học luyện giọng để đủ vốn liếng huấn luyện cho Ban hợp ca đạt được giọng ca đồng nghất - tròn tiếng - vang tiếng - và rõ lời ca. Phần này sẽ đề cập đến: bộ máy phát âm, những hoạt động của bộ máy phát âm, đọc lời ca, thực hành... [TOP]

V. Kỹ Thuật Đánh Nhịp và Nghệ Thuật Điều Khiển.

Để đạt được một nghệ thuật điều khiển sống động, tay nhịp Ca trưởng cần 3 yếu tố: sắc bén, hiệu qủa và ngoạn mục.

Quá trình học hỏi và rèn luyện trải qua 3 giai đoạn:

1.) Thời kỳ bắt chước.

Tập đánh nhịp gọn gàng, đúng nguyên tắc chung, chính xác các loại nhịp và nhạc sắc...

2.) Thời kỳ chuyển tiếp.

Vừa bắt chước vừa biểu lộ cá tính. Pha trộn lối đánh nhịp căn bản với lối phác họa tiết tấu...

3.) Thời kỳ sáng tạo.

Dựa trên những kiến thức và các kỹ thuật đánh nhịp ở hai thời kỳ trên, Ca trưởng phát huy và sáng tạo cho mình những nét độc đáo để tiến từ kỹ thuật đánh nhịp đến nghệ thuật điều khiển thực thụ.

Ba giai đoạn này diễn tiến trong chương trình 3 năm huấn luyện Ca trưởng I, II, và III. [TOP]

VI. Kết Luận

Chỉ khi nào Ca trưởng am hiểu sâu rộng về các vấn đề trên, Ca trưởng mới thực sự tìm thấy "linh hồn" của bản nhạc, và biết mình phải làm những gì khi tập hát và khi trình tấu. Tất cả những sự hiểu biết trên sẽ biểu lộ ra ngoài nét mặt, là tấm gương phản chiếu linh hồn của bản nhạc, và tự nhiên sẽ chan hòa ra hai cánh tay và toàn thân con người của Ca trưởng.

Để kết thúc phần này, chúng tôi xin mượn lời của vị Ca trưởng bậc thầy, Hải Linh, đã căn dặn và nhắc nhở đến lý tưởng phục vụ của những người tình nguyện dấn thân trong các lãnh vực: sáng tác, điều khiển và ca hát, như sau: "Muốn trở thành người nghệ sĩ chân tài, phải có một tấm lòng trong trắng, quảng đại và khiêm nhu. Chứ làm sao mà đạt đến một nghệ thuật cao siêu, với tấm lòng chứa đầy ghen tỵ, nhỏ nhen, lỗ mãng và kiêu căng." [TOP]

[Back]